Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

(4) THỬ NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG QUÝ

Bài viết của tôi năm 2001:

MÔ HÌNH KINH T LƯỢNG QUÝ
3) Đầu tư
Đầu tư đã đóng vai trò rất quan trọng đến quá trình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nêu trên vì xét về dài hạn, đầu tư là nhân tố chính tạo ra quá trình tăng trưởng. Những thay đổi về chính sách và cơ chế đầu tư từ năm 1986 đến nay đã tạo ra được môi trường kinh doanh ngày càng lành mạnh hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, qua đó, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn ra đầu tư phát triển đất nước. Điểm đặc biệt nữa của đầu tư là đầu tư không chỉ là nhân tố cung (đầu vào) đối với sản xuất mà còn là nhân tố cầu (giải quyết đầu ra); do đó trong những năm cung vượt cầu gần đây, tăng trưởng đầu tư cũng là một chính sách, biện pháp kích cầu quan trọng, đóng góp vào quá trình phục hồi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao cho nền kinh tế nước ta.
Những số liệu thống kê cho thấy nguồn gốc chính của những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao của Việt Nam trong nửa đầu thập niên 90 gắn liền với việc gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa trên GDP. Điều này cũng dễ hiểu vì đây vẫn là giai đoạn kinh tế Việt nam ở trong tình trạng tổng cung thấp hơn tổng cầu. Nếu như trong thời kỳ 1986-90, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa trên GDP rất thấp, chỉ lần lượt là 12,6% và 2,4%/năm làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,4%/năm, thì ngược lại, trong thời kỳ 1991-95, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa tăng lên tới 22,3% và 14,7%/năm làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng tăng lên mạnh, đạt trung bình tới 8,2%/năm. Tuy nhiên, trong các năm 1996-2000, mặc dù tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm tiếp tục tăng lên tới 28,5% và 25,6%/năm, nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP lại giảm xuống còn khoảng 7,0%/năm.



Thực tế, tỷ lệ tăng trưởng GDP vẫn đạt mức cao 9,3% năm 1996 và 8,2% năm 1997 tương ứng với tăng trưởng đầu tư, nhưng từ năm 1998, do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính tiền tệ châu Á, cầu đối với hàng xuất khẩu của ta tăng chậm lại; do đó tăng trưởng đầu tư nhanh chỉ có tác dụng chủ yếu là tạo ra hiện tượng cung vượt cầu, kéo theo giảm tỷ suất lợi nhuận đồng đầu tư và làm giảm sút tỷ lệ đầu tư trên GDP năm 1999 so với năm 1997-98. Mặt khác, xu hướng đầu tư không hợp lý, tình trạng lãng phí vốn đầu tư tăng lên cũng là nguyên nhân làm tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm sút.
          Đồ thị 4: Tỷ lệ tăng trưởng GDP, tỷ lệ đầu tư và



                tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với GDP (%)
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001.
Phân tích sâu hơn đối với nhân tố đầu tư cho thấy vốn đầu tư được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư từ nước ngoài (bảng 1). Chênh lệch giữa tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP rất cao trong giai đoạn 1986-90 và 1993-97, chỉ giảm mạnh trong các năm 1991-92 khi hệ thống Liên Xô sụp đổ và 1998-2000 khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã quá trông cậy vào vốn nước ngoài trong phát triển kinh tế[1]. So sánh với các nước xung quanh, rõ ràng tỷ lệ huy động vốn nước ngoài đặc biệt cao ở Việt Nam. Đành rằng điều kiện kinh tế chính trị và xã hội của mỗi nước có khác nhau, nhưng nếu như tất cả các nước xung quanh ta đều không để chênh lệch này vượt quá 4-5% GDP thì có lẽ nước ta cũng không nên khác quá xa. Thực tế, các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc đã tăng nhanh huy động tiết kiệm nước ngoài để đầu tư từ năm 1993-1995, tạo ra được những tỷ lệ tăng trưởng rất nhanh, nhưng đồng thời cũng dẫn đến khủng hoảng tài chính từ năm 1997.
Bảng 1: Chênh lệch giữa tỷ lệ tiết kiệm nội địa
    và tỷ lệ đầu tư trên GDP (%)
Nước
81-90
1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997
1998
1999
2000
Việt Nam
-10,2*
-5,0
-3,8
-8,1
-8,4
-9,0
-10,9
-8,2
-7,5
-3,0
-2,0
Hồng Kông
6,3
6,6
5,3
7
1,2
-4,3
-1,4
-3,6
0,3


Hàn quốc
-0,9
-3,2
-2,1
0,3
-1,1
-1,8
-4,7
-1,9
13,3


Singapo
0,6
11,6
11,2
8,6
16,1
17,8
15,9
14,4
18,2


Đài Loan
11,4
6,5
3,7
1,8
1,9
1,9
3,9
2,8
2,4


Trung quốc
1
4,6
3,9
-1,6
0,6
0,3
0,9
3,3
2,5


Inđônêxia
1,4
-3,1
-1,6
-1,9
-2
-3,4
-3,4
-1,4
1,1


Malaixia
-3,3
-9,4
-3
-0,1
-1,6
-4
1,1
1,8
14,8


Philippin
-
-1,7
-1,4
-8,4
-6,5
-4,8
-4,6
-3,5
0,7


Thái Lan
-4,9
-8
-6,3
-5
-5,6
-8
-8
-2,1
11,5


Bangladesh
-11
-1,3
0,7
0,1
2,3
0,3
-2,7
-2,5
-1,5


Ấn Độ
-1,4
-0,7
-1,6
-1,3
-2,1
-1,4
-1,1
-1,5
-1,8


* : Việt Nam: 1986-90. Nguồn số liệu: Asian Development Outlook 1999, Asian Development Bank.
      Bảng 2 là một minh họa khác về huy động nguồn vốn đầu tư chưa hợp lý. Một mặt, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng lên rất nhanh trong thời kỳ 1990-96, có lúc chiếm tới xấp xỉ 1/3 tổng nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế (năm 1995), chứng tỏ luồng vốn nội địa tăng với tốc độ không tương xứng và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào vốn bên ngoài. Mặt khác, tỷ trọng vốn của khu vực tư nhân và dân cư giảm rất mạnh và liên tục trong suốt thập kỷ 90 trong khi đây chính là nguồn vốn có hiệu quả kinh tế cao nhất và là nguồn vốn nội lực quan trọng nhất của Việt Nam. Trên thực tế năm 1999-2000, khu vực ngoài quốc doanh kể cả nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng lại làm ra 45% GDP và sử dụng trên 70% lực lượng lao động xã hội. Ngược lại, khu vực dùng vốn ngân sách nhà nước chiếm tới gần 62% tổng vốn đầu tư, nhưng chỉ tạo ra được 38,7% GDP và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng khoảng 18,4% tổng vốn đầu tư nhưng chỉ làm ra được 12,5% GDP. Phần GDP còn lại (khoảng 3,8%) do khu vực kinh tế hỗn hợp làm ra.
   Bảng 2: Cơ cấu nguồn vốn đầu tư (%)
Năm
Vốn Ngân sách Nhà Nước
Vốn tư nhân và dân cư
Vốn FDI
1990
40,2
46,7
13,1
1991
38,0
47,7
14,3
1992
35,1
43,9
21,0
1993
44,0
30,8
25,2
1994
38,3
31,3
30,4
1995
38,3
29,4
32,3
1996
45,2
26,2
28,6
1997
48,1
20,6
31,3
1998
54,0
21,1
25,0
1999
61,6
20,2
18,2
2000
61,9
19,5
18,6
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001.
        Do tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư cao, lượng vốn đầu tư ngày càng nhiều nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có xu hướng giảm sút nhanh. Ở cấp toàn kinh tế quốc dân, hệ số ICOR[2] của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong thập kỷ 90. Nếu như ICOR trung bình trong nửa cuối thập kỷ 80 là 2,6; giảm xuống còn 2,5 năm 1991 và 1,7 năm 1992 thì từ năm 1993 đã liên tục tăng lên; đến năm 1999 đã lên tới 6,1 (khi tỷ lệ tăng trưởng GDP tụt xuống còn 4,8%), tức là tăng gấp 3,5 lần, nhanh nhất khu vực châu Á (xem bảng 3). Mặc dù trong các năm 1999-2000 hệ số ICOR của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 4,1 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình thời kỳ 1991-96 của Đài loan (3,7), Indonêxia (4,08), Trung quốc (3,37), Bangladesh (3,1) và Ấn độ (3,4) trong khi trình độ phát triển kinh tế của Việt nam còn kém xa. Hệ số ICOR trung bình của các nước khác trong bảng so sánh nói chung đều nhỏ hơn 5, tức là chỉ nhỉnh hơn mức 4,1 hiện nay của Việt nam.
Ở cấp ngành, theo bảng 5, tỷ trọng vốn đầu tư cho nông nghiệp đã giảm mạnh trong suốt thời kỳ 1991-95, sau đó ổn định ở mức rất thấp khoảng 7,5% trong khi đây là ngành có hệ số ICOR thấp nhất và tạo ra được nhiều việc làm nhất. Mặt khác, tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp giảm đi nhanh chóng từ năm 1994 đến nay trong khi tỷ trọng vốn cho dịch vụ và hạ tầng xã hội tăng lên rất cao. Đây là quá trình dịch chuyển cơ cấu đầu tư chưa hợp lý vì các nhà đầu tư đã chuyển vốn từ lĩnh vực phát triển sản xuất, hướng về xuất khẩu, sang kinh doanh dịch vụ hoặc phát triển các ngành sản xuất hàng tiêu dùng hướng vào thị trường nội địa để thay thế nhập khẩu. 
Bảng 3: So sánh hệ số ICOR của Việt Nam và một số nước châu Á
Nước
1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997
1998
1999
2000
Việt Nam
2,47
1,72
2,18
2,82
2,67
2,91
3,45
4,91
6,08
4,09
Hồng kông
5,33
4,32
4,67
5,11
8,18
7,73
6,06
-6,94


Hàn quốc
3,45
7,69
6,34
4,08
4,06
5,21
6,98
-6,36


Singapo
5,73
5,52
3,39
3,59
3,72
4,80
4,53
24,93


Đài Loan
3,00
3,35
3,89
3,88
3,98
4,16
3,12
4,58


Trung quốc
3,58
2,44
2,66
3,43
3,90
4,25
4,55
4,90


Inđônêxia
3,42
4,65
4,64
3,93
3,79
4,09
6,27
-2,28


Malaixia
3,72
4,91
4,47
4,11
4,30
5,06
5,39
-6,77


Philippin



5,36
5,00
3,72
4,44
-47,60


Thái Lan
3,66
5,36
4,86
4,48
4,58
7,56
-104
-4,38


Bangladesh
3,85
2,67
2,60
3,36
3,14
3,07
2,88
3,04


Ấn Độ

4,53
3,49
2,67
3,01
3,31
5,14
4,28


Nguồn số liệu: Tính từ các số liệu của Asian Development Outlook 1999, Asian Development Bank.

Bảng 4: Cơ cấu sử dụng vốn đầu tư theo ngành (%)
Năm
Công nghiệp và
xây dựng
Nông, lâm và
ngư nghiệp
Dịch vụ và
hạ tầng xã hội
1990
38,4
17,1
44,5
1991
44,0
15,7
40,3
1992
48,9
12,7
38,4
1993
55,3
8,9
35,8
1994
39,0
9,4
51,6
1995
37,2
7,6
55,2
1996
40,3
7,2
52,5
1997
36,4
7,3
56,3
1998
41,0
7,8
51,2
1999
41,0
7,4
51,6
2000



Nguồn: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001; và một số Niên giám Thống kê.

     Ở cấp sản phẩm, một mặt, do dự báo cầu không chính xác nên đã đầu tư ồ ạt vào một số ngành, dẫn tới cung vượt quá xa so với cầu. Mặt khác, việc chọn lựa một số ngành kinh tế mũi nhọn và giải pháp thực hiện không phù hợp với trình độ phát triển hiện tại của nền kinh tế như cơ khí cao cấp, điện tử, sinh học và vật liệu mới cũng làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các ngành này thường có tỷ suất lợi nhuận thấp trong khi nhu cầu vốn đầu tư rất cao và thời hạn thu hồi vốn lâu. Đầu tư chỉ tập trung vào mua sắm dây truyền thiết bị lắp ráp từ nước ngoài và xây dựng nhà xưởng, dẫn tới chi phí sản xuất cao và kinh tế phát triển hướng nội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nền kinh tế mất dần sức cạnh tranh so với quốc tế. Theo kinh nghiệm thế giới, khi trình độ phát triển còn thấp thì nên ưu tiên phát triển các ngành hướng về xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động như nông nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng phục vụ xuất khẩu (ví dụ dệt may, giày dép, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt gia đình, văn phòng phẩm, một số thiết bị điện sinh hoạt...).
4) Hoạt động xuất nhập khẩu
Cũng như đầu tư, xuất khẩu là một trong hai nhân tố quan trọng nhất tạo ra bước phát triển kinh tế nhanh trong thời kỳ đổi mới. Xuất khẩu của Việt nam đã tăng lên rất nhanh từ khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế (năm 1989). Nếu như tổng giá trị xuất khẩu năm 1985 chỉ đạt 698,5 triệu USD và năm 1988 chỉ đạt 1038,4 triệu USD thì sang năm 1989 đã tăng vọt lên 1946 triệu USD, rồi 5448,9 triệu USD năm 1995 và khoảng 14,4 tỷ USD vào năm 2000. Trong thập kỷ 90, nếu loại trừ vai trò của xuất khẩu dầu khí thì có thể thấy tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu còn cao hơn nữa (trừ hai năm 1999-2000 khi giá dầu thô xuất khẩu đột ngột tăng mạnh). Số liệu trong bảng dưới đây cho thấy có một quan hệ dương giữa tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế: trong những năm nền kinh tế tăng trưởng nhanh thì tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cũng rất cao và ngược lại.
          Bảng 5: Một số chỉ tiêu đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu

Giá trị xuất khẩu (triệu usd)
Tăng trưởng XK hàng năm
Tăng trưởng XK không kể dầu mỏ
Tỷ lệ tăng trưởng GDP
Tỷ trọng XK của công nghiệp
Giá trị nhập khẩu (triệu usd)
Tăng trưởng NK hàng năm
Tỷ trọng NK tư liệu sản xuất
1985
698,5
7,5
7,5

43,1
1857,4
6,4

1986
789,1
12,9
12,9
2,8
39,0
2155,1
16,0

1987
854,2
8,2
8,2
3,6
36,3
2455,1
13,9

1988
1038,4
21,5
12,3
6,0
43,4
2756,7
12,3

1989
1946,0
87,5
82,1
4,7
47,6
2565,8
-6,9

1990
2404,0
23,5
15,3
5,1
52,1
2752,4
7,3
86,8
1991
2087,1
-13,2
-25,1
5,8
47,8
2338,1
-15,1
88,7
1992
2580,7
23,7
20,7
8,7
50,5
2540,7
8,7
85,4
1993
2985,2
15,7
17,8
8,1
51,6
3924,0
54,4
85,7
1994
4054,3
35,8
48,7
8,8
51,9
5825,8
48,5
83,2
1995
5448,9
34,4
38,9
9,5
53,8
8155,4
40,0
84,8
1996
7255,9
33,2
33,5
9,3
57,7
11143,6
36,6
87,6
1997
9185,0
26,6
31,4
8,2
64,7
11592,3
4,0
89,9
1998
9360,3
1,9
4,6
5,8
64,5
11499,6
-0,8
91,5
1999
11540
23,3
16,3
4,8
67,3
11622,0
1,1
93,6
2000
14425
25,0
14,3
6,8
69,9
15573,5
34,0
94,7
Nguồn: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001; và một số Niên giám Thống kê.

Mặt khác, quá trình dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu trong nền kinh tế cũng diễn ra khá nhanh. Số liệu trong bảng trên cho thấy tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp trong tổng giá trị xuất khẩu đã liên tục tăng lên rất nhanh; trong đó xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu là công nghiệp, đang ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu hàng nông lâm hải sản đã giảm đi rất nhanh. Đáng chú ý là tỷ trọng xuất khẩu cả ba nhóm hàng nông sản, hải sản và thuỷ sản đều có xu hướng giảm. Nếu tỷ trọng xuất khẩu của ba nhóm hàng trên trong tổng giá trị xuất khẩu toàn nền kinh tế vào năm 1990 lần lượt là 32,6%, 5,3% và 9,9% thì đến năm 2000, chỉ còn 18,3%, 1,5% và 10,3% (riêng đối với thuỷ sản, tỷ trọng năm 1998 là 9,2%, năm 1999 là 8,4%).
Cơ cấu xuất khẩu trong nội bộ công nghiệp cũng biến động rất mạnh trong 15 năm đổi mới. Trước năm 1989, khi dầu mỏ còn chưa tham gia xuất khẩu, đại bộ phận hàng công nghiệp xuất khẩu là sản phẩm công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; tỷ trọng hàng công nghiệp nặng trong tổng giá trị xuất khẩu của công nghiệp rất thấp. Trong các năm 1990-92, xuất khẩu công nghiệp nặng đã tăng vọt nhờ vai trò của dầu thô, trong khi xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ giảm sút nhanh vì mất thị trường truyền thống ở Đông Âu. Do vậy tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp nặng trong tổng giá trị xuất khẩu toàn nền kinh tế tăng vọt từ 25,7% năm 1990 lên 37,0% năm 1992, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nhẹ tụt từ 26,4% năm 1990 xuống 13,5% năm 1992. Từ năm 1993 đến năm 1998, tình hình lại hoàn toàn đảo ngược. Tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp nhẹ tăng vọt, lên tới 36,6% năm 1998 trong khi tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp nặng giảm xuống còn 27,9%. Từ năm 1999 đến nay, chúng ta lại chứng kiến một bước thay đổi cơ cấu theo hướng ngược lại: Tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp nặng tăng vọt từ 27,9% năm 1998 lên 35,6% năm 2000 trong khi tỷ trọng xuất khẩu của công nghiệp nhẹ giảm từ 36,6% xuống còn 34,3%.
Những năm gần đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực Đông Á đã tạo ra những áp lực mạnh mẽ tới hoạt động xuất khẩu và cán cân thanh toán vãng lai của Việt Nam (65% kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 1996-2000 của Việt nam được thực hiện tại thị trường khu vực châu Á). Một mặt, khủng hoảng châu Á làm giảm cầu nội địa của các nước liên quan, dẫn tới giảm cầu nhập khẩu hàng Việt Nam của các nước này. Mặt khác, vì các đồng tiền châu Á đã bị phá giá mạnh trong khi tỷ giá đồng Việt Nam thay đổi ít, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm đáng kể. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng còn làm giảm giá nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ba nhân tố chính kể trên đã có ảnh hưởng làm giảm rất nhanh tỷ lệ tăng trưởng giá trị xuất khẩu của Việt Nam từ năm 1998. Ngoài ra, còn phải kể thêm một số nguyên nhân có tính chất cơ cấu làm cho xuất khẩu của Việt nam kém cạnh tranh như hàng xuất khẩu của Việt Nam còn chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc rất lớn vào giá cả trên thị trường quốc tế; công nghiệp chế biến chưa có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế do quy mô hạn chế, công nghệ lạc hậu, tạo ra những sản phẩm có chất lượng thấp và giá thành cao...
Hậu quả là tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu không kể dầu mỏ từ năm 1998 đến nay rất thấp so với trung bình của 10 năm trước (bảng 5). Đặc biệt, hiện tượng này đã diễn ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của tổng cầu nội địa giảm nhanh và liên tục. Tình hình này hoàn toàn khác với những gì diễn ra trước năm 1997, khi đó xuất khẩu vẫn tăng trưởng nhanh mặc dù tổng cầu nội địa liên tục tăng lên nhanh và tốc độ phát triển kinh tế cao. Vì vậy, có hai vấn đề được đặt ra: Một là, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu đã giảm mạnh nên dù cầu nội địa giảm đột ngột nhưng giá trị xuất khẩu vẫn không tăng nhanh; và hai là, nếu chính sách kích cầu đi quá đà, tiền tích tụ trong dân quá nhiều, đến lúc làm cầu nội địa tăng lên đột ngột, thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Trong 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của nền kinh tế, công nghiệp liên tục chiếm tỷ trọng lớn với 5 loại sản phẩm: Hàng dệt may (xuất năm 2000 là 1,9 tỷ USD), dầu thô (3,5 tỷ), giầy dép (1,5 tỷ), hàng điện tử (0,75 tỷ) và than đá (0,11 tỷ). 5 mặt hàng công nghiệp kể trên chiếm 73,9% tổng giá trị 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất năm 2000, hay 56,2% tổng giá trị xuất khẩu toàn nền kinh tế. Năm mặt hàng còn lại thuộc về nông nghiệp là gạo, thuỷ sản, cà phê, cao su và hạt điều.
Về nhập khẩu, đồ thị dưới đây cho thấy tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu có quan hệ khá chặt với xuất khẩu, trừ năm 1989 khi tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu rất cao nhưng tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu lại âm. Điều này được lý giải bằng sự kiện cắt giảm viện trợ của khối Liên xô cũ làm nhập khẩu giảm đột ngột trong khi các doanh nghiệp Việt nam nhanh chóng tìm được thị trường mới - khu vực đồng tiền chuyển đổi - để tăng nhanh giá trị xuất khẩu.
Từ năm 1997 đến nay, khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á đã làm giảm giá hàng hóa nhập vào Việt Nam, do đó kích thích nhập khẩu. Để chống sự bành trướng của hàng nhập, cổ xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, kể từ mùa thu năm 1997 đến cuối năm 1998, chính phủ Việt Nam đã phải điều chỉnh tỷ giá ba lần, mỗi lần 5-7%, không kể những điều chỉnh quy mô nhỏ được thực hiện nhiều lần. Riêng trong năm 1999, việc điều chỉnh tỷ giá rất thấp (1,1%), nhưng từ năm 2000, tốc độ điều chỉnh tỷ giá đã được đẩy nhanh hơn. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã quay trở lại áp dụng nhiều biện pháp truyền thống trong việc giới hạn nhập khẩu như tăng thuế đánh vào hàng nhập, mở rộng chế độ quota, thậm chí cấm nhập một số loại hàng hoá mà trong nước đã tự sản xuất được, và đòi hỏi các doanh nghiệp phải bán ngoại tệ cho ngân hàng bằng quy định kết hối ngoại tệ. Ngoài ra, cột cuối của bảng 5 đã chỉ ra cũng từ năm 1997, tỷ lệ nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tổng giá trị nhập khẩu đã tăng mạnh so với mức ổn định của thời kỳ trước, tức là tỷ lệ nhập khẩu hàng tiêu dùng đã liên tục giảm qua các năm. Đây cũng là một dấu hiệu của chính sách cắt giảm nhập khẩu. Kết quả là tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu sau khi lên đến 45%/năm thời kỳ 1993-1996 đã giảm xuống còn 4,0% năm 1997, giảm -1,1% năm 1998 và chỉ tăng 1,1% năm 1999. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu năm 2000 tăng lên là để thực hiện chính sách kích cầu.



Đồ thị 5: Quan hệ giữa tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu (%).
Nguồn số liệu: Theo bảng 5.
Việc giảm đột ngột tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu những năm gần đây đã có tác dụng làm giảm thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai của Việt Nam và giảm áp lực phải phá giá nội tệ so với ngoại tệ. Tuy nhiên, mặc dù thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai đã giảm đáng kể từ đầu năm 1997, cán cân thanh toán quốc tế chung đã rơi vào thâm hụt, lần đầu tiên kể từ năm 1998, do luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và một số khoản thu nhập ngoại tệ khác giảm nhanh hơn. Hậu quả là dự trữ quốc tế, sau một thời kỳ tăng liên tục 1995-1997, đã bắt đầu giảm từ tháng 10 năm 1997. Tuy nhiên sau đó, nhờ thực hiện một số chính sách kiểm soát nhập khẩu và quản lý ngoại hối chặt chẽ hơn, dự trữ quốc tế lại tăng lên từ quý I/1999, và tiếp tục tăng lên nhanh nhờ thu nhập ngoại tệ tăng trở lại từ nửa cuối năm 1999 do tăng thu từ xuất khẩu dầu mỏ, từ du lịch và sự trở lại của nguồn vốn ODA và FDI .


[1] Tuy nhiên, chênh lệch giữa hai chỉ tiêu này chưa phản ánh đúng tình hình sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đối với Việt nam vì một tỷ lệ quan trọng tiết kiệm nội địa không được đưa vào đầu tư (chủ yếu là tiết kiệm của khu vực tư nhân); do đó về thực chất, tỷ lệ sử dụng vốn nước ngoài còn cao hơn chênh lệch nói trên. Hiện tượng này càng trở nên rõ rệt trong những năm gần đây. Ví dụ năm 2000, tỷ lệ đầu tư trên GDP là 29% trong khi tích luỹ nội bộ cũng lên tới 27% GDP, tức là chênh lệch chỉ -2%. Tuy nhiên, trên thực tế, có tới 39,5% vốn đầu tư toàn nền kinh tế là vốn nước ngoài, gồm vốn ODA và FDI.
[2] ICOR được tính theo giá cố định 1994, theo một trong hai phương pháp sau: 1) ICOR(t)=I(t-1)/DGDP(t); và 2) ICOR(t)=i(t-1)/gGDP(t), trong đó I(t) là tổng vốn đầu tư năm t, DGDP(t)=GDP(t)-GDP(t-1), i(t-1) là tỷ lệ đầu tư trên GDP năm t-1, và gGDP(t) là tỷ lệ tăng trưởng GDP năm t. Vì I(t-1)/ DGDP(t) = [I(t-1)/GDP(t-1)]/[DGDP(t)/GDP(t-1)] = i(t-1)/gGDP(t) nên hai phương pháp trên đều cho cùng một kết quả. ICOR trong nghiên cứu này được tính theo phương pháp thứ 2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét