Ba cảnh báo quan trọng nhất cho Việt Nam năm 2022
Khác với mọi năm, năm nay báo chí không đưa ra nhiều dự báo năm 2022 cho nền kinh tế và xã hội VN như các năm trước. Có lẽ những sự kiện xảy ra trong 2 năm 2020 và 2021 đều quá bất ngờ và không thể dự báo trước, đã làm cho các chuyên gia quen phét lác và tán láo kiếm tiền của chúng ta cũng không dám "nổ" tung tóe nữa vì 2 năm vừa qua đã "nổ" cái gì thì sai cái đó. Mặt khác, có lẽ đại dịch và cách chống dịch cực đoan, nặng nề của Chính phủ đã làm cho người dân ai ai cũng mệt mỏi, chán chường đến mức không còn muốn nghĩ đến tương lai nữa.
Tuy nhiên, với các nhà kinh tế vĩ mô như chúng tôi, thông tin dự báo bao giờ cũng cần thiết, vì chúng là kim chỉ nam cho các hành động của chính phủ và mỗi người dân. Từ khi tiếp thu sách vở của kinh tế thị trường giữa thập kỷ 1980, tôi đã cho rằng nhiệm vụ chính của các chính phủ là dự báo; có dự báo thì mới có chính sách. Dự báo tốt thì chính sách sẽ tốt; dự báo tồi thì chính sách sẽ tồi; không có dự báo thì không có chính sách. Và muốn có dự báo tốt thì hệ thống số liệu thống kê phải tốt. Điều đáng buồn là Chính phủ và người dân nước ta thường không quan tâm đến dự báo, thậm chí hệ thống số liệu thống kê cũng được xây dựng một cách hình thức cho có chứ không phải để sử dụng.
Nhân ngày đầu năm mới âm lịch, tôi xin nhắc lại 3 dự báo quan trọng mà Chính phủ và mỗi người VN cần lưu ý để có cách đối phó thích hợp.
Không hiểu vì lý do gì mà các làn sóng Covid-19 luôn luôn đến Việt Nam khá chậm so với nhiều nước và khu vực trên thế giới. Đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 6 năm 2021 là một dẫn chứng. Làn sóng dịch từ biến chủng Delta chỉ tràn đến Việt Nam sau khoảng một đến một năm rưỡi càn quét khắp thế giới. Nó đến rất bất ngờ, vào lúc đang giảm mạnh trên thế giới. Nó đến khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân Việt Nam đều tưởng nó chỉ tung hoàng ở Mỹ, Ấn Độ, Braxin, Anh, Nga... mà không dám đến VN, nên trong suốt thời gian trước đó, rất nhiều quan chức lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã huênh hoang đắc chí. Vì chủ quan nên cả nước đã trở thay không kịp; 4 tháng đất nước bị phong tỏa và gần 3 vạn người chết là cái giá cho sự chủ quan này.
Làn sóng thứ năm của biến chủng Omicron hiện nay đang chậm lại trên thế giới nhưng biết đâu sẽ đột nhiên bùng nổ ở VN và trở thành một thách thức nghiêm trọng cho Việt Nam. Đến nay không ai biết nó có thể sẽ gây nhiễm dịch trên diện rộng như hồi năm ngoái hay không. Thông tin hiện này cho thấy biến chủng Omicron không quá nguy hiểm vì nó ít gây chết người nhưng tốc độ lây nhiễm thì rất nhanh và có thể biến chủng bất cứ khi nào. Omicron gây nhiễm rất mạnh cho cả những người từng bị Covid-19 và đã được tiêm chủng đầy đủ.
Vì vậy, dù sống chung với Covid, nhưng Chính và người dân Việt Nam vẫn không nên chủ quan, vẫn cần chuẩn bị giường bệnh để đón nhận các ca nặng. Đặc biệt vẫn cần chuẩn bị sẵn thuốc điều trị cảm cúm, ho, đau họng, thuốc giãn phổi và chống đông máu...
Hiện nay, phần lớn người bị nhiễm Omicron có thể tự chữa trị ở nhà và nghỉ ngơi khoảng 2 tuần là có thể tự khỏi. Dù vậy, nếu làn sóng Omicron bùng phát thì số người bị cách ly và tự chữa ở nhà sẽ tăng lên rất nhanh, đẩy nền kinh tế Việt Nam vào tình trạng thiếu người làm việc; các chuỗi cung ứng chưa kịp tái lập sẽ lại bị tan vỡ; nền kinh tế chắc chắn sẽ suy thoái.
Dự báo là để cảnh giác và chuẩn bị các phương án đối phó chứ không phải để Việt Nam từ bỏ chủ trương sống chung với lũ. Đặc biệt, Việt Nam là nền kinh tế yếu, xã hội rất mong manh, nên không thể chống dịch một cách cực đoan như Trung Quốc. Việc một số tỉnh thành như Thanh Hóa và Thái Bình... “khóa cửa nhốt người” về quê ăn Tết để cách ly hồi trước Tết là không thể chấp nhận được.
2. Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát gia tăng
Năm 2021 tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ còn 2,58%. Đây là mức thấp nhất trong hơn 30 năm đổi mới kinh tế. Nguyên nhân là vì chúng ta đã thực hiện 4 tháng phong tỏa chống dịch tại nhiều trung tâm kinh tế lớn, gồm Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai. Bắc Giang, Bắc Ninh và cả thủ đô Hà Nội.
Trong năm 2022, nền kinh tế vẫn tiếp tục bị chia cắt. Nhiều chuỗi cung ứng chưa được tái lập tác động xấu đến cung, trong khi thu nhập thấp tác động xấu đến cầu. Vì vậy, để đạt được được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%-6% như Quốc hội đề ra thì cần phải có nhiều chính sách mới mang tính đột phá, tác động vào cả hai phía cung và cầu. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu lao động, người công nhân sẽ phải làm việc nhiều hơn. trong khi tiền lương tăng không đáng kể. Dự báo tiền lương tối thiểu sẽ không tăng để giảm chi phí cho người sản xuất. Cụ thể tiền lương tối thiểu sẽ vẫn được giữ ở mức 4,42 triệu đồng/tháng đối với vùng 1 như ở Hà Nội và Sài Gòn và chỉ hơn 3 triệu đồng đối với các khu vực vùng sâu vùng xa.
Đầu tư nước ngoài sẽ vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam vì Việt Nam gần Trung Quốc nên thuận tiện cho việc di dời các nhà máy từ Trung Quốc sang. Thế mạnh của Việt Nam vẫn là có thị trường lao động trẻ, dồi dào và giá rẻ. Chừng nào mâu thuẫn và chiến tranh kinh tế - chính trị giữa Trung Quốc và các nước phương Tây chưa ngã ngũ thì các nước phương Tây vẫn cố gắng lôi kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo Trung Quốc bằng cách gia tăng đầu tư và giúp đỡ Việt Nam.
Tuy nhiên, làn sóng các công ty đa quốc gia chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam không còn nhiều hứa hẹn như trước khi xảy ra đại dịch. Lý do là các nước phương Tây đang xem xét lại lợi ích của quá trình toàn cầu hóa. Mặc dù toàn cầu hóa là cần thiết và mang lại lợi ích cho sự phát triển của toàn thế giới, nhưng nó cũng cần được kiểm soát để không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và đứt gãy chuỗi sản xuất mỗi khi xảy ra thiên tai dịch bệnh hay xung đột quân sự. Các nước phương Tây đang rút một số nhà máy quan trọng về lại chính quốc hoặc về các nước trong cùng châu lục để việc cung ứng được đảm bảo hơn. Việc Samsung đầu tư 17 tỉ USD xây một nhà máy chip tại Mỹ để hưởng các ưu đãi từ chính phủ Mỹ là một ví dụ.
Một lý do nữa khiến các công ty nước ngoài đang ngần ngại khi chuyển nhà máy sang Việt Nam là vấn đề dân chủ, nhân quyền. Khi làn sóng chủ nghĩa dân túy và đại dịch Covid-19 đi qua các nước phương Tây sẽ phải xét lại các vấn đề căn bản của nền dân chủ trong đó có việc không thể tiếp tục hợp tác một cách vô điều kiện với các nước độc tài phản dân chủ như Trung Quốc hay Nga... Điều này cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam.
Thêm nữa, việc kiêu ngạo, chủ quan và kém cỏi của Chính phủ Việt Nam trong việc chống đại dịch Covid-19 năm 2021 cũng làm nhiều công ty đa quốc gia lo lắng, bất an vì chuỗi sản xuất có thể bị đứt gãy ngay tại Việt Nam. Thực tế trong năm 2021, nhiều đơn hàng của các công ty lớn đã phải chuyển sang nước khác; tập đoàn Nike giảm đơn hàng tại Việt Nam là một ví dụ.
Năm 2022 dự báo lạm phát tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng nhanh do nhà nước đã và sẽ bơm rất nhiều tiền vào thị trường. Mặt khác do đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu vì Covid-19 nên hàng hóa sẽ khan hiếm và tăng giá bất chấp thu nhập người dân giảm.
3. Đời sống của người dân Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn
Nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa trên xuất khẩu hàng hóa thô và giá nhân công rẻ mạt nên tỷ lệ tăng trưởng không cao và kém chất lượng. Phần lớn người lao động VN chỉ lao động chân tay thuần túy, hết mồ hôi là hết tiền. Trong 4 tháng phong tỏa 2021, một số tỉnh thành chống dịch quá cực đoan khiến nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Hơn 2,2 triệu người đã rời Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai về quê tránh dịch vì họ không còn tiền để chi tiêu. Tháng 8/2021 chính phủ đã phải cấp 150.000 tấn gạo để cứu trợ cho 8,6 triệu người dân tại 27 tỉnh, thành phố. Đầu tháng 1/2022 thêm 10 tỉnh thành đề nghị chính phủ tiếp tục hỗ trợ 7.820 tấn gạo để cứu đói cho hơn nửa triệu người trong dịp tết Nhâm Dần.
Tháng 11/2021 Tổng cục Thống kê cho biết thu ngân sách nhà nước năm 2021 bội thu hơn 100.000 tỉ đồng nhưng sau đó một tháng thông báo lại là bội chi hơn 300.000 tỉ đồng (chính xác là 315.800 tỉ đồng). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong một lần lỡ lời cho biết “Ngân sách đã cạn kiệt, không còn đồng nào”. Điều này không có gì là lạ khi ngân sách nhà nước thất thu do tham nhũng và phải nuôi một lúc ba bộ máy là Đảng cộng sản, Chính phủ và Mặt trận tổ quốc. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, để bù đắp cho việc thâm thủng ngân sách thì chính phủ sẽ gia tăng thuế phí các loại trong năm 2022 mà mở màn là việc gia tăng phí phạt vi phạm giao thông, phạt người đi xe không chính chủ và liên tiếp nâng giá xăng dầu.
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2022 do chính sách đóng cửa và co cụm của Tập Cận Bình. Dự báo Trung Quốc sẽ siết chặt việc nhập khẩu hàng hóa của VN trên danh nghĩa là để chống dịch với chủ trương “Zero Covid”, nhưng thực chất là... hết tiền (vì kinh tế suy giảm) và để giữ vững an ninh và ổn định tình hình trong nước trong giai đoạn từ Thế vận hội Mùa Đông đến khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 (cuối năm 2022).
Thực tế cho thấy việc Trung Quốc đóng cửa biên giới với các nước trong khu vực trong những tháng vừa qua, trong đó có việc đóng cửa với hàng hóa nông sản nhập khẩu Việt Nam đã làm cho giới tiểu thương và nông dân Việt Nam điêu đứng. Riêng trong tháng 1/2022, đã có hơn 5000 xe hàng, chủ yếu là nông sản, của Việt Nam bị ùn tắc tại biên giới. Số tiền thiệt hại vì hàng hóa bị hư hỏng đến mức phải đổ đi lên tới 4.000 tỉ đồng. Không chỉ Việt Nam mà các nước như Lào, Myanmar đều cũng bị như vậy.
Do đó, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị phương án đối phó với sự kiểm soát hàng nhập khẩu gắt gao của Trung Quốc trong cả năm 2022.
Nguồn: Tổng hợp từ trên mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét