Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Quy hoạch đô thị và chuyện giàu - nghèo

Quy hoạch đô thị và chuyện giàu - nghèo
Quang Chung (TBKTSG) - Nên quy hoạch nhà của người giàu và người nghèo đan xen hay tách biệt trong một đô thị? GS. Susan Fainstein, trường Kiến trúc Harvard và GS. Norman Fainstein, Đại học Connecticut (Mỹ) đã trả lời (phần nào) cho câu hỏi này tại buổi nói chuyện của họ về chủ đề “Thành phố công bằng - Just city” do Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tổ chức hôm 25-2-2015.
Trong quy hoạch đô thị, vấn đề là làm sao đừng để có quá nhiều 
khu nhà giàu và quá nhiều khu nhà nghèo. Ảnh: KINH LUÂN
Xu hướng “chia cách”
Theo TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, bây giờ mà nhắc đến Phú Mỹ Hưng (TPHCM) thì người ta nghĩ ngay, “đó là khu đô thị của người giàu”. Vì chỉ người có thu nhập cao, rất cao mới sở hữu được nhà đất đắt đỏ ở cái đô thị mang dáng dấp phương Tây này.

Vậy người nghèo ở đây họ đi đâu? Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn, người trực tiếp tham gia thực hiện dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cho biết người dân bản địa ở khu vực này đã được tái định cư tại khu dân cư Tân Mỹ gần đó. “Tuy nhiên, sau 20 năm tôi quay lại thì hơn 80% trong số họ đã không còn ở đây nữa”, ông Dưỡng nói.

Khu đô thị Thủ Thiêm (TPHCM) cũng vậy. Dự án nhà ở của Công ty Đại Quang Minh tại đây đang được triển khai ào ạt. Giá đất nền mà công ty này chào bán rất cao - trên dưới 100 triệu đồng/mét vuông - nên chỉ có những người thật giàu mới có thể mua nổi!
GS. Norman Fainstein: khi một đô thị hình thành nên những khu vực dành riêng cho người giàu hay người nghèo thì sự khác biệt về kinh tế dần dần sẽ dẫn đến sự khác biệt về chính trị và nguy cơ bất ổn xã hội là khó tránh khỏi.
Khi giải tỏa để thực hiện dự án Thủ Thiêm, Nhà nước đã tính đến khu vực tái định cư Thạnh Mỹ Lợi kế cận. Nhưng vì người dân bản địa ở đây quen với đời sống nghề nông, họ khó thích nghi khi vào ở trong chung cư, nên đa số đã bán suất tái định cư tìm tới vùng Nhơn Trạch (Đồng Nai), Long Hậu (Long An)... để mua đất, cất nhà, làm ăn, sinh sống, theo một báo cáo mới đây của HĐND TPHCM.
Chính sách quy hoạch các khu tái định cư ngay cạnh những khu đô thị mới, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân bị giải tỏa... của chính quyền TPHCM là nhằm “giữ dân bản địa”, để cho họ hưởng lợi trong quá trình phát triển, hiện đại hóa đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của chính sách này không nhiều...
Ngoài việc xây dựng những khu đô thị hiện đại, giàu có như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm... TPHCM cũng đang tiến hành xây dựng hàng loạt dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhà nước cũng có quy định đối với những dự án nhà ở thương mại, các chủ đầu tư phải dành 20% đất để xây nhà ở xã hội.
Mục đích của việc xây dựng các khu tái định cư kế cận những khu đô thị hiện đại, xây dựng nhà ở xã hội trong những dự án căn hộ cao cấp, biệt thự vườn..., theo ông Dư Phước Tân, là để không tạo ra quá nhiều sự cách biệt giữa những người giàu và người nghèo trong phát triển đô thị.
Tuy nhiên, việc buộc nhà đầu tư dành 20% quỹ đất trong dự án để xây nhà ở xã hội đang gặp phải sự phản ứng của giới đầu tư. Theo ông Tân, nhiều nhà đầu tư cho rằng “quy hoạch” 20% đất xây nhà ở xã hội trong dự án nhà ở cao cấp sẽ làm dự án giảm giá trị, khó bán sản phẩm, do tâm lý những người có tiền không thích trong khu của họ sống có người nghèo (?).
Thực tế đã có không ít nhà đầu tư kiến nghị xin được đóng góp giá trị 20% diện tích nói trên bằng tiền. Nếu như kiến nghị này được chấp nhận thì xu hướng hình thành những khu nhà giàu (dự án nhà ở cao cấp) và khu nhà nghèo (nhà ở xã hội) trong quy hoạch đô thị sẽ rất nhanh trong thời gian tới...
Và... sự công bằng
Vì sao Nhà nước muốn người giàu và người nghèo sống đan xen trong đô thị? Theo GS. Norman Fainstein, Đại học Connecticut, khi một đô thị hình thành nên những khu vực dành riêng cho người giàu hay người nghèo thì sự khác biệt về kinh tế dần dần sẽ dẫn đến sự khác biệt về chính trị và nguy cơ bất ổn xã hội là khó tránh khỏi. “Đó là chưa nói sự phân chia như vậy rất thiếu tính nhân văn”, ông nói.
Dù vậy, ông cũng cho rằng những người giàu có quyền chọn những nơi đáng sống để sống. “Đó cũng là lẽ công bằng”, ông nói. Như để đáp ứng nhu cầu của những người giàu có, Singapore vẫn quy hoạch những khu biệt thự đắt đỏ, chỉ những người có thật nhiều tiền mới sống ở đó. Vấn đề là tiền thuế (cao) mà Nhà nước Singapore thu từ những khu biệt thự này sẽ được phân bổ như thế nào mà thôi!
Tiếp lời ông Norman Fainstein, GS. Susan Fainstein cho rằng chính quyền Singapore đã quy hoạch một đô thị dựa trên triết lý công bằng. “Ở đô thị này, chúng ta dễ dàng nhận thấy những tòa nhà chọc trời luôn đứng sau những tòa nhà cổ kính, thấp tầng. Họ phát triển một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn của quá khứ. Họ xây dựng những khu biệt thự cho những người giàu có bên cạnh những chung cư cho người thu nhập thấp”, bà nói.
Bà Susan Fainstein cũng nghiên cứu về đô thị Amsterdam (Hà Lan), và nhận thấy, những năm 1990, chính quyền thành phố này xây rất nhiều nhà ở xã hội, nhưng bây giờ những người sở hữu chúng đã bán lại cho những người giàu có, nâng giá trị khu vực này lên, nên người nghèo không thể tiếp cận được nữa. “Tính thị trường đang được áp dụng tại thành phố này, nhưng nhờ các không gian công cộng của thành phố được quy hoạch tốt nên cũng như Singapore, Amsterdam là một đô thị công bằng hơn nhiều thành phố khác”, bà nói.
Vậy, quy hoạch đô thị TPHCM như thế nào mới công bằng? Ông Norman Fainstein nói: “Ở TPHCM có nhiều con đường được quy hoạch mang tính nhân văn, nhà giàu - nghèo xen kẽ, chỉ tiếc là thiếu không gian của người đi bộ”. Nhưng ông cũng cho rằng, trong xu hướng hội nhập, quy hoạch theo hướng phân khu chức năng (khu thương mại, khu đô thị, khu tài chính...) sẽ giúp cho nền kinh tế của đô thị vận hành trơn tru, hiệu quả hơn. Vấn đề là chính quyền làm sao đừng để có quá nhiều khu nhà giàu và quá nhiều khu nhà nghèo.
Để làm được điều đó - quy hoạch một thành phố công bằng - theo bà Susan Fainstein (rút ra từ việc nghiên cứu Amsterdam và Singapore) điều kiện cần là: 
(i) đất đai thuộc sở hữu nhà nước; 
(ii) sự đa dạng trong quy hoạch; và
(iii) sự dân chủ (tôn trọng, lắng nghe tiếng nói của dân trong vùng quy hoạch - không áp đặt).
http://www.thesaigontimes.vn/127480/Quy-hoach-do-thi-va-chuyen-giau---ngheo.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét