MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG QUÝ
MỞ ĐẦU
MỞ ĐẦU
Phân tích và dự báo tiến triển ngắn hạn của nền kinh tế quốc dân là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chính thông qua công tác này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể theo dõi sát sao tình hình kinh tế, hiểu rõ cơ chế hoạt động và những mối quan hệ trong nền kinh tế, từ đó dự báo được những khả năng phát triển có thể và đề xuất những chính sách kinh tế ngắn hạn có hiệu quả phục vụ công tác điều hành kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, để phân tích và dự báo kinh tế có cơ sở khoa học, xu hướng hiện nay là phải sử dụng những công cụ hiện đại của quản lý kinh tế trong cơ chế kinh tế thị trường, trong đó mô hình kinh tế lượng là một trong những công cụ rất có hiệu quả, đã và đang được sử dụng rộng rãi tại phần lớn các nước trên thế giới.
Trên thế giới, có thể nói hầu như không có nước nào không xây dựng các mô hình kinh tế lượng để phục vụ công tác phân tích và dự báo kinh tế. Tại các nước công nghiệp và nhiều nước đang phát triển, quá trình xây dựng các mô hình đã được thực hiện thường xuyên từ nhiều thập kỷ; các mô hình ngày càng được chuẩn hoá, hình thành nên nhiều mô hình chuẩn và được lưu trữ trong máy tính để mỗi khi chính phủ muốn áp dụng các chính sách mới thì tiến hành thử nghiệm trên máy, từ đó lựa chọn được những giải pháp tối ưu để áp dụng trong thực tế, hoặc mỗi khi có những thay đổi trong môi trường kinh tế quốc tế thì có thể sử dụng mô hình để phân tích ảnh hưởng của chúng tới nền kinh tế quốc dân và giúp lựa chọn những đối sách cần thiết.
Ở trong nước, công tác phân tích và dự báo kinh tế dựa trên các hệ mô hình kinh tế lượng đã được đặt ra từ lâu. Mô hình kinh tế lượng đầu tiên được xây dựng năm 1975-1976 tại Ban Điều khiển học thuộc Phủ Thủ tướng, cho nền kinh tế Miền Bắc với chuỗi số liệu năm thời kỳ 1957-1975[1]. Mô hình này chỉ mô tả hoạt động của 7 ngành kinh tế quốc dân thuộc khu vực sản xuất vật chất, gồm khoảng 20 phương trình kinh tế lượng và một số phương trình kế toán và dẫn xuất. Các phương trình kinh tế lượng chính được chia làm 3 nhóm, gồm nhóm các phương trình xác định tài sản cố định mới tăng dựa trên vốn đầu tư, nhóm các phương trình xác định tổng sản phẩm xã hội dựa trên hàm sản xuất dạng Cobb-Douglas và nhóm các phương trình xác định tiêu hao vật chất dựa trên quan hệ tuyến trực tiếp với tổng sản phẩm xã hội. Thu nhập quốc dân được xác định là chênh lệch giữa tổng sản phẩm xã hội và tiêu hao vật chất. Cân bằng chủ yếu trong mô hình là cân bằng giữa tích luỹ và tiêu dùng. Mô hình chưa tính đến các quan hệ giá trị, giá cả cũng như chưa xem xét các hoạt động xuất nhập khẩu. Các phương trình được ước lượng theo phương pháp bình phương cực tiểu và được thực hiện bằng máy tính quay tay Nisa. Do mô hình được xây dựng sau khi đất nước đã thống nhất nên ý nghĩa sử dụng không nhiều và do vậy nhóm xây dựng mô hình không thực hiện các mô phỏng sai số cũng như không sử dụng mô hình này trong phân tích, dự báo.
Mô hình kinh tế lượng đầu tiên cho nền kinh tế cả nước được xây dựng tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương năm 1983-1984[2]. Mô hình này ban đầu cũng chỉ bao gồm các chỉ tiêu thuộc khối thực giống như mô hình do Ban Điều khiển học năm 1975-76 vì theo quan điểm kinh tế kế hoạch hoá tập trung, chỉ những hoạt động của khu vực thực mới tạo ra thu nhập quốc dân. Trong năm 1985-1986, do nhu cầu phân tích, dự báo, một số chỉ tiêu thuộc khu vực tiền tệ đã được đưa vào, nhưng ở dạng rất thô sơ và chưa có cơ sở lý thuyết kinh tế. Trong các năm 1987-1988, mô hình đã được xây dựng lại theo tiếp cận hoàn toàn mới. Mô hình năm 1987 là một mô hình kinh tế hai khu vực (khu vực Nhà nước và khu vực thị trường tự do) với hai cơ chế hình thành giá và hai thị trường vận hành khác nhau (giá trên thị trường có tổ chức và giá trên thị trường tự do). Có thể nói đần đầu tiên ở nước ta, các chỉ tiêu tài chính, tiền tệ và các chỉ tiêu khác của kinh tế thị trường được đưa vào mô hình một cách có hệ thống trên cơ sở các lý thuyết kinh tế vĩ mô của kinh tế thị trường[3]. Các kết quả của mô hình đã được sử dụng tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, được trình bầy tại các hội thảo quốc tế tổ chức trong nước và ở ngoài nước, được công nhận có giá trị đóng góp vào mô hình LINK của Liên hợp quốc trong khuôn khổ một hợp đồng khoa học ký kết giữa Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Uỷ ban kinh tế và xã hội Châu á Thái bình dương của Liên hợp quốc năm 1988-1989.
Trong các năm 1989-1994, công tác xây dựng mô hình được hoàn thiện dần từng bước; việc nhận dạng các phương trình và các mối quan hệ giữa các khối trong mô hình tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ngày càng mang tính khoa học và phù hợp với thực tiễn hơn. Các mô hình xây dựng trong giai đoạn từ năm 1988 đến nay đã có nhiều phát triển về lý thuyết, phù hợp với quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở nước ta, đồng thời quy mô mô hình ngày càng mở rộng. Cấu trúc các mô hình thường được chia làm 6 đến 9 khối, gồm dân số và lao động, đầu tư, sản xuất, tài chính, tiền tệ và tín dụng, tiêu dùng nội địa, giá cả và tiền lương, xuất nhập khẩu, và cân bằng tổng quát về hiện vật và giá trị. Số phương trình trong các mô hình thường giao động giữa 50 và 80, trong đó có khoảng 15-20 phương trình hành vi[4].
Đặc biệt, khi xây dựng mô hình năm 1999 trong khuôn khổ hợp tác với Viện Nghiên cứu Kinh tế của Cộng hoà Liên bang Đức (DIW)[5], các tác giả của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lần đầu tiên đã xây dựng thử nghiệm một hệ thống bảng hạch toán quốc gia gộp cho nền kinh tế Việt nam nhằm tạo ra sự nhất quán, thống nhất giữa các nguồn thông tin, số liệu thu thập được từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trong và ngoài nước. Mô hình kinh tế lượng xây dựng trên hệ thống bảng này gồm 44 phương trình, chia thành 5 khối: sản xuất, sử dụng cuối cùng (kể cả xuất nhập khẩu), giá cả, phân phối thu nhập, và cân đối ngân sách.
Từ cuối những năm 80, tại một số viện nghiên cứu khác như Viện Chiến lược Phát triển, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Toán học..., công tác xây dựng mô hình cũng được thử nghiệm và thu được một số kết quả đáng khích lệ. Từ chỗ chỉ xây dựng các mô hình dạng lý thuyết đã tiến tới xây dựng các mô hình với số liệu cụ thể cho nền kinh tế nước ta; từ chỗ chỉ xây dựng một số mô hình thô sơ bằng các quan hệ tỷ lệ và tính trên bảng số LOTUS hay EXCEL đã tiến tới xây dựng các mô hình có tính hệ thống và quy mô ngày càng tăng. Một trong những mô hình quy mô khá lớn được xây dựng gần đây tại Viện Chiến lược Phát triển với nguồn tài trợ của Quỹ Nippon là mô hình dự báo ngắn hạn theo năm, gồm 67 biến số (trong đó có 17 biến ngoại sinh) với 50 phương trình (trong đó có 15 phương trình hành vi)[6].
Tuy nhiên, đến cuối năm 1994, tất cả các mô hình kinh tế lượng được xây dựng ở nước ta đều là mô hình năm. Chỉ đến năm 1995, ở nước ta mới có một thử nghiệm đầu tiên tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhằm xây dựng một mô hình kinh tế lượng quý[7]. Vì đây là thử nghiệm đầu tiên, thực hiện trong bối cảnh hệ thống thông tin quý còn kém, nhiều thông tin do các tác giả tự ước tính nên chất lượng mô hình chưa cao; nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đối với sự biến động ngắn hạn của nền kinh tế nhưng chưa được đưa vào mô hình vì chưa có số liệu quý; do vậy tính hệ thống của mô hình thấp. Mặt khác, do nền kinh tế nước ta mới bắt đầu chuyển đổi sang kinh tế thị trường nên tính chất hỗn hợp còn cao; nhiều đặc trưng quan trọng cần thiết để xây dựng mô hình dự báo ngắn hạn còn chưa được thể hiện rõ nên vấn đề nhận dạng mô hình rất khó khăn, làm cho cơ sở lý thuyết của mô hình chưa vững. Nhìn chung mô hình chỉ gồm một số phương trình rời rạc; mỗi phương trình phản ánh mối quan hệ kinh tế lượng giữa một số chỉ tiêu nhưng việc nối kết thành hệ thống chưa được đảm bảo; đặc biệt chưa có khối cân bằng tổng thể vì thiếu số liệu chi tiết. Vì những yếu kém trên nên những kết quả rút ra từ mô hình chưa được sử dụng trong phân tích kinh tế và dự báo phát triển. Sau mô hình này, có lẽ ở nước ta, chưa xuất hiện thêm một mô hình quý nào khác.
Như vậy, ở nước ta, do mới chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, hệ thống thông tin thống kê còn chưa chuẩn xác nên trong những năm qua, công cụ mô hình hoá kinh tế lượng chưa được sử dụng nhiều trong phân tích và dự báo kinh tế. Mặt khác, chúng ta mới chỉ xây dựng được một số mô hình kinh tế lượng năm, còn đối với mô hình quý thì đến nay hầu như chưa có những nghiên cứu về phương pháp luận cũng như thử nghiệm xây dựng trên cơ sở số liệu thực tế. Trong những năm gần đây, nhất là sau khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á, trong bối cảnh phát triển nhanh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng đa dạng, nhu cầu về những thông tin phân tích và dự báo kinh tế ngắn hạn phục vụ công tác quản lý và điều hành kinh tế đang trở lên rất lớn. Bên cạnh những thông tin định tính, nhu cầu thông tin định lượng đã trở lên đặc biệt cao; do đó việc khai thác, sử dụng công cụ mô hình hoá là không thể thay thế được và ngày càng cấp bách. Nhận thức được vấn đề này, một số Bộ điều hành kinh tế tổng hợp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã bắt đầu xúc tiến phát triển công tác mô hình hoá kinh tế lượng.
Mô hình kinh tế lượng được xây dựng trong khuôn khổ báo cáo này là một kế thừa và phát triển những kết quả của công tác mô hình hoá đã có từ nhiều năm qua ở nước ta, nhằm mục đích tiến tới xây dựng được một mô hình kinh tế lượng vĩ mô quý có giá trị để sử dụng trong công tác phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo tiến triển ngắn hạn của nền kinh tế quốc dân nước ta phục vụ cho công tác điều hành kinh tế tại Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Do việc xây dựng mô hình quý là vấn đề còn rất mới mẻ ở nước ta nên mục tiêu chính của đề tài triển khai trong năm 2000 là nghiên cứu xây dựng mô hình, có thử nghiệm một số phân tích kinh tế và dự báo ngắn hạn. Vì đây là một thử nghiệm đầu tiên nên những nghiên cứu chỉ có tính chất khai phá; cần phải có nhiều nghiên cứu khác bổ xung cho những kết quả của nghiên cứu này nhằm đảm bảo độ tin cậy của chúng. Trong những năm sau, nếu được tiếp tục triển khai, ban chủ nhiệm đề tài sẽ đặt mục tiêu ở mức cao hơn là tập trung phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo tiến triển ngắn hạn của nền kinh tế quốc dân nước ta trên cơ sở hoàn thiện mô hình đã xây dựng trong đề tài này, góp thêm một căn cứ khoa học phục vụ trực tiếp cho công tác điều hành kinh tế tại cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, phạm vi nghiên cứu kinh tế vĩ mô và được mô hình hoá trong mô hình của báo cáo này là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp chính phục vụ trực tiếp cho công tác phân tích và dự báo ngắn hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mô hình trong báo cáo này sẽ tập trung phân tích, dự báo khoảng 20-30 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chính trên cơ sở khai thác tối đa những nguồn thông tin quý tin cậy có thể thu thập được.
Mô hình được giới thiệu trong báo cáo này (gọi tắt là VQEM - Vietnam Quartely Econometric Model) sẽ mô tả nền kinh tế theo tiếp cận tài chính tiền tệ, nhằm đánh giá hiệu quả của các chính sách điều chỉnh kinh tế ngắn hạn và đưa ra những dự báo ngắn hạn. Trong tương lai, nếu được phép triển khai giai đoạn 2, chúng tôi sẽ phát triển mô hình bằng cách bổ sung thêm các yếu tố thực, nâng tầm dự báo của mô hình lên mức gồm cả ngắn và trung hạn. Mặc dù ở Việt nam cho đến nay đã có khá nhiều mô hình phân tích dự báo nhằm vào khối thực, song những mô hình tập trung vào khu vực tài chính tiền tệ còn quá ít và thô sơ (do đặc điểm kinh tế nước ta mới chuyển sang kinh tế thị trưởng, khu vực tài chính, chính sách tiền tệ mới ra đời); đặc biệt chưa thực sự có những mô hình quý được xây dựng một cách khoa học nên các cán bộ tham gia đề tài hầu như không có tài liệu tham khảo kinh nghiệm của thế hệ trước. Chính vì vậy, một trong những giá trị thực tiễn có ý nghĩa của đề tài nghiên cứu này là tạo ra bước đột phá ban đầu trong việc xây dựng mô hình quý để lôi kéo các tổ chức, cá nhân khác nghiên cứu phát triển loại mô hình này.
Trong kinh tế thị trường, nền kinh tế thường được chia làm hai khu vực: khu vực tài chính và khu vực thực. Hai khu vực kinh tế này có gắn bó chặt chẽ với nhau trong một tổng thể thống nhất, nên việc phân tích các quan hệ tương hỗ giữa hai khối và xem xét ảnh hưởng của những thay đổi trong khối tài chính tiền tệ tới những thay đổi trong khối thực là hết sức cần thiết. Vì mục tiêu của mô hình là phân tích và dự báo ngắn hạn nên đối tượng chính cần phân tích là vai trò tác động và hiệu quả của chính sách tài chính, tiền tệ. Đây cũng là quan điểm chung trong xây dựng các mô hình dự báo ngắn hạn tại nhiều nước trên thế giới hiện nay vì khu vực tài chính đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn đối với quá trình tăng trưởng kinh tế và thay đổi cơ cấu. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của phân tích, dự báo vẫn là khả năng phát triển các chỉ tiêu của khu vực thực nên những đầu ra của mô hình sẽ chủ yếu là những chỉ tiêu của khu vực này.
Những phân tích tình hình kinh tế gần đây cho thấy từ khoảng năm 1998 đến nay, nền kinh tế nước ta đã rơi vào tình trạng thiểu phát và cung lớn hơn cầu. Nếu như trước đó, khan hiếm hàng tiêu dùng và các nguồn lực là hiện tượng phổ biến khắp nơi, làm cho cơ chế bao cấp xin - cho trở thành nguyên tắc chi phối toàn bộ cơ chế vận động của nền kinh tế nước ta và hầu hết các mô hình được xây dựng theo mô hình cung, thì từ năm 1998, nhất là từ năm 1999, tình hình đã hoàn toàn đảo ngược: tình trạng dư thừa hàng hoá, dư thừa vốn và tiền tệ phát triển tràn lan, kéo theo giá hàng tiêu dùng và lãi suất giảm gần như liên tục qua các tháng. Do vậy, tiếp cận trung tâm của mô hình dự báo ngắn hạn trong báo cáo này sẽ là tiếp cận cầu, trong đó những nhân tố chính tác động đến khu vực thực, đặc biệt là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, sẽ là các nhân tố tài chính, tiền tệ.
Vì là mô hình cầu nên lô gic của mô hình phỏng được theo lý thuyết Keynes (lý thuyết cầu). Mô hình bao gồm 3 khối: khối thực, khối tài chính tiền tệ và khối ngoại thương. Trong khối thực, theo lý thuyết Keynes, sản xuất được xác định căn cứ vào các thành phần của tổng cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng (chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu); trong đó vốn đầu tư được hình thành từ nhiều nguồn, mỗi nguồn chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau trong đó có nhân tố tăng trưởng GDP, tức là căn cứ vào nhu cầu tăng trưởng sẽ xác định nhu cầu đầu tư. Tiêu dùng dân cư được xác định trên cơ sở kết quả sản xuất trong khi tiêu dùng chính phủ là biến ngoại sinh.
Khối tài chính, tiền tệ sẽ xác định các chỉ tiêu thu chi ngân sách, cung ứng tiền tệ và lạm phát. Lập luận chung đều dựa trên lý thuyết Keynes. Thu ngân sách phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế trong khi chi ngân sách phụ thuộc vào thu và chính sách đầu tư của chính phủ; tỷ lệ thâm hụt ngân sách được coi là biến ngoại sinh vì đây là công cụ của Nhà nước để thực hiện chính sách kích cầu.
Khối xuất nhập khẩu cũng được xây dựng theo nguyên tắc của mô hình cầu nhưng có bổ sung các nhân tố của lý thuyết cạnh tranh quốc tế. Một mặt, xuất khẩu phụ thuộc vào cầu của các nước bạn hàng gửi đến nền kinh tế nước ta trong khi nhập khẩu phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của nền kinh tế. Mặt khác, cả hai biến này đều phụ thuộc vào sức cạnh tranh về giá của nền kinh tế thông qua yếu tố tỷ giá thực, đại diện bằng chênh lệch giữa giá trong nước và giá quốc tế. Trên cơ sơ giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá, sẽ ước tính giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ và đưa vào phương trình cân bằng tổng quát trong bảng hạch toán tài khoản quốc gia.
Nhìn tổng quát, mô hình gồm 21 phương trình nhận dạng và 14 phương trình hành vi, với 35 biến nội sinh và 11 biến ngoại sinh. Các biến ngoại sinh tương đối đủ để có thể phân tích, mô phỏng và dự báo ảnh hưởng của chính sách kích cầu tới tăng trưởng ngắn hạn.
Để đơn giản quá trình tính toán, các phương trình của mô hình đều được ước lượng theo phương pháp bình phương cực tiểu. Thực tế, các kết quả ước lượng theo phương pháp này nói chung đều đạt yêu cầu về kỹ thuật kinh tế lượng trong khi một số thử nghiệm ước lượng lại bằng phương pháp bình phương cực tiểu hai bước đều không tạo ra những thay đổi đáng kể về các hệ số ước lượng từ phương pháp bình phương cực tiểu.
Báo cáo này chỉ giới thiệu mô hình gốc, các phiên bản khác nhau phục vụ nhiều mục tiêu dự báo khác được lưu tại ban chủ nhiệm đề tài. Trong quá trình phân tích dự báo ngắn hạn, sẽ liên tục phải cải tiến lại các phương trình để mô hình bám sát tính hình, cập nhật được những thông tin mới nhất, từ đó đảm bảo chất lượng dự báo. Trên thực tế, một số biến nội sinh như xuất, nhập khẩu, tiền lương và giá cả chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố mang tính chất tình thế nhưng lại thường không được đưa đủ vào mô hình, nên khi mô phỏng chính sách và dự báo phát triển, cần phải thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất và cải tiến mô hình.
Các số liệu để xây dựng mô hình chủ yếu được lấy từ các Niên giám thống kê hàng năm của Tổng cục thống kê, từ các kết quả nghiên cứu của Dự án tăng cường năng lực thông tin phục vụ công tác kế hoạch hoá cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Dự án EU-MPI), từ nguồn số liệu hàng tháng của Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng trên cơ sở báo cáo tháng của các Bộ, ngành khác gửi đến và từ những thông tin đã tích luỹ được trong giai đoạn xây dựng các mô hình trước.
Cơ cấu của báo cáo này được bố trí như sau:
Chương 1 sẽ được dùng để đánh giá tổng quan tiến triển của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn từ khi đổi mới năm 1989 đến nay, nhằm phân tích quá trình phát triển và chỉ ra nguyên nhân của quá trình đó, cũng như phân tích các mối quan hệ qua lại giữa các nhân tố vĩ mô. Đây là cơ sở và nền tảng để thiết kế mô hình vì thông qua những phân tích trên, sẽ nhận dạng được những đặc trưng và quan hệ nhân quả cơ bản của nền kinh tế, do đó có thể thực hiện được quá trình mô hình hoá nền kinh tế. Nhiều phân tích sử dụng cả các số liệu trước năm 1986 để có những đánh giá toàn diện hơn.
Chương 2 sẽ là phần mô tả chi tiết nội dung của việc xây dựng mô hình, gồm xây dựng các phương trình lý thuyết và phương trình thực nghiệm, đánh giá chất lượng mô hình và lựa chọn mô hình để sử dụng.
Chương 3 sẽ được dành để mô tả các kết quả mô phỏng, các kết quả phân tích và dự báo ngắn hạn cho các năm 2001-2003.
Những người tham gia xây dựng mô hình VQEM bày tỏ sự biến ơn đối với nhiều đơn vị và cá nhân đã giúp đỡ chúng tôi trong quá trình xây dựng mô hình. Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Quỳ đã cung cấp những lời bình xác thực và thường xuyên động viên chúng tôi trong quá trình hoàn chỉnh mô hình. Các anh chị làm mô hình thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược Phát triển cũng có những đóng góp và động viên quan trọng. Đặc biệt, chúng tôi trân trọng cám ơn sự giúp đỡ nhiệt tình và quý báu của các Vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Vụ thuộc Tổng cục Thống kê mà thiếu những giúp đỡ quý báu này, chúng tôi không thể có được những thông tin số liệu cần thiết để xây dựng mô hình. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên xây dựng mô hình quý, nên những thiếu sót của mô hình là khó tránh khỏi. Tất cả những thiếu sót của mô hình và trách nhiệm về những kết quả nêu trong báo cáo này đều thuộc về chúng tôi, những người tham gia xây dựng mô hình.
[1] Ban Điều khiển học, Phủ Thủ tướng Việt nam (1976) "Mô hình kinh tế Việt nam", tài liệu in roneo, Hà nội, tháng 9/1976, do Ngô Thúc Loan chủ biên.
[2] Nguyễn Văn Quỳ, Lê Việt Đức, Đàm Anh Nhi (1984) "Xây dựng mô hình kinh tế lượng phân tích tình hình phát triển kinh tế giai đoạn 1976-1983", Tạp chí Thống kê, số 11 năm 1984.
[3] Nguyễn Văn Quỳ, Lê Hồng Nhật, Lê Việt Đức, Nguyễn Công Hoá (1987) "Thử nghiệm xây dựng mô hình kinh tế lượng cho nền kinh tế Việt nam", Chuyên san các báo cáo tại Hội thảo Pháp - Việt về mô hình hoá kinh tế tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương 12/1987.
[4] Nguyễn Văn Quỳ, Lê Việt Đức (1989) " Xây dựng mô hình kinh tế lượng để phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo phát triển", Tạp chí Thống kê, số 5 và 6 năm 1989, và các mô hình tiếp theo trong các năm 1990-1995 tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đặc biệt là các mô hình xây dựng trong khuôn khổ các đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước về sử dụng mô hình kinh tế lượng trong việc phân tích chính sách và dự báo kinh tế vĩ mô do Nguyễn Văn Quỳ làm chủ nhiệm.
[5] Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (1999) "Tiếp cận phân tích định lượng nền kinh tế Việt nam: Khung khổ hạch toán tổng thể và mô hình kinh tế lượng vĩ mô dạng cấu trúc", Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Hà nội, tháng 12/1999. Đồng chủ biên: Võ Trí Thành và Rudolf Zwiner.
[6] Lê Anh Sơn, Hoàng Minh Hải (1997) "Mô hình kinh tế lượng vĩ mô phục vụ dự báo ngắn hạn ở Việt nam". Tài liệu Hội thảo của Dự án của Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư "Chuẩn bị cho một trung tâm dự báo kinh tế ở Việt nam" do Quỹ Nippon tài trợ, Hà nội, tháng 12/1997.
[7] Nguyễn Văn Quỳ và các tác giả khác (1995) "Thử nghiệm xây dựng một mô hình kinh tế lượng quý cho nền kinh tế Việt nam", Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét