Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Bộ trưởng khác không nên học anh Thăng

Lê Dũng:

Bộ trưởng khác không nên học anh Thăng.

 Xem báo vi en ếch phét thấy đưa tin : anh Thăng bộ trưởng giao thông trong lần thăm dự án cảng hàng không Đà nẵng vừa rồi đã " cách chức tại chỗ " chỉ huy trưởng dự án !
 Về khía cạnh chuyên môn thì mình xin tha gia vài điều bởi mình đã có kinh nghiệm hai trên dưới hai chục năm làm dự án, chỉ huy trưởng cũng ngót chục năm. Việc anh Thăng trước khi ra quyết định om tỏi như báo đã đăng thế kia liệu anh đã đọc các hợp đồng ký tá giữa các bên hay chưa, điều khoản nào cho phép đích danh anh cách chức chỉ huy trưởng, khoản nào cho phép anh yêu cầu điều cán bộ có kinh nghiệm từ dự án sân bay Cần thơ hay gì đó nữa tập trung ra Đà nẵng ...? khi các dự án sân bay này khởi công thì anh Thăng đang làm gì, ai đang điều hành ở vị trí anh Thăng lúc ấy ?
 Mình làm dự án xây dựng lâu năm nên biết : đa số các nhà thầu xây dựng Việt nam thời trước 2007 chỉ ký hợp đồng xây lắp theo kiểu ...Việt nam, tức là không theo mẫu Quốc tế, chỉ vài trang giấy cho cả gói thầu hàng vài trăm thậm chí vài ngàn tỷ. Các điều khoản chi tiết để xử lý khi xảy ra các vấn đề tương tự như chậm, chất lượng kém, biện pháp không đúng như đã duyệt, công nhân không có bảo hộ, chưa học an toàn, chỉ huy trưởng chưa đủ các điều kiện như qui định của ND 16, thông tư 12 -Luật xây dựng -  hướng dẫn về quản lý dự án nói chung, quản lý chất lượng nói riêng.
 Việc chậm tiến độ chưa biết là do ai gây ra, nếu đúng là phía Construcxim thì đương nhiên phải có các văn bản xác nhận của các bên : nhà thầu, ban quản lý, tư vấn. Sau đó phải căn cứ vào các điều khoản ghi trong hợp đồng kinh tế để xử lý. Thưởng phạt đều theo hợp đồng cả, ngay cả ai là người có quyền chém gió chém bão trong cuộc họp cũng đều phải qui định trong hợp đồng đã.
 Chưa biết sự thể thế nào nhưng thấy chỉ huy trưởng của dự án bị trảm ngay tại trận thì mình thấy cần có sự đồng cảm trước hết với cá nhân anh nào làm chỉ huy trưởng kia. Dù sao cũng là anh em trong nghề nên hiểu : ở Việt nam chả có cái dự án nào liên quan đến vốn nhà nước mà đúng tiến độ. Ai biết công tình nào thì xin cho biết để học hỏi.
 Thế nên việc anh Thăng làm theo mình chỉ gây ra tác dụng ngược về cách PR hình ảnh. Nếu anh Thăng vẫn cho việc anh ta trong lúc đó do đang bực bội việc gia đình, đang bị bà con chém gió trên mạng chê vì anh định tư vấn cấm xe máy, cấm này cấm nọ, đòi được trao gươm ra trận...vv nên giận cá chém thớt ? theo mình rất không nên.
 Người có năng lực thực sự không cần PR theo cách đó, ví dụ khi anh đi thăm dự án xong, yêu cầu các bên liên quan gửi văn bản chính thức của cuộc họp giữa các bên tại dự án, nêu rõ nội dung chậm tiến độ, công nhân thiếu bảo hộ, chất lượng, khối lượng hoàn thành không đạt như hợp đồng ...vv và có ký xác nhận của các bên. Sau đó trưởng ban quản lý có văn bản đối chiếu với hợp đồng để xem xét các điều khoản nào áp cho việc xử lý chậm nếu do nhà thầu gây ra để gửi cho anh Thăng, nếu nhà thầu không có biên bản giải trình việc chậm tiến độ, các nguyên nhân gây chậm quả thực do nhà thầu thì khi ấy anh Thăng mới xem xét và ra quyết định. Chưa nói là anh Thăng có thẩm quyền ra quyết định hay không ?
 Tóm lại việc chém gió chém bão như vậy của anh Thăng theo mình là hơi ẩu,  thiếu kiềm chế tình cảm, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý dự án và  chỉ thể hiện cái oai của cái ghế  mới nhận. Nó khẳng định thêm việc ở Việt nam cái kiểu : "mày biết tao là ai không" vẫn đang ngày càng nở hoa trăm miền.
 Nếu anh Thăng làm thế thì liệu các anh khác có học theo hay không ?


 Chỉ việc làm thế nào để Hà nội khỏi tắc đường mà bao đời bộ trưởng cũng chỉ loanh quanh cấm xe máy, hạn chế ô tô, cho đi xe biển chẵn lẻ, phân làn, ngăn ngã tư, chặn chỗ rẽ, nhấc đèn xanh đỏ chỗ này ra chỗ kia...vv cứ như thày bói dọn cưới.
   Đơn giản ai cũng hiểu là để hết tắc đường chỉ có mỗi cách là : dân không đi nữa. Dân không đi có nghĩa là dân vẫn đi ở nơi khác, dân đi ở nơi khác có nghĩa là dân làm ăn ở nơi khác, dân học hành và chữa bệnh ở nơi khác, mua sắm ở nơi khác và tóm lại là dân sống ở nơi khác chứ không phải là chỉ ở nội thành. Xử lý mỗi vẫn đề gì thì cũng cần phải tỉnh táo, với cái đầu lạnh, không phải cứ nóng lên là được đâu.
  Hai vấn đề dân số và tranh chấp giao thông nó có liên quan rất biện chứng với nhau, lý luận thế nào cũng sẽ quay về thực tế, thực tế là nếu các anh vẫn cho xây nhà chung cư nêm vào phố, vẫn để các trường đại học và bệnh viện trong phố như hiện nay thì đố cả bảy đời nhà anh nào sống lại làm sao cho hết tắc đường.

 
Ngã tư Thái hà - Tây sơn Hà nội gặp mưa. Ảnh : Lê Dũng.

Còn chuyện trảm chỉ huy trưởng dự án ngay trong lúc thăm dự án thì không nên tái  diễn nữa bởi vì sao thì các anh hãy học và làm theo lời của bác Sinh Hùng nói trước Quốc hội. Trảm hết thì lấy ai làm ?

PS : Anh Thăng cũng là người đề xuất việc "Tịch thu xe đua, mang tiêu hủy" ! tuy nhiên chưa được chấp thuận. Chắc phải cho anh Thăng bơi cùng các em qua suối sâu thì việc có cây cầu treo hay cầu khỉ chỉ bằng tiền một cái xe đua nó giá trị ra sao.

 Nếu anh Thăng thích người nói thẳng để làm việc thì nên gọi anh Tạch kỹ sư ô tô về làm cho bộ mảng công nghiệp ô tô, gọi tôi về làm cho mảng quản lý đầu tư xây dựng. Tôi làm thẳng lắm, thằng nào làm ăn léng phéng hay tham nhũng, chạy dự án kiểu tượng đài là tôi trảm liền.

---------------

Huu Nguyen Blog:

Ông Thăng “vi hành”


Bộ trưởng Đinh La Thăng "trảm tướng" tại công trường
 
Báo ĐĐK hôm nay 6.10 ca tụng mấy chuyến “vi hành” của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và tung hê ông này lên tận mây xanh: “Thật là hay! Chỉ “rời văn phòng một chuyến” mà Bộ trưởng đã có sự chỉ đạo sâu sát như vậy” (hết trích)… Nổi hứng bất tử, báo ĐĐK “chợt nghĩ” tới mấy bộ trưởng khác như y tế, GDĐT chẳng hạn cũng nên “vi hành” như Bộ trưởng Thăng để giải quyết rốt ráo, sâu sát các vấn đề của bộ mình. Chẳng hạn như bộ trưởng y tế thì nên “vi hành” bằng cách xếp hàng nộp sổ khám bệnh theo diện BHYT, bộ GDĐT thì  nên đích thân đi xin học cho con… Cứ như “vi hành” là phương thuốc thần kỳ để giải quyết các vấn đề ách tắc ắp lẫm của xã hội Việt Nam ngày nay vậy.
 
Báo ĐĐK chắc là thuộc loại dân ghiền phim cổ trang của tàu, quá ấn tượng với các cảnh vi hành của mấy ông vua trong phim nên bị ngộ nhận hễ lãnh đạo mà vi hành là giải quyết được mọi chuyện. Thương quá, ĐĐK ơi, ngây thơ hay là thiếu hiểu biết vậy?
Nếu Bộ trưởng Thăng chỉ còn cách phải “vi hành” rời khỏi văn phòng mới hiểu đựơc sâu sát tình hình thuộc ngành mình quản lý thì cái việc đầu tiên mà ông nên làm là cách chức hết các trưởng bộ phận tham mưu giúp việc của Bộ GTVT. Bao gồm tất cả các thứ trưởng, vụ trưởng và các vị thư ký, thấy dùi xung quanh ông cái đã. Cả một bộ máy chuyên môn giúp việc hết sức đồ sộ và chuyên nghiệp kề cận xung quanh không làm cho bộ trưởng hiểu được thực tế bên ngoài cái văn phòng làm việc của ông thì không cách chức hết đi chứ còn để làm cái gì?
Ngày xưa ở bên tàu, nhà vua có lắm cung tần mỹ nữ trong cung cấm, lại ngày ngày tẩm bổ bao nhiêu của quý trên đời nên mất nhiều thời giờ cho chuyện hưởng thụ, thú vui chơi, giải trí hơn là làm việc…Lâu dần bọn hoạn quan, bọn nịnh thần, gian thần xum xoe xúm xít đông đúc bịt kín mít cái triều đình lại khiến vua không còn hiểu biết gì hết chuyện bên ngoài, trở nên xa dân, ảo tưởng, cả tin mặc sức để cho bọn quyền thần lộng hành. Vua ngày đó không có điện thoại cầm tay, chẳng có internet…nên muốn tự mình cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình đời sống của muôn dân cũng khó khăn. Cho nên, các ông vua tinh anh, ranh mãnh biết rõ thủ đọan của bọn nịnh thần nên thỉnh thoảng phải lập mưu thoát ra ngoài cùng với một số trung thần để dò xét, tìm hiểu mà biết cái gì đang diễn ra bên ngoài các bức màng trướng của cấm cung. Mấy ông vua buộc phải lập kế để “vi hành” dò xét dân chúng cũng có nghĩa là mấy ổng chán cái đám nịnh thần báo cáo láo lắm rồi. Lẽ ra phải xử trãm hết trơn hết trọi cái bọn bu quanh nói láo này mới phải.
Ngày nay, với phương tiện hiện đại, bộ máy giúp việc có chuyên môn sâu nghiệp vụ cao,  truyền thông xã hội  trở nên phổ biến… Bộ trưởng Thăng không nhất thiết cứ mỗi lần muốn biết sâu sát tình hình là lại phải “vi hành” để “trãm” tướng. Nếu ông Thăng luôn lựa chọn hình thức “vi hành” để xử lý công việc thì xin hỏi liệu ông có đủ thời gian để quán xuyến toàn bộ ngành GTVT của cả quốc gia hay không? Còn nếu ông chọn vi hành như là một hình thức tiếp cận giới truyền thông để tạo ấn tượng và thu hút sự chú ý thì thôi không phải bàn. Ông đã “diễn” khá  tốt mặc dù có lẽ ông chưa qua trường đào tạo sân khấu nghệ thuật nào, thôi coi như ông có năng khiếu bẫm sinh vậy. Nhưng, nếu một vỡ tuồng mà cứ diễn mãi thì không khéo “gậy ông lại dập lưng ông”.
-----

Góc nhìn ĐĐK:
Từ xe buýt đến... sân bay (06/10/2011)
Những chỉ đạo đầy cương quyết của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại sân bay Đà Nẵng ngày 4-10 khiến mọi người liên tưởng đến ngay câu nói của ông cách đó tròn hai tháng (ngày 3-8) trả lời phỏng vấn ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn trở thành tân Bộ trưởng GTVT: "là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận là phải được toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tiến hay lùi thì mới làm được chứ lại cứ chờ để xin phép thủ trưởng ở nhà có cho bắn không, đến khi câu trả lời là không hay được thì cũng chậm mất, lỡ cơ hội”.
 
Hay tin, ngày 4-10, Bộ trưởng đi thị sát thực trạng xây dựng công trình Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng. Bộ trưởng nhận định để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ gần hai năm thì trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư và Ban quản lý Dự án. Sự điều hành lẫn tổ chức thi công là "có vấn đề”. Ông lập tức gọi điện thoại cho Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam Nguyễn Nguyên Hùng, yêu cầu ngay trong trưa 4-10 điều động một cán bộ có năng lực, từng tham gia điều hành thành công dự án xây dựng Nhà ga hành khách sân bay Cần Thơ ra tăng cường cho sân bay Đà Nẵng. Đồng thời, mời đại diện Công ty Hòa Bình (một đơn vị tư nhân nhưng thi công rất tốt công trình Nhà ga sân bay Cần Thơ) cùng ra để sẵn sàng thay thế nhà thầu nếu cần thiết. Kết quả là, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng chính thức tuyên bố ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam, sẽ thay ông Đặng Hồng Cương làm Trưởng Ban quản lý Dự án xây dựng Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ông Bình sẽ làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành toàn bộ công việc từ ngày 5-10.
Đúng là "Lời nói đi đôi với việc làm”. Sau khi thị sát chiến trường, "Tư lệnh” Đinh La Thăng đã thay ngay người không hoàn thành nhiệm vụ. Chính ông sẽ chịu trách nhiệm về mọi quyết định của ông Bình đối với dự án này. Ông cũng ra "tối hậu thư” cho Contrexim và ICIC: Buộc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (Contrexim) và Công ty Xây dựng Công nghiệp số 4 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam - ICIC) phải tăng cường nhân lực, vật lực theo yêu cầu do ông Bình đưa ra cũng như các khuyến cáo của tư vấn giám sát. Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện tốt nhất, nhất là về vốn cho các nhà thầu này nhưng nếu trong vòng một tuần không đáp ứng được thì Công ty Hòa Bình sẽ vào thế chân ngay! Điều đó thể hiện bản lĩnh của một vị "tư lệnh” "dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Tiếng "nghiêm” đồn gần, tiếng "cương” đồn xa, biết đâu "Cú sốc lớn ở sân bay Đà Nẵng” không chỉ có Contrexim và ICIC "sợ” mà còn làm cho những nhà thầu xây dựng các dự án GTVT khác đang "câu dầm” phải "vắt chân lên cổ” mà "chạy” cho xong gói thầu?
Lại nghe, sáng ngày 30-9, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đi thị sát trên một số tuyến xe buýt tại Hà Nội. Như một hành khách, Bộ trưởng đã trò chuyện với lái phụ xe về việc tại sao xe buýt có hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ trạm dừng và hỏi thăm tình hình đời sống, thu nhập, tâm tư của anh em. Qua đó Bộ trưởng cũng nắm bắt được nhiều thông tin thực tế của việc tổ chức quản lý xe buýt từ người lao động trực tiếp... Bộ trưởng đã thực hiện đúng nghĩa của từ "thị sát”, mà ngày xưa các cụ nhà ta thường gọi là "vi hành”, chứ không phải là đi chỉ cốt để được tiếng sâu sát thực tế và gần dân, càng không phải là đi thanh tra, kiểm soát nhằm phô trương điều gì và dọa dẫm ai cả. Quả thật, ngay sau đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo các cán bộ chuyên viên các Vụ Vận tải, An toàn giao thông của Bộ GTVT phải trực tiếp đi xe buýt để khảo sát tình hình, điều kiện hoạt động, thái độ phục vụ của đội ngũ lái phụ xe nhằm đề xuất giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ của xe buýt. Bộ trưởng yêu cầu nhanh chóng khắc phục tình trạng bất cập hiện nay vì khoán số lượt chạy trong ngày mà dẫn đến lái xe buýt phải phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ trạm không đón khách để bù lại thời gian tắc đường, áp lực về thời gian cũng dẫn đến một số lái phụ xe có thái độ phục vụ chưa tốt. Thật là hay! Chỉ "rời văn phòng một chuyến” mà Bộ trưởng đã có sự chỉ đạo sâu sát như vậy. Dư luận đang mong đợi hiệu quả từ chuyến "vi hành” và những đổi thay sau sự chỉ đạo của "Tư lệnh” ngành GTVT.
Chợt nghĩ, dân ta hiện nay đâu chỉ bức xúc mỗi chuyện cái xe buýt - một phần nhỏ trong văn hóa đi lại, mà còn nhiều chuyện khác liên quan đến văn hóa bảo đảm đời sống như ăn, mặc, ở, học hành, chữa bệnh, giải trí... Nếu các vị lãnh đạo các bộ, ban, ngành... khác cũng có những chuyến "vi hành”, thị sát những điểm nổi cộm trong lĩnh vực mà mình quản lý để có thể đưa ra những chỉ đạo sâu sát như "Bộ trưởng Đinh La Thăng” thì tốt biết bao. Thiển nghĩ, nếu các vị lãnh đạo Bộ Y tế cũng đi xếp hàng khám bệnh ở các bệnh viện, các vị lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đi đăng ký học mầm non ở trường công cho con, các vị lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đi thi tuyển công chức... thì sẽ ra sao nhỉ? Tin chắc là sau những chuyến "vi hành” như thế các vị sẽ có những quyết sách phù hợp hơn với thực tiễn. Mong sao các vị sẽ tiếp tục "rời văn phòng một chuyến, nhân dân đang trông mong”!
Văn Úc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét