8 bước phát triển trong quan hệ Việt-Mỹ qua chuyến thăm của Tổng Bí thư
Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, nhiều nhà phân tích và bình luận đã sai lầm trong đánh giá về chuyến thăm Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi quá chú trọng tới việc hai nước thiếu sự đột phá trong quan hệ quốc phòng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ
Barack Obama gặp gỡ báo chí. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Chuyến thăm này không phải là buớc ngoặt trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc. Việc đạt được một thỏa thuận về bán vũ khí hay cho phép Mỹ tiếp cận cảng Cam Ranh cũng không phải là chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Vào năm 2013, khi Việt Nam và Mỹ thúc đẩy quan hệ song phương lên mức đối tác toàn diện, hai nước đã sử dụng công thức này bởi vì cả hai đều nhận thấy thời cơ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược vẫn chưa chín muồi. Trước đó, vào giữa năm 2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đề xuất ký quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Trước chuyến thăm của bà tới Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Báo cáo quốc phòng 4 năm trong đó nhắc tới việc phát triển “quan hệ chiến lược mới” với Việt Nam. Báo cáo quốc phòng vào năm 2014 cũng xác định Việt Nam là “đối tác chủ chốt” của Mỹ.
Tình hình tương tự cũng diễn ra trong quan hệ giữa Australia với Việt Nam. Năm 2009, Thủ tướng Australia lúc đó Kevin Rudd đã từ chối đề nghị thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm Đối tác chiến lược bởi ông coi đó là một thỏa thuận chủ yếu mang tính biểu tượng. Ngoài ra, Thủ tướng Rudd nhận thấy quan hệ quốc phòng với Việt Nam chưa phát triển tới mức được gọi là “đối tác chiến lược”. Cuối cùng, Việt Nam và Australia đã thống nhất nâng tầm lên quan hệ Đối tác toàn diện.
Quan hệ giữa hai nước vẫn chưa dừng lại tại đây. Trong năm nay, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Australia và có cuộc gặp với Thủ tướng Tony Abbott, hai bên đã đi đến thống nhất tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện trong thời gian tới nhưng chưa đi tới tuyên bố chính thức về quan hệ Đối tác chiến lược. Sau cuộc gặp giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện. Tuy vậy, cụm từ “quan hệ đối tác chiến lược” không được nhắc tới trong văn kiện này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà lưu niệm cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Trong chuyến thăm 5 ngày tới Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, Đại diện thương mại Michael Froman, Thượng nghị sỹ John McCain và Patrick Leahy, các lãnh đạo tôn giáo ở Mỹ, cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, cựu Tổng thống Bill Clinton, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng một nhóm các giáo sư tại Đại học Harvard.
Chuyến thăm lịch sử này đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Mỹ. Điều này được thể hiện qua 8 lý do sau:
Thứ nhất, trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuộc gặp với Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Theo thông lệ, chỉ lãnh đạo chính phủ và nhà nước mới có vinh hạnh này. Cuộc gặp này đã thể hiện sự thừa nhận của Mỹ về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và tầm quan trọng của Tổng Bí thư trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Nếu Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ, điều này sẽ góp phần củng cố sự tôn trọng của Mỹ với hệ thống chính trị của Việt Nam. Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã làm tan băng chính trị và tạo tiền đề cho các cuộc viếng thăm trong tương lai của lãnh đạo đảng Việt Nam.
Thứ hai, hai nhà lãnh đạo thống nhất theo đuổi “quan hệ sâu sắc, bền vững, và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Những từ này mang ý nghĩa quan trọng bởi sự khác biệt về thể chế chính trị là một nguyên nhân từng khiến hai nước còn dè dặt trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Thứ ba, hai nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy thỏa thuận đối tác chiến lược ký kết vào năm 2013 thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và tạo cơ chế hợp tác trong 9 lĩnh vực chủ chốt đã được đề ra vào năm 2013. Trong ngày 7/7, Mỹ và Việt Nam đã ký 4 thỏa thuận, bao gồm thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần, hỗ trợ trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, hợp tác giải quyết các mối đe dọa đại dịch mới nổi và hỗ trợ kỹ thuật trong vấn đề an toàn hàng không.
Ngoài ra, Tập đoàn dầu khí Petro Việt Nam và Murphy Oil cũng ký một thỏa thuận hợp tác khai thác, Việt Nam cấp giấy phép cho Đại học Harvard thành lập trường Đại học Fulbright tại Việt Nam và Việt Nam nhận bàn giao chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner đầu tiên.
Thứ tư, hai nhà lãnh đạo cam kết hợp tác với các quốc gia khác sớm hoàn tất việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tiến hành các cải cách cần thiết để đạt đuợc các thỏa thuận cấp cao. Hiện tại, các nước tham gia TPP vẫn còn một số trở ngại cần phải vượt qua.
Mỹ thừa nhận Việt Nam đã đạt được 4 nguyên tắc trong Tuyên bố năm 1988 về các nguyên tắc và quyền lợi cơ bản tại nơi làm việc của Tổ chức lao động quốc tế. Việt Nam cũng đang hối thúc Mỹ sớm thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để giảm mức thuế nhập khẩu của hàng hóa vào Mỹ.
Thứ năm, hai nhà lãnh đạo cam kết Việt Nam và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cả trên mức độ song phương và đa phương, thông qua các tổ chức khu vực như APEC, ASEAN, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng và hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Thứ sáu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã thiết lập khuôn khổ giải quyết căng thẳng trên Biển Đông. Hai nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định. Hai nước nhấn mạnh sự cần thiết đề cao các quyền tự do hàng hải và hàng không được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không hạn chế, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế những hành động làm gia tăng căng thẳng; bảo đảm tất cả các hành động và hoạt động phải phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối việc ép buộc, hăm dọa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai nước ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, kể cả như đã được thể hiện trong Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Thứ bảy, hai nhà lãnh đạo thống nhất thiết lập quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng trong lĩnh vực an ninh hàng hải, nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, thương mại quốc phòng và chia sẻ thông tin, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và trao đổi công nghệ quốc phòng. Các cam kết này đã mở ra những lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước.
Cuối cùng, Việt Nam và Mỹ đều thẳng thắn thừa nhận những khó khăn và thách thức trong mối quan hệ song phương và cam kết đối thoại tích cực, thẳng thắn trên cơ sở xây dựng để giảm bớt khác biệt và xây dựng lòng tin.
Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã đặt nền tảng cho sự phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới. Theo cách nói của Thượng nghị sỹ John McCain, Việt Nam là một “đối tác đang nổi lên” của Mỹ. Và thời gian sẽ là câu trả lời cho mối quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, Giáo sư Carl Thayer nhận định.
Nguyễn Viễn (Theo "The Diplomat")
http://baotintuc.vn/thoi-su/8-buoc-phat-trien-trong-quan-he-vietmy-qua-chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-20150714144349178.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét