Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Cải cách toàn diện để phát triển đất nước (2)

Cải cách toàn diện để phát triển đất nước (2)


C. Việt Nam hiện nay: Thực trạng và nguyên nhân

Phân tích hiện trạng Việt Nam, chúng tôi thấy có quá nhiều vấn đề đang làm cho nền tảng xã hội bị lung lay, đất nước suy yếu. Hầu hết những vấn đề đó bắt nguồn từ thể chế và cơ chế.
1. Về kinh tế
Hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam tuy hàng công nghiệp chiếm khoảng 60% nhưng chủ yếu vẫn là những ngành dùng nhiều lao động giản đơn. Thêm vào đó, sản xuất các mặt hàng này phải phụ thuộc vào nguyên liệu và sản phẩm trung gian nhập khẩu. Các loại máy móc, những sản phẩm có hàm lượng kỹ năng lao động cao chỉ chiếm khoảng 10% tổng xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nông sản, nguyên liệu. Từ năm 2002 nhập siêu của Việt Nam tăng nhanh và gần đây khuynh hướng này càng mạnh hơn. Nhập siêu quá lớn đang gây ra bất ổn vĩ mô.
Trong 5 năm qua, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đi theo hướng hầu như mở toang cửa nền kinh tế mà không kèm theo việc thiết lập một hệ thống pháp lý cần thiết nhằm giám sát các mặt trái của nền kinh tế thị trường. Kết quả là Việt Nam đã vô tình xây dựng và củng cố một nền kinh tế tư bản hoang dã phục vụ các nhóm lợi ích (nhất là các tập đoàn kinh tế), phá hoại tài nguyên thiên nhiên, bòn rút của công làm giàu cho cá nhân trong khi lao động chân chính phải khổ sở với đồng lương thấp trước sự leo thang của vật giá.
Từ năm 2006 Việt Nam cho phép lập các tập đoàn kinh tế nhưng không đi kèm quy định giám sát cần thiết cũng như điều kiện buộc phải xác lập hệ thống quản lý doanh nghiệp, minh định rõ trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo công ty. Điều này đã đưa đến hậu quả nghiêm trọng, trở thành một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng hiện nay. Sự đổ vỡ của Vinashin cho thấy bản chất của các tập đoàn kinh tế.
Chính sách phân quyền xuống địa phương đã không phát huy được sức sáng tạo và cạnh tranh để phát triển mà ngược lại, mở cửa cho những người có chức có quyền ở địa phương lợi dụng cơ hội đào khoét tài nguyên đất nước để làm giàu cá nhân, kể cả việc giao đất và tài nguyên cho nước ngoài khai thác ở những nơi trọng yếu về an ninh và quốc phòng. Luật Đất đai coi đất đai là sở hữu công, do đó dành cho chính quyền quyền thu hồi đất của bất cứ ai. Luật lại giao quyền này cho Ủy ban Nhân dân ở mọi cấp, xuống tận cấp quận, huyện, với giá do chính Ủy ban Nhân dân quyết định nhằm mục đích “phát triển kinh tế”. Đây chính là lý do nhiều đất đai mầu mỡ của nhân dân bị thu hồi để làm khu phát triển công nghiệp, sân gôn, hay xây nhà kinh doanh. Do được phân quyền, nhiều địa phương giao đất rừng, hầm mỏ cho công ty Trung Quốc khai thác trong 50 năm, kể cả những vùng nhạy cảm về an ninh mà trung ương không biết. Ngoài ra, tình trạng thu hồi đất có tính cách cưỡng chế đã giải thích tại sao có quá nhiều vụ dân oan liên quan đến đất đai.

Chính sách phân quyền hoàn toàn hợp lý để tạo sự chủ động, sáng tạo cũng như nhằm giải quyết các vấn đề riêng của địa phương, kể cả tạo cạnh tranh giữa địa phương này và địa phương khác. Nhưng thực tế các yếu tố tích cực đó đã không phát huy tác dụng, ngược lại chỉ làm nảy sinh các mặt tiêu cực. Tại sao như vậy? Đó là do năng lực yếu kém và thiếu tinh thần trách nhiệm của nhiều lãnh đạo địa phương như sẽ nói dưới đây.
Quy hoạch phát triển cũng là vấn đề đáng lo ngại của ta. Nhìn chung, cho đến nay quy hoạch nặng tính chất áp đặt, nóng vội, duy ý chí, thiếu thiết kế tổng thể và nhiều khi thiếu tính chuyên nghiệp. Những yếu kém này thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Trong phát triển đô thị thì đó là việc quy hoạch vội vã, thiếu khoa học dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông liên tục và kéo dài, ngập úng do mưa, đào đường, đắp đường, chắn lô cốt … ở khắp mọi nơi. Trong đầu tư thì đó là tình trạng đầu tư theo phong trào, tràn lan kém hiệu quả như việc đầu tư trong nhiều dự án về kết cấu hạ tầng, về nhiều dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ kém hiệu quả. Việc quy hoạch phát triển yếu kém dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên cạn kiệt, ồ ạt, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không tính đến hiệu quả lâu dài; không xét đầy đủ đến tất cả các khía cạnh liên quan đến hiệu quả kinh tế, văn hóa, môi trường, v.v. Nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Điển hình của việc này là nhiều dòng sông đã và đang bị các công ty đua nhau “bức tử”. Nguồn nước sinh hoạt, nước trong các ao hồ từ các thành phố lớn đến nông thôn cũng bị ô nhiễm ở rất nhiều nơi. Chính do ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ở nhiều vùng đã xuất hiện những “làng ung thư”. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp bách và đòi hỏi chính quyền phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường và chất lượng nguồn nước. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng ở trạng thái báo động và ô nhiễm ở các làng nghề cũng ở mức nguy hiểm.
Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của quy hoạch, do khả năng hạn chế của chính quyền địa phương, và không loại trừ những toan tính tư lợi hoặc lợi ích cục bộ của những người có trách nhiệm.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình hình kinh tế như hiện nay? Chúng tôi cho là có ba nguyên nhân sâu xa.
Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì phương châm xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đó chủ trương vai trò chủ đạo của sở hữu nhà nước, của kinh tế nhà nước. Từ khi có phương châm này (1991), do sự thuyết phục của những người có tư tưởng cải cách, nội dung có thay đổi một phần nhưng cái cốt lõi vẫn giữ nguyên mà hiện thân của nó là các tập đoàn kinh tế do nhà nước lập ra. Nhiều tập đoàn kết nối với một số lãnh đạo làm thành những nhóm lợi ích chi phối chính sách kinh tế. Khi có sai phạm các lãnh đạo đó bám theo phương châm nói trên của Đảng để trốn trách nhiệm.
Thứ hai, trong cơ quan nhà nước, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng và thiếu động cơ để quan chức, lãnh đạo các bộ phấn đấu để bộ mình giải quyết các vấn đề lớn của đất nước. Ngược lại, ta thấy nhiều trường hợp họ chạy theo những hoạt động ngoài công việc mình phụ trách, lãng phí thì giờ và công quỹ. Có bộ trưởng phụ trách kinh tế trong lúc kinh tế khủng hoảng lại dành thời gian hướng dẫn nghiên cứu sinh viết luận án tiến sĩ, vốn là việc của giáo sư đại học. Có cục trưởng phụ trách vấn đề giá cả trong lúc lạm phát người dân khốn đốn lại bỏ đi đóng phim! Suốt trong hơn 10 năm qua, ai cũng thấy rõ công nghiệp Việt Nam thiếu sức cạnh tranh, hàng hóa của Trung Quốc ào ạt tràn vào nước ta, doanh nghiệp nhỏ và vừa không phát triển được, v.v. Cũng đã có rất nhiều đề án, chiến lược được trí thức trong và ngoài nước đưa ra, kể cả phân tích của học giả nước ngoài và các cơ quan quốc tế, nhưng tất cả đều bị xếp lại, không được chuyển thành chính sách để thực hiện.
Thứ ba, một phần liên quan đến vấn đề thứ hai vừa đề cập, trình độ, năng lực, tư cách của rất nhiều quan chức các cấp ở trung ương và địa phương không đạt yêu cầu. Rất tiếc chúng ta chưa chứng kiến những hình tượng lý tưởng của nhà cầm quyền “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, còn người ngược lại thì quá nhiều. Trong cơn bão giá làm dân chúng điêu đứng mà trách nhiệm chính ở những bộ liên quan, nhưng tiền mua xe hơi của quan chức cao cấp được tăng lên và được giải thích đó là chính sách đối phó với giá cả leo thang! Thí dụ tương tự về sự vô cảm, vô trách nhiệm của quan chức thì quá nhiều. Hậu quả tiêu cực của chính sách phân quyền đã nói phần lớn là do trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn và tư chất đạo đức của các chức trách địa phương. Chúng ta nghe nhiều về các hiện tượng tiêu cực ở địa phương hơn là những điển hình tiên tiến, ít thấy những lãnh đạo dấn thân vì dân giàu nước mạnh ở địa phương mình. Hiện tượng đưa người thân quen vào bộ máy công quyền rồi trang bị thêm bằng cấp đạt được bằng con đường bất minh cũng làm suy yếu bộ máy hành chính ở rất nhiều nơi
2. Về văn hóa
Văn hóa, đạo đức xã hội đang suy thoái trầm trọng. Chưa khi nào tin tức về tệ nạn xã hội lại có mật độ dày đặc như hiện nay. Dường như, cái xấu và cái ác đang hoành hành ngoài xã hội và tràn lên mặt báo mỗi ngày. Kỷ cương, phép nước bị coi thường, tính tự giác tôn trọng pháp luật và các quy ước xã hội và văn hóa rất thấp. Mê tín dị đoan lên ngôi, không chỉ ở tầng lớp đại chúng mà ngay ở cả một số cán bộ cao cấp ở các cơ quan công quyền. Hiện tượng “buôn thần bán thánh” trở thành phổ biến. Những chuẩn mực về văn hóa, những giá trị phổ quát như chân-thiện-mỹ đã bị sự giả dối, cái xấu và cái ác bóp nghẹt không nhân nhượng.
Hệ quả của điều này là các thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn. Sự tự trọng, danh dự đã bị sự giảo hoạt, gian dối lấn át. Người ta sẵn sàng làm đồ giả để dâng cúng Quốc tổ, Quốc mẫu; sẵn sàng tranh cướp trong các lễ hội hoa; sẵn sàng túc trực chen lấn xô đẩy đến hỗn loạn trong lễ hội phát ấn.
Chưa bao giờ, nhân phẩm của con người có thể bị xúc phạm dễ dàng và tính mạng của con người có thể bị coi rẻ như vậy. Những vụ đánh giết nhau với hung khí xảy ra thường xuyên, nhiều khi chỉ vì những nguyên nhân không đâu. Không chỉ giữa những người dân bình thường với nhau, mà còn cả giữa đại diện của cơ quan công quyền với dân chúng. Vốn văn hóa dân tộc trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết trước sự tấn công của văn hóa ngoại, đặc biệt là văn hóa Trung Quốc dưới mọi hình thức, thể loại.
Một điều hết sức đáng băn khoăn là thế hệ thanh thiếu niên đang lớn lên trong một môi trường thiếu hình mẫu cá nhân về lý tưởng và đạo đức, do vậy dễ quen một cách tự nhiên với các thói xấu như quay cóp, gian lận thi cử, đạo văn, hối lộ… Tính vị kỷ được đề cao, đi liền cùng sự thờ ơ với các vấn đề của xã hội, của đất nước.
Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng suy thoái đạo đức, văn hóa này là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng; sự băng hoại, tha hóa của nhiều công chức qua việc tham nhũng và hối lộ; và sự kiểm soát báo chí và truyền thông, – vũ khí mạnh nhất để chống lại tham nhũng, bất công, giả dối, ác độc – đã làm cho công luận bị hạn chế và vô hiệu hóa.
3. Về giáo dục
Giáo dục là vấn đề được toàn xã hội Việt Nam quan tâm nhất từ nhiều năm nay. Từ cuối thập niên 1990 nhà nước đã đưa giáo dục lên quốc sách hàng đầu, nhưng thực tế thì tình hình giáo dục ngày càng tụt hậu, sa sút, nhất là trong những năm gần đây. Một vài điểm nổi bật dễ thấy của giáo dục Việt Nam trong những năm qua như sau.
Một là chất lượng đào tạo sút kém, từ bậc phổ thông đến đại học và càng lên cao chất lượng càng yếu. Nhìn tổng thể, giáo dục Việt Nam chưa đào tạo đủ những người có kiến thức và năng lực để đáp ứng nhu cầu của phát triển đất nước. Nhân lực đào tạo ra ở cuối bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề còn ở khoảng cách xa với đòi hỏi thực tế của các ngành nghề và xã hội.
Hai là hệ thống giáo dục phổ thông gây ra nhiều hiện tượng làm bức xúc trong xã hội như tổ chức quá nhiều kỳ thi, lãng phí sức người, sức của; dạy thêm, học thêm tràn lan; chương trình giáo dục và sách giáo khoa luôn thay đổi nhưng chất lượng không được cải thiện. Ngoài ra, bệnh thành tích và các tệ nạn tham nhũng trong giáo dục hết sức phổ biến.
Ba là giáo dục đại học có chất lượng nói chung còn thấp, gần đây lại phát triển hỗn loạn với nhiều trường tư chạy theo lợi nhuận lại được cấp phép bừa bãi, không đáp ứng một quy hoạch có cân nhắc nào. Tình trạng nói trên dẫn đến hiện tượng “tị nạn giáo dục”, khi những người giàu có ở Việt Nam, kể cả các quan chức trong Đảng và chính phủ, đều tìm cách cho con em ra nước ngoài học, thậm chí từ cấp phổ thông.
Bốn là bằng cấp trở thành mục đích, là cứu cánh của cả xã hội, và các tệ nạn học vẹt, học tủ, bằng giả, gian lận trong thi cử, … không hề được bài trừ một cách kiên quyết. Nhiều quan chức bị tố cáo trên báo chí về việc dùng bằng giả hay gian lận thi cử rồi cũng được bỏ qua, thậm chí được bổ nhiệm chức vị cao hơn. Hiện tượng mua bằng, sao chép luận án, thuê viết luận án, v.v. đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức học đường nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Năm là chế độ phong chức danh phó giáo sư và giáo sư ở đại học còn nhiều bất cập. Các tiêu chuẩn phong chức danh hiện nay không khuyến khích nhà giáo đại học hướng đến những nghiên cứu khoa học đích thực, có ý nghĩa mà thường làm những việc để dễ có “điểm” theo quy định không đâu có của việc phong chức danh. Ngoài ra, các chức danh này lẽ ra chỉ dành cho người giảng dạy đại học hoặc nghiên cứu khoa học, nay được phong ở nhiều ngành cho nhiều người vốn không có vị trí giảng dạy đại học hay nghiên cứu ở cơ quan khoa học, làm cho nhiều quan chức hành chính nhảy vào tham gia công việc của đại học một cách không thích đáng.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút của giáo dục đã được bàn luận rộng rãi, chúng tôi cho rằng các nguyên nhân sau đây là chính yếu.
Một là giáo dục của Việt Nam trong những năm qua thiếu một tầm nhìn chiến lược tổng thể; thiếu kiên quyết theo đuổi một triết lý giáo dục xác định; thiếu kế hoạch đồng bộ từ cơ cấu tổ chức đến triển khai các hoạt động giáo dục; ở rất nhiều nơi, sự cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục. Thêm nữa là nội dung giáo dục nặng nề, phương pháp dạy và học lạc hậu, chậm đổi mới; và trên hết là thiếu những người lãnh đạo ngành giỏi cùng một đội ngũ quản lý giáo dục hiệu quả. Những cố gắng thay đổi của ngành giáo dục trong những năm qua thường mang tính vụn vặt, chắp vá, nhiều khi do quyết định vội vã của một vài cá nhân và càng làm tình hình thêm rối.
Hai là lương của giáo viên quá thấp làm họ không thể vô tư toàn tâm toàn ý với công việc. Do giáo viên phải tự bươn chải trong một xã hội cha mẹ sẵn sàng làm mọi việc cho sự học của con cái, nhiều tiêu cực đã nảy sinh, ảnh hưởng đến tư cách và hình ảnh người thầy, vốn là điều kiện tiên quyết cho thành bại của giáo dục.
4. Về y tế
Tình trạng bệnh tật và y tế của nước ta thật hết sức đáng lo.
Số người chết vì tai nạn giao thông làm nhức nhối xã hội, nhưng nguyên nhân tử vong trong các bệnh viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn, cúm, sốt rét còn cao hơn nhiều. Mẫu số chung của các bệnh này là tình trạng thiếu dinh dưỡng vì nghèo khó, là môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, là sự bất cập trong chính sách về y tế và thiếu đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc.
Dịch vụ y tế ở Việt Nam có phát triển trong những năm vừa qua (số lượng cán bộ nhà nước làm về y tế tăng xấp xỉ 40% trong giai đoạn 1995-2009, và có thêm nhiều cơ sở y tế tư nhân xuất hiện), nhưng tình trạng quá tải ở các bệnh viện công, với hiện tượng 2-3 người phải nằm chung một giường bệnh ở nhiều nơi, không giảm đi mà thậm chí có phần tăng lên. Lý do là, tuy dịch vụ y tế tăng lên, nhưng bệnh tật ở Việt Nam còn tăng nhanh hơn. Ví dụ, nếu năm 2000 cứ 100 nghìn người có 242 ca ung thư, thì đến năm 2010 con số này đã tăng lên thành 315 ca, so với trung bình trên thế giới là dưới 200 ca. Nếu như trong giai đoạn 2002-2006 cứ 100 người thì có 9 lượt nhập viện trong năm, thì đến năm 2009 con số đó đã tăng hơn 30% thành 12 lượt nhập viện, thuộc loại cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ bệnh tật tăng nhanh là cái giá mà Việt Nam đang phải trả cho kiểu phát triển kinh tế thiếu bền vững, thói làm ăn giả dối dẫn đến môi trường bị ô nhiễm và thực phẩm độc hại.
Tương tự như đối với ngành giáo dục, nhà nước ở trung ương và địa phương chưa chú tâm đầu tư đúng mức đến ngành y tế, trong khi tiếp tục lãng phí trong việc xây dựng nhiều công trình không hoặc chưa cần thiết. Tỷ lệ chi phí mà nhân dân phải tự bỏ ra cho dịch vụ y tế tăng lên nhanh. Nhiều người nghèo có bệnh không được nhập viện, hay phải trốn viện vì không có tiền đóng viện phí. Lương chính thức trả cho các y bác sĩ không đủ sống và không xứng đáng với địa vị của họ. Những điều này góp phần làm cho các tệ nạn tiêu cực, sự suy đồi về đạo đức lan tràn vào trong ngành y tế. Người thầy giáo và người thầy thuốc vốn là những người được xã hội ta tôn trọng từ xưa, nhưng sự suy thoái về đạo đức đã làm phai nhạt đi truyền thống tốt đẹp này.
5. Về khoa học và công nghệ
Có thể nói những đặc điểm chính của khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam trong mấy chục năm qua là sự đóng góp còn rất hạn chế của KH&CN vào công cuộc phát triển đất nước; lực lượng làm KH&CN được đào tạo nhiều nhưng không làm việc hiệu quả; các chính sách và cách thức tổ chức hoạt động KH&CN còn nhiều bất cập.
Có thể tóm tắt những điểm nổi bật của bức tranh tổng quát về tình trạng khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay, như sau:
Thứ nhất, có thể nói hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN ở Việt Nam còn mờ nhạt: hoạt động nghiên cứu KH&CN có chất lượng thấp và KH&CN chưa có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển đất nước.
Chất lượng thấp này có thể thấy rõ qua các thước đo khách quan như số lượng các công trình công bố trên các tập san khoa học quốc tế uy tín và số bằng phát minh sáng chế. Trong 10 năm qua, số lượng công bố của các nhà khoa học Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 2/5 của Malaysia. Hơn nữa, ở nhiều lĩnh vực, phần lớn những nghiên cứu này là do hợp tác với nước ngoài, tức còn phụ thuộc vào “ngoại lực” quá nhiều. Trong giai đoạn 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng phát minh, trong khi cùng thời gian này Malaysia có 901 bằng phát minh. Thái Lan (310), Philippines (256) và Indonesia (85) cũng đều có số bằng phát minh nhiều hơn Việt Nam nhiều lần.
Ứng dụng và sáng tạo KH&CN trong sự phát triển của Việt Nam còn mờ nhạt, chưa tương xứng với lực lượng đông đảo cán bộ KH&CN được đào tạo và chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Kinh phí đầu tư, chính sách và cách quản lý chưa cho thấy KH&CN khó có thể trở thành yếu tố quyết định để Việt Nam thoát ra khỏi nhóm quốc gia chủ yếu chỉ sản xuất sản phẩm đơn giản hay gia công hàng hóa. Hiện tại, phần lớn doanh nghiệp làm ăn chưa dựa trên KH&CN và hầu hết không có liên kết chặt chẽ với các cơ sở KH&CN.
Thứ hai là số người được đào tạo để hoạt động KH&CN tuy rất đông với nhiều bằng cấp, nhưng phần lớn không thật sự hoạt động KH&CN, mà lay lắt hoặc “chân trong chân ngoài” với danh nghĩa làm KH&CN.
Có thể nêu ra một số nguyên nhân chính của tình trạng trên:
Một là, Việt Nam thiếu một chiến lược KH&CN thích hợp nên chưa xác định được lộ trình của KH&CN, và tập trung vào những hướng quan trọng rất cần cho phát triển đất nước và có thể tạo ra thành quả ý nghĩa. Hạn chế này có phần do việc thiếu các chuyên gia đầu đàn ở mức độ am hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn, có kinh nghiệm và uy tín quốc tế, có thể lãnh đạo được những tập thể khoa học. Một nguyên nhân của tình trạng trên là: Tuy số lượng cán bộ KH&CN của ta được đào tạo nhiều, nhưng hầu hết chỉ ở mức vừa xong giai đoạn học việc (như có bằng tiến sĩ mới là xong giai đoạn học để thành người làm nghiên cứu), thường không được rèn luyện thêm trong môi trường KH&CN phát triển để thành nhà khoa học trưởng thành.
Hai là, các nhà khoa học Việt Nam chưa có được môi trường KH&CN thích hợp để có thể làm việc và sáng tạo. Môi trường này gồm ba yếu tố cơ bản: điều kiện làm việc đủ tốt, lương đủ sống để tập trung cho công việc, các chính sách hợp lý có tác dụng kích thích tinh thần sáng tạo, dấn thân vì khoa học. Điều kiện làm việc ở phần lớn các đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam nói chung còn thiếu thốn, chưa đủ để tiến hành nhiều đề tài quan trọng và tiên tiến trong khoa học. Một số nơi có trang thiết bị tốt, lại không giải quyết được vấn đề tiền lương. Tiền lương của người làm khoa học thấp vừa ảnh hưởng đến nội dung, chất lượng nghiên cứu vừa gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực, người có năng lực nghiên cứu cũng không chuyên tâm với nghề mà phải xoay xở tìm thêm thu nhập ngoài lương.
Nhiều chính sách và cách quản lý đề tài KH&CN chưa hợp lý cũng góp phần làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của nghiên cứu. Thí dụ tiêu biểu như cách tổ chức đề tài khoa học còn nặng tính xin-cho, làm nhiều người làm nghiên cứu mất nhiều thì giờ chạy dự án; việc tuyển chọn và nghiệm thu đề tài thiếu nghiêm túc nên rất nhiều đề tài không có ý nghĩa và giá trị khoa học. Những quy định, tiêu chuẩn hiện nay về việc phong các chức danh giáo sư, phó giáo sư không khuyến khích các nhà khoa học hướng đến những nghiên cứu quan trọng và thách thức, có giá trị khoa học cao hoặc cần cho sự phát triển, mà dễ hướng đến những nghiên cứu dễ làm, những nơi dễ công bố để có đủ “điểm” thỏa mãn các tiêu chuẩn phong chức danh, vốn không có ở bất kỳ nước nào khác. Đây thật sự là những điều rất không hợp lý đã được nhiều nhà khoa học góp ý gần hai chục năm, nhưng không được thay đổi.
Người làm nghiên cứu trong ngành khoa học xã hội còn luôn nỗi ám ảnh sợ “chệch hướng”, mất lập trường, nên nói chung sáng tạo bị hạn chế, khoảng cách so với cộng đồng khoa học thế giới càng lớn. Ngoài ra, ngược với yêu cầu rất cao về sự bình đẳng, sự tự do tư duy của môi trường khoa học, việc mất dân chủ ở các cơ quan khoa học thường rất lớn, nhiều trường hợp nội bộ mâu thuẫn, giành giật địa vị, hoàn toàn không xứng đáng với phẩm vị của người làm khoa học.
6. Về quan hệ đối ngoại
Sau khi gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và giao lưu văn hóa với hầu hết các nước. Sau năm 2000, quan hệ đó được đẩy mạnh thêm một bước bằng Hiệp định thương mại Việt Mỹ và gia nhập WTO. Cùng với trào lưu toàn cầu hóa, kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào dòng chảy của thế giới, các quan hệ đối ngoại khác cũng nhộn nhịp hơn trước.
Có thể ghi nhận nhiều mặt tích cực của hiện tượng đó. Chẳng hạn xuất khẩu sang thị trường lớn nhất thế giới (Mỹ) được đẩy mạnh, cơ hội du học của sinh viên Việt Nam tăng nhanh, giành được vị trí trong các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, WTO. Nhưng nhìn kỹ ta thấy những mặt tiêu cực lớn hơn nhiều, rất đáng lo ngại.
Theo chúng tôi, so với thời mới đổi mới, mở cửa (đầu thập niên 1990), hình ảnh Việt Nam trên thế giới xấu đi nhiều. Tham nhũng lan ra cả trong các quan hệ quốc tế. Chỉ kể những sự kiện lớn (như dự án ODA của Nhật, vụ in tiền polymer ở Úc,…) cũng thấy thể diện đất nước bị tổn thương nhiều. Các vụ nhỏ hơn thì nhiều vô kể, chỉ cần gặp những doanh nhân nước ngoài có kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam là biết rõ. Điều đáng nói là nhà nước Việt Nam đã không có thái độ thích đáng, không xử lý nghiêm những sự kiện bị nước ngoài chỉ trích. Điển hình là vụ in tiền polymer, báo chí nước ngoài nhiều lần nêu tên thật của cựu thống đốc ngân hàng nhà nước mà cả đương sự và chính phủ đều giữ im lặng. Là người Việt Nam có ý thức dân tộc ai cũng thấy hổ thẹn về sự kiện này.
Nhìn sang lĩnh vực đầu tư nước ngoài, ta thấy nổi bật lên sự hiện diện rất lớn của Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và gần đây là Trung Quốc. So với các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Pháp,.. thì những nước mới nổi, mới phát triển chưa có nhiều những công ty đa quốc gia tầm cỡ; chưa có công nghệ cao; chưa coi trọng sự minh bạch, hoạt động đúng theo luật và nhất là giữ thanh danh đã được xác lập của mình. Không ít trường hợp các công ty của những nước mới nổi tạo những quan hệ bất chính với quan chức nhà nước Việt Nam, nhất là với chính quyền địa phương, để được cấp các dự án béo bở. Chúng tôi rất lo ngại khi thấy nhà nước Việt Nam quá dễ dãi để cho tư bản nước ngoài đầu tư ồ ạt vào việc xây dựng các khu nhà ở quy mô lớn, các khu du lịch, sân gôn, v.v. và hình thành những cộng đồng người Hàn, người Hoa trên đất nước mình. Trong khi giới doanh nhân trong nước còn non yếu, chưa có khả năng làm chủ đất nước và cuộc sống của tuyệt đại đa số người dân còn nhiều khó khăn, liệu có nên để cho nước ngoài xây dựng những vùng đặc biệt như vậy? Trong nhiều năm qua, đầu tư nước ngoài triển khai ồ ạt ở Việt Nam mà cơ cấu công nghiệp không chuyển dịch lên cao hơn, không tạo ra được những mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao.
Trong chiều hướng chung ấy, quan hệ với Trung Quốc là đáng lo nhất. Đầu tư của Trung Quốc chưa nhiều bằng những nước nói trên nhưng sự hiện diện của Trung Quốc trong những hình thái khác đang làm Việt Nam mất dần chủ quyền trong nhiều lĩnh vực. Nếu tình hình hiện tại không thay đổi thì đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc sẽ tăng nhanh, không bao lâu sẽ chiếm vị trí số một tại Việt Nam.
Hiện nay, quan hệ ngoại thương Việt Trung gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh kinh tế và gây khó khăn trên con đường công nghiệp hóa của ta. Mậu dịch giữa hai nước tăng nhanh từ năm 2000 nhưng ngày càng mất quân bình. Do nhập khẩu tăng nhanh, nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày càng mở rộng. Hiện nay nhập siêu của Việt Nam đối với thế giới chủ yếu là nhập siêu với Trung Quốc.
Nhìn cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ta thấy nguyên liệu và nông sản phẩm chiếm vị trí áp đảo. Cơ cấu này hầu như không thay đổi trong 10 năm qua. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc thì hầu hết là hàng công nghiệp. Các loại máy móc và các sản phẩm trung gian như sắt thép, thậm chí các loại vải để dệt may là những mặt hàng nhập khẩu chính. Theo Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc, đến năm 2015 Việt Nam sẽ bãi bỏ hàng rào quan thuế trên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tình hình sẽ càng bi đát hơn nữa. Con đường công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ rất khó khăn. Nhưng chính phủ Việt Nam không thấy nguy cơ đó dù đã được trí thức trong và ngoài nước cảnh báo nhiều lần. Ngược lại nhà nước còn cho tiến hành khai thác bô-xit để xuất khẩu sang Trung Quốc làm cho cơ cấu ngoại thương hiện nay đã bất lợi càng trở nên bất lợi hơn. Cần nói thêm rằng tính chất của ngoại thương Việt Trung hiện nay là quan hệ của một nước tiên tiến với một nước chậm phát triển. Tính chất này vừa tạo ra khó khăn cho kinh tế Việt Nam vừa làm hình ảnh Việt Nam trên thế giới xấu đi nhiều.
Thách thức từ Trung Quốc không chỉ trong ngoại thương. Các công ty Trung Quốc thắng thầu phần lớn các dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam. Trung Quốc với lối làm ăn không minh bạch, sẵn sàng mua chuộc, lại quả, nên dễ thắng phần lớn các gói thầu lớn ở Việt Nam. Theo ước tính, Trung Quốc chiếm khoảng 50% giá trị thầu trong vòng 10 năm nay, đặc biệt Trung Quốc thắng thầu tới 90% các dự án trọng điểm về điện, dầu khí, viễn thông, cơ khí, hóa chất và 100% dự án khai khoáng. Trong việc thực hiện các dự án này, Trung Quốc đưa nhiều lao động đi theo, kể cả các hình thức bất hợp pháp, thậm chí hình thành những khu cư trú đặc biệt cho người Hoa. Ngoài ra, nhiều chính quyền địa phương còn cho công ty Trung Quốc thuê rừng, thuê bờ biển hàng nửa thế kỷ, kể cả những nơi nhạy cảm nhìn từ góc độ an ninh quốc gia.
Một vấn đề nữa là Việt Nam ngày càng vay nợ từ Trung Quốc. Theo số liệu chính thức của Bộ Tài chính Việt Nam, nợ từ Trung Quốc tăng rất nhanh, gấp 10 lần trong 4 năm gần đây (1,4 tỉ USD năm 2009). Nếu khuynh hướng này tiếp tục, chẳng bao lâu Trung Quốc sẽ trở thành chủ nợ lớn nhất và lớn áp đảo đối với Việt Nam.
Quan hệ Việt Trung cũng ảnh hưởng nhiều đến đường lối đối ngoại của Việt Nam. Vấn đề này sẽ được bàn riêng trong một mục ở phần D.
Trong thời đại hội nhập, quan hệ đối ngoại của Việt Nam như được trình bày trên đây hoàn toàn không lành mạnh, ảnh hưởng đến con đường phát triển sắp tới của Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ mất chủ quyền. Yếu tố nào gây ra tình trạng đáng lo này? Có thể kể hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, nội lực của Việt Nam quá yếu nên khi hội nhập với thế giới không hoặc ít tranh thủ được thời cơ từ ngoại lực để phát triển, ngược lại bị ngoại lực chi phối. Thị trường Trung Quốc lớn và rộng nhưng hàng hóa của Việt Nam không chen vào được. Nội lực yếu vì sao? Vì trình độ của nhiều lãnh đạo và quan chức có hạn, không ít trường hợp họ không vì dân vì nước mà vì lợi ích riêng, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho nước ngoài dù thấy bất lợi cho xã hội, cho đất nước. Mở tung cửa thị trường cho hàng hóa và tư bản nước ngoài mà không định hướng để phát triển những ngành mới và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, không đi kèm các luật lệ, quy định cần thiết để giám sát cũng là một biểu hiệu yếu kém của nội lực.
Thứ hai, trong lúc nội lực của Việt Nam còn quá yếu, quan hệ “đặc biệt” với Trung Quốc càng làm cho Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào nước này. Kinh tế Trung Quốc lớn, mạnh áp đảo, phát triển nhanh, và lại ở cận kề Việt Nam, trong khi kinh tế Việt Nam nhỏ yếu, phát triển chậm hơn mà Việt Nam lại sẵn sàng đồng ý “hợp tác toàn diện” (4 trong 16 chữ vàng), tạo mọi điều kiện để hợp tác toàn diện thì dẫn đến kết quả như đã thấy.
7. Tổng kết: Đâu là những nguyên nhân sâu xa?
Trên đây chúng tôi đã điểm qua thực trạng kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và đối ngoại của Việt Nam hiện nay và trình bày một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đó. Nổi lên trên hết là hai nguyên nhân cơ bản, chung cho tất cả các mặt của xã hội:
Thứ nhất, thể chế còn thiếu dân chủ. Có thể nói rằng thể chế hiện nay là di sản của thời chiến tranh, bao cấp và chủ nghĩa xã hội kiểu Lênin-Stalin, với đặc điểm cơ bản là hạn chế dân chủ, hạn chế tự do tư tưởng, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật. Hệ quả là xã hội suy giảm tính năng động và hiệu quả, hạn chế sáng tạo trong khoa học và giáo dục, không chống được suy thoái giá trị đạo đức và văn hóa, bất công và cách biệt xã hội tăng lên, và không khuyến khích việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển. Chế độ tiền lương bất hợp lí trong cơ chế “xin cho” đã đẩy nhiều công chức vào con đường tham nhũng, và làm cho nhiều nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, … không chuyên tâm với nghề nghiệp và không giữ được đức tính cao đẹp vốn có từ xưa. Hoàn toàn đáng lo ngại khi thể chế hiện nay đang hạn chế sức mạnh của đất nước và làm lung lay nền tảng của xã hội.
Thứ hai, là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất, trong thành phần lãnh đạo đất nước chưa có nhiều người tài giỏi, bản lĩnh, chịu trách nhiệm cao và quy tụ được bên mình những trí thức và cộng sự chân chính. Từ trung ương đến địa phương, nhiều quan chức thiếu cả năng lực và đạo đức cần thiết. Tình trạng bằng cấp giả và chạy chức chạy quyền đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Việc lợi dụng vị trí công quyền để trục lợi cá nhân đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều cán bộ nhà nước.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét