Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Bảo hiểm xã hội: 'Của để dành'

BHXH chính xác là "của để dành" cho TUỔI GIÀ của mỗi người dân; nhưng đó là ở  nước ngoài; còn ở VN thì cũng chưa chắc, có khi chỉ là tiền mất tật mang. Dù sao, tôi vẫn rất xót xa mỗi khi đọc tin người lao động ồ ạt đi rút BHXH một lần. Trong giai đoạn 2016 - 2021 toàn quốc có hơn 4 triệu người, chiếm tỷ lệ 8% lực lượng lao động toàn xã hội, phải rút BHXH một lần thì chứng tỏ nền kinh tế phát triển rất tồi tệ trong giai đoạn này. Đặc biệt, chỉ trong 1 năm 2022 đã chiếm tới 22% số người đi rút BHXH một lần của cả giai đoạn 6 năm càng chứng tỏ thành tựu của năm nay không tương xứng với những gì các cơ quan nhà nước vừa thông báo. Chúng ta đổ lỗi hoàn toàn cho Covid (như trong bài dưới đây) là không đúng, vì theo báo cáo của Chính phủ, năm nay tỷ lệ tăng trưởng lên tới 8%, cao nhất trong vòng 15-16 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp cũng liên tục giảm rất mạnh (xem biểu đồ) qua các quý, thì theo lô gíc, thu nhập của người lao động phải tăng mạnh, làm gì có chuyện họ phải đi rút BHXH một lần tới mức cả xã hội xôn xao suốt mấy tháng nay như vậy. Đổ lỗi cho tình trạng "doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng từ các nước trên thế giới" cũng không đúng vì tình trạng này mới phát sinh trong 2 tháng gần đây. Đọc đoạn đồng chí nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội viết "Hôm nay nếu không có việc làm, mất việc, thiếu việc, cắt giảm thì người lao động có thể chốt sổ bảo hiểm để khi có việc, có thu nhập thì tiếp tục đóng", tôi phải phì cười. Công nhân thu nhập chưa đủ ăn, hoàn toàn không có tích lũy, mất việc, thiếu việc là đói ngay, chết ngay...; thì sao có thể chốt bảo hiểm xã hội được. Nói thật, điều quan trọng nhất là người dân không có lòng tin vào Nhà nước. Một là chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của nhà nước quá kém, đã gây ra quá nhiều thiệt hại cho dân. Tỷ lệ lạm phát liên tục tăng cao, người dân bây giờ đóng BHXN 1 đồng thì khi rút ra có khi giá trị chỉ còn vài hào hay vài xu. Hai là tỷ lệ huy động của Nhà nước vào BHXH cao quá, chiếm đến 1/3 tiền lương, trong khi lao động VN chủ yếu là lao động chân tay, nhất là làm cu li cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đói ăn thì sức khỏe kém, 35-40 tuổi thất nghiệp muốn làm công nhân kiếm sống cũng không ai tuyển. Bây giờ tuổi hưu đang không ngừng tăng lên, vậy họ ăn gì để sống cho tới tuổi hưu để có lương hưu ? Ba là với chế độ BHXH hiện nay, kể cả công nhân có tiền cũng không muốn đóng BHXH vì họ tính ra tiền đó đem gửi tiết kiệm còn lãi hơn nhiều so với nhận lương hưu sau này; thêm nữa, dù có chờ đến lúc nhận được lương hưu thì lương hưu 2-3 triệu làm sao đủ sống được. Bốn là nhà nước không kiểm soát được bọn đầu tư nước ngoài tham lam và các DN trong nước bẩn thỉu. Chúng rất đểu, thường tìm cách ép các công nhân trên 35-40 tuổi nghỉ việc vì ở tuổi này, công nhân bắt đầu mắc các bệnh nghề nghiệp (mắt giảm thị lực, đau cột sống, ốm đau thường xuyên...) và làm việc chậm hơn, sai sót nhiều hơn, để thuê lao động trẻ khỏe hơn. Sau khi bị cho nghỉ việc, cơ hội tìm được việc mới của các công nhân này bằng không (các bảng tuyển dụng đều ghi rõ chỉ tuyển trong độ tuổi 18-30). Lúc ở tuổi này, người lao động đành phải rút BHXH một lần để sinh sống qua ngày. Nhà nước cứ thống kê những ngành nghề có người lao động rút BHXH một lần nhiều nhất là thấy ngay lũ FDI và DN bẩn thỉu nào. Vì có nghệ thuật kinh doanh như thế nên chủ doanh nghiệp càng ngày càng giàu, trong khi công nhân càng ngày càng nghèo. Tóm lại, Nhà nước lúc nào cũng nói vì dân, lợi ích thì hài hòa..., nhưng giữa lời nói và việc làm còn có khoảng cách khủng khiếp lắm. Tôi đi làm ở Pháp và Thụy Sĩ, cũng đóng một số loại BHXN được nhiều năm, cũng có thể rút các loại BHXN này 1 lần, nhưng đến nay tôi vẫn chưa bao giờ rút vì tôi tin tưởng mỗi khi Chính phủ họ thay đổi chính sách, họ luôn luôn nghĩ đến tăng lợi ích cho người lao động đã có công xây dựng đất nước họ chứ không nghĩ đến lợi ích của họ.
Bảo hiểm xã hội: 'Của để dành'
17/12/2022 TTO - Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2021 toàn quốc có hơn 4 triệu người rút BHXH một lần. 
Trong năm năm, bình quân mỗi năm hơn 800.000 người rút BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm 2022 ước khoảng 895.500 người, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thậm chí, những ngày qua còn có cảnh người lao động đi rút BHXH một lần vào cả ban đêm.

Người dân tại TP.HCM làm thủ tục nhận BHXH một lần tại BHXH thành phố Thủ Đức- Ảnh: DUYÊN PHAN

Nguyên nhân tăng là do sau hai năm đại dịch COVID-19 (2020 - 2021) đã tác động rất mạnh đến thị trường lao động, nhất là mất việc làm, thiếu việc làm và dịch chuyển lao động về địa phương. Sang năm 2022, do khó khăn về kinh tế nên nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng từ các nước trên thế giới.

Khi đơn hàng giảm dẫn tới các doanh nghiệp phải tiến hành các giải pháp tái cấu trúc lực lượng lao động. Trong đó có các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng và sa thải lao động, có doanh nghiệp giảm giờ làm hay nghỉ luân phiên.

Những yếu tố này dẫn đến người lao động bị tác động trực tiếp, thu nhập thấp đi, thậm chí không có việc. Từ đó dẫn đến họ mong muốn rút BHXH một lần để lấy tiền chi tiêu sinh hoạt.

Bên cạnh đó, dịp gần Tết, nhiều người lo không có tiền tiêu dùng nên số người rút tăng hơn. Chưa kể tâm lý một số người lao động lo lắng khi chưa tiếp tục tham gia với những biến động kinh tế như vậy, liệu quỹ BHXH có được bảo toàn, duy trì, phát triển không...

Việc người lao động rút BHXH một lần là quyền và được pháp luật cho phép. Không ai có thể trách hay ngăn cản được họ, nhất là trong lúc mất việc, thiếu việc, đời sống khó khăn.

Song phải khẳng định việc người lao động rút BHXH một lần chỉ có "lợi trước mắt", giải quyết đời sống nhưng có "hại lâu dài" khi người lao động hết tuổi lao động, nghỉ hưu, không còn làm việc.

Để giải quyết vấn đề này, thứ nhất cần tăng cường tuyên truyền giải thích cho người lao động hiểu rằng đó là "của để dành". Nói cách khác, đây là chính sách an sinh xã hội đảm bảo lâu dài cho người lao động và toàn dân.

Hôm nay nếu không có việc làm, mất việc, thiếu việc, cắt giảm thì người lao động có thể chốt sổ bảo hiểm để khi có việc, có thu nhập thì tiếp tục đóng. Đến đủ tuổi nghỉ hưu có thể lấy tiền của mình thông qua lương hưu chứ không ai lấy, không mất được.

Đồng thời đây là quỹ trung ương, ngoài việc bảo toàn còn phát triển. Bên cạnh đó, trong quá trình chốt sổ, không tiếp tục đóng nếu chẳng may qua đời hay di chuyển vẫn có thể được trợ cấp, lấy số tiền đó.

Thứ hai, các doanh nghiệp trong khả năng của mình nên có biện pháp tích cực cố gắng duy trì, luân phiên việc làm để giữ chân người lao động và dù giảm thu nhập nhưng họ vẫn có việc làm.

Điều này cũng giúp doanh nghiệp không mất lao động khi nền kinh tế phục hồi, có đơn hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chuyển đổi cơ cấu, ngành nghề việc làm và nếu khó khăn có thể được trợ cấp bằng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Cùng với đó nên giảm lợi nhuận để tăng cường hỗ trợ cho người lao động.

Thứ ba là Nhà nước cần nghiên cứu chính sách mang tính vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Bên cạnh đó có thể giảm, miễn, tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp...

Nghiên cứu chính sách để hỗ trợ cho vay không lãi suất, việc làm công để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Chính quyền địa phương cũng cần đồng hành hỗ trợ người lao động thuê nhà ở, giáo dục, y tế...

Về lâu dài, khi sửa Luật BHXH, cơ quan soạn thảo cần tăng quyền lợi với người lao động có thời gian tham gia BHXH chưa được hưởng một lần, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội hưởng lương hưu...

Khi có đồng bộ các giải pháp, giải thích, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi, chắc chắn người lao động sẽ yên tâm đóng BHXH và không có số người rút BHXH một lần nhiều như hiện nay.

Người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, Phó chủ tịch Quốc hội: 'Nói không bất thường là không đúng' TTO - Theo Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm 2022 ước khoảng 895.500 người, tăng 3,7% so với năm 2021. Nhưng so với bình quân các năm, mức ước tăng này "không phải bất thường".

TS BÙI SỸ LỢI (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) - THÀNH CHUNG ghi
https://tuoitre.vn/bao-hiem-xa-hoi-cua-de-danh-2022121707410392.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét