Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

(5) THỬ NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG QUÝ

Bài viết của tôi năm 2001:

MÔ HÌNH KINH T LƯỢNG QUÝ
5) Tiêu dùng
Mục tiêu của sản xuất là thoả mãn nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của toàn xã hội và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Việc nghiên cứu tiến triển của tiêu dùng cuối cùng rất quan trọng trong các mô hình dự báo ngắn hạn vì ở tầm ngắn hạn, khi các nhân tố đầu vào cho quá trình tăng trưởng như vốn, lao động, vật tư, năng lượng không thể thay đổi nhanh thì những biến động của cầu lại có ảnh hưởng rất lớn tới điều chỉnh sản xuất và tạo ra quá trình ổn định kinh tế vĩ mô; do vậy các chính sách tác động vào cầu được coi là những chính sách ngắn hạn hay chính sách điều chỉnh. Ở nước ta, tiêu dùng là thành phần quan trọng nhất trong tổng cầu vì nó luôn luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng cầu: 50,9% thời kỳ 1996-2000 (tích luỹ tài sản chỉ chiếm 18,6% và xuất khẩu chiếm 30,4%); do đó khi xuất hiện tình trạng cung lớn hơn cầu thì ảnh hưởng của nó tới tăng trưởng kinh tế sẽ rất lớn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng vai trò của tiêu dùng cuối cũng đã giảm dần trong giai đoạn đổi mới: từ chỗ chiếm tỷ trọng 83,7% tổng cầu năm 1986, đến năm 1990 chỉ còn 70,4%, năm 1995 còn 57,7% và năm 2000 còn 46,6%; ngược lại, vai trò của xuất khẩu đã tăng vọt: 5,7% năm 1986 lên 19,2% năm 1990 và 34,7% năm 2000.



Đồ thị 6: Tỷ lệ tăng trưởng GDP và tiêu dùng hàng năm (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê "Tình hình kinh tế - xã hội Việt nam 10 năm 1991-2000, Nhà xuất bản Thống kê, Hà nội tháng 2/2001.
            Theo đồ thị 6, tỷ lệ tăng trưởng của tổng tiêu dùng xã hội trước năm 1993 tương đối thấp, trung bình khoảng 4%/năm; nhưng trong giai đoạn 1993-1996, tỷ lệ tăng trưởng này tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, từ năm 1998, tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng lại giảm mạnh, chỉ còn 1,8% năm 1999 và 3,75% năm 2000, tức là thấp hơn cả trước năm 1993. Về mặt cơ cấu, đáng chú ý là trong suốt giai đoạn từ năm 1987 đến 1995, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chính phủ liên tục cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của dân cư, làm cho tỷ trọng tiêu dùng chính phủ trong tổng tiêu dùng xã hội tăng nhanh; nhưng từ năm 1996, đã diễn ra một xu hướng hoàn toàn ngược lại: tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chính phủ liên tục thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của dân cư. Đặc biệt, tiêu dùng chính phủ năm 1999 giảm so với năm 1999, tức là tỷ lệ tăng trưởng âm: -5,7%. Kích cầu tiêu dùng năm 2000 cũng vẫn dựa chủ yếu vào kích cầu tiêu dùng của khu vực tư nhân vì tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng chính phủ rất thấp so với tiêu dùng tư nhân (1,65% so với 4%).
Đồ thị 6 cũng cho thấy tỷ lệ tăng trưởng GDP, tăng trưởng tổng tiêu dùng xã hội và tăng trưởng tiêu dùng của riêng các hộ gia đình có quan hệ mật thiết với nhau. Trong các năm 1991-1995 và 2000, chênh lệch về tỷ lệ tăng trưởng giữa tiêu dùng xã hội và GDP tăng mạnh chứng tỏ hoặc cầu nước ngoài, hoặc cầu tích luỹ hoặc cả hai loại cầu này đều tăng nhanh và do đó thay thế cho tiêu dùng làm nhân tố phát triển. Mục dưới đây sẽ phân tích sâu hơn vai trò của những nhân tố này và chỉ ra rằng tăng trưởng tích luỹ tài sản là nhân tố chính để tạo ra quá trình phát triển trong những năm tăng trưởng cao.
Về mặt kinh tế lượng, kiểm định quan hệ nhân quả theo phương pháp Granger cho thấy chiều quan hệ đi từ tăng trưởng đến tiêu dùng xã hội nói chung và tiêu dùng cá nhân nói riêng rất mạnh trong khi chiều ngược lại rất yếu. Nguyên nhân của hiện tượng này là trong giai đoạn cải cách vừa qua, trong nền kinh tế nước ta, nói chung tổng cung vẫn thấp hơn tổng cầu (trừ những năm gần đây), nên tăng cung kéo theo tăng thu nhập và tăng cầu trong khi chiều ngược lại không đáng kể.
Trong những năm gần đây, đã xuất hiện trong nền kinh tế nước ta tình trạng tổng cung lớn hơn tổng cầu thể hiện ở những hiện tượng điển hình như tỷ lệ sử dụng công suất máy móc, thiết bị thấp, khối lượng hàng tồn kho tăng nhanh và liên tục được duy trì ở mức cao, giá cả hàng tiêu dùng không tăng, thậm chí giảm... Tuy nhiên, vì đây là hiện tượng mới diễn ra với chuỗi thời gian quá ngắn nên quan hệ nhân quả đi từ tổng cầu tới tăng trưởng GDP chưa thể hiện trong các kiểm định kinh tế lượng. Mặc dù vậy, để dự báo ngắn hạn, cần phải sử dụng quan hệ này vì nó đang ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất của nền kinh tế nước ta. Để làm rõ hơn vai trò của các yếu tố trong tổng cầu tới tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, dưới đây chúng ta sẽ phân tích đóng góp của từng yếu tố cầu tới quá trình tăng trưởng.
6) Đóng góp của các nhân tố vào quá trình tăng trưởng
Để phân tích đóng góp của các nhân tố vào quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, trên cơ sở đó lựa chọn được loại mô hình thích hợp, chúng tôi đi theo tiếp cận chi tiêu trong cân đối tài khoản quốc gia. Theo tiếp cận này, tổng cung bao gồm sản xuất trong nước để dùng cho tiêu dùng cuối cùng (GDP) và nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ; tổng cầu bao gồm cầu trong nước và cầu xuất khẩu, trong đó cầu trong nước gồm ba bộ phận cấu thành là tiêu dùng của dân cư, tiêu dùng của chính phủ và tích luỹ. Nếu như dự trữ không đổi, giả định bằng 0, thì tổng cung sẽ luôn bằng tổng cầu, tức là có quan hệ đồng nhất thức sau:
GDP + M = C + I + X
hay:                                 GDP  =  C + I + X - M
trong đó GDP là tổng sản phẩm trong nước; C là tiêu dùng cuối cùng, gồm tiêu dùng tư nhân Cp và tiêu dùng chính phủ Cg; I là tích luỹ hay đầu tư, có thể được chia ra làm tích luỹ của khu vực tư nhân Ip và tích luỹ của khu vực chính phủ Ig; X là xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ; M là nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Cân bằng trên được thực hiện đồng thời theo giá hiện hành và theo giá cố định. Trong quá trình tính toán, thường có những điểm chưa khớp nhau nên có thể có những sai số nhất định.
          Bảng 6 trình bầy những số liệu cơ bản của bảng cân đối nguồn - sử dụng GDP theo giá cố định 1994 và ảnh hưởng của từng yếu tố thành phần tới tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm. Các chỉ tiêu trong khối "Đóng góp vào tăng trưởng (1)" được tính theo công thức:
                              (Y(t) - Y(t-1)) / GDP(t-1) * 100
với Y là từng chỉ tiêu tương ứng trong bảng (ví dụ tích luỹ, tiêu dùng, xuất khẩu...); t là chỉ số thời gian. Theo cách tính này, GDP năm 2000 tăng 6,76% trong đó tổng cầu nội địa làm GDP tăng 6,05%, xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ làm GDP tăng 6,23% và nhập khẩu làm GDP giảm 5,5%; tính chung xuất khẩu ròng (xuất - nhập) làm GDP tăng thêm 0,72%. Như vậy, nguyên nhân chính của tăng trưởng năm 2000 là nhờ đồng thời tăng cầu nội địa; vai trò đóng góp của nhân tố bên ngoài rất thấp. Đi sâu phân tích chi tiết thì thấy tổng cầu nội địa làm GDP tăng 6,05% với đóng góp 2,84% của tăng tiêu dùng và 3,2% của tăng tích luỹ, tức là đóng góp của hai nhân tố này cũng gần như nhau. Tuy nhiên, trong phần đóng góp 2,84% của tiêu dùng, riêng tiêu dùng cá nhân đã làm GDP tăng 2,73%, trong khi tiêu dùng chính phủ chỉ làm GDP tăng 0,11%. Như vậy, trong đóng góp của tiêu dùng, vai trò của tiêu dùng cá nhân chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối, vai trò của tiêu dùng trực tiếp chính phủ không đáng kể.
          Để làm rõ hơn tỷ trọng đóng góp của từng nhân tố tới tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm, chúng ta sử dụng các chỉ tiêu trong khối "Đóng góp vào tăng trưởng (2)" được tính theo công thức:
                              {(Y(t) - Y(t-1)) / GDP(t-1) * 100} / RGDP(t)
với RGDP(t) là tỷ lệ tăng trưởng GDP năm t. Kết quả tính toán trong bảng cho thấy phục hồi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2000 hoàn toàn nhờ vào tăng tổng cầu nội địa (89,5%), trong đó hai nhóm nhân tố nội địa chính là tiêu dùng cá nhân và tích luỹ tài sản (40,5% và 47,4%). Khu vực đối ngoại chỉ tạo ra 10,7% trong khi tiêu dùng trực tiếp của chính phủ chỉ tạo ra 1,65% của tỷ lệ tăng trưởng GDP chung là 6,76%.
          Áp dụng cùng cách phân tích trên cho cả thời kỳ đổi mới từ năm 1986-87 đến nay, có thể rút ra một số nhận xét sau:
          - Trước năm 1988, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào cầu nội địa; vai trò của khu vực xuất nhập khẩu rất thấp. Trong cơ cấu tỷ lệ tăng trưởng, ví dụ tỷ lệ tăng trưởng 3,63% năm 1987 được coi là 100%, tổng cầu nội địa tạo ra 143,1% (tương đương với 5,2% trong số 3,63%) trong khi xuất khẩu chỉ tạo ra 21,7% và nhập khẩu làm giảm 103,2%, làm cho đóng góp chung của khu vực kinh tế đối ngoại vào tỷ lệ tăng trưởng GDP là âm: -81,5%. Việc phát triển chủ yếu dựa vào cầu nội địa, vai trò của xuất khẩu thấp khi đó có thể thực hiện được là nhờ nguồn viện trợ dồi dào của khối Liên xô cũ. Phân tích chi tiết hơn cho thấy trong đóng góp của tổng cầu nội địa thì đối với năm 1987, quan trọng nhất là tích luỹ tài sản, tiếp đến là tiêu dùng tư nhân rồi cuối cùng mới là tiêu dùng chính phủ.
          - Từ năm 1988, nhất là từ năm 1989, khi quan hệ kinh tế đối ngoại được mở rộng, vai trò của nhân tố bên ngoài đã tăng lên rất mạnh. Ngay trong năm 1988, trong khi cầu nội địa chỉ còn tạo ra 73,3% tỷ lệ tăng trưởng GDP so với mức 143,1% năm 1987, thì khu vực kinh tế đối ngoại đã có mức đóng góp dương 14,8%. Tình hình này kéo dài đến tận năm 1992, khi cầu nội địa liên tục tạo ra khoảng 63-84% tỷ lệ tăng trưởng GDP (trung bình là 76%) và khu vực ngoại thương tạo ra khoảng 27%[1]. Như vậy, do bị cắt viện trợ từ khối Liên xô cũ, Việt nam đã buộc phải chuyển sang phát triển dựa đồng thời vào cầu trong nước và cầu nước ngoài trong giai đoạn 1988-1992.
Đối với riêng cầu nội địa, phân tích chi tiết trong thấy trong giai đoạn này, vai trò quan trọng nhất tạo ra tỷ lệ tăng trưởng GDP thuộc về tiêu dùng cá nhân, tiếp đến là tiêu dùng chính phủ, cuối cùng mới đến tích luỹ tài sản. Như vậy quan hệ thứ tự này khác với giai đoạn trước cải cách.
- Năm 1993 đánh dấu một thay đổi lớn về chiến lược tăng trưởng. Các số liệu trong bảng cho thấy trong giai đoạn 1993-1998, Việt nam đã trở lại phát triển dựa hoàn toàn vào cầu trong nước. Do thâm hụt cán cân vãng lai tăng nhanh, đóng góp dương của nhân tố xuất khẩu tới tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế liên tục thấp hơn đóng góp âm của nhân tố nhập khẩu, làm cho tỷ trọng đóng góp chung của khu vực kinh tế đối ngoại vào tăng trưởng GDP liên tục âm (trừ năm 1997 khi Việt nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực Châu á); tính trung bình là -18,4%.
Ngược lại, đóng góp của nhân tố cầu trong nước đã tăng lên rất mạnh, trung bình tới 115,4%[2]. Như vậy không những toàn bộ tăng trưởng kinh tế là do cầu nội địa tạo ra mà nó còn bù đắp lại phần giảm tăng trưởng do nhập khẩu quá nhiều. Phân tích chi tiết hơn cho thấy tích luỹ tài sản, tức là đầu tư, lại trở thành nhân tố quan trọng nhất tạo ra quá trình tăng trưởng (đóng góp trung bình tới 54,3%) trong khi tiêu dùng cá nhân bị đẩy xuống hàng thứ hai (53,8%); cuối cùng là tiêu dùng chính phủ (7,3%).
          Tại sao Việt nam có thể phát triển dựa hoàn toàn vào tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư nội địa trong giai đoạn này ? Đó là nhờ có luồng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ dồi dào dựa trên những nguồn thu ngoại tệ rất lớn gồm xuất khẩu dầu mỏ, kiều hối, viện trợ ODA và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng nhanh. Tuy nhiên, lý thuyết cán cân thanh toán quốc tế cho rằng một quá trình phát triển dựa hoàn toàn vào tăng trưởng cầu nội địa như vậy sẽ không thể bền vững vì nguồn thu ngoại tệ dồi dào sẽ không thể kéo dài mãi để thoả mãn nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao.
          - Thâm hụt ngoại thương và cán cân thanh toán quốc tế lên đến đỉnh điểm năm 1995-1996 đã buộc Việt nam phải điều chỉnh chính sách phát triển từ năm 1997-98. Quá trình này được đẩy nhanh hơn nhờ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ Châu á. Kết quả là từ năm 1999, đóng góp của khu vực xuất nhập khẩu vào tăng trưởng kinh tế đã tăng mạnh. Nếu như tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 1999 là 4,8% thì riêng khu vực xuất nhập khẩu đã tạo ra 3,0% (chiếm 63% tỷ lệ tăng trưởng) trong khi cầu trong nước chỉ tạo ra 1,8% (chiếm 37%). Ở mức kém ấn tượng hơn, trong tỷ lệ tăng trưởng GDP 6,8% năm 2000, xuất khẩu ròng đã tạo ra 0,7% (chiếm 10,7%) trong khi tổng cầu nội địa tạo ra 6,1% (chiếm 89,4%). Đặc biệt, vai trò của cầu nội địa tăng vọt trong năm 2000 là do nhân tố tích luỹ để đầu tư: Trong khi tỷ trọng đóng góp của tiêu dùng cá nhân vào tăng trưởng ổn định ở mức 40% thì tỷ trọng đóng góp của tích luỹ tăng từ 7,7% năm 1999 (mức thấp nhất trong thập kỷ 90) lên 47,4% (cao nhất thập kỷ 90, chỉ thấp hơn năm 1993 và 1998).
          Như vậy, đã có những thay đổi lớn về vai trò của các yếu tố tới quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta trong thập kỷ 90. Nếu như trong giai đoạn đầu cải cách (1988-1992), tiêu dùng nội địa (gồm tiêu dùng tư nhân và tiêu dùng chính phủ) và khu vực kinh tế đối ngoại (xuất khẩu ròng) đều đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng thì trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao (1993-1998), nhân tố cơ bản tạo ra quá trình tăng trưởng lại là cầu nội địa, chủ yếu là đầu tư (trong đó vai trò của vốn đầu tư từ nước ngoài rất lớn) và tiêu dùng tư nhân; ngược lại khu vực kinh tế đối ngoại đã có đóng góp âm tới tỷ lệ tăng trưởng trong giai đoạn này. Từ năm 1999, vai trò của khu vực kinh tế đối ngoại tăng lên rõ rệt trong khi vai trò của cầu nội địa (tiêu dùng và tích luỹ) giảm mạnh.


[1] Tổng đóng góp của nhân tố trong nước và nước ngoài là 103%, trong đó -3% là sai số thống kê.
[2] Tổng đóng góp của nhân tố trong nước và nước ngoài là 97%, trong đó thiếu 3% là do sai số thống kê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét