Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Việt Nam khó nâng cấp quan hệ với Mỹ vì ngại Nga-Tàu

Việt Nam khó nâng cấp quan hệ với Mỹ vì ngại Nga-Tàu
Mỹ và Việt Nam ngày 28/08/2023 đều đã ra thông báo tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Việt Nam ngày 10/09. Nguyên thủ Mỹ nhân chuyến thăm này rất có thể sẽ ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Khả năng Hà Nội quyết định nâng cấp quan hệ với Washington lên mức cao nhất gây tranh luận trong giới nghiên cứu về chính sách đối ngoại Việt Nam.
Quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa từ tháng 7/1995 và nâng cấp lên Đối tác toàn diện tháng 7/2013. Như vậy là sau 10 năm từ 2013 đến nay, xét về cấp độ ngoại giao quan hệ Việt – Mỹ vẫn dẫm chân tại chỗ. 

Trong khi đó trong thời gian từ năm 2000 đến nay đã có 4 đời tổng thống Mỹ đã thăm Việt Nam đó là: Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump.

Và lần này tổng thống Biden là thứ 5, có điều khác với các vị tổng thống trước đến thăm Việt Nam thường là thời điểm cuối nhiệm kỳ và nhân tiện để giải quyết các việc riêng cá nhân và của nước Mỹ.

Tổng thống Bill Clinton đến tháng 11/2000 vào cuối nhiệm kỳ chỉ còn vài tháng ngoài mục đích xã giao ông còn có một việc riêng đưa một hài cốt phi công về Mỹ theo lời hứa của ông với một bà mẹ Mỹ.

Tổng thống George W. Bush tháng 11/2006 nhân dịp tham dự Hội nghị APEC.

Tổng Barack Obama sang thăm tháng 5/2016 là những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ, và dấu ấn để lại chỉ là ông ăn bún chả và uống bia tại một quán bình dân ở phố Lê Văn Hưu – Hà nội.

Người Hà Nội hài hước bảo, Việt Nam khéo chọn tên phố để đưa B. Obama tới, tức là cho ông ăn ở 
phố Lê Văn Hưu để ám chỉ B. Obama sắp về hưu, và vì là vịt què nên B. Obama chẳng còn cơ hội để bàn chuyện đưa quan hệ lên ‘tầm cao mới”.

Tổng thống D.Trump đến Việt Nam hai lần.

Lần thứ nhất vào tháng 11/2017 dự Hội nghị APEC, tại đây ông có bài phát biểu quan trọng, và Ông Trump nói chuyện lịch sử Việt Nam: “Đó là vào năm 40 sau CN khi Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần của người dân trên đất nước này. Đó cũng là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đòi độc lập và phẩm giá của mình’.

Và thật thâm túy ông nói rằng: Các bạn - những người đã sống qua giai đoạn chuyển mình này hiểu rõ hơn ai hết về những giá trị mà các bạn đạt được. Các bạn cũng hiểu rõ rằng, ngôi nhà của các bạn chính là di sản của các bạn và các bạn sẽ luôn phải bảo vệ nó.

Ý ông Trump là Việt Nam đừng hy vọng vào một quốc gia nào đem đến hòa bình thịnh vượng cho Việt Nam, hãy lấy gương của Hai Bà Trưng để tự bảo vệ cho các di sản dân tộc

Lần thứ 2 vào tháng 2/2019 ông Trump đến Việt Nam trong chuyến công du với mục đích chính là dự Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ mà Việt Nam là nước trung gian tổ chức.

Riêng ông Biden có vẻ rất khác, ông sang thăm Việt Nam lần này khi nhiệm kỳ tổng thống còn hơn một năm, đủ cho ông có những quyết sách nâng cấp quan hệ với Việt Nam.

Một câu hỏi được đặt ra quan hệ Việt – Mỹ có được nâng cấp lên “chiến lược toàn diện”?

Người dân Việt Nam có vẻ hy vọng về điều này. Nhưng nó có thành sự thật hay không, cần phải hiểu quan hệ chiến lược toàn diện là gì?

Mặc dù đã có tới 10 mối quan hệ đối tác chiến lược được thành lập trong vòng hơn 10 năm trước đó, nhưng các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng cho khái niệm này, đặc biệt là nội hàm của nó.

Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Một mối quan hệ nên được coi là “chiến lược” đối với Việt Nam chỉ khi nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh, thịnh vượng, và vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong ba khía cạnh này, hai khía cạnh an ninh và thịnh vượng phải là hai khía cạnh cốt yếu, còn khía cạnh cuối cùng chỉ mang ý nghĩa thứ yếu.


Đối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau (quan hệ cùng thắng) có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự.

Theo giáo sư Va-lê-ri Lót-xkin (Nga), "đối tác chiến lược" phải bao gồm những nội dung sau: Không tấn công lẫn nhau; không liên minh chống lại các nước khác; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phải có lòng tin lẫn nhau. Đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh.

Đối tác toàn diện là quan hệ thông thường giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai.

Tính tới hết năm 2022, Việt Nam có: 4 Đối tác Chiến lược Toàn diện; 17 Đối tác Chiến lược (bao gồm cả bốn Đối tác Chiến lược Toàn diện) và 13 Đối tác Toàn diện. Trong đó 8/10 nước cùng là thành viên CPTPP (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 3 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại chưa có quan hệ đối tác cao là Peru và Mexico. Với các nước khối ASEAN, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với đầy đủ toàn bộ 9/9 nước thành viên (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 2 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại là Campuchia và Lào là Quan hệ đặc biệt.

4 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022).

Qua 4 nước trên cho thấy, đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam ưu tiên cho các quốc gia có nguồn gốc Cộng sản là đồng chí của nhau, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ (Liên Xô, Trung Quốc). Tiếp theo đó là có đóng góp quyết định trong phát triển kinh tế, không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Việt Nam (Hàn Quốc, Ấn Độ).

Theo trang mạng The Diplomat, nếu thông tin nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt được xác nhận, thỏa thuận này trùng khớp với dịp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Nhật - Hàn diễn ra tại trại David, đánh dấu một bước quan trọng trong sự hội tụ chiến lược giữa Hà Nội và Washington trong hai thập niên gần đây. Một số nhà quan sát cho rằng, đây có thể sẽ là « một thắng lợi mới trong chiến dịch củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương ».

Nhưng nhiều nhà phân tích khác tỏ ra nghi ngờ khả năng nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt trong năm nay do Việt Nam e ngại Trung Quốc có thể có những phản ứng, cũng như mối lo cho an ninh về việc Hoa Kỳ « can thiệp » vào chuyện nội bộ của Việt Nam.

Trang mạng The Diplomat ngày 21/08/2023, cũng cảnh báo, cho dù Việt Nam và Mỹ đều có cùng mối quan ngại chung về Trung Quốc, nhưng những mối quan ngại này giữa hai nước là không giống nhau. Đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc là một mối đe dọa lớn cho thế bá chủ của Mỹ trong khu vực. Còn Việt Nam xem đây như là một bước trong chính sách đối ngoại, bắt tay với tất cả các cường quốc có tranh chấp. Một cách khôn khéo, Hà Nội rất có thể sẽ thực hiện bước đi này sau khi đã tham khảo ý kiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc để thăm dò được phản ứng của Bắc Kinh.

The Diplomat dẫn lời nhà cựu ngoại giao Scot Marciel với Politico để kết luận : « Việt Nam vui mừng cải thiện quan hệ với Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ chống lại Trung Quốc, mà Việt Nam sẽ luôn cẩn thận điều chỉnh các chính sách của mình ».


Do đó đa số đánh giá, việc nâng cấp qua hệ Việt – Mỹ lên đối tác Chiến lược toàn diện là điều khó xảy ra, và người đồng chí Trung Quốc sẽ rất phật lòng về vấn đề này.

Ba lý do để nâng cấp quan hệ

Tuy nhiên, theo phân tích của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp trên trang mạng Fulcrum (28/08/2023), Hà Nội vẫn có thể chấp chận nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành « đối tác chiến lược toàn diện » mà không lo có những thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại, vì ba lý do.

Thứ nhất, cả hai nước ngày càng có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ cũng như những nỗ lực chống tham vọng hàng hải của Trung Quốc phần lớn phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, và Hoa Kỳ có nhiều cơ hội trở thành nhà cung cấp quốc phòng quan trọng cho Việt Nam trong tương lai.

Về kinh tế, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn là nhà đầu tư thứ 11 tại Việt Nam với mức vốn đăng ký lũy kế là hơn 11 tỷ trong năm 2022.

Thứ hai, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng phù hợp với việc Hà Nội đa phương hóa và đa dạng hóa nền ngoại giao. Việt Nam mong muốn phát triển mối quan hệ bền chặt và cân bằng với tất cả các nước lớn. Mỹ - với tư cách là một siêu cường - là mục tiêu lý tưởng cho chính sách ngoại giao nước lớn của Việt Nam. Ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Nga. Trong sắp tới, Hà Nội còn mong muốn nâng tầm quan hệ với Tokyo và Canberra.

Thứ ba, theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, năm 2023 là năm cơ hội để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ. Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, một lý do thuận lợi để nâng tầm quan hệ mà không lo những phản ứng quá mức từ Trung Quốc. Quan trọng hơn, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gia tăng, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc nâng mức quan hệ có thể đặt Hà Nội trong thế khó ngoại giao nếu quan hệ Mỹ - Trung xấu đi. Trong kịch bản này, bất kỳ nỗ lực nào của Việt Nam nhằm thắt chặt quan hệ với Mỹ đều có nguy cơ bị Trung Quốc đánh giá như là một hình thức chọn đứng theo Mỹ để kềm chế Trung Quốc.

Từ những phân tích này, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp lạc quan đánh giá, ít có khả năng Trung Quốc trừng phạt Việt Nam vì thông báo này phần lớn chỉ là một tuyên bố chính trị hơn là một liên minh quân sự. Do vậy, chúng không gây ra bất kỳ mối đe dọa an ninh trực tiếp nào đối với Trung Quốc.

Nguồn: Tổng hợp từ các báo và wiki


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét