Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Phát hiện nguyên nhân... không tiêu được tiền!

Trong bài này, nhà báo Đào Tuấn viết: "Tiền không thiếu, thậm chí đã được chuẩn bị tới 550 nghìn tỉ. Nhưng đến hết 30.11 mới chỉ giải ngân được 58,3% thì đúng là bệnh “có tiền mà không tiêu được” đã đến hồi trầm kha". Cách đây 3 ngày, chiều 17.12, khi chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói "“Chúng ta còn 4 triệu tỉ đồng của DN nhà nước, giải ngân được không? Các tổ chức tín dụng còn 1,2 triệu tỉ đồng, tìm cách đẩy ra, tất cả đều phải suy nghĩ, phải làm". Như vậy nền kinh tế còn rất nhiều tiền đang nằm trong hệ thống kho bạc và ngân hàng thương mại, đó là chưa tính tới lượng tiền rất lớn nằm ở nhà các quan chức, chủ doanh nghiệp và người giầu mà họ đang không biết đầu tư vào đâu trong cảnh đất nước đang rối như canh hẹ hiện nay. Trong bài này, nhà báo chỉ đề cập tới nguyên nhân không tiêu được tiền đầu tư công, còn rất nhiều loại tiền khó tiêu khác cũng phải làm rõ nguyên nhân. Có một điều tác giả viết rất đúng: "Đơn giá nhà nước đang tụt xa rất nhiều năm so với thực tế. Sự lạc hậu, thậm chí đến vô lý, đến phi thực tế. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các công trình kém chất lượng khi nhà thầu bị dồn vào thế phải “lấy cái lọ bù cái chai”. Đây cũng chính là biểu hiện cụ thể của điều tôi đã bình luận từ lâu là "Nhà nước chỉ thích chạy theo số lượng mà không quan tâm tới chất lượng".
Phát hiện nguyên nhân... không tiêu được tiền!
ĐÀO TUẤN - 18/12/2022 
Khi vừa bắt đầu triển khai gói thầu Mai Sơn - Quế Lộ, thuộc dự án cao tốc Bắc Nam, nhà thầu Vinaconex so sánh đơn giá gói thầu được duyệt và chi phí thực tế đã tính “chắc chắn lỗ đến 40%”. Ví dụ này được đưa ra bởi ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức, ngày 17.12. Chắc chắn là không một cá nhân, một doanh nghiệp nào muốn “làm” khi chưa làm đã biết chắc lỗ 40%. 
Đầu tư công đang áp dụng đơn giá định mức có khi chỉ bằng 1/5 thực tế, và sự lạc hậu này đang là rào cản giải ngân đầu tư công. Ảnh minh hoạ: GT

Tại sao lại có chuyện lỗ đến 40% ngay cả khi còn chưa làm gì?

Là bởi sự lạc hậu của đơn giá xây dựng.

Chẳng hạn giá đắp nền đường, theo quy định của nhà nước là 16.000 đồng/m3, trong khi thực tế là 30.000 đồng/m3, gần gấp đôi.

Chẳng hạn “cấp phối đá dăm”: Giá nhà nước 30.000 đồng; giá thực tế 120.000 đồng, gấp 4 lần.

Chẳng hạn giá thuê đóng cọc: Nhà nước quy định 30.000 đồng/m dài; giá thực tế 150.000 đồng. Gấp 5 lần.

Đơn giá một công nhân bậc 3 được quy định là 235.000 đồng/công; thực tế đơn giá thuê khoán từ 450.000 - 600.000 đồng/ngày. Hay đơn giá lương kỹ sư bậc 2 nhà nước quy định 6 triệu đồng/tháng trong khi thực tế là 20 triệu đồng/tháng.

Có nghĩa đơn giá nhà nước đang tụt xa rất nhiều năm so với thực tế. Sự lạc hậu, thậm chí đến vô lý, đến phi thực tế.

Đây là nguyên nhân khiến các nhà thầu còn tham gia các dự án đầu tư công vì “không làm thì không có việc cho cán bộ nhân viên”. Số khác thì ngay từ đầu “xác định là không nhận thầu các công trình vốn đầu tư công”- lời ông Hiệp.

Có lẽ, chỉ thiếu một sự thẳng thắn nữa: Rằng đây cũng chính là nguyên nhân khiến các công trình kém chất lượng khi nhà thầu bị dồn vào thế phải “lấy cái lọ bù cái chai”.

Tình trạng đơn giá xây dựng lạc hậu, xa rời thực tế thật ra chẳng có gì mới.

Nhớ năm 2018, tại một hội nghị về định mức và giá xây dựng, có nhiều ví dụ về sự lạc hậu đến khó tin. Chẳng hạn định mức đơn giá đầm nền đường vẫn áp dụng cho máy “đầm chân chim”, loại máy từ những năm 1980, giờ đã biến mất từ lâu.

Áp dụng đơn giá cho loại máy từ 40 năm trước. Đúng là có muốn cũng khó tưởng tượng nổi.

Nhưng sau đó thì lại đến hôm nay, vẫn là những lạc hậu, bất cập, vô lý.

Tiền không thiếu, thậm chí đã được chuẩn bị tới 550 nghìn tỉ. Nhưng đến hết 30.11 mới chỉ giải ngân được 58,3% thì đúng là bệnh “có tiền mà không tiêu được” đã đến hồi trầm kha.

Và nguyên nhân, và lý do, và vì sao thì lại vừa được phát hiện, như đã được phát hiện mấy năm trước đấy thôi.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phat-hien-nguyen-nhan-khong-tieu-duoc-tien-1128508.ldo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét