Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Phát triển kinh tế dân doanh để tăng trưởng bền vững

Phát triển kinh tế dân doanh để tăng trưởng bền vững
Lê Đăng Doanh - (TBKTSG) - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghiệp gia công của đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế dân doanh tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2014 và bước vào năm 2015 với nhiều thách thức.

Vượt khó vươn lên, nhiều doanh nghiệp lại chuyển nhượng vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong ảnh: Mua bánh kẹo tại một cửa hàng của Kinh Đô, doanh nghiệp vừa chuyển nhượng bớt mảng bánh kẹo cho đối tác nước ngoài. Ảnh: MINH KHUÊ

Kinh tế dân doanh ngày càng sụt giảm?

Trong năm 2014 đã có đến 67.823 doanh nghiệp dân doanh giải thể hoặc ngừng hoạt động, cao hơn mức 61.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2013. Tỷ lệ doanh nghiệp có lãi ở nhiều tỉnh giảm xuống dưới 50%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tư nhân thành đạt, có thương hiệu nhượng lại vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài tăng nhanh, bao gồm những doanh nghiệp có tên tuổi như Kinh Đô, Nguyễn Kim và nhiều doanh nghiệp khác. Có thể nói, khu vực kinh tế dân doanh tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2014 và bước vào năm 2015 với nhiều thách thức.

Câu hỏi đề ra là kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững nếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghiệp gia công của đầu tư nước ngoài hay không? Câu trả lời rõ ràng là không, vì tài nguyên thiên nhiên đã được khai thác đến giới hạn cho phép, ưu thế lao động giá rẻ không bền vững và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng chuyển sang nước khác có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Chi phí ngoài pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam chiếm từ 72-107% lợi nhuận trước thuế, với gánh nặng chi phí như thế thì doanh nghiệp không thể lớn lên được là điều dễ hiểu.

Rõ ràng, kinh tế nước ta phải nhanh chóng tái cơ cấu để chuyển sang một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao hơn với doanh nghiệp dân tộc, có công nghệ, thương hiệu đại diện cho đất nước mình. Mặc dầu được dán nhãn hiệu “Made in Vietnam” nhưng chúng ta không thể nhận xe máy Honda hay điện thoại Samsung là thương hiệu của Việt Nam. Chúng ta cần những doanh nghiệp dân tộc, có thương hiệu, công nghệ đại diện cho Việt Nam.

So sánh với các nước trong khu vực, có thể dễ dàng nhận thấy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thấp hơn Campuchia, Lào và Myanmar trong những năm gần đây (xem bảng).

Theo tờ Bưu điện Phnôm Pênh ngày 26-2-2015, Campuchia với 15 triệu dân có 513.759 doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động trong năm 2014 trong khi Việt Nam với 91 triệu dân chỉ có khoảng 430.000 doanh nghiệp đang hoạt động, giảm nhiều so với khoảng 580.000 doanh nghiệp đã đăng ký. Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân của Campuchia cao hơn Việt Nam khoảng 600% và điều này là một trong những nhân tố giải thích tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia cao hơn Việt Nam trong những năm gần đây.

Vì sao dân doanh không lớn nổi?

Trong số doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký thì 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 2% là vừa và 2% là lớn, ngoài ra còn có khoảng 6 triệu hộ gia đình kinh doanh dịch vụ, buôn bán rất nhỏ chưa đăng ký hay chỉ đăng ký ở cấp phường, được xếp vào phạm trù “kinh tế phi hình thức”. Điều đáng chú ý là quy mô về vốn và lao động của các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng giảm đi chứ không tăng lên và tỷ lệ hộ gia đình phát triển thành doanh nghiệp có đăng ký rất thấp.

Điều này có thể liên quan đến những năm lạm phát cao, lãi suất tín dụng quá cao, bong bóng bất động sản đổ vỡ và sức mua có khả năng thanh toán của dân cư bị giảm sút và luôn ở mức thấp. Khoảng 46% doanh nghiệp ngừng hoạt động cho biết lý do là vì kinh doanh thua lỗ. Theo một điều tra của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam năm 2014, chi phí ngoài pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam chiếm từ 72-107% lợi nhuận trước thuế, một tỷ lệ cao làm ngỡ ngàng công luận. Với gánh nặng chi phí như thế thì doanh nghiệp không thể lớn lên được là điều dễ hiểu.

Rõ ràng, môi trường kinh doanh của Việt Nam thấp và chậm được cải thiện đã được Chính phủ thừa nhận. Nghị quyết 19/NQ-CP đã đề ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu trong hai năm đạt được mức bình quân của ASEAN-6, một mục tiêu phấn đấu rất cao. Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 hứa hẹn sẽ cải thiện môi trường kinh doanh khi mở rộng khung pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn trong đầu tư và giảm chi phí giao dịch về thời gian và tiền bạc đối với doanh nghiệp.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã coi cải cách thể chế là khâu đột phá. Trước hết, cần xem xét lại chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường, Nhà nước cần chuyển những nhiệm vụ ôm đồm hiện nay cho các hiệp hội và thị trường, tập trung vào những nhiệm vụ của Nhà nước là thực thi pháp luật, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, kiểm soát độc quyền, nâng cao tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của công chức, viên chức nhà nước.

Thí dụ như Quỹ Xúc tiến thương mại hoàn toàn có thể chuyển giao cho Phòng Thương mại - Công nghiệp thực hiện như ở nhiều nước khác và có thể giảm đáng kể biên chế của hệ thống này ở cơ quan nhà nước.

Luật chỉ tạo ra khung pháp lý, việc thực thi pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ công chức và viên chức. Trong khi Việt Nam được xếp vào 10 nước tích cực ban hành, bổ sung khung pháp luật thì cũng được xếp vào 10 nước có khoảng cách xa nhất giữa pháp luật trên lời văn và pháp luật trong thực tế. Vì vậy, cần nhanh chóng bổ sung và thực thi các quy định luật pháp nghiêm cấm các hành vi lạm dụng chức quyền của công chức, viên chức nhà nước và quy định cụ thể trách nhiệm giải trình, tính công khai minh bạch nhất thiết phải thực hiện đối với tất cả công chức, viên chức nhà nước. Trong một nền công vụ phục vụ doanh nghiệp, không thể tiếp tục để trường diễn việc cơ quan nhà nước đòi doanh nghiệp mừng tuổi, đòi chi tiền nghỉ mát, chung chi đi tham quan nước ngoài hay nửa đêm quan chức gọi doanh nghiệp đến thanh toán bữa nhậu... Phải coi tất cả các hành vi đó là tham nhũng, là vi phạm nghiêm trọng quy chế công chức như các nước khác đã thực hiện từ lâu.

Cần nâng cao rõ rệt trách nhiệm thanh tra, giám sát môi trường kinh doanh của các cơ quan nhà nước. Trong khi doanh nghiệp than phiền về tình trạng quá nhiều đoàn thanh tra, quá trình thanh tra kéo dài, vòi vĩnh, gây tốn kém cho doanh nghiệp thì hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tràn lan, giết chết các doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây tác hại nhiều mặt đối với người tiêu dùng. Ước tính từ số liệu của hải quan Trung Quốc công bố hàng năm, khoảng 5,2-5,5 tỉ đô la Mỹ hàng Trung Quốc nhập lậu qua đường biên mậu tràn vào nước ta, vừa gây thất thu thuế, vừa chèn ép doanh nghiệp nước ta. Đã đến lúc cần chấn chỉnh tình trạng rất không bình thường này.

Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 càng thông thoáng thì việc hậu kiểm có hiệu quả càng cần thiết để tránh “vàng thau lẫn lộn”, ngăn chặn những kẻ lợi dụng môi trường kinh doanh thông thoáng để đăng ký doanh nghiệp ảo, kinh doanh lừa đảo.

Doanh nghiệp dân doanh là nền móng, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Cải cách thể chế có hiệu quả sẽ giúp khu vực doanh nghiệp này phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững.
http://www.thesaigontimes.vn/127181/Phat-trien-kinh-te-dan-doanh-de-tang-truong-ben-vung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét