Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chiếc thùng không đáy ?

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chiếc thùng không đáy ?
Đọc bản tin hôm nay mình sốc quá. Hơn 911 tỷ đồng ngân sách vừa được Chính phủ phê duyệt bổ sung cho dự án giao thông nổi tiếng tồi tệ nhất Việt Nam đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Tàu: dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây là mức vốn phê duyệt bổ sung cho giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy, so với mức vốn phê duyệt ban đầu là 8.770 tỷ đồng, sau nhiều lần bổ sung, mức vốn đội lên hiện đã lên tới: 18.913 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần vốn phê duyệt ban đầu).

Tàu metro tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Vậy đường sắt Cát Linh - Hà Đông dường như đã thực sự trở thành chiếc thùng tiêu tiền thuế của dân không có đáy. Dự án Cát Linh - Hà Đông khởi công xây dựng từ tháng 10/2011, sau 11 năm khởi công (kéo dài tới 5 đời Bộ trưởng) với nhiều lần phải dừng thi công vì dự án đội vốn, Dự án hiện đã hiện hoàn thành và đi vào vận hành từ cuối năm 2021. Thời gian thi công Dự án cũng như mức đội vốn kỷ lục là các yếu tố khiến dự án Cát Linh - Hà Đông trở nên nổi tiếng.

Tiền đổ vào dự án bẩn này liên tiếp mà chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hơn 911 tỷ đồng ngân sách này mới chỉ là "phần thực hiện dự án của Bộ GTVT", chưa tính tới bổ sung cho thành phố Hà Nội và các bộ ngành khác, ví dụ như Bộ Xây dựng...

Đáng nói thêm là theo báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C (Chi nhánh Hà Nội), lỗ lũy kế từ khi thành lập đến cuối năm 2021 là gần 160 tỷ đồng. Trong đó, số chi phí phát sinh từ khi thành lập ngày 27/11/2014 đến ngày 5/11/2021 là 139 tỷ đồng; lỗ phát sinh từ ngày 6/11/2021 đến ngày 31/12/2021 là 20 tỷ đồng. 

Điều này có nghĩa là khi đầu tư cũng lỗ mà khi vận hành cũng lỗ. 

Kinh hoàng.

Trong tổng số tiền ngân sách bổ sung 911.046 triệu đồng có 223.144 triệu đồng vốn trong nước và 687.902 triệu đồng vốn nước ngoài. Đây là dự án được thi công bởi đối tác là một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. 

Do vậy, 687.902 triệu đồng trong Quyết định này hầu như chắc chắn là vốn ngân sách vay từ Trung Quốc. Gánh nặng nợ Trung Quốc càng nhiều, an ninh của đất nước càng nguy hiểm.

Dưới đây là thông tin tôi mới đọc.

1) Tăng 911 tỉ đồng vốn ngân sách cho dự án Cát Linh - Hà Đông

Mai Hà - 27/12/2022 Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ GTVT. Cụ thể, quyết định điều chỉnh tăng 911 tỉ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 (bao gồm 223 tỉ đồng vốn trong nước và 687,9 tỉ đồng vốn nước ngoài) cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (phần thực hiện dự án) của Bộ GTVT.



Về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn giao cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách T.Ư bố trí cho dự án theo quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu báo cáo.

Các bộ KH-ĐT, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỉ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, dự án được điều chỉnh tổng vốn đầu tư tăng hơn 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Tháng 11.2021, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại. Sau hơn một năm hoạt động, dự án này đã phục vụ khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó hơn 10.000 người dùng vé tháng.

https://thanhnien.vn/tang-911-ti-dong-von-ngan-sach-cho-du-an-cat-linh-ha-dong-post1535964.html
-------------

2) Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỗ lũy kế gần 160 tỷ đồng

Thứ hai, 14/11/2022 (ĐCSVN) – UBND TP. Hà Nội có văn bản trả lời kiến nghị cử tri về khoản lỗ lũy kế của Công ty Đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) từ khi thành lập đến cuối năm là gần 160 tỷ đồng.

Nội dung văn bản cho hay, dẫn báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, năm đầu tiên vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông lỗ lũy kế gần 160 tỷ đồng. Vì vậy, cử tri đề nghị TP. Hà Nội cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Trả lời ý kiến cử tri, UBND TP. Hà Nội cho hay, từ khi thành lập năm 2014 đến ngày 5/11/2021 – thời điểm chính thức đưa tuyến đường sắt Cát Linh – Hà đông vào vận hành thương mại, Hanoi Metro không có phát sinh doanh thu, nhưng để đảm bảo duy trì hoạt động của Công ty và sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn lực khi được bàn giao, tiếp nhận vận hành tuyến đường sắt số 2A, đơn vị phải chi trả lương cho người lao động để đảm bảo đời sống và giữ chân người lao động, mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ công việc và chi phí đào tạo với số tiền 139 tỷ đồng.

Đến ngày 6/11/2021, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và Sở Tài chính đã ký biên bản bàn giao, tiếp nhận và chính thức đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C (Chi nhánh Hà Nội) cho thấy, lỗ lũy kế từ khi thành lập đến cuối năm 2021 là gần 160 tỷ đồng. Trong đó, số chi phí phát sinh từ khi thành lập ngày 27/11/2014 đến ngày 5/11/2021 là 139 tỷ đồng; lỗ phát sinh từ ngày 6/11/2021 đến ngày 31/12/2021 là 20 tỷ đồng.

Nguyên nhân hoạt động 2 tháng cuối năm 2021 thua lỗ có thể kể đến như số lượng khách di chuyển bằng đường sắt 2 tháng năm 2021 là 874.000 lượt, thấp hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến khoảng 4,9 triệu lượt hành khách. Chưa kể, do hệ thống mạng đường sắt đô thị chưa kết nối đồng bộ các tuyến nên chưa hấp dẫn để thu hút được đông đảo người dân tham gia. Mặc dù lượng hành khách đi chưa cao, song chi phí vận hành (điện, nhân công…) không thể cắt giảm. Đặc biệt, giai đoạn đầu đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, giá vé tạm tính, với số lượng người tham gia giao thông bằng đường sắt chưa cao thì doanh thu bán vé không đủ để bù đắp các chi phí phát sinh liên quan.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố đã điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt có lộ trình trùng với tuyến đường sắt, bổ sung các tuyến xe buýt mới đi từ các nhà ga. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn mở mới các bãi đỗ xe gần các nhà ga để tăng sự khớp nối trong hệ thống giao thông chung nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân khi di chuyển bằng phương tiện đường sắt đô thị.

Với các giải pháp trên, Hà Nội đặt mục tiêu tăng số lượng hành khách, tăng doanh thu bán vé của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sẽ không phát sinh thêm lỗ. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh khai thác thương mại trên toàn tuyến để tạo thêm nguồn thu, bù đắp số lỗ lũy kế.

https://dangcongsan.vn/kinh-te/tuyen-duong-sat-cat-linh-ha-dong-lo-luy-ke-gan-160-ty-dong-624429.html

1 nhận xét:

  1. Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 1 của TPHCM Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, tăng tới 30.000 tỷ.
    Tuyến đường sắt số 2 của TPHCM cũng tăng từ 26.000 tỷ lên 47.000 tỷ đồng. của Nhặt nên đội vốn không sao hỉ.

    Trả lờiXóa