Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

“Chớ vì việc thiện nhỏ mà không làm”

Ngồi nói chuyện với người dân nước ta, ở bất cứ đâu mình đều thấy họ ca thán về quan lại thời nay. Đầu tiên họ kể chuyện chúng tham nhũng, cái gì chúng cũng muốn chiếm làm của riêng, ăn của dân không chừa cái gì. Tiếp đến họ chê chúng ngu dốt, làm cái gì sai cái đấy, điều hành kinh tế toàn thua lỗ, hợp tác với nước ngoài toàn bị lừa; hậu quả toàn người dân gánh chịu... Cuối cùng họ kết luận quan chức toàn bọn vô học. Ngồi nghe họ kể mình chỉ cười, vì bản thân mình cũng từng làm quan, và mình thấy quan chức nào chả có bằng đại học; thậm chí tỷ lệ thạc sĩ, tiến sĩ trong giới quan chức bây giờ cũng rất cao. Nhưng thường xuyên đọc bài trên mạng, đôi lúc bần thần ngẫm nghĩ, mình cảm thấy người dân nói cũng có lý của họ. Chắc đa số quan lại thời nay vô học thật vì nếu có học thì họ phải đọc nhiều và phải đọc được những bài viết về luật nhân quả để biết tự kiềm chế mình, để biết học và làm theo tấm gương đạo đức của người xưa chứ. Nhưng không. Bài viết dưới đây là một ví dụ. Người có học đều biết "Thiện ác cuối cùng đều có báo, không phải không báo mà là chờ thời điểm thích hợp mà thôi"; nếu họ không biết điều này, suốt ngày chỉ lo gục đầu vào máng, có cái gì của dân, của nước, đều đớp hết, thì chắc là bọn vô học thật. 
“Chớ vì việc thiện nhỏ mà không làm”
Dân gian có câu: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”. Thiện ác cuối cùng đều có báo, không phải không báo mà là chờ thời điểm thích hợp mà thôi. Hành thiện không cần khoa trương, chỉ cần lòng thành. Nếu vì thiện tâm mà giúp người thì cầm một tấm ván cũ cũng có thể lập nên công đức vô lượng…
Vào thời nhà Minh, ở Hương Khê (nay là lưu vực sông Tín Giang, thành phố Quý Khê, tỉnh Giang Tây) có một vị tú tài họ Lục.

Thường ngày, Lục tú tài vẫn hay ngồi đọc sách ở gần cầu Thiên Tân tại Quận Bắc. Một buổi tối nọ thời tiết oi bức nóng nực, Lục tú tài đi dạo chơi trên cầu hóng mát, đột nhiên anh nghe thấy dưới gầm cầu có tiếng trò chuyện. Trong đó một người nói:

- Ngày mai, nhà họ Trương ở Thủy Nam sẽ phái đứa hầu nhỏ đi Hoành Sơn dâng lễ, đứa trẻ đi ngang qua đây tất sẽ xuống sông tắm mát. Ta sẽ nhân cơ hội ấy dìm nó cho chết đuối để nó thay thế ta, rồi ta sẽ được siêu sinh, đi đầu thai chuyển thế.

Cổ nhân tin rằng, những người chưa đến thọ mệnh mà tạ thế thì Diêm Vương không thu nhận, họ không thể đầu thai mà chỉ có thể vất vưởng ở nơi họ qua đời, chờ đến khi có người đến thế thân mới có thể siêu sinh.

Lục tú tài nghe xong, ngờ rằng đây chính là quỷ nước đang chờ kẻ thế thân cho mình. Vì để cứu người, ngay từ sáng tinh mơ hôm sau anh đã lên cầu ngồi đợi, cứ đợi, đợi mãi, đợi đến gần trưa quả nhiên thấy một đứa hầu nhỏ mang chiếc hộp lễ đi đến. Lục tú tài bước lên hỏi thì được biết rằng cậu bé chính là gia nhân nhà họ Trương đến Hoành Sơn dâng lễ. Anh bèn kể lại mọi chuyện rồi căn dặn cậu bé nghìn lần không được xuống sông, tránh bị quỷ nước đoạt mạng. May mắn, cậu bé ngoan ngoãn vâng lời anh.

Tối hôm ấy, Lục tú tài lại lên cầu nghe ngóng, thấy phía dưới vọng lên tiếng nói:

- Ta đã đợi suốt 3 năm, mãi đến hôm nay mới tìm được kẻ thế thân, thế mà lại bị Lục tú tài cứu mất. Thật là xúi quẩy!

Lúc này lại có tiếng đáp rằng:

- Đứa hầu của Trương gia vốn dĩ không đáng chết. Tôi nghe nói cậu ta đã có công xây dựng cầu Thất Tinh nên tích được đại đức, nhờ đó mà hóa giải được kiếp nạn lần này.

Hôm sau đứa hầu nhà họ Trương trở về từ Hoành Sơn, khi đi ngang qua cầu Thiên Tân thì gặp lại Lục tú tài. Anh vội hỏi:

- Này cậu bé, ta nghe nói cậu từng xây chiếc cầu Thất Tinh ở đâu đó, có phải không?

Đứa hầu nhỏ đáp:

- Đâu có, làm gì có chuyện đó!

Lục tú tài không tin, vẫn nhất quyết hỏi đi hỏi lại và bảo cậu bé hãy cố nhớ lại xem sao. Đứa hầu nhỏ suy ngẫm một hồi lâu, nghĩ ngợi mãi mới chợt nhớ ra rằng:

- Trước trang viên nhà lão gia tôi có một cái hố, bề rộng hơn hai thước, người đi đường nếu không biết sẽ lỡ chân sa vào hố, còn những ai biết thì mỗi lần đến đó đều phải đi vòng rất bất tiện. Thế là tôi liền vào nhà kho tìm tấm ván cũ đã lâu không dùng để che lên miệng hố, nhưng không biết vì sao lại gọi là Thất Tinh Kiều?

Đứa hầu nhỏ trong lòng hoài nghi liền chạy về kiểm tra tấm ván, phát hiện mặt ván bị mọt đục bảy cái lỗ, thì ra cầu Thất Tinh (cầu bảy sao) hay 
Thất Tinh Kiều chính là chỉ tấm ván cũ này.

Cậu bé nhờ một ý niệm thiện, tiện tay bắc tấm ván cũ giúp người qua đường mà lập được công đức, có thể tiêu trừ kiếp nạn bị quỷ nước đoạt mạng. 

Qua đây mới thấy dân gian có câu: “Chớ vì việc thiện nhỏ mà không làm”, thực là vô cùng chí lý! Xem ra việc Lục tú tài tình cờ nghe thấy cuộc đối thoại của quỷ nước cũng không phải ngẫu nhiên, mà là Thần hữu ý an bài để miễn trừ kiếp nạn cho người thiện lương là cậu bé làm người hầu ở nhà họ Trương.

"Người làm Trời nhìn", “Trên đầu ba thước có Thần linh”, hành vi bé nhỏ ấy của cậu bé đã được Trời, được Thần ghi chép. Vậy thì những việc đại sự lại càng được 
Trời, được Thần ghi chép kỹ và báo đáp. 

Bài học mỗi chúng ta cần khắc sâu trong đầu là: Thiện ác cuối cùng đều có báo, không phải không báo mà là chờ thời điểm thích hợp mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét