Gọi lớp trưởng là chủ tịch thì buồn cười quá!
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng thông tư này đưa trẻ con vào hệ thống quan chức sớm quá, cho trẻ con đóng vai cán bộ sớm quá. Không nên trao quyền khi các em còn ở độ tuổi quá non nớt.
“Trong lớp có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh, mỗi lớp học chia thành các ban có trưởng ban, phó ban, rồi thư ký… Cái này giống như… UBND chứ không phải là lớp học nữa. Chuyện này quá nặng nề đối với học sinh tiểu học. Các cháu tiểu học còn nhỏ lắm, đừng đưa các cháu vào hệ thống quan chức rối ren” – GS Thuyết nói.
GS Thuyết cho rằng vẫn nên giữ tên gọi lớp trưởng, lớp phó và chia thành các tổ, còn việc có tổ trưởng, tổ phó không thì để các trường tự giải quyết.
GS Thuyết đồng tình quan điểm cử các cháu là lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó thì nên luân phiên, không nên để các cháu làm mãi. Các cháu khác không có điều kiện để rèn luyện kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm.
“Một cháu có khi làm lớp trưởng, lớp phó mãi thì có thể cháu đó chủ quan, dẫn đến nhiều cái không hay. Bởi trẻ nắm giữ chức vụ quá lâu sẽ quen với chức quyền, hình thành tâm lý ra oai” – GS Thuyết bình luận.
Tuy nhiên, GS Thuyết cho rằng giáo viên nên quán triệt rõ từ đầu mỗi chức danh nắm giữ trong bao lâu để tránh tình trạng trẻ sốc khi “mất chức”.
Đồng quan điểm này, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên) chia sẻ tên gọi chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản trong nhà trường là không gần gũi với học sinh. “Từ trước tới nay, từ lớp trưởng, lớp phó giản dị, dễ hiểu, gần gũi với học sinh, chỉ đúng chức năng vai trò của lớp trưởng, lớp phó trong một lớp học. Chủ tịch là từ chỉ những vị trí ở ngoài xã hội. Dùng những từ này có thể tạo cho học sinh tâm lý chức tước, quyền hành ngay từ nhỏ” – giáo viên này nói.
Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lại đồng tình với cách gọi chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản. Theo bà Hương, chức danh này giúp các cháu tự tin, mạnh dạn và làm được nhiều việc hơn. Nếu lớp trưởng, chỉ đơn thuần kiểm soát các bạn, mách cô thì chủ tịch giúp trẻ làm được nhiều việc hơn về ý thức tự quản, đánh giá các bạn.
35 học sinh/lớp có khả thi?
Theo dự thảo Điều lệ trường tiểu học, quy định lớp học chỉ có tối đa 35 học sinh. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ý kiến đồng tình với quy định này. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đưa ra quy định như vậy thì mới có điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học và tiến tới là thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
“Tôi nghĩ lớp học cứ 50-60 học sinh không thể nào thay đổi được phương pháp dạy học, mà vẫn phải sử dụng phương pháp truyền thụ một chiều theo kiểu đọc chép. Tuy nhiên, chỉ sợ khó thực hiện điều này bởi điều lệ trước đây đã đưa ra quy định sĩ số lớp nhưng ở các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM thì vẫn quá tải, mỗi lớp 50 học sinh. Để như hiện tại thì căng quá” – GS Thuyết nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho rằng phải có quy định lớp học dưới 35 học sinh vì không có quy định thì các địa phương không có trách nhiệm.
“Nơi nào không làm được thì cần phải suy nghĩ và giải quyết vấn đề đó chứ không thể để dai dẳng. Theo tôi nghĩ thì 35 học sinh vẫn là nhiều” – ông Hào nói.
Cũng theo đánh giá của ông Hào thì dự thảo điều lệ lần này giảm sổ sách cho giáo viên là hợp lý, bởi nếu mất thời gian quá nhiều với sổ sách thì giáo viên sẽ không có thời gian để đầu tư cho bài giảng.
Bà VÕ NGỌC THU, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT quận 5 (TP.HCM):
Đừng gán quyền lực cho các em quá sớm
Trong Điều 20 và 21 của dự thảo có quy định hiệu trưởng phải tham gia giảng dạy bình quân hai tiết/tuần và hiệu phó dạy bốn tiết/tuần là rất hình thức, đối phó. Đây là những quy định cũ còn giữ lại nhưng rõ ràng không khả thi trong thực tế lâu nay. Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn đừng quy định điều này, thay vào đó nên quy định hiệu trưởng, hiệu phó dự giờ bao nhiêu tiết của một giáo viên trong một tuần hoặc một tháng thì đúng hơn.
Ở Điều 22 quy định tổng phụ trách là giáo viên tiểu học được bồi dưỡng về công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh cũng rất không thực tế. Vì với giáo viên tiểu học, trong trường sư phạm không dạy về công tác đoàn, đội. Chúng ta có thể thay đổi là cán bộ đoàn được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học thì sẽ thu hút những người có chuyên môn hơn, rồi trong quá trình làm họ có thể học nâng cao hơn.
Trong dự thảo này, tôi rất không đồng tình với Điều 17 dùng các từ chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban, phó ban trong một lớp học. Chúng ta nên dành cho các em những từ ngữ, khái niệm thân thuộc, dễ mến, dễ hiểu nhất. Với học sinh tiểu học, dùng những từ như lớp trưởng, lớp phó là hợp lý, gần gũi nhất. Từ “lớp trưởng” nó đã bao hàm sự quản lý, tự chủ, dân chủ với vai trò một học sinh trong lớp học rồi. Nếu chúng ta dùng từ chủ tịch thì nó bao hàm cả một xã hội. Bình thường các em đã nghe rất nhiều từ này bên ngoài như chủ tịch phường, chủ tịch quận, rồi khi vào lớp học lại nghe từ này sẽ cảm thấy nó rất uy quyền. Từ đó về sau học sinh sẽ nặng uy quyền, chức vụ, nó sẽ không hay trong nhận thức của các em.
Chúng ta không nên gán cho các em quyền lực quá lớn ngay từ lúc nhỏ, mà chỉ nên giao cho các em nhiệm vụ nào đó trong lớp để các em thấy được trách nhiệm của mình đối với lớp học.
Đừng làm phức tạp môi trường học đường hơn nữa.
THEO PHÁP LUẬT TP
http://phapluattp.vn/giao-duc/goi-lop-truong-la-chu-tich-thi-buon-cuoi-qua-569051.html
Trong Điều 20 và 21 của dự thảo có quy định hiệu trưởng phải tham gia giảng dạy bình quân hai tiết/tuần và hiệu phó dạy bốn tiết/tuần là rất hình thức, đối phó. Đây là những quy định cũ còn giữ lại nhưng rõ ràng không khả thi trong thực tế lâu nay. Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn đừng quy định điều này, thay vào đó nên quy định hiệu trưởng, hiệu phó dự giờ bao nhiêu tiết của một giáo viên trong một tuần hoặc một tháng thì đúng hơn.
Ở Điều 22 quy định tổng phụ trách là giáo viên tiểu học được bồi dưỡng về công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh cũng rất không thực tế. Vì với giáo viên tiểu học, trong trường sư phạm không dạy về công tác đoàn, đội. Chúng ta có thể thay đổi là cán bộ đoàn được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học thì sẽ thu hút những người có chuyên môn hơn, rồi trong quá trình làm họ có thể học nâng cao hơn.
Trong dự thảo này, tôi rất không đồng tình với Điều 17 dùng các từ chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban, phó ban trong một lớp học. Chúng ta nên dành cho các em những từ ngữ, khái niệm thân thuộc, dễ mến, dễ hiểu nhất. Với học sinh tiểu học, dùng những từ như lớp trưởng, lớp phó là hợp lý, gần gũi nhất. Từ “lớp trưởng” nó đã bao hàm sự quản lý, tự chủ, dân chủ với vai trò một học sinh trong lớp học rồi. Nếu chúng ta dùng từ chủ tịch thì nó bao hàm cả một xã hội. Bình thường các em đã nghe rất nhiều từ này bên ngoài như chủ tịch phường, chủ tịch quận, rồi khi vào lớp học lại nghe từ này sẽ cảm thấy nó rất uy quyền. Từ đó về sau học sinh sẽ nặng uy quyền, chức vụ, nó sẽ không hay trong nhận thức của các em.
Chúng ta không nên gán cho các em quyền lực quá lớn ngay từ lúc nhỏ, mà chỉ nên giao cho các em nhiệm vụ nào đó trong lớp để các em thấy được trách nhiệm của mình đối với lớp học.
Đừng làm phức tạp môi trường học đường hơn nữa.
THEO PHÁP LUẬT TP
http://phapluattp.vn/giao-duc/goi-lop-truong-la-chu-tich-thi-buon-cuoi-qua-569051.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét