Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Đọc bài của bác Trần Đình Thiên thấy thối quá...

Lâu mới đọc một bài của bác Thiên. Tôi khá thân, quan hệ gần như anh em với bác. Tôi cũng rất quý trọng bác Thiên, nhưng đọc bài này của bác thấy thối quá. Một là bác vừa chẳng hiểu thực tế trong nước và thế giới, vừa mâu thuẫn câu trước với câu sau; ví dụ chẳng ai con số tăng trưởng 7,08% được ông nghẹo vẽ ra, có lẽ chỉ có bác tin. Bản thân bác Thiên cũng thừa nhận số doanh nghiệp phá sản thì khủng khiếp, trong khi số đăng ký mới thì vừa ít, vừa chưa hoạt động và có hiệu quả đâu; vậy thì làm sao có tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục 10 năm qua ? Hơn nữa bác cũng nhấn mạnh điểm sáng ổn định kinh tế vĩ mô, thực chất là trì trệ. Trì trệ thì sáng cái nỗi gì ? Hai là bác tưởng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 10-15% nếu thảo bỏ được trùng trùng lớp lớp rào cản. Xin lỗi nhé, có tháo bỏ hết cũng chỉ thêm được ít thôi, từ khoảng 4-5% theo đánh giá của tôi nên tới 6-7% là cùng. Vì sao ư ? Vì VN làm gì còn nguồn lực mà tăng trưởng: Tài nguyên hết, nhân lực thối nát, cơ sở hạ tầng yếu kém, không có các ngành công nghiệp cơ bản..., cái gì cũng phải dựa vào nước ngoài, nhất là vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Có thể nói VN là người khổng lồ chân đất sét hay một xã hội phồn vinh giả tạo. Ba là GDP năm 2018 của Singapore chỉ khoảng 346 tỷ đô la (theo tỷ giá danh nghĩa, VN là 241 tỷ USD) hay 550 tỷ đô la (theo tỷ giá PPP), chứ làm gì tới 4000 USD như bác Thiên thổi lên để dọa người dân kém hiểu biết. Trong khi đó thì GDP của VN tính theo tỷ giá PPP là 705 tỷ USD còn cao hơn của Singapore. 
Bốn là bác nói kinh tế hộ gia đình chiếm hơn 33% GDP và doanh nghiệp nhà nước 32% GDP, trong khi niên giám thống kê công bố kinh tế hộ gia đình chỉ chiếm 29% và doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 28% GDP. Năm là bác cũng hệt như ông nghẹo, đòi hỏi "vừa phải chạy nhanh, vừa phải tự thay đổi đổi cấu trúc", rồi vừa phải khuếch trương doanh nghiệp nhỏ và vừa, vừa cần có những tập đoàn tư nhân lớn mạnh... Cái gì cũng muốn ngay, làm sao đạt được; đi theo khuyến nghị của bác thì kinh tế không khủng hoảng mới là lạ. Còn một loạt điều thối khác trong bài như "Khởi nghiệp cần có những tập đoàn lớn, doanh nhân lớn, có nhà đầu tư thiên thần vì doanh nhân thì mới khởi nghiệp được", "các tập đoàn lớn cũng được gọi là đầu tàu tăng trưởng", "5 thị trường để nền kinh tế phát triển lành mạnh: thị trường đất đai, năng lượng, nhân lực, công nghệ, tiền tệ", "không nên nhìn câu chuyện Thủ Thiêm mà bi quan"... 

Ông Trần Đình Thiên: “Đã đến lúc không thể cơi nới”
7/02/2019  - Nhà kinh tế Trần Đình Thiên đặt câu hỏi về động lực tăng trưởng và cho rằng cần tháo gỡ những tắc nghẽn, méo mó ở 5 thị trường để nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn. Hai điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế năm 2018 là ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Nguyên lí điều hành đã hướng ưu tiên đến ổn định vĩ mô rồi mới thúc đẩy tăng trưởng. Trong bối cảnh quốc tế biến động, sức ép gia tăng nhiều chiều mà Việt Nam vẫn giữ được cả hai mục tiêu là điều đáng tự hào.
Ông Trần Đình Thiên

Tuy nhiên, tăng trưởng như vậy (7,08%) cũng chưa hết tiềm năng; nhiều người cho rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 10-15% nếu thảo bỏ được trùng trùng lớp lớp rào cản. Nền kinh tế chúng ta 220 tỷ đô la, có tăng trưởng 10% cũng thêm được 22 tỷ đô la. Các quốc gia khác, như Singapore quy mô 4.000 tỷ đô la, tăng trưởng giả sử 10% đã là 400 tỷ đô la, gấp bao nhiêu lần chúng ta. Việt Nam tăng trưởng có cao như vậy nhưng do quy mô nền kinh tế rất nhỏ nên chưa ăn thua gì cả. Ví dụ như con kiến đi 1.000 bước chắc chỉ bằng con ngựa phi nửa bước. Vì thế, tôi muốn đặt vấn đề, Việt Nam chúng ta vừa phải chạy nhanh, vừa phải tự thay đổi đổi cấu trúc của chính mình mới mong bắt kịp được các quốc gia phát triển khác. Còn không chúng ta sẽ tụt hậu.


Tôi hay nói, hơn 30 năm Đổi mới rồi mà cấu trúc của nền kinh tế vẫn không thay đổi, vẫn dựa vào hai lực lượng chính là kinh tế hộ gia đình (chiếm hơn 33% GDP) và doanh nghiệp nhà nước (32% GDP). Mà kinh tế hộ gia đình nhỏ li ti và doanh nghiệp nhà nước yếu kém vẫn chiếm tỷ trọng lớn như vậy thì làm sao làm cho nền kinh tế vững mạnh được. Nền kinh tế sẽ luôn yếu kém một khi chúng ta chưa động đến cấu trúc của nó, chưa làm doanh nghiệp tư nhân mới (chỉ chiếm 8-9% GDP) phát triển mạnh và lớn lên.

Năm vừa rồi, vẫn có hơn 80 nghìn doanh nghiệp phá sản, đà phá sản vẫn tiếp nối. Nhiều người giải thích, số doanh nghiệp phá sản thế là bình thường, nhưng tôi không đồng tình. Làm sao mà cho đó là chuyện bình thường được vì số phá sản là số thật, trong khi số mới đăng ký dù tăng nhanh nhưng đã hoạt động, có hiệu quả đâu. Phải nhìn vào sự thật đó để thấy doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, và phải được ưu tiên trong các chính sách tới đây. Chúng ta không có một chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt Nam theo đúng nghĩa, cứ đến đâu hay đến đó, hay chỉ ưu ái, đối xử với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Tôi muốn nhấn mạnh đến chuyện bỏ 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhiều người nói là bỏ trên giấy, nhưng theo tôi, bỏ được 20% cũng là tốt rồi vì trong 10 năm nay có động được vào đâu. Ở đó là tiền bạc, là lợi lộc, là giàu sang. Chính phủ muốn hành động vì doanh nghiệp nhưng đụng vào đó là khó, nhất là khi động lực, cơ chế lương, thưởng không thay đổi. Dù sao, hòn đá tảng này đã bị lung lay, cần phải làm tiếp thì mới long lên và dời đi được.

Chúng ta hay khuếch trương doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này đúng nhưng nếu chỉ mãi như vậy là không đủ. Việt Nam cần có những tập đoàn tư nhân lớn mạnh, không thể dựa vào cấu trúc doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Chỉ sau 20 năm, Hàn Quốc đã có tập đoàn khổng lồ Samsung; Trung Quốc cũng có các tập đoàn lớn. Chiến lược của họ là cần có những tập đoàn tư nhân hùng mạnh. Trong khi đó ở Việt Nam doanh nghiệp nào phát triển lên thì bị soi mói, bị thanh tra, kiểm tra liên tu bất tận. Chúng ta cần chỉ ra những yếu kém để khắc phục, không nên chỉ ra yếu kém để khiến doanh nghiệp phải vào tù.

Thêm nữa, chiến lược khoa học gắn với khởi nghiệp cũng cần làm cho đúng. Lâu nay, khoa học công nghệ vẫn đứng một bên mà không phải là trụ cột chính, cần phải thay đổi tư duy này. Khoa học công nghệ cần hướng tới học hỏi, học nhanh để vượt lên, gắn liền khoa học công nghệ với trung tâm đổi mới sáng tạo, hình thành khởi nghiệp. Xã hội đang có một số hạt nhân khởi nghiệp Grab thì khi xét xử các vụ kiện như Grab vừa qua phải theo tinh thần kinh doanh.

Khởi nghiệp cần có những tập đoàn lớn, doanh nhân lớn, có nhà đầu tư thiên thần vì doanh nhân thì mới khởi nghiệp được. Hiện nay, ta mới chỉ ở hình thức lập nghiệp dưới dạng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, vai trò của các tập đoàn lớn rất quan trọng.

Lâu nay ta vẫn có khái niệm trung tâm tăng trưởng là hai đầu tàu Thành phố HCM và Hà Nội. Thực ra, các tập đoàn lớn cũng được gọi là đầu tàu tăng trưởng nhưng cả hai khái niệm này những năm qua vẫn đang bị kẹt cứng, chưa được giải phóng.

Cần đặt ra câu hỏi động lực tăng trưởng ở đâu? Những thị trường cần cho thúc đẩy tăng trưởng đang bị tắc nghẽn, méo mó. Ở đâu thị trường đất đai, năng lượng, nhân lực, công nghệ, tiền tệ để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất?

Luật đất đai vừa ban hành rồi lại bàn sửa tiếp. Tài sản đang bị kẹt nên mới phải tháo gỡ bằng luật mới. Điều đó một lần nữa cho thấy, chúng ta chưa thoát khỏi cấu trúc cũ. Tôi cho rằng, không nên nhìn câu chuyện Thủ Thiêm mà bi quan, nó không phải là câu chuyện về thủ tục hành chính mà nó mở ra hướng xử lí mới giữa tư nhân và nhà nước. Năm loại thị trường, như tôi nói ở trên, cần phải được thị trường hóa một cách đầy đủ, đúng nghĩa. Đã đến lúc không phải cơ nới, cải tiến mà cần thay đổi căn bản để các thị trường này hoạt động, để đổi mới mô hình tăng trưởng.

Lan Anh lược ghi
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/ong-tran-dinh-thien-da-den-luc-khong-the-coi-noi-506730.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét