Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

Chiến dịch Hoa Kim Tước - Tận cùng của sự dối trá

Chiến dịch Hoa Kim Tước - Tận cùng của sự dối trá
Sau khi hàng chục cán bộ ngoại giao từ cấp Bộ trưởng xuống tới cấp nhân viên bị kỷ luật vì vụ 'chuyến bay giải cứu', người dân mới bàng hoàng nhận ra sau những bộ quần áo complet với váy đầm đắt tiền sang trọng, tiếng nước ngoài tuôn ra như gió và những bài diễn văn, cuốn sách ca ngợi ngành ngoại giao, là vô số điều bẩn thỉu của ngành này
Đã từ lâu và ngay khi lập ra trang Blog này, tôi đã kể lại lúc mới bắt đầu đi làm năm 1982, tôi đã được một anh PGS.TS có bố là tướng công an lão thành, có nhà là một biệt thự rất to được nhà nước cấp ở phố Nguyễn Trường Tộ bên cạnh Đại sứ quán Lào hiện nay, ghé tai nói "công an và ngoại giao là hai ngành vô văn hóa, tham lam và ích kỷ nhất". Sau này đi nhiều, được tiếp xúc nhiều, tôi càng hiểu điều này đúng. 

Dưới đây là mấy bài ca ngợi cuốn “Chiến dịch Hoa Kim Tước” của Ðại sứ VN tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu. Nên đọc để xem các nhà ngoại giao tự đề cao công trạng của mình như thế nào và nói xấu về đất nước Ấn Độ vĩ đại ra sao. Hồi Covid hoành hoành ở Ấn Độ, báo chí VN dựa trên những thông tin của Đại sứ quán VN tại Ấn Độ cung cấp, đã thổi phồng tình trạng ở đó làm tôi rất bức xúc vì tôi đã từng ở Ấn Độ và yêu quý người dân nước này. Trong tương lai, những nước đông dân và có truyền thống vĩ đại như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lãnh đạo thế giới chứ không phải là Mỹ, đám Tây Âu hay Nhật Bản hèn yếu thì càng không cần nghĩ tới họ. 

Ngày 21/12 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Sanh Châu, nguyên đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ở mức rất nhẹ là khiển trách. Dù sao thế cũng là may cho ông, vì mất chức nhưng thoát được vòng tù tội.

1. Hồi hộp, căng thẳng với “Chiến dịch Hoa Kim Tước”

29/03/2021 - “Chiến dịch Hoa Kim Tước” (NXB Hội Nhà văn) của Ðại sứ Phạm Sanh Châu, kể về quá trình đưa hàng trăm người dân Việt Nam kẹt tại Ấn Ðộ vì COVID-19 về nước an toàn vào năm 2020. Cuốn sách cho thấy hành trình dài đầy chông gai và chan chứa tình người, tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác ngoại giao.

Tác giả Phạm Sanh Châu là Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Ðộ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan. Mở đầu tác phẩm, ông giới thiệu khái quát về quá trình công tác của mình tại Ấn Ðộ, những thành tựu và dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Ấn, hé lộ công việc và đời sống của những người làm ngoại giao, đặc biệt là bối cảnh Ấn Ðộ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Cho đến khi COVID-19 lây lan trên diện rộng tại đất nước Nam Á tỉ dân này, Ðại sứ quán đã tổ chức thành công chuyến bay đưa 226 công dân Việt Nam về nước vào sáng 22-3-2020, vừa vặn trước giờ G tạm ngừng các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Ấn Ðộ. Chỉ 2 ngày sau Ấn Ðộ tiến hành cách ly toàn xã hội. Từ đây, nhiều người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ấn Ðộ rơi vào hoàn cảnh khó khăn; hàng trăm người liên hệ với Ðại sứ quán để đăng ký bảo hộ quyền công dân và số người xin được về nước tăng một cách chóng mặt. Chiến dịch Hoa Kim Tước được tiến hành và đó là một nỗ lực phi thường của Ðại sứ quán Việt Nam trong việc giải cứu công dân bị mắc kẹt tại xứ Ấn.

Hơn 6.500 cuộc điện thoại, hơn 200 văn bản gửi về nước và chính quyền các cấp của Ấn Ðộ, cùng vô số tình huống nan giải mà tập thể 31 cán bộ tham gia chiến dịch đã trải qua để hoàn thành sứ mệnh. Từ khi bắt đầu thủ tục xin phép tổ chức chuyến bay đến khi chuyến bay được chấp thuận thì muôn vàn khó khăn nảy sinh. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để bà con di chuyển được từ 22 bang trên toàn lãnh thổ rộng lớn của Ấn Ðộ đến New Delhi trong khi mọi phương tiện công cộng và đường hàng không đều bị phong tỏa. Ðại sứ quán đã chia công dân thành 13 nhóm theo từng khu vực, mỗi “cánh quân” do một cán bộ sứ quán phụ trách từ xa qua email và group chat, tổ chức đưa họ về Thủ đô New Delhi bằng các loại phương tiện khác nhau, làm việc với các cơ quan liên quan của Ấn Ðộ để lo mọi loại giấy tờ thông hành, gia hạn visa, cứu trợ lương thực, thực phẩm… Ðặc biệt có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền để đi lại và lo các thủ tục, chi phí đã được hỗ trợ bằng nguồn đóng góp của các thành viên của Ðại sứ quán và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… Sau hơn 2 tháng sát cánh và đồng hành cùng bà con, ngày 19-5, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, chuyến bay giải cứu người Việt tại Ấn Ðộ đã cất cánh và đưa 339 công dân về nước an toàn.

Hình ảnh cuối cùng của chiến dịch này càng làm người đọc cảm động là những thành viên của Ðại sứ quán đã hỗ trợ các công dân của mình suốt 7 tiếng đồng hồ để làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay, giải quyết những rắc rối phát sinh; quý hơn hết là những suất cơm nắm muối vừng do sứ quán chuẩn bị, giúp bà con chống đói trong thời gian chờ làm thủ tục tại sân bay.

Phần cuối của cuốn sách là những bức thư tri ân của các công dân được giải cứu từ chiến dịch gửi đến Ðại sứ quán với những lời tâm tình, cảm ơn tận đáy lòng.

Sau chiến dịch, Ðại sứ quán còn tổ chức thêm 3 đợt nữa đều mang tên các loài hoa tượng trưng của các đất nước mà công dân Việt Nam đang mắc kẹt. Mỗi chiến dịch có một bối cảnh khác nhau, con người khác nhau và trải nghiệm khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích: “Không để ai bị bỏ lại phía sau!”.

https://baocantho.com.vn/hoi-hop-cang-thang-voi-chien-dich-hoa-kim-tuoc--a131672.html



2. ''Nghẹt thở'' với Chiến dịch Hoa Kim Tước

29/11/2020 (HNMCT) - Không phải là cuốn tiểu thuyết trinh thám hay phiêu lưu ly kỳ, nhưng gần 300 trang viết kể chuyện Chiến dịch Hoa Kim Tước (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) nhiều lúc khiến tôi thấy “nghẹt thở”. Vì lo lắng, vì hồi hộp, và cả vỡ òa trong cảm giác thành công với tác giả - Đại sứ Phạm Sanh Châu, cùng các “đồng đội” của ông - những cán bộ nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, khi đã giải cứu 339 người dân mắc kẹt ở Ấn Độ trở về với Tổ quốc giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Nếu chưa đọc Chiến dịch Hoa Kim Tước, rất có thể có người sẽ nghĩ dùng những từ “giải cứu” hay “chiến dịch” e rằng hơi “đao to búa lớn”. Nhưng qua từng trang viết, trong đó có những lá thư tri ân của người dân gửi đến, mới thấy để đưa được 339 con người ấy về Việt Nam là cả một hành trình nỗ lực khôn cùng. Hơn 6,5 nghìn cuộc điện thoại, hơn 200 văn bản gửi về nước và chính quyền các cấp của Ấn Độ, cùng vô số tình huống nan giải, thậm chí “thót tim” mà tập thể 31 cán bộ tham gia chiến dịch đã trải qua. Ví như việc lựa chọn danh sách người được về trong chuyến bay đầu tiên thế nào khi có trường hợp không thuộc diện đủ điều kiện nhưng lại “đủ lý đủ tình” để được xếp “ngoại lệ”.

Có chuyến bay giải cứu rồi, nhưng làm sao để tập hợp được những người trong danh sách hiện đang ở rải rác nhiều nơi tại Ấn Độ, trong khi lệnh phong tỏa vẫn đang được thực thi. Một số người lại không thể thuê ô tô do các giấy phép mãi vẫn chưa được cấp, một số bị “đuổi” khỏi khách sạn, hoặc khi đến được nơi tập hợp thì đã đói mềm... Khó có thể kể hết những việc không tên đầy vất vả để lo mọi loại giấy tờ thông hành cho hàng trăm người về Thủ đô New Delhi bằng các loại phương tiện khác nhau trong khoảng thời gian gấp gáp giữa thời điểm phong tỏa.

Trong “Chiến dịch Hoa Kim Tước”, trải qua bao khó khăn, 13 “cánh quân” theo từng khu vực, mỗi nhóm do một cán bộ sứ quán phụ trách từ xa qua email và group chat, đã ngày đêm vượt hàng chục ngàn ki lô mét của 22 tiểu bang để về tập hợp tại New Delhi. Bữa cơm giản dị nhưng ấm tình quê hương nước Việt với đậu sốt, rau muống xào, “món quà” để ăn đường quen thuộc với cơm nắm, muối vừng, trứng luộc mà các cán bộ ở Đại sứ quán Việt Nam chuẩn bị đã khiến người dân rơi lệ. Liên tục hỏi thăm, động viên mọi người dân với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp tiền để hỗ trợ người dân mua vé máy bay, đứng nhiều giờ liên tục để giúp người dân kê khai thông tin làm thủ tục xuất nhập cảnh... là những ấn tượng mà mỗi người dân được trở về lần này nhớ mãi.

Chưa bao giờ ba chữ “trở về nhà” lại trở nên khắc khoải và thiêng liêng như thế đối với những người Việt kẹt lại ở Ấn Độ vì Covid-19. Những nỗ lực tổ chức một chiến dịch giải cứu mà Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đặt tên là Chiến dịch Hoa Kim Tước thực sự công phu. Sau chiến dịch, Đại sứ quán còn tổ chức thêm 3 chiến dịch nữa đều mang tên các loài hoa tượng trưng của các đất nước mà công dân Việt Nam đang mắc kẹt. Mỗi chiến dịch có một bối cảnh khác nhau, con người khác nhau và trải nghiệm khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là lo lắng và hồi hộp cho đến tận giây phút cuối cùng. Và cuốn sách Chiến dịch Hoa Kim Tước cũng mang lại vẹn nguyên những cảm xúc ấy cho bạn đọc, dù tác giả Phạm Sanh Châu chỉ đơn giản kể lại câu chuyện, điểm vài nét về tình huống của một số cá nhân.

Chiến dịch Hoa Kim Tước là một cuốn sách đặc biệt, bởi viết về một cuộc di dân đặc biệt mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều gọi đó là “cuộc di dân bác ái”. Cuốn sách Chiến dịch Hoa Kim Tước cũng “hé lộ” những “chuyện hậu trường” để bạn đọc hiểu thêm về cuộc sống và công việc của những “người lính trên mặt trận ngoại giao” hiện nay.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/984578/nghet-tho-voi-chien-dich-hoa-kim-tuoc

3. Chiến dịch Hoa Kim Tước và giọt nước mắt ông đại sứ

Ấn Độ đang khủng hoảng nghiêm trọng vì dịch Covid-19. Và quang cảnh bi thương nơi nước bạn, dư luận mới giật mình trước thông tin, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp, tổ chức thành công hàng loạt chuyến bay giải cứu đưa 1.000 người Việt về nước an toàn từ trước. Những chuyến giải cứu đó đã được ghi lại tương đối chi tiết trong cuốn sách của Đại sứ Phạm Sanh Châu có tên: “Chiến dịch Hoa Kim Tước”.


Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng các các công dân là tăng ni được hỗ trợ về nước. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ

Trong lời giới thiệu cuốn sách đã lượng hóa những khó khăn và nỗ lực của ĐSQ như sau: Nếu chưa đọc “Chiến dịch Hoa Kim Tước”, rất có thể có người sẽ nghĩ dùng những từ “giải cứu” hay “chiến dịch” e rằng hơi “đao to búa lớn”.

Nhưng qua từng trang viết, trong đó có những lá thư tri ân của người dân gửi đến, mới thấy để đưa được 339 con người ấy về Việt Nam là cả một hành trình nỗ lực khôn cùng. Hơn 6,5 nghìn cuộc điện thoại, hơn 200 văn bản gửi về nước và chính quyền các cấp của Ấn Độ, cùng vô số tình huống nan giải, thậm chí “thót tim” mà tập thể 31 cán bộ tham gia chiến dịch đã trải qua.

339 con người là tính tới thời điểm cuốn sách được viết ra. Sau đó có nhiều chuyến bay giải cứu khác nữa. Trong ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đã hồi hương gần 1.000 công dân từ Ấn Độ và sẵn sàng hỗ trợ khoảng 100 người còn ở lại”.

Trong những ngày này, khi chứng kiến những quang cảnh vỡ trận chống dịch ở Ấn Độ, cả thế giới đã phải rùng mình. Ngay từ đầu dịch, điều đáng sợ nhất là sự quá tải và tê liệt của hệ thống y tế. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các quốc gia suốt hơn 1 năm qua đã phần nào làm điều này không xảy ra. Và khi vaccine mang tới niềm hân hoan về tia nắng cuối đường hầm, thảm họa ập tới, với một quốc gia tỷ dân.

Có hàng ngàn hình ảnh về những lò thiêu xác như lửa hỏa ngục ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Có hàng trăm câu chuyện nghe đã sởn da gà như: Người con đã đi gõ cửa 6 bệnh viện để mong họ nhận cứu chữa cho mẹ mình nhưng bất thành. Anh tuyệt vọng và kiệt sức chứng kiến mẹ mình qua đời. Hay thông tin những y bác sỹ Ấn Độ đã phải lựa chọn người trẻ để cung cấp oxy, còn người già họ đành phải chấp nhận không thể cứu chữa…

Một hệ thống y tế sụp đổ của Ấn Độ làm cả thế giới giật mình sau những tháng ngày tự tin khi vaccine đang tới. Đó là bài học cho bất cứ quốc gia nào rằng mọi sự chủ quan đều có thể phải trả giá rất đắt. Những hình mẫu chống dịch cũng không phải ngoại lệ. Bởi chỉ một phút lơ là, mọi cố gắng sẽ đổ xuống sông, xuống bể.

Và ngay ở Ấn Độ, Việt Nam vẫn đi trước Covid-19 một bước. Việc chuyển khoảng 90% công dân thành công về nước trước khi “sóng thần Covid-19” ập tới Ấn Độ là một thành công rất lớn của Việt Nam.

Vậy 100 người còn lại ở Ấn Độ thì sao?

Cả ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ đã dốc mọi nguồn lực để cứu một kỹ sư người Việt bị nhiễm Covid-19 tên Nhân. Đích thân Đại sứ Phạm Sanh Châu đã vào tận viện để xin giường bệnh và bình oxy cho công dân quê hương mình. Và hình ảnh ông đại sứ bật khóc trước quang cảnh bệnh viện Ấn Độ giá trị hơn mọi lời nói.

Chúng ta đã nhanh, đã nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa 1.000 công dân rời Ấn Độ trước khi thảm kịch diễn ra. Giữa lúc hoảng loạn và bi thương này, ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã chiến đấu rất quả cảm và ngoan cường để hỗ trợ công dân mình.

Theo thông tin mới nhất từ ĐSQ, sức khỏe anh Nhân đã tiến triển tích cực. ĐSQ cam kết sẽ tiếp tục giữ thông suốt liên lạc cũng như các phương án hỗ trợ tốt nhất tới các công dân Việt Nam còn lại ở Ấn Độ.

“Chiến dịch Hoa Kim Tước” chỉ là một trong hàng trăm cuộc giải cứu công dân đầy khó khăn và nguy hiểm của các nhân viên ngoại giao cũng như những người có trách nhiệm liên quan. Trong công cuộc chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, những cuộc di tản công dân và bảo hộ công dân này xứng đáng được ghi lại như một phần của thông điệp “không ai bị bỏ lại phía sau”.

https://laodongcongdoan.vn/chien-dich-hoa-kim-tuoc-va-giot-nuoc-mat-ong-dai-su-68741.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét