Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Phá giá tiền đồng: Thận trọng!

Phá giá là một chính sách có rất nhiều mặt lợi nhưng chúng ta hầu như không sử dụng. NHNN không nắm được cơ chế tác động của tỷ giá đối với nền kinh tế nên không dám điều chỉnh mạnh tỷ giá. Một lập luận nặng ký của trường phái không phá giá là xuất khẩu tiếp tục tăng nhanh, cán cân thương mại thặng dư... Điều này đã từng xảy ra với Trung Quốc nhưng TQ vẫn phá giá. Đối với VN, xuất khẩu tăng nhanh chủ yếu nhờ nhập khẩu về chế biến tái xuất chứ phần đóng góp của hàng hóa tự sản xuất trong nước quá nhỏ bé. Phá giá không ảnh hưởng nhiều tới phần nhập chế biến - tái xuất chủ yếu của các DN FDI, nhưng có tác dụng rất lớn để nâng cao sức cạnh tranh của các DN nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tự sản xuất trong nước của các DN VN, qua đó làm tăng thu nhập cho đông đảo người dân (hơn là chỉ có lợi cho một nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyên về nhập chế biến - tái xuất như hiện nay) phát triển khu vực kinh tế trong nước và góp phần điều chính cơ cấu kinh tế. Nhiều lúc tôi nghi ngờ phải chăng vì nghe "tư vấn đểu" của các ông chủ FDI mà NHNN không dám phá giá.
Phá giá tiền đồng: Thận trọng!
Điều chỉnh tỉ giá luôn là vấn đề nhạy cảm. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng nên ổn định tỉ giá và điều chỉnh thận trọng mỗi năm 1%. Trong khi đó Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3%-4% trong vòng 2-3 năm tới. Ảnh: Tấn Thạnh

Trong báo cáo mới nhất về kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được công bố, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ năm 2015 nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3%-4% trong vòng 2-3 năm tới, thông qua một số bước với biên độ 1%-1,5%.

Trả lại sức cạnh tranh cho hàng nội địa
Theo VEPR, sau nhiều năm có lạm phát cao, việc neo giá trị VNĐ vào USD khiến VNĐ bị định giá cao đã gây bất lợi cho hàng xuất khẩu và hàng hóa trong nước trước hàng nhập khẩu. Ảnh hưởng này trong nửa cuối năm 2014 còn nhân lên khi đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới khiến VNĐ tiếp tục mạnh lên. Như vậy, hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn. VEPR cho rằng trong nhiều năm gần đây, NHNN điều chỉnh tỉ giá với biên độ hẹp là quá thận trọng và tiếp tục làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. 
Tỉ giá dao động tương đối lớn trong năm 2014 buộc NHNN can thiệp 2 lần vào thị trường tiền tệ với mức tăng tỉ giá 1,4% (nằm trong giới hạn điều hành) trong khi tỉ giá thị trường tự do tăng hơn 2%. So với nhiều đồng tiền tại thị trường mới nổi khác, VNĐ tỏ ra tương đối ổn định so với đồng USD. VEPR cho rằng cơ chế neo đồng VNĐ vào USD được bảo đảm bằng việc can thiệp chủ động trên thị trường tiền tệ, kết hợp với dự trữ ngoại hối tương đối lớn và rủi ro vĩ mô thấp cho phép Việt Nam chủ động giới hạn độ mất giá của tiền đồng. Nhưng một bất cập của chính sách này là hậu quả tăng giá của VNĐ so với USD và các ngoại tệ khác. Xu hướng này âm thầm diễn ra trong nhiều năm làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu và hàng hóa trên thị trường quốc tế, gián tiếp trợ giá cho tiêu dùng hàng nhập khẩu.
Nên giữ ổn định
TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam vừa tạo lập được thế ổn định của thị trường tiền tệ sau nhiều năm có những bất ổn của kinh tế vĩ mô thì tỉ giá hối đoái nên tiếp tục ổn định. Bằng chứng của sự ổn định tỉ giá hối đoái là xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao.
“Cho nên nói rằng cần phải phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, về lý thuyết có vẻ đúng nhưng trong lúc này cần phải lựa chọn ổn định tỉ giá hối đoái. Đương nhiên, ổn định không có nghĩa là cứng nhắc không tăng lên 1%-2% và tỉ lệ đó tùy thuộc các điều kiện thị trường, lạm phát, các dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, lãi suất...” - TS Trương Văn Phước phân tích.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, với chủ trương khuyến khích xuất khẩu thì điều chỉnh tỉ giá xuống cũng là hợp lý. Tuy nhiên, phải rất chú ý đến bối cảnh kinh tế Việt Nam là nợ cao, nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị ngày càng nhiều để phục vụ cho phát triển. Trong bối cảnh đó, tỉ giá cao quá sẽ thiệt chứ không có lợi. “Ví dụ các doanh nghiệp đang vay mấy chục tỉ USD, nay điều chỉnh lên 1 đồng thì phải gánh tiền nợ tương đối lớn. Gánh nặng này lại dồn vào chi phí doanh nghiệp, giá thành sản phẩm, khi đó sức cạnh tranh hàng hóa bị kéo xuống. Nếu phá giá VNĐ 2%-3% trong vòng 2 đến 3 năm thì không vấn đề gì. Nhưng với biên độ đó mà dồn vào một lúc thì có thể gây sốc, cần phải xét thời điểm thích hợp để nhích lên 0,5%- 1% mỗi lần điều chỉnh. Dự báo năm 2015, kinh tế có khả năng phục hồi và ổn định hơn nên tỉ giá có thể điều chỉnh trên dưới 2%” - TS Kiêm nói.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tuy áp lực tăng tỉ giá trên thị trường đã có nhưng không đến mức trầm trọng buộc phải phá giá tiền đồng. “Tại thời điểm này, với tỉ giá tương đối ổn định trong biên độ hợp lý trên dưới 1% thì nên để tỉ giá tự điều chỉnh trên thị trường hơn là chính thức tăng tỉ giá” - ông Hiếu nêu ý kiến. 
Sẽ phải bỏ trần lãi suất
Trên thị trường tiền tệ cũng đang có nhiều ý kiến đề xuất bỏ trần lãi suất huy động và cho vay. TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng dỡ bỏ trần lãi suất là đương nhiên vì khi kinh tế phát triển hội nhập thì xu hướng tự do hóa lãi suất là việc phải làm nhưng cần có thêm thời gian.
Đồng tình với việc tiến tới tự do hóa lãi suất nhưng chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp để bỏ trần lãi suất. Ông Hiếu phân tích: “Trước đây, NHNN tuyên bố sẽ bỏ trần lãi suất nếu kiểm soát lạm phát tốt. Nay do ảnh hưởng của giá dầu nên lạm phát thấp, tổng cầu yếu. Chưa kể với những động thái mạnh mẽ của NHNN để cải tổ hệ thống ngân hàng thông qua tái cơ cấu, ngành ngân hàng lành mạnh sẽ là điều kiện để tự do hóa lãi suất”.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Ban Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng trần lãi suất từ trước tới nay chỉ là “liệu pháp tâm lý”. Trong lúc thanh khoản kém, các ngân hàng đi đêm với người gửi tiền để vượt rào lãi suất tăng huy động, đến nay thanh khoản ổn định, trần lãi suất càng không có tác dụng.
 Tô Hà - Thùy Dương
http://nld.com.vn/kinh-te/pha-gia-tien-dong-than-trong-20150304213843992.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét