Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Hồ sơ xin “phong”... Phó giáo sư của Fermat bị bác!

Khi bé tôi rất khâm phục Pierre De Fermat và đã mất không ít thời gian tìm lời giải cho bài toán Fermat (phương trình tổng quát x^n + y^n = z^n\, trong đó n lớn hơn 2 không thể có nghiệm nguyên nào) nhưng thất bại (dĩ nhiên). Sau này tốt nghiệp đại học, tưởng sẽ về Viện Toán học làm việc, song vì GS Hoàng Tụy vừa làm Viện trưởng Viện Toán học, vừa làm Giám đốc Trung tâm phân tích hệ thống yêu cầu tôi làm việc tại Trung tâm nên tôi không còn cơ hội làm việc trong ngành toán mà dần dần chuyển hẳn sang lĩnh vực kinh tế...

Thư giãn chủ nhật:

Hồ sơ xin “phong”... Phó giáo sư của Fermat bị bác!


 
Pierre De Fermat

BVN
Đâu Chăng Tá: Vài dòng cảm tác sau khi theo dõi cuộc đối thoại “Chính sách đối với trí thức khoa học” giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với các Giáo sư Hoàng Chí Bảo và Hồ Uy Liêm trên VTV1 tối 30/9/2011.



Trong một hội thảo quốc tế về toán học được tổ chức tại Vương quốc Âm Phủ, nhà toán học Việt Nam Vũ Hữu đã gặp Pierre De Fermat, một nhà toán học lừng danh của Pháp thế kỷ XVII, Vũ Hữu đã ngỏ lời mời Fermat về Việt Nam để mở ngành đào tạo về Lý thuyết Số, mà Fermat là cha đẻ của ngành này.

Fermat rất hào hứng cảm ơn Vũ Hữu và, sớm tinh mơ ngày hôm sau, hai nhà toán học hăm hở ra sân bay Charles De Gaule, lên đường đến Việt Nam với hy vọng sẽ mở ra một trang sử mới về toán học cho đất nước Việt. Sau một hồi trò chuyện, Fermat biết được Vũ Hữu là một nhà toán học rất có tên tuổi dưới triều vua Lê Thánh Tông, thế kỷ XV.

Khi Fermat và Vũ Hữu đến Trường đại học Hàn lâm Văn Điển [*], ngài Giáo sư Hiệu trưởng rất hoan hỉ đón chào hai ông, hơn nữa đã nhiệt tình khởi động luôn mọi thủ tục để mở ngành này ở trường đại học của ông ngay tại Văn Điển.

Giáo sư Hiệu trưởng đưa Fermat và Vũ Hữu đến một Bộ có tên là Bộ Dạy học và Khoa học của Việt Nam hỏi thủ tục, thì Bộ này cho biết, muốn mở môn đào tạo ngành này, thì phải có 3 Tiến sĩ của ngành trong “biên chế cơ hữu” của Khoa. Giáo sư Hiệu trưởng gãi đầu gãi tai... “Chết mẹ tôi rồi, lấy đâu ra 3 Tiến sĩ trong biên chế cơ hữu” của khoa này... “Hừm, ngay cái bố De Fermat chết tiệt này cũng có phải Tiến sĩ Tiến siếc cái quái gì đâu”. Còn Vũ Hữu có cái bằng Tiến sĩ từ ngày xửa ngày xưa, từ hồi còn thi Hương, thi Hội, thi Đình,... chẳng biết có hợp cách không, hay lại phải chuyển đổi văn bằng.


 

Quay về trường, vị Hiệu trưởng bàn với Fermat và Vũ Hữu: “Này, hai ông phải có bằng Tiến sĩ đấy nhé”. Fermat vò đầu bứt tai: “Lấy bằng Tiến sỹ ở đâu bây giờ?”. Còn Vũ Hữu cũng vò tai bứt đầu “Bằng của tôi cũ quá rồi”... Loay hoay một hồi, cuối cùng các chiến hữu Việt Nam cũng giúp hai ông... mua được vài cái... bằng “đểu”.

Sau khi các ông có bằng Tiến sĩ “đểu”, ông Hiệu trưởng gợi ý... “Nhưng mà này, ngài Fermat và Vũ Hữu ơi, muốn có tên tuổi lãnh đạo giảng dạy ở cái nước Việt Nam hiện đại này, các ngài phải kiếm cái học hàm Giáo sư, mà muốn có Giáo sư thì phải có Phó giáo cái đã... Sau 3 năm là Phó giáo các vị mới được xét phong hàm Giáo sư”. Fermat buột mồm: “Ủa! Các vị làm ngược à?” Ngài Hiệu trưởng hỏi: “Ngược cái gì thưa ngài Fermat?”. Fermat gõ trán: “Như ở chúng tôi thì làm ngược với các ông. Này nhé, nếu tôi là Hiệu trưởng ở Pháp, tôi sẽ nói thế này: Thưa ngài Fermat, chúng tôi mời ngài đến đây, bổ nhiệm ngài làm Giáo sư để ngài giúp chúng tôi mở ra cái ngành mà chúng tôi cần”, chứ không phải là bắt ngài đi mua bằng “đểu”, rồi bắt ngài khai báo, xin đủ các thứ “xác nhận” để rồi “phong” ngài làm Giáo sư/Phó giáo sư... để đủ lệ bộ xin mở mã ngành đào tạo”. Chưa nói xong, Fermat đã nghe một câu trả lời ráo hoảnh: “Thưa ngài Fermat! Xin ngài thông cảm. Giới khoa học chúng tôi biết cả đấy. Nhưng... nhưng... đây là nước Việt Nam đặc sắc xã hội chủ nghĩa... đấy ạ!”

Nghe các nhà đương cục diễn thuyết một hổi, Fermat và Vũ Hữu cũng vì tâm nguyện phát triển khoa học, mà cắn răng nộp đại một chục ký hồ sơ cho cái gọi là Hội đồng chức danh để xin “phong” Phó giáo sư. Trong một chục ký hồ sơ này, người ta yêu cầu phải có giấy tờ xác nhận, ... một trăm thứ... và cộng thêm một nghìn cái... nữa, cũng cứ là ngược lộn tùng phèo cả lên. Này nhé...

Thứ nhất, ngài phải có đủ “cơ số” giờ giảng bài trên lớp. Hai ông khai: 0 giờ

Thứ hai, ngài phải có đủ “cơ số” hướng dẫn Thạc sĩ và Tiến sĩ. Hai ông khai: 0 người

Người xét hồ sơ méo xệch mồm: “Hai thứ này của các ngài đều là con số 0, chưa dạy cái gì mà đã đòi Giáo sư? Vậy thì làm sao trình hồ sơ của các ngài ra Hội đồng?”.

Vũ Hữu nói: “Ơ kìa, cái Hội đồng chức danh này hay nhẩy... Bây giờ tôi mới mời cái ông Fermat này đến Việt Nam mở ngành đào tạo... Vậy lấy đâu ra sinh viên mà khai là “đã dạy”? Càng không biết lấy đâu ra người làm luận văn với lại luận án để mà “đã hướng dẫn” ??? Mà không có người để hướng dẫn luận văn thì lấy đâu ra cái thứ “Tiến sĩ trong biên chế cơ hữu” của các ông? Vậy ra... Các ông chơi cái trò “Vật vờ ấy mấy... lãi (lại) vòng quanh...há?” Các cụ ta nói cấm có sai ... “Sinh con rồi mới sinh cha/Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông ... há?”

Lặng đi một hổi, không biết trả lời thế nào, người xét hồ sơ hỏi tiếp: “À mà này, còn mục thứ ba, là các ngài có mấy bài báo được công bố trên các tạp chí... mà là tạp chí... có quyết định thành lập đấy nhá?”. Fermat bẽn lẽn trả lời... “Oh, non..., à không, chúng tôi là những người sáng lập các lý thuyết toán học, như tôi là lý thuyết số, còn ngài đại huynh Vũ Hữu đây đã viết sách toán đầu tiên ở Việt Nam, viết trước tôi cả trăm năm,... đâu đã có tạp chí nào mà đăng?”... Hừm..., Fermat tiếp, Thật ra thì tôi cũng có bài đăng,... cơ mà đăng trên New Scientist á? ... mà cái tạp chí này ra từ đời tám hoánh nào, làm quái gì tìm được quyết định thành lập...?” Người xét hồ sơ dịu giọng: “Ừ thế thì khó thật... Các ngài làm khó cho tôi... Giá như mà các ngài viết được một vài bài báo, chỉ cần viết lăng nhăng thôi, đại loại như “Đoàn thanh niên phát động đoàn viên học toán, một số vấn đề đặt ra”, “Quần chúng nhân dân tiến quân vào ngành toán, thực trạng và giải pháp”, rồi “Nhà nước quản lý ngành toán, hiện trạng - vấn đề”, rồi “Hội toán học làm chủ ngành toán, thách thức và thời cơ”,... Thế là các ngài cũng giành được mỗi bài một điểm, vị chi là bốn năm điểm rồi đấy... Các ngài viết được một tá bài báo vớ vẩn như vậy, chẳng mất công gì lắm, các ngài cũng có một tá điểm đấy, ngang ngửa giá trị với ba bốn pho sách hoành tráng về Tối ưu hóa của Giáo sư... Hoàng Tụy rồi!”

Rồi chợt nhớ đến sách, người xét hồ sơ hạ cố: “Thôi, tôi xin hỏi các ngài câu cuối cùng nhá: Các ngài có cuốn sách nào được xuất bản chưa?”. Đến câu hỏi này thì Fermat chết lặng hẳn... Mãi sau mới nói nên lời: “Tôi chỉ có tập bản thảo... Sau này khi tôi chết rồi, thì thằng con tôi mới mang xuất bản,...”. Fermat lắp bắp nhắc lại... “Tôi chỉ có tập bản thảo này thôi”. Đã lâu tôi không về nhà, không lấy được bộ sách mà thằng con đã xuất bản...”. Còn Vũ Hữu thì chìa mấy cuốn sách bằng giấy dó lúng túng: “Còn tôi thì có cái này”... Người duyệt hồ sơ xem mấy tập bản thảo của Fermat và mấy cuốn sách giấy dó của Vũ Hữu, vừa khui ra từ Thư viện của Viện Viễn đông bác cổ, ... rồi phán: “Không được,... phải là những nhà xuất bản hoành tráng, đại loại như những nhà xuất bản của các đại học quốc gia Việt Nam”.

Lầu bầu một hồi, người xét hồ sơ sa sầm mặt xuống: “Xin các ông nhớ cho rằng, xuất bản một cuốn sách các ông chỉ có được 4 điểm thôi nhá... Với mấy tập giấy nháp vớ vẩn này của các ông, cứ cho là ông sẽ xuất bản được một chục cuốn sách đi, thì ông cũng chỉ mới tích lũy được chừng bốn chục điểm thôi nhá... Lại còn những cái tiêu chuẩn (mà chắc chắn là các ngài không đạt đâu), đó là... là... “Nập trường giai cấp công – lông và tư tưởng Mác – Nê-lin vững vàng” ... Còn xa nắm mới đến được cái đoạn Phó giáo sư”... Ngừng một lát, người xét hồ sơ lại phán.. “Thưa ngài Fermat và ngài Vũ Hữu, tôi cho các ngài cơ hội cuối cùng nè: Các ngài có hoàn thành được một chương trình, đề tài “cấp” nhà nước, hay “cấp” bộ gì chưa? Nếu các ngài hoàn thành một đề tài “cấp” nhà nước, các ngài cũng kiếm được 4 điểm đấy! Chỉ cần ba bốn đề tài “cấp” nhà nước, đại loại như “Chống mối mọt cho các kho gạo của Nhà nước”, “Luận cứ khoa học để vinh danh thành tích in tiền polime của quan chức Nhà nước”, “Vận dụng các đạo luật... pháp quyền xã hội chủ nghĩa để bảo vệ độc quyền tham nhũng của các tập đoàn kinh tế của Nhà nước”, vân vân và vân vân, ... thì các ngài cũng kiếm được cả mấy chục điểm như chơi!”

Đến câu hỏi này thì ứng viên Fermat run lên bần bật, nhìn trân trân lên trần nhà: “Ngài đòi hỏi cái... cái giống gì vậy? Tôi không hiểu? Ở xứ tôi làm gì có cái thứ như ngài nói! Hư... Hư... Khoa học là khoa học, làm gì có cái “cấp” của khoa học? Mà sao cứ phải nghiên cứu đề tài các “cấp” ấy... ấy nhẩy? Vậy ra cái xấp bản thảo này của tôi là đống giấy lộn cả sao? Vĩ đại như thể cái ông Euclid nhà tôi, và ngay cả cái ông Marx nhà các ông cũng chẳng có được một đề tài “cấp” nhà nước nào hết... Rặt một giống đề tài “cấp”... cá nhân, Cho “Nửa” điểm thì quá rộng rãi. Chấm điểm “Không” vẫn còn phân vân! Hì hì... Euclid và Marx cũng xin chào thua... Không nộp đơn xin “phong” Giáo sư ở xứ các ông được. Hu hu hu. Hi hi hi. Ha ha ha”.

Bẵng đi mấy hôm không thấy bóng dáng Fermat đâu. Thì ra ông ta đi “phượt” [**] cùng với các bạn sinh viên “tuổi Teenage” một vòng... Tam Đảo, Hòa Bình, Đồng Mô, Tây Bắc,... Sau vụ đi “phượt”, Fermat lọ mọ trở lại Trường đại học tìm gặp ngài Hiệu trường, lại... gãi đầu gãi tai: “Báo cáo đồng chí Hiệu trưởng. Em xin ... Au revoir (tạm biệt) đồng chí thôi. Em phải quay về Pháp Quốc nhà em, nhân thể rủ bác Vũ Hữu ... chảy máu chất xám... qua đó làm việc cho vui, chứ... ở cái xứ các bác làm ăn kiểu này á... thì... thì, buồn quá,... khoa học Việt Nam... á... nó còn ... còn phải... “phượt phượt” dài dài... á”.

*

Viết xong câu chuyện vui này, tôi đưa một vài bạn sinh viên đọc thử, xem các bạn có chia sẻ được những “điển tích cổ” như nói trong bài viết không, thì các bạn trợn tròn mắt: “Thầy viết đùa đấy à? Làm gì có những chuyện ấy!”. Tôi trả lời: “Chuyện thực cả đấy. Xin các bạn mở các văn bản quy định về xét chức danh Giáo sư của Việt Nam... khắc thấy. Đảm bảo tôi không bịa một chi tiết nào. Quả thực, một số thầy cô thời học đại học của tôi rất giỏi, nhưng thề không nộp hồ sơ xin “phong” Giáo sư, vì rất ngại những chuyện phiền hà vô lý như các sự kiện mà Vũ Hữu và Fermat đã gặp trong câu chuyện hư cấu này.

Đ.C.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

[*] “Văn điển” là tên gọi một nghĩa trang ở ngoại thành Hà Nội: “Nghĩa trang Văn Điển”

[**] “Phượt”, cách nói của lớp trẻ hiện nay, có nghĩa là đi dã ngoại trên những chặng đường hoang dã hiểm trở bằng các phương tiện cá nhân, hơi giống kiểu sống của các nhóm thuộc phong trào “hippy” thập niên 1970. 

Pierre de Fermat (17 tháng 8, 1601 tại Pháp – 12 tháng 1, 1665) là một học giả nghiệp dư vĩ đại, một nhà toán học nổi tiếng và cha đẻ của lý thuyết số hiện đại. Xuất thân từ một gia đình khá giả, ông học ở Toulouse và lấy bằng cử nhân luật dân sự rồi làm chánh án. Chỉ trừ gia đình và bạn bè tâm giao, chẳng ai biết ông vô cùng say mê toán. Mãi sau khi Pierre de Fermat mất, người con trai mới in dần các công trình của cha kể từ năm 1670. Năm 1896, hầu hết các tác phẩm của Fermat được ấn hành thành 4 tập dày. Qua đó, người đời vô cùng ngạc nhiên và khâm phục trước sức đóng góp dồi dào của ông. Chính ông là người sáng lập lý thuyết số hiện đại, trong đó có 2 định lý nổi bật: định lý nhỏ Fermatđịnh lý lớn Fermat (định lý cuối cùng của Fermat).
Trong hình học, ông phát triển phương pháp tọa độ, lập phương trình đường thẳng và các đường cong bậc hai rồi chứng minh rằng các đường cong nọ chính là các thiết diện cônic. Trong giải tích, ông nêu các quy tắc lấy đạo hàm của hàm mũ với số mũ tỷ bất kỳ, tìm cực trị, tính tích phân những hàm mũ với số mũ phân sốsố mũ âm. Nguyên lý Fermat về truyền sáng lại là một định luật quan trọng của quang học.
Dù hoạt động khoa học kiên trì và giàu nhiệt huyết, đem lại nhiều thành quả to lớn như vậy, nhưng éo le thay, Pierre de Fermat bình sinh chẳng thể lấy việc nghiên cứu toán làm nghề chính thức.

Mục lục

Định lý nhỏ Fermat

Bài chi tiết: Định lý nhỏ Fermat
Với p là một số nguyên tố khác 2 thì chia một số a lũy thừa p cho p sẽ có số dư chính bằng a:

a^p \equiv a \pmod{p}\,

[sửa] Định lý lớn Fermat

Bài chi tiết: Định lý lớn Fermat

Nguyên văn bản viết tay của Pierre de Fermat ngày 4/3 1660, hiện lưu giữ tại Departmental Archives of Haute-Garonne, Toulouse

Bên phải là phần lề giấy nổi tiếng của Fermat, nơi theo ông, không đủ viết chứng minh định lý đầy đủ vào
Câu chuyện về định lý cuối cùng của Fermat là câu chuyện độc nhất vô nhị trong lịch sử toán học thế giới, khởi nguồn từ cổ đại với nhà toán học Pythagore. Bài toán cuối cùng (sau này giới toán học gọi là Định lý cuối cùng của Fermat, hay Định lý lớn Fermat) có gốc từ định lý Pythagore: "Trong một tam giác vuông, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông". Fermat thay đổi phương trình Pythagore và tạo ra một bài toán khó bất hủ.
Xét phương trình Pythagore:

x^2 + y^2= z^2\,
Người ta có thể hỏi những nghiệm số nguyên của phương trình này là gì, và có thể thấy rằng:

3^2 + 4^2 = 5^2\,


5^2 + 12^2 = 13^2\,

Nếu tiếp tục tìm kiếm thì sẽ tìm thấy rất nhiều nghiệm như vậy. Fermat khi đó xét dạng bậc ba của phương trình này:

x^3 + y^3 = z^3\,
Ông đặt câu hỏi: có thể tìm được nghiệm (nguyên) cho phương trình bậc ba này hay không? Ông khẳng định là không. Thực ra, ông khẳng định điều đó cho họ phương trình tổng quát:

x^n + y^n = z^n\,
trong đó n lớn hơn 2 không thể tìm được nghiệm (nguyên) nào. Đó là Định lý Fermat cuối cùng.
Điều lý thú ở đây là phỏng đoán này được Fermat ghi bên lề một cuốn sách mà không chứng minh, nhưng có kèm theo dòng chữ: "Tôi có một phương pháp rất hay để chứng minh cho trường hợp tổng quát, nhưng không thể viết ra đây vì lề sách quá hẹp."!!
Các nhà toán học đã cố gắng giải bài toán này trong suốt 300 năm. Trong lịch sử đi tìm lời giải cho định lý cuối cùng của Fermat có người phải tự tử và có cả sự lường gạt... Và cuối cùng nhà toán học Andrew Wiles (một người Anh, định cư ở Mỹ, sinh 1953) sau 7 năm làm việc trong cô độc và 1 năm giày vò trong cô đơn đã công bố lời giải độc nhất vô nhị vào mùa hè năm 1993 và sửa lại năm 1995, với lời giải dài 200 trang.

[sửa] Đọc thêm

  • Simon Singh, Định Lý Cuối Cùng Của Fermat, Phạm Văn Thiều và Phạm Việt Hưng dịch, Tp.HCM:Nxb Trẻ
  • Amir D. Aczel, Câu chuyện hấp dẫn về bài toán Phécma, Trần Văn Nhung, Đỗ Trung Hậu, Nguyễn Kim Chi dịch, Hà Nội:Nxb Giáo dục, 2000
Tiếng Anh
  • Amir D. Aczel, Fermat's Last Theorem, New York/London:Four Walls Eight Windows

Liên kết ngoài

 -----------

Vũ Hữu (1437[1]1530) là một nhà toán học người Việt, và cũng là một danh thần dưới triều đại Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Ông còn được coi là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam.

Mục lục

Tiểu sử, sự nghiệp

Ông người làng Mộ Trạch, tổng Thì Cử, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm Quang Thuận thứ 4 đời vua Lê Thánh Tông (Quý Mùi 1463), ông đỗ Hoàng giáp.
Vũ Hữu đã kinh qua các chức vụ như Khâm hình viện lang trung, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lễ trong triều đình nhà Hậu Lê, sau được tặng phong Thái bảo. Mặc dù về hưu năm 70 tuổi, đển năm 90 tuổi (1527), ông vẫn được vua tin dùng, sai mang cờ tiết đi phong vương cho Mạc Đăng Dung. Khi đó ông có tước là Tùng Dương hầu.

Công trình toán học

Công trình toán học ông để lại cho hậu thế nổi bật là Lập Thành Toán Pháp. Quyển sách này miêu tả các phép đo đạc cũng như cách tính xây dựng nhà cửa, thành lũy. Các phép đo ruộng đất được tính theo đơn vị mẫu, sào, thước (24 mét vuông) và tấc (1/10 thước).
Sách Công dư tiệp ký ghi lại câu chuyện sau: Vua Lê Thánh Tông muốn thử tài của Vũ Hữu, nên đã giao cho ông sửa chữa ba cửa Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa của thành Thăng Long. Tuân lệnh, Vũ Hữu dùng thước đo chiều cao, chiều dài, chiều rộng của các cửa thành và tính ra số gạch đá, vật liệu phải dùng. Kết quả là khi xây xong, đá không thừa một tấc, gạch không thiếu một viên, quy mô các cửa thành được sửa chữa không sai một ly, một tấc. Vua Lê Thánh Tông rất hài lòng đã ban chiếu khen thưởng Vũ Hữu.

Vết ố

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép:
...1467 Quang Thuận thứ 8...thi khoa Hành từ. Điểm gọi các quan vào thi, tất cả là 30 người. Bấy giờ, Khâm hình viện lang trung Vũ Hữu, Viên ngoại lang Nguyễn Đình Khoa 5 người đều cáo ốm không vào thi. Vua lấy làm lạ, hỏi ra mới biết họ chỉ thích hối lộ. Nhân thế, vua dụ các quan trong triều rằng:
"Việc hình án phức tạp khó khăn, có ba điều vất vả: Một là suốt ngày cặm cụi vất vả, khổ sở. Hai là xử án không đúng, chịu tội làm sai. Ba là án tụng chất đống, khó lòng xét xử tường tận. Có ba điều vất vả ấy dẫu người không bệnh cũng đến phát ốm, huống chi là có bệnh".
Đó là nói giễu Vũ Hữu.

Vũ Hữu - Nhà toán học thời xưa

Ngày đăng: 15/04/2010 - Lượt xem: 1309
vu_huu.jpg
Các trạng nguyên, tiến sĩ  nước ta nói chung đều giỏi văn chương, thơ phú, hầu như chỉ có hai người nổi tiếng về toán học. Đó là trạng nguyên Lương Thế Vinh và  người thứ hai chính là Vũ Hữu.
 
 
Thần đồng toán học  Vũ Hữu đỗ Hoàng giáp (tức Tiến sĩ) cùng khoa với Lương Thế Vinh khoa thi năm Quý Mùi (1463) đời vua Lê Thánh Tông. Từ bé Vũ Hữu còn sớm thể hiện năng khiếu về tính toán. Trong làng trong xóm có sự tranh chấp gì về chia chác ruộng đất đều nhờ cậu tính toán, phân xử  giúp. Tiếng đồn về tài toán của cậu lan ra khắp vùng Đường An, trấn Hải Dương. Một lần, Vũ Hữu theo cha là ông Vũ Bá Khiêm sang nhà bạn chơi. Chủ  nhà có một chiếc điếu cày được nạm bạc rất đẹp nhưng cái nõ lại bằng đồng. Muốn thay nhưng chưa biết phải ứng ra bao nhiêu bạc bèn nhờ Vũ Hữu tính hộ. Vũ Hữu xin đem đến một chiếc đĩa, cậu đặt chén nước vào trong lòng đĩa, rồi nhẹ nhàng rót nước đầy đến miệng chén, nhưng không để trào ra một giọt nào. Sau đó cậu nhúng chìm chiếc nõ điếu vào chén nước. Nước bị chiếc nõ choán chỗ trào ra ngoài, chảy xuống bát. Đong số nước trào ra trong bát chính là thể tích của chiếc nõ. Ông chủ cứ theo đó để xuất bạc nén cho thợ làm nõ điếu thì vừa vặn. Không thừa một viên Vũ Hữu thi đỗ Hoàng giáp năm 20 tuổi, được vua Lê Thánh Tông cử giữ chức lang trung ở Khâm hình viện. Sách Công dư tiệp ký  còn ghi lại câu chuyện Vũ Hữu sửa chữa các cổng thành Thăng Long. Trong khi các viên quan bộ Công lúng túng không tính ra được khối lượng vật liệu và  dự toán kinh phí, thì Vũ Hữu dẫn mấy thợ  cả đến thị sát và đo đạc tỉ mỉ từng cửa thành, rồi tính ra số lượng gạch rất cụ thể. Thượng thư bộ Công có ý nghi ngờ.
images322478_lang.jpg
Làng Mộ Trạch xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, quê hương của Vũ Hữu.
Thấy vậy, Vũ Hữu đứng lên thưa: Bẩm thần đã tính toán kỹ, không thừa không thiếu một viên. Một viên quan khác được dịp xúc xiểm: Bẩm tâu, đã vậy xin quan lang trung làm cam kết nếu sai lệch sẽ bị trị tội. Vua hỏi: Các quan có ý  như vậy, khanh có dám nhận không? Vũ Hữu  đáp: Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý. Ngay hôm ấy, Vũ Hữu sai mua gạch xếp từng chồng ngay ngắn bên cổng thành Đông Hoa. Hôm sau, khi công việc đã hoàn tất, một  viên quan tỏ vẻ đắc ý, mách với vua: Tâu bệ hạ, ở đây vẫn còn thừa một viên ạ. Vũ Hữu đỡ viên gạch và tâu: Bẩm bệ hạ và các vị đại thần, viên gạch này không thừa đâu. Tại mặt tường phía đông bên kia ở trên cao có một viên gạch bị mủn vỡ, thần đã cho thửa riêng viên gạch này để thay thế. Mọi người bán tín, bán nghi, Vũ Hữu dẫn vua sang bên kia tường thành, sai thợ trèo lên gỡ viên gạch vỡ ra và đem trám viên gạch mới vào thì vừa khít. Vua Lê rất đẹp lòng. Vũ Hữu làm quan có tính cẩn thận, cần mẫn, sống liêm khiết, nên ngày càng được vua tin dùng, thăng lên tới chức Thượng thư bộ Hộ, rồi Thượng thư bộ Lễ, sau được phong hàm Thái bảo, tước Trùng Dương Hầu. Vũ Hữu được trọng dụng, giữ làm quan trong triều đến năm 70 tuổi mới được cho về nghỉ hưu. Về trí sĩ tại quê nhà, nhưng mỗi khi vua cần đến lại cho mời ông ra hỏi ý kiến. Ông thọ đến 93 tuổi mới mất.
Lương Thế Vinh để lại cho đời cuốn Đại thành toán pháp, còn Vũ Hữu là  tác giả cuốn Lập thành toán pháp. Cả hai cuốn  ấy đều trở thành sách giáo khoa về toán cho học trò nước ta hàng mấy thế kỷ. Lập thành toán pháp bao gồm những kiến thức cơ bản về hình học và số học, hướng dẫn cách đo lường ruộng đất theo các đơn vị mẫu, sào của nước ta, tính toán các công trình xây dựng, kiến trúc, đào đắp kênh mương, đê điều...
Theo Dĩ Nguyên
(Bee.net.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét