Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Vốn Nhật chảy về đâu?

Vốn Nhật chảy về đâu?
Vốn Nhật đang dịch chuyển và vốn đầu tư của nước này tại Việt Nam đang giảm ở một số lĩnh vực như sản xuất, phân phối bán lẻ, tư vấn... Theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành Văn phòng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam năm 2014 đã giảm 65% còn 2,02 tỉ USD. Đáng chú ý là lĩnh vực sản xuất giảm cả về số dự án lẫn vốn đầu tư với mức giảm lần lượt là 10% và 15%.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành 
Văn phòng Đại diện JETRO tại TP.HCM
Trước đây, do quy định các lĩnh vực dịch vụ bị hạn chế đầu tư nên doanh nghiệp Nhật bắt buộc phải thành lập công ty sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2015, theo lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, các loại thuế đầu tư vào ngành dịch vụ sẽ được bãi bỏ. Như vậy, doanh nghiệp Nhật chỉ cần thành lập công ty tư vấn dịch vụ tại Việt Nam, sau đó thuê các công ty Việt Nam sản xuất và gắn nhãn mác Nhật để giảm chi phí.

Theo ông Hirotaka, lĩnh vực sản xuất giảm còn do khó khăn trong thủ tục. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp vì muốn đầu tư nhà máy sản xuất nên chuyển toàn bộ thiết bị máy móc từ nhà máy cũ sang Việt Nam, nhưng lại vướng phải quy định cấm nhập khẩu máy móc cũ. Do đó, một số dự án đầu tư đã bị chững lại.

Cũng cần nói thêm, năm 2014 có đến 62% số doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại Việt Nam xác nhận có lợi nhuận, nhưng trong năm 2014 số vốn đầu tư bổ sung của Nhật tại Việt Nam đã giảm 81% so với năm trước. Năm qua, các công ty Nhật trong lĩnh vực gia công xuất khẩu có lợi nhuận cao nhất, khoảng 70%, trong khi những doanh nghiệp không nằm trong nhóm này lại thua lỗ đến 56%. Trong khi đó, mức lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật đầu tư tại các nước khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc lại cao hơn Việt Nam.

Thực tế, khi đầu tư vào ngành sản xuất, doanh nghiệp Nhật cần nhiều hỗ trợ về nguồn cung ứng nguyên vật liệu cũng như chính sách ưu đãi từ chính phủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, họ đã không tận dụng được điều này. Có thể thấy, tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam là 14,4% trong khi Trung Quốc là 38,2%, Thái Lan 23,2%.

Ông Hirotaka cho biết hầu hết doanh nghiệp Nhật vẫn chưa xin được chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ có một doanh nghiệp Nhật là Kyocera tận dụng được chính sách hỗ trợ về công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam nhưng công ty này không chuyên về công nghiệp hỗ trợ mà là về lắp ráp.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp Nhật giảm tỉ lệ đầu tư ra nước ngoài là do đồng yên mất giá 25% so với USD, buộc phải ngừng lại các dự án đầu tư ra nước ngoài, nhất là dự án lớn. Hầu hết các dự án có quy mô vốn từ trên 100 triệu USD đều có xu hướng giảm đi.

Xét về môi trường kinh doanh, Việt Nam vẫn có ưu thế hơn Lào và Campuchia, nhưng hiện nay Myanmar và Philippines đang nổi lên là những điểm đến đầu tư tiềm năng. Đó là lý do trong năm 2014, một số dự án đầu tư tại Việt Nam đã được chuyển sang Philippines, theo ông Hirotaka.

Mặc dù đầu tư Nhật trong năm qua giảm, nhưng hiện vẫn có 66% doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại Việt Nam có ý định mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian tới. Lý do là Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ, môi trường kinh tế chính trị ổn định cũng như để đón đầu các hiệp định thương mại lớn trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tác giả: Mai Hân
http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=22423-von-nhat-chay-ve-dau?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét