MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG QUÝ
CHƯƠNG I
PHÂN TÍCH TIẾN TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA TRONG GIAI ĐOẠN ĐỔI MỚI THEO QUAN ĐIỂM MÔ HÌNH HOÁ
Mục tiêu của nghiên cứu này là xây dựng một mô hình kinh tế lượng với dãy số liệu quý để phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo ngắn hạn, phục vụ công tác cân đối, điều hành thực hiện kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do vậy, những quan hệ được sử dụng trong mô hình là những quan hệ mang tính ngắn hạn, thể hiện một quá trình tăng trưởng và phát triển tương đối đồng nhất.
Trong bối cảnh kinh tế Việt nam, khoảng thời gian từ năm 1989 đến nay có thể được xem là một quá trình như vậy. Đây là giai đoạn kinh tế Việt nam thực sự chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hoá tập trung sang phát triển kinh tế thị trường, và đến nay quá trình đó vẫn đang tiếp diễn. Đây cũng là quá trình Việt nam chuyển từ một nền kinh tế đóng cửa, chỉ quan hệ buôn bán với quy mô nhỏ, theo kiểu hàng đổi hàng, với một số ít ỏi các nước XHCN Đông âu và Liên xô cũ, sang một nền kinh tế mở cửa và hội nhập, với số lượng bạn hàng ngày càng đa dạng và buôn bán dựa trên đồng tiền chuyển đổi. Chính trong quá trình này, nền kinh tế Việt nam không chỉ có những thay đổi lớn lao về lượng, mà điểm cốt yếu lại là những thay đổi cơ bản về chất, trong đó những thay đổi then chốt là những thay đổi về cơ cấu kinh tế.
Vì vậy, nghiên cứu quá trình tăng trưởng và thay đổi cơ cấu kinh tế nước ta từ năm 1989 đến nay rất cần thiết trong phân tích và dự báo khả năng tăng trưởng kinh tế nước ta thời gian tới. Đây cũng là những cơ sở thực tiễn để so sánh đối chiếu với lý thuyết kinh tế, từ đó hình thành cơ sở lý luận của mô hình và có thể xây dựng các quan hệ kinh tế lượng thực nghiệm cho mô hình.
Để nghiên cứu, phân tích những tiến triển chính của nền kinh tế nước ta từ năm 1989 đến nay, trong phần này, chúng ta sẽ lần lượt phân tích tình hình trên một số lĩnh vực qua các giai đoạn phát triển chủ yếu.
MỤC I: TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU NHỮNG CẢI CÁCH LỚN ĐẦU NĂM 1989:
Sau khi thống nhất năm 1975, đất nước ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước theo quan điểm kế hoạch hoá tập trung, trong đó Nhà nước quản lý theo phương thức hành chính hầu như mọi hoạt động kinh tế thông qua hệ thống kế hoạch hoá pháp lệnh rộng khắp và chi tiết. Cơ chế quản lý kinh tế này đã tỏ ra kém hiệu quả vì không tạo ra được những kích thích cần thiết để khuyến khích người lao động làm việc với mọi tiềm năng sáng tạo của mình. Tỷ lệ tăng trưởng thu nhập quốc dân sản xuất giai đoạn kế hoạch hoá tập trung cao độ rất thấp: 0,5% năm 1976, 2,9% năm 1977, 2,2% năm 1978, -2,0% năm 1979 và -1,4% năm 1980. Trong khi đó, tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP rất cao, tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, những mất cân đối kinh tế vĩ mô ngày càng nghiêm trọng và nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nguồn viện trợ của khối các nước XHCN[1].
Trước những khó khăn trên, từ tháng năm 1979, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IV, Đảng Cộng sản Việt nam đã điều chỉnh đường lối phát triển kinh tế theo hướng giảm dần cơ chế quản lý kinh tế theo phương thức kế hoạch hoá tập trung, mở rộng từng bước vai trò của cơ chế kinh tế thị trường. Ngày 13/1/1981, Ban Bí thư TW Đảng đã ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, theo đó các hợp tác xã chỉ tập trung lo đầu vào và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; các hộ gia đình được chia đất đai và thực hiện hợp đồng sản xuất với các hợp tác xã theo nguyên tắc khoán sản phẩm. Một số biện pháp mạnh khác nhằm mở rộng kinh tế hộ gia đình[2], phát triển chợ ở các đô thị và tự do hoá thương mại giữa các tỉnh đã được áp dụng ngay trong năm 1981. Trong công nghiệp, đã tiến hành điều chỉnh lại giá tư liệu sản xuất trong khu vực kinh tế nhà nước để giảm khoảng cách giữa giá quy định của Nhà nước với giá cả hình thành trên thị trường tự do. Trong các năm 1980-1982, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 25, 26 CP và nhiều Nghị quyết khác về áp dụng cơ chế kế hoạch 3 phần trong công nghiệp: Phần kế hoạch hoá pháp lệnh, phần kế hoạch hoá với một bộ phận đầu vào mua trên thị trường và phần kế hoạch hoá với toàn bộ đầu vào mua từ thị trường tự do. Những biện pháp trên đã có tác dụng làm tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp Nhà nước, kích thích sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Những đổi mới bước đầu theo hướng tăng cường những nhân tố của kinh tế thị trường trong những năm 1980-1984 đã mang lại kết quả to lớn: Tỷ lệ tăng trưởng thu nhập quốc dân sản xuất từ -1,4% năm 1980 đã trở thành 2,3% năm 1981 và tiếp tục tăng vọt lên 8,3% năm 1982, 7,2% năm 1983 và 8,3% năm 1984. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách giảm mạnh[3], đời sống nhân dân và xã hội có những thay đổi rõ rệt[4]. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn 1981-1984 cũng tăng vọt so với giai đoạn trước[5]; nhiều mất cân đối vĩ mô tiếp tục tồn tại và phát triển. Đánh giá nguyên nhân của những hiện tượng này, Đảng ta cho rằng đó là do tác động tiêu cực của những nhân tố kinh tế thị trường trong lĩnh vực phân phối lưu thông; vì vậy, tháng 9/1985, cuộc cải cách giá, lương, tiền đã được thực hiện ở nước ta[6].
Cải cách giá, lương tiền và một loạt chính sách theo hướng tự do hoá giá cả tiếp theo trong bối cảnh chưa định hình được những chính sách tài chính, tiền tệ thích hợp đã mở ra một giai đoạn lạm phát cao chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt nam kể từ khi đất nước thống nhất năm 1975[7]. Tỷ lệ lạm phát tăng vọt từ 91,6% năm 1985 lên 774,7% năm 1986, 223,1% năm 1987 và 393,8% năm 1988. Nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng trên nhiều mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) giảm dần, từ 8,3% năm 1984 xuống còn 2,8% năm 1986 và 3,6% năm 1987 rồi tăng trở lại 6,0% năm 1988[8] trong khi tỷ lệ tăng trưởng dân số vẫn ở mức cao 2,2%/ năm. Tỷ lệ phá giá tỷ giá chính thức hàng năm tăng từ 55,6% năm 1985 lên 185,7% năm 1986, 360% năm 1987 và 715,2% năm 1988. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP thời kỳ này đã giảm đi, từ 15,7% năm 1985 xuống 5,8% năm 1986, 4,5% năm 1987 và 6,8% năm 1988. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề thâm hụt không đổi vì tuy không tăng thâm hụt ngân sách để bao cấp, nhưng chính phủ đã dùng công cụ phát hành tiền để chi tiêu không thông qua ngân sách. Tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán trong thời kỳ này rất cao: 148,6% năm 1985, 503,3% năm 1986, 324,3% năm 1987 và 445,4% năm 1988[9].
Nhìn toàn cục, đến trước những cải cách lớn đầu năm 1989, nền kinh tế nước ta có những đặc điểm chính là:
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, nền kinh tế luôn luôn trong tình trạng thiếu hụt, cơ cấu kinh tế thay đổi rất chậm, hiệu quả kinh tế rất thấp. Các chính sách kinh tế có xu hướng ưu tiên cho sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, trong khi coi nhẹ vai trò của nông nghiệp, thậm chí coi nông nghiệp là nguồn tích luỹ để công nghiệp hoá XHCN.
(2) Khu vực kinh tế Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong nền kinh tế nhưng hoạt động rất kém hiệu quả; hoạt động phụ thuộc rất lớn vào trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, tín dụng ngân hàng Nhà nước và đầu vào rẻ tiền nhập khẩu từ nước ngoài[10], chủ yếu từ khối Liên xô cũ. Vai trò của khu vực tư nhân trong công nghiệp rất thấp. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chưa hình thành.
(3) Mặc dù đã có những cải tiến đáng kể trong suốt thập kỷ 80, nhưng đến trước năm 1989, hệ thống quản lý Nhà nước về sản xuất, đầu tư, thương mại, giá cả, tín dụng, lãi suất, tỷ giá... còn rất nặng nề, tạo ra những méo mó, lệch lạc nghiêm trọng trong nền kinh tế vì không tạo ra được cơ chế hướng dẫn đầu tư và tiêu dùng hợp lý, dẫn tới nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả và phát triển không theo định hướng dài hạn.
(4) Tỷ lệ thâm hụt ngoại thương và cán cân thanh toán vãng lai trên GDP rất cao và có xu hướng tăng lên nhanh do tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp, do cầu vượt xa so với cung (hậu quả của cơ chế bao cấp tràn lan và hiện tượng đầu cơ phát triển), và do tỷ giá thực bị đặt ở mức quá cao trong khi tỷ giá cánh kéo giữa hàng xuất và hàng nhập giảm mạnh. Do liên tục thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai với mức độ ngày càng cao nên nợ nước ngoài tăng nhanh.
(5) Tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao và kéo dài. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP thấp trong khi tỷ lệ chi ngân sách có xu hướng tăng. Hai phần ba số thâm hụt ngân sách được bù đắp bằng phát hành tiền của Ngân hàng Trung ương[11], dẫn tới tỷ lệ lạm phát liên tục ở mức rất cao. Chính sách tiền tệ hoàn toàn bị động, phụ thuộc vào nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách của Chính phủ và nhu cầu vay tín dụng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Lãi suất thực thường xuyên trong tình trạng âm, dẫn tới nhu cầu tín dụng ngày càng cao và những méo mó lệch lạc trong cơ chế phân bổ tín dụng.
Như vậy, đến trước những cải cách lớn đầu năm 1989, nền kinh tế nước ta vẫn trong tình trạng hế sức khó khăn.
MỤC 2: CẢI CÁCH KINH TẾ TỪ MÙA XUÂN 1989 VÀ NHỮNG
QUAN HỆ KINH TẾ VĨ MÔ CƠ BẢN GIAI ĐOẠN 1989-2000:
I- KHU VỰC THỰC CỦA NỀN KINH TẾ
1) Tăng trưởng kinh tế
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (tăng trưởng GDP) là một trong những chỉ tiêu cơ bản để phân tích khía cạnh thực của các cân bằng kinh tế vĩ mô. Đây cũng là chỉ tiêu cơ bản nhất mà mọi mô hình phân tích dự báo kinh tế vĩ mô đều phải có. Sau những khó khăn trong giai đoạn 1989-1990 do tác động đồng thời của nhiều nhân tố, trong đó đáng kể nhất là hậu quả kéo dài của nhiều cuộc khủng hoảng lạm phát - phá giá thời kỳ 1985-1988 và cắt giảm viện trợ của khối Liên xô cũ, từ năm 1991, nhất là từ năm 1992, đến năm 1995-1996, nền kinh tế Việt nam đã thực sự đi vào quỹ đạo phát triển theo kinh tế thị trường và đạt được những tỷ lệ tăng trưởng ngày càng cao. Nếu như tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 1986 chỉ là 2,84%; năm 1987: 3,63%; năm 1988: 6,01%; năm 1989: 4,68% và năm 1990: 5,09%, thì đến năm 1991, đã đạt 5,81% và năm 1992 tăng lên tới 8,7%. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1991-1995 đạt 8,18%/năm, cao nhất kể từ trước tới nay. Đáng tiếc là sau đỉnh cao 1995, từ năm 1996, tỷ lệ tăng trưởng GDP đã liên tục giảm sút đến tận năm 1999.
Phân tích chi tiết hơn dựa trên đồ thị 1, có thể thấy tăng trưởng GDP trong giai đoạn 1989-2000 được chia làm hai thời kỳ rõ rệt: Trong thời kỳ đầu từ năm 1989 đến 1995, tỷ lệ tăng trưởng GDP liên tục tăng lên và đạt đến mức cao nhất là 9,5% năm 1995. Trong thời kỳ thứ hai, từ năm 1996 đến 1999, tỷ lệ tăng trưởng GDP liên tục giảm sút, xuống đến mức thấp nhất là 4,8% năm 1999, xấp xỉ mức năm 1989. Riêng năm 2000, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đã phục hồi trở lại, đạt 6,8%. Trong mỗi thời kỳ, xu hướng tăng, giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP đều rất rõ rệt, không có độ dao động lớn so với xu thế, tạo thành quá trình tăng trưởng theo hình chữ V ngược trong 11 năm qua. Do xu thế phát triển khá ổn định nên có thể đưa ra giả thuyết là quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta trong khoảng 1 thập kỷ gần đây mang tính chất cơ cấu chứ không phải là tình thế. Đây là một thuận lợi lớn khi xây dựng các mô hình phân tích và dự báo.
Đồ thị 1: Tỷ lệ tăng trưởng GDP qua các năm (%)
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001.
Quá trình tăng trưởng theo hình chữ V ngược không chỉ diễn ra trong toàn nền kinh tế mà còn diễn ra ở cấp các ngành kinh tế vĩ mô gộp. Đồ thị 2 cho thấy trong giai đoạn 1990-1998, tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng của nông nghiệp cũng được chia làm hai thời kỳ như tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. So sánh đồ thị 2 với đồ thị 1, có thể thấy có mối quan hệ khá chặt giữa tỷ lệ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng của nông nghiệp. Riêng năm 1992, do sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng đột biến so với xu thế chung của thời kỳ 1989-1995 (nhờ thời tiết thuận lợi) nên tỷ lệ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế cũng tăng đột biến theo, nhưng mức độ đột biến của toàn nền kinh tế thấp hơn do sự phát triển chậm lại của khu vực dịch vụ. Tuy nhiên, trong các năm 1999-2000, tiến triển của nông nghiệp đã không cùng xu thế với tiến triển chung toàn nền kinh tế.
Đối với ngành công nghiệp (kể cả xây dựng), đồ thị 2 cho thấy tăng trưởng của giá trị gia tăng của công nghiệp trong chặng đường 10 năm 1989-1999 cũng được chia làm hai thời kỳ rõ rệt như xu hướng tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Nhìn chung, tiến triển của công nghiệp rất tương đồng với tiến triển toàn nền kinh tế, nhưng quá trình phát triển công nghiệp có 2 điểm đặc biệt là: (1) tỷ lệ tăng trưởng của công nghiệp lên đến đỉnh cao nhất vào năm 1996 so với toàn nền kinh tế vào năm 1995; và (2) tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp được phục hồi rất nhanh trong giai đoạn đầu thập kỷ 90 sau mức tăng trưởng âm năm 1989. Nguyên nhân chính của những hiện tượng này là sản xuất công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào khối lượng vốn đầu tư trong khi tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư trong công nghiệp tăng lên rất nhanh trong nửa đầu thập kỷ 90; và đầu tư vào công nghiệp có ảnh hưởng tới sản xuất của ngành với thời gian trễ khoảng 1 đến 2 năm.
Đồ thị 2: Tăng trưởng GDP các ngành và toàn nền kinh tế (%)
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001.
Khu vực dịch vụ cũng có bước phát triển tương tự như các ngành nông nghiệp và công nghiệp. Tuy nhiên, như đồ thị 2 đã chỉ ra, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng của dịch vụ có xu hướng tăng lên trong nửa đầu thập kỷ 90, nhưng về bản chất, tỷ lệ này đã liên tục được duy trì ở mức khá cao trong suốt thời kỳ từ năm 1989 đến 1995. Tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng của dịch vụ đã đạt mức đặc biệt cao ngay trong giai đoạn đầu cải cách (1989-1990) chủ yếu là nhờ cải cách đã cho phép tự do hoá khu vực dịch vụ, phát triển mạnh khu vực kinh tế thị trường, tạo ra nhiều cơ hội cho dịch vụ phát triển trong khi cạnh tranh của nước ngoài đối với hoạt động của khu vực này hầu như không có trong những năm đầu cải cách.
Như vậy, về mặt tăng trưởng, quá trình phát triển của toàn nền kinh tế nước ta nói chung và của các ngành sản xuất gộp nói riêng trong thập kỷ 90 đã diễn ra theo hình chữ V ngược và khá ổn định, thể hiện một tiến triển mang tính cơ cấu chứ không phải chỉ là tình thế tạm thời. Đồ thị 2 cho thấy phục hồi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2000 (sau khi tụt đến đáy năm 1999) dựa trên phục hồi sản xuất công nghiệp và đặc biệt là dịch vụ. Những biến động gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tăng trưởng của hai khu vực này; đây là thông tin quan trọng để xây dựng các dự báo ngắn hạn.
2) Thay đổi cơ cấu kinh tế
Quá trình phát triển nêu trên đã tạo ra những thay đổi đáng kể về mặt cơ cấu kinh tế và thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá đất nước (đồ thị 3). Tỷ trọng công nghiệp trong GDP sau khi giảm sút từ 28,9% năm 1986 xuống 22,7% năm 1990 đã tăng trở lại 28,8% năm 1995 và lên đến 36,6% năm 2000. Ngược lại, tỷ trọng nông nghiệp đã tăng từ 38,1% năm 1986 lên tới 46,3% năm 1988, rồi giảm liên tục trong thời kỳ từ năm 1989 đến nay, và chỉ còn 24,3% năm 2000. Trong thời kỳ 1986-95, biến động tỷ trọng khu vực dịch vụ đi ngược chiều so với khu vực nông nghiệp; đặc biệt tỷ trọng khu vực dịch vụ đã liên tục tăng lên trong giai đoạn 1989-1995; chỉ từ năm 1996, tỷ trọng khu vực này mới có xu hướng giảm đi, nhưng tốc độ giảm chậm. Đến năm 2000, khu vực dịch vụ chiếm 39,1% GDP so với mức cao nhất là 44,1% năm 1995. Như vậy, nếu như trong nửa cuối thập kỷ 80 đã diễn ra quá trình giảm tỷ trọng công nghiệp (ngành sử dụng nhiều vốn, ít lao động) và tăng tỷ trọng các ngành nông nghiệp và dịch vụ (sử dụng ít vốn, nhiều lao động) thì trong thập kỷ 90 đã có một quá trình công nghiệp hoá mạnh mẽ đi kèm với bùng nổ khu vực dịch vụ.
Đồ thị 3: Thay đổi cơ cấu các ngành kinh tế trong thời kỳ đổi mới (%)
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001.
Trong bản thân từng ngành kinh tế cũng có những thay đổi cơ cấu đáng kể. Trong khu vực công nghiệp, tự do hoá kinh tế và những đợt phá giá liên tục trong những năm 1988-91 đã mở ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sử dụng ít vốn, nhiều lao động, nhờ vậy, trước năm 1992, các ngành này đã phát triển rất nhanh[12]. Tỷ trọng các ngành công nghiệp điện và điện tử, chế biến lương thực thực phẩm, dệt may, sản phẩm từ da và giả da, luyện kim màu và một số loại hàng tiêu dùng, hàng phục vụ nông nghiệp đã tăng lên đáng kể. Ngược lại, các ngành công nghiệp nặng, nhất là luyện kim đen, cơ khí sản xuất máy móc thiết bị và các sản phẩm khác bằng kim loại, vật liệu xây dựng, giấy, sành sứ thuỷ tinh, có tỷ trọng giảm nhanh[13]. Tuy nhiên, tình hình đã đảo ngược trong giai đoạn sau 1992 do hậu quả của chính sách ồ ạt nhập khẩu vốn nước ngoài và đánh giá cao tỷ giá thực. Từ năm 1992-93, các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn, ít lao động kể trên đã nhanh chóng phục hồi và phát triển rất nhanh, trong khi tỷ trọng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động đã nhanh chóng giảm đi.
Bên cạnh những tiến triển chung nêu trên, một điều dễ thấy trong thay đổi cơ cấu các ngành kinh tế là tính chất đa ngành nghề, đa dạng hoá sản phẩm và đa thành phần kinh tế đã phát triển khá nhanh trong suốt thập kỷ 90. Phần lớn những dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư đều xuất phát từ mục tiêu phát huy các thế mạnh và lợi thế so sánh quốc tế của từng vùng và cả nước trong quá trình hội nhập quốc tế, gắn với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, nhu cầu đời sống nhân dân. Trong nông nghiệp, cơ cấu trồng trọt đã được dịch chuyển theo hướng tăng diện tích lúa đông xuân và hè thu có năng suất cao, ổn định. Đến năm 2000, đã sử dụng giống lúa mới trên 87% diện tích đất gieo trồng. Nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung gắn với công nghiệp chế biến đã được hình thành. Sản phẩm nông nghiệp đã ngày càng đa dạng, nhất là đã phát triển mạnh các loại cây công nghiệp và hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Nhiều loại giống cây công nghiệp có năng suất cao đã được đưa vào sản xuất đại trà.
Đa dạng hoá sản phẩm được thể hiện rõ nhất trong sản xuất công nghiệp. Xu hướng chung trong thập kỷ 90 là các doanh nghiệp đã lựa chọn những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và có thị trường để đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Danh mục các loại hàng hoá mới xuất hiện trong nền kinh tế ngày càng nhiều. Chất lượng sản phẩm công nghiệp hiện nay đã cao hơn hẳn so với cuối thập kỷ 80. Đặc biệt, bên cạnh các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, từ đầu thập kỷ 90, trong nền kinh tế nước ta, đã xuất hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với sản phẩm có chất lượng cao. Nếu như tỷ trọng khu vực doanh nghiệp Nhà nước trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp giảm từ 58% năm 1990 xuống 50,4% năm 1995 và 42,1% năm 2000, tỷ trọng khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm từ 32,4% năm 1990 xuống 24,6% năm 1995 và 22,4% năm 2000 thì tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 9,6% năm 1990 lên 25,0% năm 1995 và 35,5% năm 2000.
Chuyển dịch cơ cấu cũng đã diễn ra mạnh mẽ trong khu vực dịch vụ. Nếu như trước cải cách, Nhà nước chỉ chú trọng phát triển thương nghiệp và cung ứng vật tư phục vụ quá trình sản xuất theo kế hoạch đã định, trong đó nhấn mạnh vai trò của thương nghiệp Nhà nước thì từ năm 1986, nhất là từ năm 1988-89, tự do hoá kinh tế đã mở ra một quá trình đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ ngày càng nhanh và sâu sắc. Thương mại quốc doanh được sắp xếp lại theo hướng nắm khâu bán buôn, chỉ tham gia khâu bán lẻ đối với những mặt hàng thiết yếu nhất; thị phần còn lại được dành hoàn toàn cho thương nghiệp ngoài quốc doanh. Các lĩnh vực dịch vụ khác như du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, kiểm toán, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn pháp luật, nhà đất, khoa học kỹ thuật và công nghệ... trước đây rất kém phát triển hoặc chưa có thì nay đã trở nên rất phong phú và được hiện đại hoá nhanh với chất lượng ngày càng cao trong quá trình hội nhập quốc tế.
[1] Theo ước tính của chúng tôi, tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP năm 1976 là 21,5%, năm 1977 là 15%, năm 1978 là 13,1%, năm 1979 là 17,5% và năm 1980 là 15,3%. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao có ba nguyên nhân: kinh tế tăng trưởng thấp, tình trạng chiến tranh và căng thẳng quân sự kéo dài, và chi tiêu ngân sách cao, nhất là chi đầu tư và chi khắc phục hậu quả của 30 năm chiến tranh (1945-1975). Tỷ lệ lạm phát theo Tổng cục Thống kê đối với các năm trên lần lượt là 21,9%, 18,6%, 20,9%, 19,4% và 25,2%.
[2] Theo Phan Văn Dĩnh (1990) "Thuế và cải cách thuế ở Việt nam", Tài liệu của Bộ Tài chính Việt nam, và Bruneau M. (1996) "Crises et Mutations des Agricultures et des Espaces Ruraux en Asie du Sud-Est", trong sách Bonnamour J "Agricultures et Campagnes dans le Monde", SEDES, 1996, trang 243, thì kinh tế hộ gia đình lúc đó chỉ chiếm 5% diện tích đất canh tác song tạo ra khoảng 20-25% sản lượng lương thực.
[3] Cũng theo tính toán của chúng tôi, tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP năm 1981 là 12,2%, năm 1982 là 11,8%, năm 1983 là 8% và năm 1984 là 5,1%.
[4] Sản lượng lương thực đầu người từ 238,5 kg năm 1978 đã tăng lên 268,2 kg năm 1980, 273,2 kg năm 1981 và trên 300 kg từ năm 1982.
[5] Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng năm 1981 là 69,6%, năm 1982 là 95,4%, năm 1983 là 49,5% và năm 1984 là 64,9%.
[6] Nội dung chính của cải cách giá lương tiền năm 1985 gồm 4 điểm: (1) Điều chỉnh giá hàng hoá trên thị trường Nhà nước cho phù hợp với chi phí sản xuất, tỷ giá mới và tiếp cận với giá cả trên thị trường tự do; tuy nhiên, Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát hành chính đối với giá cả trên thị trường có tổ chức (thị trường Nhà nước); (2) Bãi bỏ hệ thống giá bao cấp và chế độ phân phối hàng hoá định lượng theo tem phiếu; (3) Tiền lương tối thiểu được điều chỉnh từ 27,3 đồng / tháng (cố định từ năm 1960) lên 220 đồng / tháng cho phù hợp với hệ thống giá mới; (4) Phát hành tiền Việt nam mới: 1 đồng tiền mới giá trị bằng 10 đồng tiền cũ. Tuy nhiên, sau cải cách, do lạm phát tăng cao, Nhà nước đã phải khôi phục lại chế độ cung cấp định lượng đối với một số mặt hàng.
[7] Năm 1986, Chính phủ bãi bỏ cơ chế quy định giá bán tư liệu sản xuất nông nghiệp và giá thu mua nông sản theo giá cố định, chuyển sang cơ chế giá thoả thuận. Năm 1987, Nhà nước thả nổi phần lớn giá bán lẻ hàng công nghiệp tiêu dùng, trừ các mặt hàng bán theo chế độ định lượng được phục hồi sau thất bại của cải cách giá, lương tiền năm 1985. Năm 1988, Nhà nước bãi bỏ chế độ bán theo định lượng, thả nổi hầu hết cac loại giá bán lẻ, kể cả giá lương thực. Đến giữa năm 1988, trừ danh sách giá bị quản lý (gồm khoảng 40 mặt hàng cơ bản phục vụ đời sống nhân dân và chiếm khoảng 10% khối lượng hàng hoá đưa vào tính trong chỉ số giá tiêu dùng), các loại giá khác trên thị trường có tổ chức đã xấp xỉ ngang bằng giá trên thị trường tự do. Năm 1989, Nhà nước tự do hoá buôn bán tư liệu sản xuất và thả nổi phần lớn giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, kể cả loại nhập khẩu; Nhà nước chỉ quy định giá một số loại vật tư chiến lược như xăng dầu, phân hoá học, thép, điện, giấy, nước, cước bưu điện, giá thuê nhà ở và cước vận tải. Từ năm 1990, giá cả những loại hàng hoá này vẫn bị Nhà nước kiểm soát, nhưng được tính toán trên cơ sở giá cả thị trường.
[8] Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng năm 1988 nhờ tác động của một số chủ trương chính sách, trong đó các chính sách tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về giao đất giao rừng cho các hộ nông dân, Nghị quyết 217/HĐBT về đổi mới hoạt động các doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê, Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (2001) "Kinh tế Việt nam trong những năm đổi mới qua các chỉ tiêu tổng hợp của hệ thống tài khoản quốc gia", Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội, 2001, trang 65.
[9] Để so sánh, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán chỉ là 25,9%/ năm thời kỳ 1976-1980 và 89,7%/năm trong thời kỳ 1981-1984. Nguồn: Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
[10] Đầu vào rẻ tiền vì được chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền Việt theo tỷ giá rất thấp so với tỷ giá trên thị trường tự do.
[11] Tỷ lệ bù đắp thâm hụt ngân sách bằng phát hành tiền tệ tăng từ 5,6% năm 1976 lên 9,8% năm 1980, 31,8% năm 1984, 59,4% năm 1985, 64,5% năm 1986, 64,4% năm 1987 và 64,8% năm 1988. Nguồn: Bộ Tài chính.
[12] Xem phân tích, lý giải nguyên nhân của tiến triển kinh tế giai đoạn 1989-2000 trong bài: Lê Việt Đức, Trần Thị Thu Hằng (2001) "Công nghiệp Việt nam - Những thành tựu và thách đố" trong sách "Đánh thức con rồng ngủ quên", Nhà xuất bản trẻ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Kinh tế Châu á - Thái Bình Dương và Thời báo Kinh tế Sài gòn xuất bản. Theo phân tích của các tác giả, tự do hoá kinh tế đi kèm phá giá nội tệ là nguyên nhân chính của quá trình tăng trưởng và thay đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 1989-1993 vì tự do hoá kinh tế đã phát huy được tiềm năng phát triển của mọi thành phần kinh tế và mở ra nhiều cơ hội đầu tư trong khi phá giá mạnh cho phép giảm đáng kể giá thành làm tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt nam trên thị trường thế giới; đặc biệt, phá giá tạo thuận lợi cho sự phát triển của các ngành sử dụng ít vốn, nhiều lao động, các ngành tạo ra sản phẩm có khả năng xuất khẩu như công nghiệp ngoài quốc doanh, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp nên tỷ trọng các ngành này tăng lên. Ngược lại, nhập khẩu vốn nước ngoài và đánh giá cao nội tệ là nguyên nhân chính của quá trình tăng trưởng và thay đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 1993-1999 trong khi chính sách kích cầu và tăng giá dầu mỏ là nguyên nhân chính của phục hồi kinh tế trong năm 2000.
[13] Hai trường hợp đặc biệt : Tỷ trọng công nghiệp nhiên liệu tăng vọt là nhờ vai trò của dầu khí, tỷ trọng công nghiệp điện tăng là nhờ đưa vào sử dụng các công trình đă đầu tư trong quá khứ, nhất là nhà máy thuỷ điện Hoà bình do Liên xô giúp đỡ xây dựng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét