Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Trần Huy Quang, vụ “Linh nghiệm” và tôi

Truyện ngắn Linh nghiệm của Trần Huy Quang đăng trang 12 báo Văn Nghệ số 27 (1695), ra ngày thứ bảy 4.7.1992, cũng là số kỷ niệm 35 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam. Linh nghiệm bị thu hồi và có lệnh hủy sau khi phát hành được 4 ngày. Tuy nhiên, vì lệnh cấm được đưa ra khi báo đã được phát hành rộng rãi, nên nó tự nhiên trở thành một công cụ quảng cáo linh nghiệm, thúc đẩy công chúng tìm đọc và chuyền tay (việc này không khó vì lúc này phương tiện sao chụp đã trở thành phổ biến ở các thành phố, và truyện ngắn này không dài, chỉ chiếm vừa vặn diện tích một trang giấy khổ A4, nghĩa là 21 x 29). Tác giả Trần Huy Quang bị đuổi khỏi báo, bị treo bút 3 năm. Tổng biên tập lúc ấy là Hữu Thỉnh, tuy đi vắng, vẫn bị nghiêm khắc khiển trách. Tác giả cho biết phải suy nghĩ hơn 10 năm mới viết được truyện ngắn cô đọng này; ông phải suy nghĩ chọn từng câu, từng chữ, từng ý, từng hình ảnh... Mặc dù vậy, ngay sau khi ông qua đời lúc 17 giờ 40 chiều 15.12.2022 vì bệnh ung thư, thọ 80 tuổi, hàng loạt các báo lớn của VN đã đăng tin và tiểu sử ông. Báo Thanh Niên cho biết: Nhà văn Trần Huy Quang tốt nghiệp khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong chiến tranh từng là bộ đội pháo binh, phụ trách thanh niên xung phong rồi dạy văn hóa trong quân đội. Sau giải ngũ, ông là phóng viên báo Độc Lập, rồi về làm biên tập viên báo Văn Nghệ, nghỉ hưu năm 2008. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học VN giai đoạn đổi mới. Các tác phẩm đã xuất bản: Chiếc áo màu lửa (tập truyện ngắn 1970); Sự trắc trở đã qua (truyện ngắn 1984); Ngày mai (tiểu thuyết 1985); Ngọn khói (tiểu thuyết 1986); Người làm chứng (tập truyện ký 1988); Nước mắt đỏ (tiểu thuyết 1989); Mối tình hoang dã (tiểu thuyết 1990); Chị dâu (tiểu thuyết 1994); Khúc hoàn lương (tiểu thuyết 1995); Những cô gái Đồng Lộc (tiểu thuyết 1998); Những chân trời xa thẳm (tiểu thuyết 2008). Nhà văn Trần Huy Quang được trao nhiều giải thưởng văn học và báo chí của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn Nghệ, Đài Tiếng nói VN, Hội Nhà văn VN, Hội Nhà báo VN. Ông còn là một nhà báo phóng sự nổi tiếng với bút ký Câu chuyện về ông vua lốp đoạt giải nhất cuộc thi báo Văn Nghệ và Đài Tiếng nói VN tổ chức năm 1986.

Nhà văn Trần Huy Quang
Ngày 16-12, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức tang lễ cho nhà văn Trần Huy Quang sau khi có quyết định của gia đình. Vài năm qua, có một số nhà văn tiêu biểu được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tang lễ, như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vào tháng 3-2021. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng nói thêm về bậc tiền bối vừa qua đời: "Những năm tháng làm việc cùng cơ quan (báo Văn Nghệ) với ông, tôi chưa thấy ông nổi giận với đồng nghiệp trong cuộc sống và công việc bao giờ. Nhưng tôi thấy lương tâm ông luôn nổi giận".
Trần Huy Quang, vụ “Linh nghiệm” và tôi
Nhà văn Tạ Duy Anh - 16-12-2022 Năm 1992, sau khi tốt nghiệp khóa viết văn thứ tư, tôi đến gõ cửa một số tờ báo xin việc nhưng đa số đều từ chối hoặc vẽ ra những khó khăn đủ kiểu để chính tôi nản lòng. Cuối cùng chỉ có Hữu Thỉnh, lúc ấy giữ chức Tổng biên tập báo Văn nghệ là cho tôi hy vọng.

Thậm chí ông đã “thử việc” tôi bằng cách cử lên Cao Bằng viết phóng sự về tệ nạn nghiện hút. Nguyên văn lời ông: “Không ai nghi ngờ khả năng viết lách của chú, nhưng người ta mới chỉ biết chú viết truyện, viết tiểu thuyết, chứ viết báo họ chưa phục đâu. Chú hãy giúp anh Thỉnh bằng việc khiến họ phải phục nốt”.

Tôi đã cố gắng làm tốt nhất công việc của một phóng viên thực thụ, khi đóng giả người mua hàng, với sự hỗ trợ của công an Cao Bằng, vào tận “sào huyệt” của những ổ hút, chích, buôn bán thuốc phiện khắp các điểm nóng ở Cao Bằng, để viết một phóng sự dài kỳ có tên là “Cơm đen”. Tôi gửi bản thảo viết tay về cho Hữu Thỉnh, còn mình tiếp tục ở lại Cao Bằng thêm một thời gian. (Sau này phần in trên báo Văn nghệ năm 1992 đã bị biên tập cắt gọt quá nửa, chỉ với lý do ông biên tập viên không chấp nhận những mô tả “xúc phạm” của tôi khi con nghiện phê thuốc hoặc không có tiền mua thuốc, cho rằng tôi chẳng hiểu gì hoặc chỉ hiểu một phía).

Nghe một người thân nói lại thì Hữu Thỉnh khen hay.

Nhưng khi ông có thể đặt bút kí hợp đồng với tôi thì xảy ra vụ Linh nghiệm.

Như đã kể, do tôi ở tịt trên Cao Bằng, nên khi ầm ỹ vụ Linh nghiệm, tôi hoàn toàn mù tịt thông tin. Trở về Hà Nội, tôi hồn nhiên đến báo Văn Nghệ, la cà vài phòng ban như để làm quen trước. Nhưng tôi bỗng có linh cảm không khí Tòa soạn có gì đó khác thường. Người nào cũng nhìn tôi, nhìn khách đến liên hệ một cách đầy nghi hoặc. Mọi người cười nhạt với tôi là chính. Cuối cùng, tôi đành gặp một người quen là nhân viên của phòng hành chính, hỏi thẳng chị báo đang có chuyện gì? Chị ngạc nhiên nhìn tôi, như tôi vừa trên trời xuống:

– Cậu không biết chuyện gì thật à? Cậu về giở tờ báo Văn Nghệ số kỉ niệm 35 năm ngày thành lập Hội nhà văn mà đọc, tự cậu khắc biết chuyện gì.

Tôi bèn chào chị, phóng thẳng về nhà em gái út ở khu tập thể trường Công đoàn, nơi tôi ở tạm trong thời gian chưa thuê được nhà. Đây rồi, số báo kỉ niệm 35 năm ngày thành lập Hội nhà văn vẫn nằm im trên nóc tủ. Tôi giở ra, chả hiểu sao lại nhìn ngay vào truyện ngắn “Linh nghiệm”. Tôi đọc một mạch và bỗng đoán ra tất cả.

Hôm sau tôi trở lại báo. Mọi người tiếp tục lộ ra sự căng thẳng, dò xét. Tuy thế chỗ này vài người thì thào lo lắng, chỗ khác ai đó đang rì rầm chế nhạo, chỗ khác nữa không giấu được sự khoái trá ra mặt… 

Tôi ngồi chơi một lúc thì thấy Hữu Thỉnh cắp cặp bước vội qua cổng, lên thẳng phòng của ông trên tầng 2 mà không nhìn ai. Tôi chỉ kịp thấy ông bạc phếch cả mặt. Chắc chắn ông đang gặp chuyện nghiêm trọng với cấp trên! Tôi bèn bám theo, không đợi mời, điềm tĩnh ngồi trước mặt ông. Hữu Thỉnh tưởng tôi thúc giục chuyện kí hợp đồng, nhìn tôi cười nhưng hồn ông đang thất lạc tận đẩu tận đâu. Chưa nghe tôi trình bày nửa lời, ông đã bảo:

– Chú cứ về, yên tâm, chắc chắn chú làm việc ở báo rồi, chỉ cho anh thêm chút thời gian nữa.

Tôi nói luôn:

– Em xin rút lui ý định về báo.

Hữu Thỉnh bấy giờ như mới tỉnh ra, hỏi giật:

– Vì sao?

– Em không xin về báo nữa, nhưng mong anh hứa với em là anh phải giữ bằng được Trần Huy Quang ở lại, đừng để ông ấy mất việc.

Hữu Thỉnh nhìn tôi chăm chăm, như xem có phải là tôi thật hay ai khác, ánh mắt buồn buồn xen lẫn sự bất lực:

– Rất nghiêm trọng! Cực kỳ nghiêm trọng! Anh đang cố, nhưng chả biết có giữ nổi không.

Chợt ông đến bên tôi, nắm chặt tay, mắt nhìn mắt như đã hiểu thấu gan ruột nhau:

– Cảm ơn em. Nhưng anh Thỉnh cũng có một đề nghị: Khi nào mọi chuyện êm đẹp, chú phải về đây giúp anh. Báo Văn nghệ cần những người như chú.

Tôi cũng nắm chặt tay Hữu Thỉnh, cố làm cho ông vui vẻ, lòng thấy nhẹ bỗng như mình vừa làm một việc phải làm. Thực sự tôi không muốn làm khó thêm cho Hữu Thỉnh trong hoàn cảnh ông đang phải đối phó tứ bề chỉ là một phần, còn lại, trong sâu xa, tôi sợ sẽ mang tiếng chiếm chỗ của Trần Huy Quang khi ông đang lâm nạn (nếu chả may ông ấy bị đuổi khỏi báo). Tôi có thể vô can trước dư luận, nhưng với lương tâm thì không. Nếu không làm thế, tôi biết là mình không bao giờ còn có thể sống thanh thản được nữa.

Và tôi đưa ra quyết định đó gần như tức khắc.

(Năm 1994, giữ đúng lời hứa, Hữu Thỉnh trực tiếp gặp tôi, đề nghị tôi về làm việc ở báo Văn Nghệ, nhưng vì quá nặng tình với thầy Phạm Vĩnh Cư nên tôi từ chối).

Cũng đầu năm 1994, tôi quyết định vay hoàn toàn tiền bạn bè, mua một căn chung cư ở Tân Mai. Chả rõ ai nói mà Trần Huy Quang biết. Một buổi chiều muộn, ông đến tìm tôi ở trường Viết văn Nguyễn Du. Hai anh em đứng nói chuyện ngay trước tiền sảnh. Ông ngượng nghịu lấy từ túi áo ra tập tiền mệnh giá 50.000 đồng. Có tất cả 10 tờ (Bằng một chỉ vàng lúc bấy giờ), nói một cách khó khăn:

– Anh nghèo quá, chỉ có ngần này cho chú vay, gọi là chút tấm lòng của anh, khi nào trả anh cũng được.

Và cũng giống như Hữu Thỉnh hôm nào, ông nắm chặt tay tôi, nhìn sâu vào mắt, nói nhỏ:

– Cảm ơn em rất nhiều!

Cách nay khoảng một tuần, Trần Cao, cháu gọi ông bằng bác ruột, nhờ tôi đăng ký giấy phép và hỏi ý kiến tôi về việc xuất bản tập sách cuối cùng của ông. Tôi hẹn Cao tuần sau sẽ đọc lại bản “mise”.

Nhưng thần chết đã nhanh hơn chúng tôi…

Trần Cao kể lại là cậu ta chỉ kịp vào viện chìa cho ông xem bìa sách. Và ông gật đầu.

Xin bái biệt ông!
-----------------------

Dưới đây là truyện Linh Nghiệm của nhà văn Trần Huy Quang, Hà Nội 1992. Ngay sau khi đăng, cả báo 
Văn nghệ và nhà văn cùng bị kỷ luật. 

Linh Nghiệm

H…INH là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân, không nghèo nhưng cũng chẳng giàu có gì lắm. Cha anh ta có đỗ đạt, đã từng làm quan nhưng tính khí thất thường, lòng đầy ham hố nên quan trên không mặn mà gì nên đã bỏ quan, khi đi dạy học ở chốn kinh kỳ, khi ngồi bốc thuốc ở vùng sơn cước. Hinh thừa hưởng ở dòng họ và khí chất của vùng chôn rau cắt rốn cái nết cơ bản cần cho kẻ có hoài bão tham chính là tính đa mưu túc kế, lòng dạ thật không bao giờ lộ ra mặt, bạn bè cùng lứa không ai dám kết làm bằng hữu. Hinh sáng dạ, lại có chí, học đâu biết đó, hai mươi tuổi làm thơ chữ Hán, đọc Rút-xô, Mông-tét-ski-ơ… bằng nguyên bản, nhưng Hinh chán học, chỉ nhăm nhăm một dạ xuất ngoại. Đạo học không có đường tắt, mà lập thân bằng con đường học vấn thì mù mịt, xa vời quá. Bằng văn chương thì chỉ khi thế cùng lực tận, bất đắc dĩ mà thôi.

Hằng ngày Hinh sống như người nuốt phải quả chuỳ gai vào bụng, buốt nhói, nhăn nhó, bồn chồn, vừa ngồi đã đứng lên, mới ngủ đã vùng dậy, trán nhăn tối, mắt xa xăm. Như đang phải lòng một tiểu thư khuê các. Nhưng Hinh đâu phải là người dại dột, không bao giờ để phí chí khí, sức lực vào chuyện đàn bà. Vớ vẩn! Chiếm mười trái tim đàn bà đâu có khó nhưng một trái tim nhân loại thì phải vượt trùng dương. Hinh ngước cái đầu mong đợi lên bầu trời, hoài vọng bóng dáng một con tàu, tìm kiếm một phép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi Thiên hoặc hơi hướng của miền Cực lạc để đưa về cho chúng sinh.

Tháng ngày như sợi chỉ căng mà lòng khao khát làm trai hải hồ, khắc khoải mong một phút được quỳ dưới chân bậc Chí Thánh và nói: "Ơn người. Người là nguồn ánh sáng dẫn dắt chúng con… Lũ chúng sinh con khao khát được gặp Người…"

Thế rồi, như sự linh nghiệm của lời nguyện cầu, một đêm giông tố bão bùng đất trời như trong cơn đau sinh nở, Hinh đã lên chín tầng Thánh địa để được gặp đấng Chí linh.

Bắt đầu là một ngọn nến, ánh lửa dịu ấm, toả một quầng sáng hình nón. Vầng sáng ấy toả hào quang, tia hào quang không thẳng mà có hình gấp khúc. Cuối cùng ở trung tâm vầng sáng ấy hiện ra khuôn mặt kiều diễm của một cô gái tóc vàng.

- Kính thưa… Hinh bàng hoàng thốt lên.

- Không phải ! – cô gái mỉm cười độ lượng – Tôi chỉ là sứ giả của đấng Lập đạo. Anh có lời thỉnh cầu gì gấp lắm không ? Người đang bận, việc hành đạo chỉ ở bước khởi đầu.

- Kính thưa, tôi là người của xứ Nhọc nhằn tăm tối…

- Thôi, anh không cần phải nói, chàng trai ạ, người xứ Nhọc nhằn có khát khao ánh sáng thì việc hành đạo mới càng được dễ dàng. Đây anh cầm lấy, theo Đạo thư này, anh sẽ tìm được chân lý.

Vị sứ giả trao cho Hinh Đạo thư quý giá ấy rồi nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi chỉ còn như một cái chấm chính giữa vầng hào quang rồi biến mất giữa bao la. Hai tay đỡ cuốn sách trước trán, Hinh vẫn quỳ và thành kính đặt lên đó một cái hôn, rồi anh run run dở ra đọc:

"Hãy đi về phía Nam theo con đường một bên là cây và một bên là nước, cuối con đường có quán bia hơi và thịt chó; đừng nhìn vào chốn đam mê ấy và đi thật chậm. Dọc đường sẽ có người hỏi: "Có đi không?" thì đừng đi. Đó cũng là người cần lao chứ không phải ma quỷ cám dỗ, nhưng phải đành từ chối. Đi tiếp, sẽ gặp một ki-ốt sách báo nên rẽ trái, trước mặt đã là vườn hoa nhỏ. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi chậm bước từng bước một, mắt nhìn xuống mặt đất để "tìm cái này". Cứ thế… chỉ cần một lúc sau, anh sẽ có được thiên hạ."

Hinh ấp cuốn Đạo thư vào ngực tức tưởi: "Trời ơi, bảo bối, bảo bối…". Hinh sung sướng hét toáng lên. Tiếng anh vang rất to trong đêm và lúc ấy Hinh mới biết mình vừa qua một giấc mơ. Nhưng trời ơi, tại sao những điều anh nung nấu trong tâm can bấy lâu nay lại được giải đáp trong mơ. Anh sung sướng và cảm động đến mức nước mắt giàn giụa. "Ôi chúng sinh nhọc nhằn và tăm tối của ta, bảo bối này sẽ soi sáng đường chúng ta đi…"

Sáng hôm sau, Hinh thành kính chuẩn bị lên đường. Quần áo tươm tất, mũ miện đàng hoàng. Trước nhà anh có một đại lộ chính Nam, có lẽ đúng là con đường này nên anh dấn bước ra đi. Một bên cây và một bên nước, hay một bên rừng một bên biển. Anh cứ đi, qua vài đoạn phố nữa thì anh thấy mình đi đúng con đường men theo cái hồ. Và giữa phố có hàng bia hơi thịt chó mà vài lần anh cũng đã bị cuốn vào đó. Ôi sự linh nghiệm không sai một dấu phẩy. Đường phố trong veo, lui cui mấy chiếc xe đạp chở kẹo bánh, than tổ ong đi bỏ mối cho các hàng nước vỉa hè, lọc cọc đôi chiếc xích-lô cà tàng đi tìm khách. Vài cô gái điếm vật vờ.

- Có đi không?

Một cô gái điếm rủ rê. Hinh nhớ đến giấc mơ mà thấy lạnh xương sống; trong mơ cũng ba chữ ấy. Đến cuối phố, Hinh thấy một ki-ốt sách báo thật; chủ quán vừa mở cửa. Tại sao có sự kỳ diệu thế này, khi tỉnh anh nào có biết chỗ này có một quán sách ? Đi tiếp gặp một ki-ốt sách báo nên rẽ trái, trước mặt là vườn hoa nhỏ. Hinh liền rẽ trái, đi một đoạn qua các cửa hàng bách hoá đã thấy vườn hoa Mùa Xuân.

Kẻ hành đạo không chần chừ đắn đo, đi tới giữa vườn hoa, lòng ngây ngất hơi men, một nửa muốn bay lên, một nửa trì xuống. Mắt Hinh hoa lên, đâu Thiên Thần, đâu Địa Thánh, không biết con đang đứng giữa Địa đàng hay mặt đất. Rồi anh chợt tỉnh lại... "Tìm cái này" là tìm cái gì, anh không hiểu nhưng không dám nghi ngờ lời vàng ngọc của đấng Tiên tri. Vườn hoa nằm cạnh đại lộ, lúc này đang vắng hoe, chỉ có mấy ông già tập thể dục muộn, dăm chàng thanh niên đá bóng và một tốp học sinh cấp ba đi học sắp qua. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi chậm từng bước một, mắt nhìn xuống mặt đất… Hinh vừa cúi lom khom chăm chú tìm kiếm vừa lẩm nhẩm đọc. Anh như bị thôi miên, không biết mình đang tìm cái gì, nhưng anh cứ trung thành với lời chỉ gíáo, người cúi lom khom, mắt dán xuống đất và bước từng bước một chậm rãi.

Những người đang qua đường lấy làm lạ. Bắt đầu là nhóm học sinh cấp ba, mấy đứa con trai vốn hiếu kỳ đi đến và tự hỏi, không biết ông kia tìm cái gì nhỉ? Chúng không thể tự giải đáp được.

- Anh ơi, anh tìm cái gì đấy?

Hinh mải mê không hề nhìn lên, chỉ buột miệng trả lời:

- Tìm cái này.

Đối với chúng, câu trả lời ấy, làm ngứa ngáy chân tay. Nhất định cha này mất nhẫn, dây chuyền hay hạt xoàn gì đó thôi, chúng mình mà vớ được thì hay lắm.

Thế là cả bọn, cặp sách dồn lại một đống, nhảy vào cuộc tìm kiếm. Khi cả một đám người bò ra sục sạo tìm kiếm thì sự lạ càng tăng lên hàng chục lần. Người đi qua vườn hoa không bao giờ hết, dân lang thang thất nghiệp, dân nhà quê bỏ ra thành phố kiếm cơm… đang đói rách hy vọng vớ được một chút may mắn, những người này đi đến và không thể không hỏi:

- Tìm cái gì đấy ?

Lần này thì tụi trẻ con đã mau miệng trả lời:

- Tìm cái này!

Câu này đối với người lớn làm ngứa ngáy đầu óc. Thế là họ bỏ cả gồng gánh, xe cộ, nhảy vào quảng trường.

Rồi tiếp đến... Bây giờ là dân xích-lô, ba gác, dân ăn xin, trẻ mồ côi bán báo, dăm cô điếm, đám bụi đời móc túi nghe tin cũng tìm đến.

- Tìm cái gì đấy?

- Tìm cái này.

Mả mẹ chúng nó, giấu như mèo giấu cứt. Nhất định là hạt xoàn, ru-bi, có lẽ tối qua tụi đào đá đỏ qua đây đánh nhau đổ ra một bị đá đỏ không chừng. Mẹ chúng nó, ông mà biết trước, ông rào lại, ông đuổi tất. Ông kia được một viên rồi hả, bắt nộp phạt, chúng mày !

Cứ thế...

Và số người hy vọng có một chút no ấm bò lê trên vườn hoa để tìm vật báu, đến lúc này đã đông như đàn kiến.

Hinh chợt nhận ra tiếng ồn của đám đông và anh ngạc nhiên đứng nhìn họ. Hoá ra thiên hạ đang bu lại xung quanh mình. Một lúc sau anh sẽ có được thiên hạ. Hinh sung sướng đến rơm rớm nước mắt và mãn nguyện ra về.

Cái đám đông ấy cứ như dòng nước trong lòng sông, trôi đi chứ không cạn. Người đến trước thất vọng ra về trước, người đến sau thất vọng ra về sau. "Tìm cái này" là cái gì thì không ai biết, nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm, để họ trở thành một dòng nước.

Trưa.

Rồi chiều.

Và... vẫn còn đám đông xúm xít giữa vườn hoa Mùa Xuân.

Trần Huy Quang
(Truyện ngắn này được đăng trên tuần báo Văn Nghệ, số 27 ra ngày 04.7.1992.
)

1 nhận xét:

  1. Neu khong phai anh Hinh ma ten la a b c thi khong ai nghi la bac HO---cung nhu cay tao cua ong LANH .

    Trả lờiXóa