Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

"Kho báu" Mặt Trăng kích thích các cường quốc chạy đua

"Kho báu" vô chủ trên Mặt Trăng kích thích các cường quốc chạy đua
Mặt Trăng hay trăng, nguyệt là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Với độ sáng ở bầu trời chỉ sau Mặt Trời, Mặt Trăng đã được con người biết đến từ thời tiền sử. Mặt Trăng có hình cầu với chiều rộng bằng khoảng 27% Trái Đất và khối lượng bằng khoảng 1,23% Trái Đất. Bề mặt Mặt Trăng chứa nhiều khoáng silicat và không có khí quyển, thủy quyển, hay từ quyển.
1. Mặt trăng
Giả thuyết về sự hình thành của Mặt Trăng được chấp nhận rộng rãi nhất cho rằng: cách đây hơn 4,5 tỷ năm, không lâu sau khi Trái Đất hình thành, Mặt Trăng được hình thành từ các vụn văng ra sau một vụ va chạm giữa Trái Đất và một thiên thể khác mang tên Theia cỡ Sao Hỏa.

Mặt Trăng ở trong quỹ đạo đồng bộ với Trái Đất, tức là chu kỳ tự quay của Mặt Trăng bằng với chu kỳ quay quanh Trái Đất, khoảng 27,3 ngày, do đó nó luôn quay một mặt về phía Trái Đất, là mặt gần.

Bề mặt Mặt Trăng có các biển Mặt Trăng. Đây là các vùng vật chất tối màu có nguồn gốc từ hoạt động núi lửa cũ, nằm chủ yếu ở mặt gần, giữa các vùng vỏ cũ cao sáng màu có rất nhiều hố va chạm. Các hố va chạm trên Mặt Trăng được bảo quản tốt và cung cấp nhiều thông tin về quá khứ của Hệ Mặt Trời. Trọng trường ở bề mặt Mặt Trăng bằng khoảng 1/6 so với Trái Đất. Nhiệt độ thay đổi mạnh theo điều kiện nhận ánh sáng Mặt Trời, trung bình từ khoảng -180°C vào ban đêm đến trên 100 °C vào ban ngày tại xích đạo. Tồn tại hàng trăm tỷ tấn nước đá ở đáy những hố va chạm gần cực, nơi vĩnh viễn không nhận được ánh nắng.

2. Các cường quốc đua nhau lên mặt trăng

Theo The Times of India (Ấn Độ), hôm 23/8 tàu đổ bộ Chandrayaan 3 đã đặt chân lên Mặt Trăng.

Mới đây, Nga cũng đã cố gắng đưa tàu vũ trụ Luna-25 lên Mặt Trăng sau 47 năm, để đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đua quốc tế về thám hiểm mặt trăng. Tuy nhiên, tàu của Nga đã mất điều khiển, đâm vào mặt trăng.

Nga cho biết họ sẽ khởi động các sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo, đồng thời hướng tới tầm nhìn hợp tác chung với Trung Quốc, thậm chí là thành lập một căn cứ trên Mặt Trăng.

Mỹ không ngoại lệ khi đã đặt chân lên và đang thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu chuyên sâu trên Mặt Trăng.


Đến thời điểm này người ta đã thấy trong đoàn đua lên Mặt trăng không chỉ có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, mà còn có Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Israel, Hàn Quốc….

Bà Isabelle Sourbès-Verger, chuyên gia về địa chính trị không gian thuộc Viện Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS) cho biết : “Người ta ước tính rằng sẽ có khoảng 40 chương trình Mặt trăng vào năm 2030”. Nhiều quốc gia khác, như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, cũng đã thông báo về chương trình chính phục Mặt trăng riêng của mình với mục đích để được quốc tế nhìn nhận và nâng cao niềm tự hào dân tộc, nhưng các nước này đều sẽ phải trông chờ vào hợp tác để thực hiện các dự án liên quan đến việc đưa các tàu thăm dò lên quỹ đạo hay hạ cánh xuống bề mặt của vệ tinh này. Trong khi đó kể từ năm 1976, Nga đã không đưa một cỗ máy nào lên Mặt trăng.

Trong số tất cả các chương trình không gian này, chương trình của Mỹ, mang tên gọi Artemis, kế thừa sứ mệnh của Apollo (anh trai của Artemis trong thần thoại Hy Lạp) tỏ ra có nhiều tham vọng. Artemis có kế hoạch đưa các phi hành gia lên Mặt trăng sớm nhất vào năm 2025 và sau cùng nhằm mục đích thiết lập một trạm trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng (Lunar Gateway) cũng như một căn cứ thường trực trên Mặt Trăng.

Nếu như chương trình chinh phục Mặt trăng của Hoa Kỳ ít mang nhiều tham vọng thương mại, thì Trung Quốc và Nga chủ yếu tập trung vào thăm dò khoa học. Kể từ năm 2014, các quan hệ với phương Tây bị thu hẹp và trở nên khó khăn, Nga đã từ bỏ quan hệ đối tác với Hoa Kỳ và chọn hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian. Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga có kế hoạch thiết lập một căn cứ trên mặt trăng.

Dù sao đi nữa, cuộc chinh phục Mặt trăng lần này sẽ không bị giới hạn ở việc thực hiện một vài bước đi ở trên đó hoặc mang về trái đất một ít đất đá của Mặt trăng. Việc khai thác các nguồn tài nguyên cũng được dự tính, có thể liên quan đến đất hiếm (được sử dụng trong thiết bị điện tử) hoặc thậm chí là helium 3 (được sử dụng cho phản ứng tổng hợp hạt nhân).

Cạnh tranh địa chính trị không gian

Sáu mươi năm sau cuộc chạy đua tranh giành các vì sao trong Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, cuộc cạnh tranh địa chính trị đang quay trở lại trong không gian. Trước hết là cuộc đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Kể từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã tạo đà phát triển với một chương trình cực kỳ tham vọng nhằm cạnh tranh với siêu cường Mỹ. Năm 2003, Bắc Kinh đưa phi hành gia đầu tiên lên quỹ đạo, trước khi đưa được trạm vũ trụ nguyên mẫu đầu tiên của riêng mình vào năm 2011, sau đó là phiên bản thứ hai vào năm 2016. Một kỳ tích chưa từng có, người Trung Quốc hạ thiết bị xuống vùng tối của Mặt trăng vào năm 2018 và đưa được cỗ xe tự hành lên sao Hỏa vào năm 2021.

Marc Julienne, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) nhấn mạnh: "Đối với Bắc Kinh, không gian trên hết là một phương tiện thể hiện uy tín. Trung Quốc mong muốn trở thành cường quốc thế giới đầu tiên trong mọi lĩnh vực vào năm 2049, để kỷ niệm một thế kỷ thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và không gian rõ ràng là một trong những lĩnh vực mà với họ, phải đi trước các cường quốc khác, kể cả Hoa Kỳ."

Ngược lại, Washington không dễ để bị làm lu mờ như vậy. Cho đến nay, cường quốc không gian hàng đầu Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư 50 tỷ đô la mỗi năm vào lĩnh vực này, không tính đến sự tham gia của các công ty tư nhân. Trong khi đó, ngân sách hàng năm cho không gian của Trung Quốc không công bố nhưng được các chuyên gia ước tính từ 10 đến 15 tỷ đô la. “Người Mỹ đầu tư rất nhiều tiền vào không gian để duy trì vị trí dẫn đầu của họ so với tất cả các cường quốc không gian khác", chuyên gia Isabelle Sourbès-Verger cho biết. Chi phí 10 tỷ đô la mỗi năm, đó là tương đương với toàn bộ ngân sách dành cho không gian của châu Âu, bao gồm cả các quốc gia trong và ngoài Liên Hiệp châu Âu.

3. Tại sao các cường quốc quan tâm đến Mặt Trăng?

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh trở lại, hai siêu cường hiện tại đang chạy đua cho cùng một mục tiêu: Chiếm cứ Mặt trăng. Bắc Kinh và Washington đều muốn đưa công dân của họ bước đi trên Mặt trăng trước năm 2030, nhưng cũng để khai thác các nguồn tài nguyên ở đó và thiết lập một căn cứ trên mặt trăng, làm cơ sở hướng tới khám phá Sao Hỏa.

"Trên Mặt trăng, thách thức đối với người Mỹ là chuyển sang một giai đoạn mới của hoạt động không gian bằng cách phát triển hoạt động kinh tế, công nghiệp và con người trực tiếp trong không gian, Isabelle Sourbès-Verger giải thích. Hiện tại, người Trung Quốc chỉ đang tìm cách làm điều mà họ chưa từng làm trước đây, đó là đặt chân lên Mặt trăng."

Khi Trái đất "đói" nhiên liệu, Mặt Trăng có thể trở thành nguồn cung cấp tiềm năng.

Nằm cách Trái đất 384.400 km, Mặt Trăng là cả một "kho báu" khổng lồ, gần như vô tận.

Theo NASA, vào năm 2008, Chandrayaan-1 của Ấn Độ đã lần đầu tiên phát hiện ra nước trên Mặt Trăng: Các phân tử hydroxyl trải rộng trên bề mặt mặt trăng và tập trung ở các cực.

Chúng không chỉ quan trọng với sự sống của con người mà còn có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa.

Mặt trăng còn chứa helium-3, một đồng vị tương đối khan hiếm trên Trái đất nhưng theo ước tính của NASA, có khoảng một triệu tấn chất này trên mặt trăng.

Helium-3 sở hữu tiềm năng tạo ra năng lượng hạt nhân trong các lò phản ứng nhiệt hạch; nó được coi là nguồn năng lượng của tương lai trong nhiều thập kỷ, vô tận và ít gây ô nhiễm.


Ảnh Nga phóng tàu Luna 25 lên Mặt Trăng. Ảnh: Reuters

Theo Asian Times, chỉ cần khoảng 40 tấn Helium-3, chứa đầy hai khoang chở hàng của tàu con thoi, là có thể cung cấp đủ năng lượng cho Mỹ trong một năm.

Giáo sư Ouyang Ziyuan, thuộc Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc, cho biết, Mặt Trăng “rất giàu” Helium-3, nhiều đến mức có thể “giải quyết nhu cầu năng lượng của nhân loại trong ít nhất khoảng 10.000 năm”.

Theo nghiên cứu của Đại học Wisconsin từ năm 1986, khai thác Helium-3 là một công việc có lãi, mang lại hàng tỷ USD nhưng hơn 30 năm sau vẫn chưa thu được một gram nào.

Ngoài ra, các sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng đã tiết lộ sự hiện diện của kim loại đất hiếm, bao gồm các nguyên tố như scandium, yttrium và lanthanide. Những kim loại này được ứng dụng trong điện thoại thông minh, máy tính, công nghệ tiên tiến, theo nghiên cứu của Tập đoàn Boeing.

Điều này đã làm dấy lên mối quan tâm đến tiềm năng khai thác và sử dụng các kim loại quý hiếm này.

4. Khai thác trên Mặt Trăng có dễ?

Quá trình khai thác mặt trăng đòi hỏi phải thiết lập cơ sở hạ tầng phù hợp trên bề mặt mặt trăng.

Với điều kiện đầy thách thức của Mặt Trăng, robot sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các hoạt động khai thác dù nước trên Mặt Trăng có khả năng hỗ trợ sự hiện diện và tham gia lâu dài của con người.

Tuy vậy, điều hướng khung pháp lý cho khai thác Mặt Trăng là một thách thức phức tạp.

Hiệp ước ngoài không gian năm 1966 của Liên hợp quốc quy định rằng, không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với Mặt Trăng - hoặc các thiên thể khác - và việc khám phá không gian nên được thực hiện vì lợi ích của tất cả các quốc gia.

Việc không có các điều khoản rõ ràng tạo ra lỗ hổng cho các thực thể tư nhân có thể khẳng định quyền sở hữu.

Thỏa thuận Mặt trăng năm 1979 quy định rõ ràng hơn, khẳng định rằng không có thực thể nào, dù là tổ chức nhà nước hay tư nhân, có thể khẳng định quyền sở hữu đối với các lãnh thổ trên mặt trăng.

Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa được nhiều cường quốc vũ trụ công nhận. Vào năm 2020, Mỹ đã công bố Hiệp định Artemis, một sáng kiến được đặt tên theo chương trình Mặt Trăng Artemis của NASA.

Hiệp định này tìm cách tăng cường luật vũ trụ quốc tế bằng cách thiết lập "vùng an toàn" trên Mặt Trăng nhưng Nga và Trung Quốc vẫn chưa tham gia hiệp định này.

Nguồn: Tổng hợp từ trên mạng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét