Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

PHÂN BIỆT "CON" VÀ "CÁI" TRONG TIẾNG VIỆT

PHÂN BIỆT "CON" VÀ "CÁI" TRONG TIẾNG VIỆT
Vừa rồi trên FB của mình có bạn bình luận "Mấy vị bình luận viết sai chính tả, câu cú lộn xộn, đọc khó hiểu quá!". Theo mình hiểu thì nhiều bạn kém sử dụng tiếng Việt, văn Việt. Nhiều khi họ không biết viết thế nào là đúng chính tả, là ngữ pháp tiếng Việt. Dưới đây là một câu chuyện.


Chuyện rằng có gã người Tây,
Lấy cô vợ Việt, sang đây... ở nhờ!
Gã còn biết chén... cầy tơ,
Mắm tôm cũng khoái, lá mơ cũng nghiền!

Để cho giao tiếp đỡ phiền,
Vấn đề ngôn ngữ... ưu tiên hàng đầu.
Nhưng vì "tá túc" chưa lâu,
Cho nên đôi lúc ghép câu... "nhầm hàng"!

Một hôm trong lúc thanh nhàn,
Vợ đưa hắn đến ao làng ngồi chơi.
Hắn ta buột miệng cất lời:
CON Ao tuyệt quá vợ ơi!... đẹp hè!

Cô vợ thấy hắn ngô nghê,
Mới liền giảng giải vấn đề... nâng cao:
Chồng đừng có gọi... CON ao !
CÁI ao chồng nhé, ghi vào... hiểu không!

Thế rồi thả bộ một vòng,
Hai người đi đến bờ sông quê nhà.
Hắn ta nhảy cẫng rồi la:
Để anh nói nhé, đây là... CÁI Sông!

Lắc đầu, vợ bảo: không không!
Thứ này phải gọi CON Sông... chồng à!
Chồng liền xụ mặt, thốt ra:
Tiếng Việt quê vợ đúng là... khó xơi!

Cũng đều chứa nước cả thôi,
Thứ thì là... CÁI, thứ thời là... CON!
Cô vợ khoái chí cười giòn:
Nghe em giải thích là ngon thôi mà!

Ao, Sông đều chứa nước nha,
Nhưng Sông nước chảy, Ao là nước om!
Nên Sông được gọi là... CON,
Còn ao là... CÁI, chồng còn lẫn không?

Chẳng riêng gì mỗi Ao - Sông
Còn nhiều thứ khác, anh trông biết liền
CÁI nhà, CÁI tủ... đứng yên
CON trâu nó chạy, CON thuyền nó bơi.

Rất là đơn giản vậy thôi,
Chỉ cần ghi nhớ thế... rồi là ngon!
Thứ gì chuyển động là... CON,
Đứng yên là CÁI... dễ òm... thế thôi!

Chồng nghe vỗ đét xuống đùi:
Vậy thì dễ nhớ quá rồi vợ ơi!
CÁI... là thứ đứng một nơi,
CON... là thứ chạy, thứ bơi, thứ... bò!

Hèn chi cái vụ... "hầm lò"
Của anh nó cứ thụt thò... là CON,
Của em ở đó... chịu đòn
Cho nên là... CÁI chẳng còn khó khăn!

Từ đây anh biết thêm rằng:
Sau khi hai thứ ăn nằm... "giao thoa"
Làm cho "sản phẩm"... tạo ra,
Gọi là... CON CÁI...ui za... đúng rồi!

nguồn: Trên mạng
---------------------

BÀI THƠ "NHỚ CON SÔNG QUÊ HƯƠNG" CỦA TẾ HANH

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tô
i là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng

Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông

Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông

Hình ảnh cô em đôi má ửng hồng...
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”

Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết...
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông

Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không gành thác nào ngăn cản được

Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương

6-1956
Bài thơ được sáng tác khi tác giả tập kết ra miền Bắc sau cuộc kháng chiến chống Pháp. 
Tế Hanh (1921-2009), tên khai sinh là Trần Tế Hanh [1], là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Sinh ra tại một làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi, quê hương chính là nguồn cảm hứng lớn nhất của Tế Hanh. Ông xuất hiện ở chặng cuối của phong trào Thơ Mới với những bài thơ mang theo nỗi buồn và tình yêu quê hương. Sau năm 1945, ông vẫn luôn tiếp tục bền bỉ sáng tác nhằm phục vụ cách mạng và kháng chiến. Ông được biết đến nhiều nhất với những bài thơ thể hiện nỗi nhớ quê hương tha thiết quê hương miền nam và niềm khao khát Tổ quốc được thống nhất.
-------------------------

BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG CỦA GIANG NAM

Bài thơ là câu chuyện tình từ thủa tuổi thơ của hai người hàng xóm. Đôi trẻ lớn lên, tình yêu trong họ cũng lớn lên theo cuộc trường kỳ kháng chiến. Từ buổi “Mẹ chưa đánh roi nào đã khóc” đến “Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích… Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi” để rồi cuối cùng “Hôm nay nhận được tin em”. Song, dù em mất nhưng tình yêu không mất bởi tâm hồn và thể xác em đã hóa thân vào với đất nước, quê hương…

Bài thơ được tác giả viết năm 1960 khi nhận được thông tin vợ và con ông bị giết hại trong nhà tù Phú Lợi. Song thật may đây là nhầm lẫn. Vợ và con ông đã được thả năm 1962 do địch không tìm ra căn cứ để kết tội. Có thể nói, đây là bài thơ hay nhất của Nhà thơ Giang Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, Nhà thơ Giang Nam vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Đến năm 1978, ông lại ra Hà Nội làm Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam. Năm1989, sau khi tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Tỉnh ủy Khánh Hòa xin ông về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã.

Đây là bài thơ nổi tiếng:

QUÊ HƯƠNG

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ? "
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!

Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi...

***

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi

Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...

***

Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa...

Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...

Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi!

Tiểu sử sự nghiệp Nhà thơ Giang Nam

Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1929 (tính theo âm lịch là ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thìn – 1928, hiện ông 94 tuổi), trong một gia đình nhà Nho bình dân yêu nước, tại làng Bình Trị, tổng Hiệp Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hoà, tỉnh Khánh Hoà (nay là làng Bình Trị, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà). Hiện gia đình nhà thơ đang thường trú tại số 46 đường Yersin, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

Ngoài bút danh Giang Nam, trước đây ông còn dùng các bút danh khác như: Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh khi viết trên các báo chí công khai dưới chế độ Sài Gòn thời gian từ năm 1955 đến năm 1959.

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), dưới thời Pháp thuộc, sau khi học xong bậc Tiểu học tại huyện nhà, ông ra học tại trường Quốc học Quy Nhơn và thi đỗ bằng Thành chung (1945). Cùng với hai người anh trai là Nguyễn Lưu (Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa, đã hy sinh hồi tháng 9 năm 1955) và Nguyễn Quang (sau này là GS.TS. Ngôn ngữ học, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã thi đỗ trước đó, thì đây là ba trong số rất ít người đầu tiên ở huyện Ninh Hoà đã đạt học vị Thành chung, lại là ba anh em ruột trong một gia đình.

Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Khánh Hoà là một trong những địa phương đầu tiên ở nước ta đã gan góc dũng cảm chiến đấu nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược trong những ngày đầu với 101 ngày đêm năm 1945 tại ga Nha Trang. Giang Nam cùng với hai người anh trai của mình đã tham gia kháng chiến từ dạo đó, bấy giờ ông mới 16 tuổi. Ban đầu ông công tác ở Uỷ ban Hành chính kháng chiến xã Hoà Dũng[1] với cương vị cán bộ, rồi Trưởng ban Thông tin, sau về làm cán bộ phòng Văn hoá Thông tin huyện Ninh Hoà.

Nhờ khả năng làm thơ đăng báo mà ông được đề bạt vượt cấp, Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Tỉnh Khánh Hoà rút ông về công tác tại Ty Văn hoá Thông tin vào tháng 5 năm 1948, với nhiệm vụ viết bài và biên tập chính cho báo Thắng, báo Trait d’Union (Gạch nối) để phổ biến trong thị xã và cung cấp bản tin cho các địa phương, các ban ngành trong tỉnh. Tại cơ quan này, vài tháng sau ông được kết nạp vào Đảng. Gần cuối cuộc kháng chiến ông được cử giữ chức Phó Trưởng ty Văn hoá Thông tin tỉnh Khánh Hoà.

Trong thời gian này (1948), Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trương “Tiến về làng”, kêu gọi cán bộ về lại với dân, đổi phương thức hoạt động: đào hầm bí mật, bám sát nhân dân, gây dựng lại phong trào. Trong cuộc vận động này, đồng chí Tôn Thất Vỹ đã có bài xã luận “Tiến về làng”, đăng trên trang nhất. Bên cạnh đó in 4 câu ca dao của nhà thơ Giang Nam:

“Khói ai phơ phất bên đèo,
Phải người chiến sĩ nấu cơm chiều đó không?
Quê làng người đợi kẻ trông,
Sao anh chưa xuống núi, để em trông ngày ngày.”
(Thơ của Giang Nam)

Kháng chiến thắng lợi, Hiệp định Gienève được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cán bộ và quân đội ta ở Miền Nam tập kết ra Bắc, Nhà thơ Giang Nam cùng một số cán bộ chủ chốt: (Nguyễn Lưu, Lê Thanh Liêm, Mai Xuân Cống…) được tổ chức phân công ở lại hoạt động bí mật, gây dựng phong trào hậu chiến. 

Tranh thủ những ngày đầu, chính quyền Ngô Đình Diệm chưa kịp xây dựng bộ máy kìm kẹp một cách chặt chẽ và được sự tổ chức, hướng dẫn khéo léo của Thị ủy Nha Trang, Nhà thơ Giang Nam và một số cán bộ, đảng viên sống hợp pháp đã cùng với nhân sĩ trí thức xuất bản báo Gió Mới (do đồng chí Hồng Nhật làm chủ bút). Báo ra hàng tháng, khổ 24cm x 30cm, dày 30 trang, in mỗi số 5.000 tờ. Báo giữ lại 1.000 tờ cho Khánh Hòa, số còn lại gởi cho Tổng phát hành Nam Cường ở Sài Gòn phát hành, được các tầng lớp nhân dân miền Nam, trong tỉnh và Nha Trang nô nức đón đọc. Những hoạt động ấy như những ngọn lửa nhen nhóm trong lòng nhân dân tình cảm yêu nước, yêu hòa bình, thống nhất hướng về cách mạng. Nhiều bài báo và thơ văn của ông và nhiều đồng chí khác đã phát huy tinh thần đấu tranh cách mạng, tình cảm ruột thịt Bắc - Nam và nguyện vọng hòa bình thống nhất nước nhà:

“…Ai nói dùm em: Bao giờ hết cảnh chiến trường
Cho đò Bến Điệp tình thương lại đầy”.
(Thơ “Chiều Bến Điệp”, Gió Mới số 1).

“…Hai quê xa cách quá chừng
Cùng chung nước Việt em đừng có quên
Bao giờ thống nhất bình yên
Để hai quê ấy sống liền với nhau
Đường xa thì đã có tàu
Cách sông thì đã có cầu bắt qua”.
(Thơ “Hai quê”, Gió Mới số 2).

Báo Gió Mới ra được 12 số (từ tháng 5-1955 đến tháng 6 - 1956) thì bị chính quyền Sài Gòn đình bản, một số người làm báo và giúp đỡ tài chính bị bắt giam.

Từ năm 1956 đến năm 1959 – giai đoạn đen tối của cách mạng Miền Nam – có lúc ông phải chạy vào Miền Đông Nam Bộ làm nhiều nghề để sinh sống, chờ thời cơ hoạt động trở lại. Thời gian này, ông lợi dụng báo chí công khai ở Nha Trang, Sài Gòn để kín đáo ngợi ca kháng chiến, chống âm mưu chia cắt đất nước với các bút danh: Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh.

Đến năm 1959, ông được điều động về chiến khu Khánh Hoà (Hòn Dù) làm Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Khánh Hoà. Cuối năm 1961, ông được điều về phụ trách bộ phận văn hoá văn nghệ của Ban Tuyên huấn Khu 6 mới thành lập (gồm các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và một phần Đắc Lắc). 

Năm 1963, Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam thành lập, ông được giao nhiệm vụ Phó Tổng Thư ký Hội, kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng và Uỷ viên Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định. Cuối năm 1977, khi tờ báo này sáp nhập với tờ Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), ông là Uỷ viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2 và 3, Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ (1978-1980), Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn (1981-1983), Thường trực Đảng Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam[2]; Đại biểu Quốc hội và là Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá 6 (1976-1981). 

Sau đó, vì nhu cầu công tác, ông được điều về tỉnh Phú Khánh rồi Khánh Hoà, tham gia Ban vận động thành lập và là thành viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, rồi Khánh Hoà (1984-1989); Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà (1989-1993) phụ trách Văn xã. Từ khi về hưu cho đến nay, ông được cử làm Trưởng đại diện của Tuần báo Văn nghệ khu vực miền Trung và Tây nguyên.

https://thietbihopkhoi.com/bai-thu-hoach-hoc-tap-nghi-quyet-tw-4-khoa-xii/?aHR0cHM6Ly90dXllbmdpYW9raGFuaGhvYS52bi92YW4taG9hLXZhbi1uZ2hlL25oYS10aG8tZ2lhbmctbmFtLXRpZXUtc3UtdmEtc3UtbmdoaWVw

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét