Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Văn hóa vật chất của người Nhật

Văn hóa vật chất của người Nhật
“Văn hóa vật chất là toàn bộ những giá trị vật chất do con người sáng tạo nên trong quá trình lịch sử để thỏa mãn chính nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của con người”, với ý nghĩa đó, nội dung văn hóa vật chất trong Nhân học (hiểu một cách tương đối) là ẩm thực, trang phục, nhà cửa, công cụ sản xuất, phương tiện vận chuyển đi lại, vũ khí, nhạc cụ dân gian.
Như vậy, có khá nhiều vấn đề cần tiếp cận và lý giải song trong phạm vi một bài viết, chúng tôi chỉ có thể giới hạn ở những lĩnh vực cơ bản nhất là ẩm thực, trang phục, nhà cửa truyền thống của người Nhật Bản, do vậy, về mặt thời gian được xác định (một cách tương đối) từ xưa cho đến năm 1945 khi quốc gia này bước vào thời Hiện đại (1945- nay).


I. Ẩm thực

1. Nguyên liệu, cách thức chế biến, chế độ ăn

Nguồn nguyên liệu dùng để chế biến thành các món ăn của người Nhật Bản, hầu hết từ thực vật (cây trồng, cây bán hoang dại, hoang dại) và động vật (động vật nuôi, động vật hoang dã). Với người Nhật Bản, lương thực chính là mạch (Mugi), gạo (Kome) còn lương thực phụ là ngũ cốc và các loại khoai. Các món ăn chế biến từ mạch, gạo, chủ yếu là các món cơm, cháo, bánh còn từ lương thực phụ là khá nhiều các loại bánh, mì sợi. Tuy nhiên, xét đến cùng, để chế biến món ăn từ những nguồn nguyên liệu này, người ta sử dụng 3 phương thức chủ yếu là: chế biến qua lửa, chế biến không qua lửa và kết hợp giữa hai phương thức này. Chế biến qua lửa là phương pháp dùng nhiệt năng làm chín thức ăn được người Nhật Bản áp dụng nhiều cách thức như: nướng, luộc, hấp, đồ, nấu canh, xào, rán, rang… Chế biến không qua lửa là phương pháp làm sạch, muối hoặc làm lên men nguyên liệu với cách thức như: làm sống, làm gỏi, làm giấm, ủ lên men, làm chua… Kết hợp giữa chế biến qua lửa và không quả lửa gồm một số cách thức như: làm tái, làm ghém, làm tương…

Trong ẩm thực truyền thống, bánh kẹo cũng được xem là một món ăn khá quan trọng trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày và dịp đặc biệt (lễ hội, Tết) của người Nhật Bản. Tuy nhiên, phải từ nửa sau thế kỷ XVII, nghệ thuật làm bánh kẹo kiểu Nhật mới phát triển nhờ trong nước đã sản xuất được đường ngọt (phần nhiều vẫn phải nhập khẩu). Nguồn nguyên liệu chủ yếu là từ mạch, gạo và khoai với phương thức chế biến chính là chế biến qua lửa.
Trong ngày thường, bữa ăn của người Nhật thường có cơm và một vài món phụ khác có nguồn gốc thực vật (các loại rau, dưa muối, rong, tảo biển, đậu phụ, tương…), động vật (cá, các loài nhuyễn thể, tôm, cua…). Các món phụ có nguồn gốc động vật xưa kia chiếm tỷ lệ không nhiều trong bữa ăn, nếu có cũng chủ yếu là hải sản sông, biển. Nhưng từ thế kỷ XIX, thịt bò, thịt lợn, thịt gà mới trở nên phổ biến hơn trong các bữa ăn và cách thức chế biến. Trong ngày gồm có hai bữa chính (bữa trưa, bữa tối) và một đến ba bữa phụ (bữa sáng, bữa nửa buổi chiều hoặc bữa khuya). 

Trong các bữa ăn chính, về cơ bản gồm có món chính là cơm cùng một vài món phụ khác, mà tiêu biểu nhất là món canh tương (Misoshiru). Món phụ có nguồn gốc động vật thì thường là hải sản được chế biến theo nhiều cách nhưng đáng chú ý là làm gỏi (Sashimi). Ngoài các món chính, phụ trên, không thể thiếu món dưa muối (Tsukemono) được chế biến từ các loại rau, củ, quả như: củ cải trắng, cà tím, dưa chuột, quả mơ, mận… Các phụ gia và gia vị như xì dầu (Shoyu), mù tạt (Wasabi) cũng thường thấy trong các bữa ăn. Chế độ ăn trong các bữa chính như vậy có thể được xem là tiêu chuẩn và áp dụng như một truyền thống từ xưa đến nay với người Nhật cho dù có thay đổi ít nhiều theo thời gian. Theo sử sách ghi lại, chế độ ăn uống này được gọi là IchiJusansai (một chính ba phụ) do tầng lớp võ sĩ (Samurai) lãnh đạo đất nước thời kỳ Muromachi (1338 – 1573) đặt ra. Ở các bữa phụ, cơm không phải lúc nào cũng có mà thay vào đó là các món làm từ lương thực phụ như: khoai, kê, ngô, đậu tương…

Trong chế độ ăn uống của người Nhật, ngoài hải sản thì rau, khoai chiếm vị trí đặc biệt trong bữa ăn hàng ngày. Càng lùi xa về quá khứ thì có lẽ là rau chứ không phải hải sản là món ăn chủ đạo sau cơm trong bữa ăn. Một món ăn khá đặc biệt thường được sử dụng từ xưa trong các bữa ăn đó là rong, tảo biển, song chế biến thành món ăn như thế nào còn phụ thuộc vào quan niệm, tập quán, thành phần mùi vị, chất lượng của chúng ở các vùng miền.

Nhìn chung thành phần thức ăn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, do đó yếu tố mùa vụ hay sự chuyển mùa, giao mùa cũng ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu món ăn và bữa ăn. Tập quán ăn uống theo mùa không chỉ bởi thực phẩm ngon nhất khi chúng được thu hoạch đúng mùa vụ mà đã trở thành phong tục, yếu tố tâm lý của người dân. Qua bữa ăn, người ta vừa có thể thưởng thức những gì tinh túy nhất của món ăn vừa cảm nhận sâu sắc sự đổi thay rõ ràng của thời tiết trong năm.

Bữa ăn của người Nhật Bản, về cơ bản có hai hình thức là mọi người ăn cùng mâm hoặc không ăn cùng mâm. Hình thức thứ nhất, các món bày chung không phân biệt quá cụ thể từng món cho mỗi cá nhân. Bữa ăn như vậy thường thấy ở các gia đình nhất là trong hai bữa chính. Hình thức thứ hai, thức ăn được bày biện cho mỗi người trong một mâm riêng và cách thức này thường thấy trong các dịp lễ hội, cưới xin, tang ma. Điểm tương đồng của cả hai hình thức là các món ăn không bố trí theo cách món này tiếp món khác mà ăn các món cùng lúc. Ẩm thực trong các dịp đặc biệt có những điểm khác với ngày thường biểu hiện qua các món ăn đặc trưng, cách bày biện món ăn, nghi thức trước, trong và sau khi ăn. Tuy nhiên, có những món là một phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày cũng như các dịp đặc biệt của người Nhật Bản, chẳng hạn như cá phơi khô (Himono) và cá gỏi. Những món ăn này đã có từ lâu rồi dần trở thành món ăn truyền thống quan trọng trong ẩm thực của người Nhật Bản cho đến ngày nay

2. Thức uống và đồ hút

Xưa kia, nước lã cùng với một số nước cây quả được xem là đồ uống tự nhiên của người dân như một thói quen trong điều kiện cuộc sống còn rất thấp. Nhật Bản là quốc gia có nguồn suối nước nóng (Onsen) rất phong phú và cũng được sử dụng song chủ yếu vì mục đích trị bệnh, dưỡng sức khỏe hơn là vì giải khát.

Trong các đồ uống đã chế biến có vị trí rất quan trọng trong đời sống là rượu (Sake) và trà (Ocha). Sake là từ được sử dụng theo thói quen nhằm chỉ các đồ uống có cồn, song thực chất Sake là một loại rượu Nhật cất từ gạo, có mầu trắng. Loại rượu này ủ với men, mạch nha và nước để tạo thành nhưng về sau còn được chưng cất thành rượu trong vắt không màu. Sake được sử dụng trong hầu hết các dịp đặc biệt cũng như ngày thường bởi không chỉ là đồ uống thông thường mà còn bao hàm ý nghĩa xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo. Do rượu được sử dụng phổ biến, với những mục đích khác nhau nên cách thức uống rượu cũng không giống nhau. Song, một cách thức uống rượu được xem là tập quán truyền thống đó là Sake phải được hâm nóng trong lúc uống. Hầu hết Sake được hâm nóng đựng trong các bình nhỏ bằng gốm, sứ gọi là Tokkuri cùng số lượng chén tùy thuộc vào số lượng người uống.

Ngoài Sake, một loại đồ uống có cồn khác là bia (Biru) tuy mới xuất hiện ở Nhật Bản từ thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912), nhưng cũng mau chóng trở thành thức uống khá phổ biến, được sử dụng trong ngày thường và dịp đặc biệt theo thời gian trở thành một bộ phận trong ẩm thực truyền thống của người Nhật Bản.

Cùng với rượu thì trà cũng là đồ uống truyền thống không thể thiếu đối với người Nhật Bản trong ngày thường và dịp đặc biệt. Có khá nhiều loại trà nhưng cách chế biến truyền thống là hấp lá búp chè non, chà lại rồi phơi khô. Tên các loại trà căn cứ vào chất lượng, tính chất, hình thức, thành phần, mục đích sử dụng, chẳng hạn như Matcha là trà bột, không uống hàng ngày mà chủ yếu dùng trong nghi lễ Trà đạo (Chado). Một số loại trà có thêm phụ gia như: gạo rang thành Genmaicha để uống hàng ngày hay lúa mạch rang thành Mugicha để uống vào mùa hạ…

Đồ hút truyền thống ở Nhật Bản là khá ít, còn thuốc lá là sản phẩm du nhập từ phương Tây. Người sử dụng đồ hút cũng không nhiều, chỉ tập trung ở tầng lớp giầu sang xưa kia. Thuốc lá thường chỉ có nam giới sử dụng như thứ kích thích hơn là vai trò trong giao tiếp, ứng xử xã hội.

2. Trang phục

2.1. Quá trình tạo ra trang phục

Để tạo ra trang phục, người Nhật Bản từ xưa đã sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau từ thực vật và động vật. Nguyên liệu từ thực vật khá đa dạng nhưng phổ biến là sợi của cây gai (Asa), đậu tía (Fuji), sắn dây (Kuzu), cây thân leo (Tsuru), rơm rạ (Wara), bông (Wata). Ngoài những loại nguyên liệu dệt thu được từ thực vật và động vật hoang dã thì nguồn nguyên liệu chủ yếu là sợi gai, bông và sợi tơ tằm. Nhìn chung, nữ giới trước kia đảm nhận vai trò là người làm ra đồ mặc cho gia đình cho nên họ đồng thời sử dụng và “cai quản” công cụ quan trọng bậc nhất tạo ra trang phục đó là cái khung cửi. Qua đó, họ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình với gia đình và cộng đồng. Nghề dệt, cụ thể hơn là kỹ thuật dệt còn được xem là thước đo, là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và đức hạnh của nữ giới trong quan niệm xã hội truyền thống.

Người Nhật từ xưa đã hiểu biết rất rõ việc khai thác cây cỏ trong thiên nhiên để tạo ra thuốc nhuộm cho trang phục của mình. Ngoài ra, người ta còn trồng những loại cây cho nguồn nguyên liệu làm thuốc nhuộm trang phục với nhiều màu khác nhau. Cũng như kỹ thuật dệt, cách pha mầu, cách nhuộm cùng các công đoạn xử lý đối với mỗi loại sản phẩm còn phụ thuộc vào từng nơi, thậm chí với mỗi gia đình bởi còn có yếu tố bí truyền trong đó nữa. Tuy vậy, đối với tầng lớp bình dân thì nguyên liệu để mang trang phục cho đến trước năm 1945, nhìn chung vẫn mang tính tự cấp, tự túc.

2.2. Các loại hình trang phục

Về trang phục khi làm việc, có xu hướng chung là che kín hầu hết thân thể, nhất là nông dân phải lao động nhiều ở ngoài trời. Trang phục của nam giới, nhìn chung là mặc áo lót (Juban), ngoài mặc áo dài tay hoặc áo khoác. Khi làm đồng mặc quần ống hơi ngắn, còn đi làm nương mặc quần bó, thắt dây lưng vải là chỗ gài dao và dụng cụ lao động liên quan.
Đồ đội đầu khá đa dạng như cuốn khăn đầu rìu, trùm kín đầu, quấn quanh đầu hoặc đội nón (Kasa) trong những ngày nắng, mưa. 

Các nơi đều sử dụng thường xuyên bao tay (Teko) và giày vải (Kyakuhan) khi làm việc. Giày  vải chỉ là một cách gọi bởi trên thực tế chúng không phải như giày thông thường vì ống giày cao đến gần đầu gối, đế mỏng và khi đi chỉ xỏ ngón chân cái. Ngoài giày vải, người ta còn đi dép rơm (WaraJa), dép cỏ (Tabigutsu) nhưng dép rơm thường được sử dụng nhiều hơn vì nguồn nguyên liệu sẵn có. Không có sự khác biệt lớn về đồ đi ở chân đối với nông dân và ngư dân khi làm việc vì chúng đều là vật thường dụng. Cũng như vậy, áo tơi (Semino) là vật dụng thiết yếu của họ khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng.

Trang phục của nữ giới khi làm việc là mặc quần áo lao động, thắt dây lưng. Đồ đội đầu chủ yếu là khăn, mũ vải, nón. Họ cũng sử dụng bao tay, giày vải xỏ ngón và áo tơi như nam giới.

Trang phục khi làm việc của tầng lớp bình dân với những nét chung nhất như trên thì trang phục của các tầng lớp khác như quan chức, chiến binh, tăng lữ, học sinh… là những bộ trang phục đặc trưng nghề nghiệp, chức năng xã hội của họ.

Về trang phục ngày thường cũng có sự khác biệt giữa các giai tầng trong xã hội. Với tầng lớp bình dân, y phục ngày thường của nam giới gồm áo cánh (tương tự áo sơ mi), hoặc áo khoác ngoài quần, chân đi dép rơm, guốc gỗ (Geta). Nữ giới mặc áo cánh bó sát người, bên ngoài thắt lưng, chân đi guốc gỗ, đôi khi dùng đồ đội đầu như nón, khăn.
Về trang phục của trẻ em, hầu như quanh năm chỉ mặc y phục cũ, chỉ những dịp đặc biệt được mặc trang phục mới gọi là Yukata với tay áo dài, gấu trùm cổ chân, thắt dây lưng, chân đi guốc gỗ.

Trang phục trong các dịp đặc biệt như cưới xin, tang ma, lễ hội, lễ chúc mừng… có những nét chung và riêng phù hợp với từng đối tượng, thành phần xã hội.

Trong lễ kết hôn, cô dâu mặc trang phục sáng mầu, đặc biệt là mầu trắng luôn được chú trọng hàng đầu bởi theo quan niệm điều đó nhằm biểu hiện sự thanh khiết của cơ thể và tâm hồn. Trang phục truyền thống của cô dâu rất cầu kỳ về kiểu dáng từ đồ đội đầu, Kimono, kiểu tóc, đồ trang sức, đồ đi ở chân v.v… Mặc dù vậy, trang phục cưới không chỉ một bộ và kiểu trang điểm duy nhất mà phải thay đổi tùy theo trình tự trong lễ cưới.
Trang phục lễ hội rất phong phú và đa dạng về hình thức, kiểu dáng vì còn phụ thuộc vào tính chất, mục đích của mỗi lễ hội ở các vùng miền.

Trang phục trong tang ma cơ bản là mầu trắng, biểu hiện ở những người thân thuộc và cả người đã khuất mặc khi tiến hành nghi lễ. Những người đến phúng viếng không nhất thiết phải mặc tang phục.

3. Nhà cửa

3.1. Chuẩn bị dựng nhà

Để dựng nhà cửa cần rất nhiều loại nguyên vật liệu, nhưng chủ yếu là: gỗ, tre, đất, đá, lá… Cùng với việc xây dựng nhà cửa cũng đồng thời là quá trình chuẩn bị nguyên vật liệu liên quan tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, phong tục tập quán mỗi nơi. Dựng nhà luôn gắn với chọn đất, xem hướng nhà và theo quan niệm, hướng lý tưởng nhất là hướng Đông – Nam, hướng tốt là hướng Nam. Trên thực tế, việc chọn đất, xem hướng nhà cũng có đôi chút khác biệt trong quan niệm, tập quán giữa các vùng miền. Những hướng cần tránh thường là hướng Bắc hoặc ngay trước nhà có vật chắn như núi cao hiểm trở. Tuy nhiên, thực tế còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan (điều kiện địa lý tự nhiên) nên không phải ai cũng chọn được hướng như mong muốn. 

Song, xu hướng dựng nhà phổ biến vẫn là hướng nhìn ra nơi thoáng đãng, mặt tiền ngôi nhà không bị che khuất. Việc chọn đất, xem hướng nhà rất được coi trọng cùng với những nghi lễ liên quan đến công việc này bởi ai cũng mong muốn có được cuộc sống bình an trong mỗi ngôi nhà. Trước khi dựng nhà, một nghi thức quan trọng bậc nhất liên quan đến ngày khởi công đó là lễ động thổ. Nghi lễ này thể hiện sự mong muốn của chủ nhà tiến hành dựng nhà suôn sẻ từ khởi đầu đến khi hoàn thành ngôi nhà. Cách thức tiến hành nghi lễ có sự khác nhau giữa các vùng miền nhưng điểm chung là người ta thường chọn ngày tốt, tránh ngày xấu rồi cầu xin các thần linh, đặc biệt là thần Đất phù hộ cho mảnh đất yêu ổn khi dựng nhà, gia đình phát đạt sau khi hoàn thành ngôi nhà.

3.2. Các loại hình nhà cửa

Về ngôi nhà truyền thống ở Nhật Bản, nhìn chung có hai loại hình nhà cơ bản là nhà một tầng và nhà hai tầng. Quá trình xây dựng bắt đầu với việc dựng các cột rồi lắp ghép các bộ phận chính của ngôi nhà theo một trình tự đã tính toán trước để dựng lên bộ khung nhà lên tới tận xà nóc. Mối liên kết kỹ thuật được người ta sử dụng để tạo bộ khung nhà chủ yếu dựa vào kỹ thuật ghép mộng (mộng trơn, mộng thắt, mộng xuyên) và ngoãm nhân tạo.
Khung mái nhà một tầng với đòn nóc, đòn tay, xà đỡ mái thường được làm từ gỗ, chúng được liên kết với các cột chính, cột trốn bằng kỹ thuật mộng xuyên, mộng trơn, ngoãm nhân tạo. Từ đó tạo nên các dạng mái nhà khác nhau của nhà một tầng là nhà hai mái, bốn mái, bốn mái hở đầu hồi, bốn mái bằng nhau. Tường, vách ở ngôi nhà một tầng hầu hết được thưng ván, trát đất trộn rơm, hoặc nguyên vật liệu tổng hợp. Ở miền núi và ven biển, nhiều khi tường nhà được làm từ gỗ tròn hoặc kè đỡ một phần đá phía dưới. Mái nhà xưa kia được lợp bằng nhiều loại chất liệu khác nhau là gỗ ván, cỏ, rơm rạ, ngói đều có ở các vùng miền. Mái nhà lợp bằng ván gỗ khá phổ biến ở vùng miền núi, nông thôn và một phần ở đô thị.

Cửa ra vào nhà một tầng được làm khá đơn giản từ nguyên liệu gỗ (một hoặc hai cánh) được bố trí mặt trước ngôi nhà, ngoài ra còn có thêm cửa hậu ở những ngôi nhà lớn. Cửa kéo là loại cửa được sử dụng phổ biến ở các loại hình nhà, song hình thức, chất lượng của nó còn phản ánh vị trí các giai tầng xã hội trước kia.

Nhà hai tầng hầu hết có bộ khung nhà, tường nhà được làm từ gỗ, với cột chôn hoặc kè đá. Kết cấu mái nhà hai tầng phổ biến kiểu nhà có hai mái, nhà có bốn mái, mái có chái hồi và mái không có chái hồi. Nhà có hai mái hầu hết cả hai tầng có diện tích như nhau, nếu thêm hai mái phụ dễ lầm tưởng có bốn mái nhưng thực chất phần che vươn ra ngoài tường tương tự như mái nhà. Nhà hai tầng bốn mái thường có diện tích mặt bằng tầng một lớn hơn tầng hai cho nên mỗi tầng có hai mái riêng biệt tạo cảm giác như hai nhà chồng xếp lên nhau.

3.3. Cấu trúc bên trong ngôi nhà

Nhìn chung, ngôi nhà truyền thống của người Nhật Bản được làm bằng gỗ nhưng với mỗi loại hình nhà cửa lại có những điểm tương đồng và sự khác biệt về cấu trúc khuôn viên cùng các chi tiết liên quan đến từng ngôi nhà. Nhà một tầng thường được người ta căn cứ vào số phòng (trừ phần không lát ván sàn) để phân ra làm nhà 2 phòng đến nhà 6 phòng. Nhà 2 phòng không nhiều, thường chỉ có ở vùng ven biển, chưa có sự phân biệt rõ chức năng của các phòng cũng như nơi thờ thần, Phật. Nhà 3 phòng khá phổ biến ở vùng miền núi và ven biển nhưng có điểm khác trong cách bố trí phòng và mặt bằng sinh hoạt. Dạng nhà 4 phòng rất phổ biến ở các vùng miền, còn ở đồng bằng nhà dạng này xây dựng theo qui chuẩn thông thường là hình vuông, đã phân biệt không gian sinh hoạt riêng và chung.
Nhà 5 phòng, 6 phòng đã có sự chuyên biệt rõ về vị trí, chức năng của không gian sinh hoạt trong ngôi nhà. Về loại hình nhà hai tầng, phổ biến nhất là dạng nhà mà tầng một có 4 phòng đến 6 phòng. Cấu trúc mặt bằng sinh hoạt ở tầng một đã có sự chuyên biệt về chức năng của mỗi phòng. Ở tầng 2, người ta thường chia làm 3 hoặc 4 phòng có cửa mở ra hành lang trước và sau. Các phòng này chủ yếu được sử dụng làm phòng ngủ, để đồ dùng của gia đình và nuôi tằm.

Như vậy, không gian sinh hoạt của mỗi ngồi nhà truyền thống của người Nhật Bản thường là hai phần chính: phần lát sàn và phần không lát sàn. Mặt bằng sinh hoạt được phân chia một cách tương đối thành hai khu vực phía trong và phía ngoài (phần không lát sàn) được ngăn cách bằng bậc lên xuống sàn nhà. Nơi thờ thần, Phật thường được đặt ở phòng chính, song việc bàn thờ thần, Phật có thể đặt riêng hoặc thờ chung một nơi.
Xưa kia, bếp thường đặt ở gian chính giữa nhà hoặc cạnh gian chính. Có hai loại bếp là bếp sưởi (Irori) và bếp lò (Kamado). Bếp sưởi hầu hết đặt ở phòng chính, còn nếu có hai bếp thì một bếp đặt ở phòng khách. Bếp sưởi có kích thước khác nhau nhưng thường là hình vuông, được đặt thấp hơn so với mặt sàn nhà, giữa bếp đặt những tảng đá để đun nấu. Phía trên bếp sưởi thường có một sợi dây (từ xà nhà xuống giữa bếp) có móc treo (có thể tự do di động) nồi đun nấu.

Bếp lò cũng có vị trí quan trọng và hầu hết được đặt ở phần không lát ván sàn trong ngôi nhà. Bếp lò làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: đất, đá, gỗ, gạch. Về chức năng, bếp sưởi đảm trách việc nấu nướng những đồ ăn đơn giản như: cháo, canh, nướng bánh, khoai, nước sôi… bếp lò là nơi nấu cơm cùng các món hấp, chưng, đồ, ninh và cả thức ăn cho gia súc nữa.

Phần không lát ván sàn trong ngôi nhà (Niwa) có tên gọi khá thống nhất ở các vùng miền. Đây thường là nơi để lương thực và làm các công việc liên quan đến sản xuất nông, ngư nghiệp. Trong ngôi nhà truyền thống, giữa các phòng được ngăn bởi tường (hay vách ngăn), chia làm hai loại. Một loại dùng để ngăn các phòng trong nhà được bồi từ giấy và vải tốt gọi là Fusuma, một loại để ngăn phòng che bộ khung nhà được dán hay bồi giấy gọi là ShoJi. Điểm chung của các bức tường này có thể kéo sang hai bên, tháo ra hoặc thay thế bằng các tấm khác tùy thuộc vào yêu cầu của gia đình.

Như vậy, về mặt bằng sinh hoạt, cho thấy ngôi nhà truyền thống ở Nhật Bản thường lấy phòng chính giữa (Nakanoma) thuộc phần lát sàn làm trung tâm của ngôi nhà. Đây cũng thường là nơi đặt bếp sưởi và do đó,Nakanoma trở thành trung tâm diễn ra sinh hoạt hàng ngày của gia đình, còn các phòng khác có chức năng chuyên biệt bởi có tính chất cá nhân hơn.

3.4. Các công trình phụ

Xung quanh ngôi nhà chính là một hệ thống các công trình phụ liên quan đến mọi mặt cuộc sống của một gia đình. Những khuôn viên lớn còn có cả rừng cây, hàng rào cây cối, ruộng vườn bao quanh để tạo nên cơ sở sinh hoạt có tính độc lập cao, tạo mối quan hệ thiết yếu giữa sản xuất và sinh hoạt của ngôi nhà truyền thống. Với cư dân làm nông nghiệp thì sân rộng phía trước nhà là yêu cầu tối thiểu cần có và gắn liền với ngôi nhà. Ao và giếng cũng có vị trí tương tự như vậy.

Các công trình như nhà tế lễ thần (Kamiya), nhà kho (Kura) nhà phụ (Wakiya), nhà để công cụ (Nagaya), chuồng chăn nuôi, nhà vệ sinh (BenJo), nhà chứa nước v.v… là một hệ thống trong khuôn viên của mỗi gia đình. Nhà phụ (một hoặc hai tầng) ở nhiều vùng miền được xây cất cạnh nhà chính, là nơi để công cụ sản xuất, nơi làm việc. Ngoài những công trình phụ trên, nhiều nơi còn có thêm công trình phụ phục vụ cho những công việc đặc trưng của vùng đó như nhà làm gạch ngói, nhà sấy thuốc lá, nhà cúng thần Đất, nghĩa địa, nhà nuôi tằm, nhà làm tương, xì dầu, nhà làm giấy, nhà chế biến chè, nhà dành cho sinh đẻ… Nhìn chung, nhà cửa của người Nhật Bản phản ánh diện mạo và tinh thần của nghệ thuật kiến trúc truyền thống mà đặc trưng nổi bật là nhằm đạt tới sự hòa hợp tốt nhất với môi trường xung quanh.

3.5. Kiến trúc công cộng

Các loại hình kiến trúc công cộng truyền thống ở Nhật Bản gồm có đều (JinJa), chùa (Tera), miếu (Shoreihaido) thành lũy (Shiro), nhà hội họp (Yoriauya).

Về đền, chùa, miếu, nhìn chung rất đa dạng và phong phú trong cấu trúc loại hình, kiểu dáng, nguyên vật liệu xây dựng. Các công trình này có mặt ở hầu khắp các vùng miền của Nhật Bản nhưng phổ biến hơn cả là đền. Thần đạo (Shinto) là tôn giáo bản địa của người Nhật Bản. Ở các làng hầu như đều có miếu thờ thần với kiến trúc nhỏ được dựng bằng gỗ, tre, đá. Lớn hơn miếu là những ngôi đền. Nhiều ngôi đền chỉ được dựng đơn giản từ gỗ, mái lợp rơm rạ, tường thưng ván. Những ngôi đền như thế thường có kiến trúc đơn giản, qui mô nhỏ thuộc sở hữu của một hay vài làng. Ở đô thị, những ngôi đền lại có kiến trúc cầu kỳ hơn thể hiện qua sự đa dạng về kiểu dáng cùng sự kết hợp của nhiều loại nguyên vật liệu như gỗ, đá, gạch, ngói, sơn mầu… Sự cầu kỳ còn được thể hiện qua các họa tiết trang trí phức tạp và ấn tượng dễ nhận thấy nhất như mái, đỉnh nóc, đầu hồi, mặt tường… Nhìn chung, sự khác nhau trong kiến trúc đền, chùa dễ nhận thấy nhất lại ở các hình dáng của cổng đền. Hầu như các đền đều có cổng (làm bằng đá) và to hay nhỏ thường tỷ lệ thuận với qui mô của từng ngôi đền.

Thành lũy ở Nhật Bản phần lớn được xây dựng từ thế kỷ XVI khi tinh thần võ sĩ đạo (Bushido) ngự trị trong xã hội. Nguyên liệu để xây dựng là các đá tảng và gỗ lớn nên thành lũy thường cao 4 đến 5 tầng, không kể chân móng cũng vài mét. Chúng được thiết kế không chỉ với mục đích quân sự mà còn với vẻ đẹp tinh tế đến mức được gọi là những lâu đài. Đặc trưng của những tòa thành này gồm nhiều tầng với mái cong cùng màu trắng nổi bật khác biệt với các công trình kiến trúc thường thấy khác ở Nhật Bản.

Nhà hội họp được dựng lên từ những nguyên vật liệu chủ yếu là gỗ, tre với kết cấu một tầng lợp rơm rạ hoặc ngói. Hình dáng, qui mô có thể khác nhau ít nhiều nhưng để xây dựng nhà hội họp cũng phải tuân thủ các qui trình, nghi lễ truyền thống từ khởi công đến khi hoàn thành. Nhà hội họp là nơi tổ chức giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân ở các làng xã xưa kia. Song, về sau mở rộng, phát triển ở các đơn vị hành chính lớn hơn ở phố và đô thị. Nhà hội họp được xây dựng trên cơ sở đóng góp của toàn thể người dân trong đơn vị cư trú và qui mô của công trình phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội nơi ấy. Theo thời gian, nhà hội họp không mất đi mà ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng của người dân ở khắp các vùng miền. Có thể nói, nhà công cộng hay nhà “công dân” (Kominkan) trong các thời kỳ sau này, trên thực tế chính là sự tiếp nối và phát triển từ nhà hội họp.

3.6. Những phong tục, tập quán liên quan

Trong lễ động thổ, người ta phải làm lễ cúng nhằm mong muốn sự phù hộ của các thần, đặc biệt là thần Đất (Chinokami). Điều đó cho thấy vị trí của thần Đật vô cùng quan trọng đối với nhà cửa của người Nhật Bản. Bởi vậy, nghi lễ cúng thần Đất là nghi thức bắt buộc đối với việc khởi công dựng nhà.

Trong quá trình xây dựng nhà cửa, nghi lê cất nóc (Kenmae) có vị trí vô cùng quan trọng, ở đâu cũng vậy, người ta phải chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành nghi lễ này. Ở các vùng miền tuy có những điểm khác biệt nhất định trong quá trình thực hiện, song điểm tương đồng lớn nhất thể hiện rất rõ trong nghi thức ném, rải bánh giầy (hoặc cơm nắm) và kiêng ném bánh giầy đỏ vì nếu không sẽ bị hỏa hoạn.

Cũng như nghi lễ cất nóc, nghi lễ vào nhà mới (Yautsuri) phải chọn ngày tốt mới có thể tiến hành được. Một trong những nghi thức quan trọng trong dịp vào nhà mới là nhóm lửa lần đầu tiên ở bếp sưởi trong nhà, cùng với những yêu cầu, kiêng kỵ khá chặt chẽ. Theo quan niệm xưa, nếu không tuân theo, gia đình sẽ không vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Liên quan đến bếp, người xưa tin rằng có thần Bếp (Kamadonokami) và thần Lửa (Kagutsuchi) cùng trú ngụ ở đây. Đặc biệt, bếp sưởi luôn chiếm một vị trí quan trọng bậc nhất ở gian giữa ngôi nhà cho nên việc giữ gìn, bảo vệ sự thanh khiết của bếp luôn được đề cao. Nếu ai vi phạm sẽ làm thần Bếp, thần Lửa nổi giận và sẽ gặp điều không may như bệnh tật, hỏa hoạn… Vị trí ngồi quanh bếp sưởi cũng có những qui định theo phong tục tập quán từ lâu đời nhưng luôn được mọi người bảo vệ và tuân thủ. Ngoài bếp sưởi thì bàn thờ và gian thờ là những chỗ linh thiêng nên có những kiêng kỵ khá nghiêm ngặt, bởi vậy, nếu người nào vi phạm sẽ bị quở trách, thậm chí chuốc lấy tai họa, theo quan niệm dân gian.

4. Nhận xét chung

1. Việc sử dụng và chế biến nguồn lương thực, thực phẩm của người Nhật Bản rất phong phú và đa dạng nhưng không chỉ là đáp ưng cho nhu cầu cuộc sống mà còn thể hiện sự ứng xử của con người với tự nhiên. Chính vì vậy, những đồ ăn, thức uống còn bao hàm ý nghĩa tinh thần thông qua những phong tục, tập quán phong phú, đặc sắc liên quan. Chế độ ẩm thực của người Nhật Bản thể hiện khá rõ sự khác nhau giữa các vùng miền, theo từng mùa và qua thời gian đã trở thành tập quán, song về cơ cấu bữa ăn trước kia có điểm chung là hầu như rất ít có thịt, do vậy bữa ăn chỉ gồm cơm + rau + cá hoặc cơm + cá + rau. Nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt về “món rau” người dân vùng ven biển có tập quán sử dụng nguồn rong, tảo biển để chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc để rồi trở thành thành tố quan trọng trong cơ cấu bữa ăn.

Thành tố quan trọng nhất trong cơ cấu bữa ăn là cơm (cơm gạo, cơm độn mạch hay cơm mạch tùy theo điều kiện của vùng miền). Ẩm thực truyền thống của người Nhật Bản, nhìn chúng tạo ra sự chú ý, quan tâm về thị giác qua cách trình bày các món ăn hơn là chú trọng đến khứu giác bởi mùi vị khá đơn giản. Khi nói tới các phụ gia thì đỗ tương là nguyên liệu chủ yếu và quan trọng nhất để chế biến thành tương và xì dầu là những loại phụ gia chính không thể thiếu trong hầu hết các món ăn của người Nhật Bản.

2. Quá trình tạo ra trang phục truyền thống của người Nhật Bản không chỉ là nguồn nguyên liệu và cái khung dệt mà là truyền thống kỹ thuật, sự sáng tạo, đặc biệt là vị trí vô cùng quan trọng của nghề dệt trong đời sống xã hội Nhật Bản. Sự phong phú, đa dạng của sản phẩm dệt đồng thời khẳng định vị trí “độc tôn” của nữ giới trong lĩnh vực này.

Trang phục truyền thống của người Nhật Bản, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào như: theo lớp tuổi, nghề nghiệp, giới tính, chức năng xã hội… đều bao hàm ý nghĩa trang phục chính là sự thích ứng của con người với điều kiện môi trường, hoàn cảnh lịch sử – xã hội, văn hóa. Nhìn chung, không có sự khác biệt lớn về các loại hình trang phục giữa các vùng miền, ngoại trừ số ít kiểu trang phục có tính chất đặc thù nghề nghiệp hay trong dịp đặc biệt.
Trang phục truyền thống của người Nhật Bản khá đa dạng về kiểu dáng và họa tiết hoa văn, song những hoa văn cầu kỳ thường chỉ có ở bộ Kimono của nữ giới còn hầu hết là họa tiết đơn giản. Các phụ kiện tạo nên bộ trang phục hoàn chỉnh rất phong phú, đa dạng, nhất là bộ trang phục khi làm việc hay Kimono của nữ giới, song nhìn chung ít sử dụng đồ trang sức. Điều đó dường như là một đặc điểm trong trang phục truyền thống của người Nhật Bản.

3. Ngoài một số loại hình kiến trúc công cộng đặc biệt như đền, chùa, thành lũy thì về cơ bản nhà cửa truyền thống của người Nhật Bản đều sử dụng gỗ làm nguyên vật liệu chính và đây là đặc điểm khá tương đồng ở hầu hết các vùng miền. Với một số loại nguyên vật liệu nhằm thích ứng với điều kiện môi trường, tự nhiên có thể làm đa dạng thêm kiểu dáng và sự khác biệt giữa các vùng miền song không vì thế “lấn át” được nguyên vật liệu gỗ vốn được coi là “xương sống” của ngôi nhà.

Nhà cửa truyền thống ở Nhật Bản và các phong tục, tập quán liên quan hầu hết đều nhằm nâng cao vị thế của nam giới cùng quan niệm “gia trưởng” trong gia đình. Điều đó thể hiện rất rõ qua cấu trúc mặt bằng sinh hoạt, chẳng hạn như vị trí ngồi quanh bếp sưởi, phòng chủ nhà ở giữa… Trong khi đó, nữ giới luôn ở vị trí “thấp hơn” biểu hiện qua nhiều phong tục, tập quán với vai trò “thứ yếu” của họ.

HOÀNG MINH LỢI
(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
—————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hội Dân tộc Yamamura, Ở, Mặc, Công ty cổ phần Chuyosei, Tokyo, 1990. (Tiếng Nhật).
2. Kawashima ChuJi, Shimada Atsuhito, Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản – Từ Hokkaido đến Okinawa, Công ty cổ phần Kotoku, Tokyo, 1991. (Tiếng Nhật).
3. Kuwahata Misako, Người Nhật Bản đã ăn như thế nào, Công ty cổ phần Komiyasan, Tokyo, 1997. (Tiếng Nhật).
4. Miyamoto Keitaro (Chủ biên), Ăn, Mặc, Nxb Yuseido, 1979. (Tiếng Nhật).
5. Murata Yasuhiko, Người Nhật Bản đã cư trú như thế nào, Công ty cổ phần Komiyasan, Tokyo, 1999. (Tiếng Nhật).
6. Murata Yasuhiko, Người Nhật Bản đã mặc như thế nào, Công ty cổ phần Komiyasan, Tokyo, 1998. (Tiếng Nhật).
7. Oshima Kenhiko, Dân tộc Nhật Bản, quyển 6, các nghi lễ trong năm, Nxb Yuseido, Tokyo, 1979.(Tiếng Nhật).

http://phiatruoc.info/van-hoa-vat-chat-cua-nguoi-nhat/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét