Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Ông Blair: Cải cách không ai phản đối là cải cách tồi

Ông Blair: Cải cách không ai phản đối là cải cách tồi
Ông Bùi Quang Vinh: Ai cũng gật thì không có gì đổi mới cả
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đúc kết 10 năm làm lãnh đạo của mình trong lời khuyên cho câu chuyện DNNN của Việt Nam: Cải cách mà không có ai phản đối nghĩa là không cải cách gì. Sau khi thảo luận với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chuyện cổ phần hóa Vietnam Airlines, ông Tony Blair hôm nay đến Bộ KH-ĐT dự hội thảo về một chủ đề bao trùm hơn - Vai trò mới của DNNNtrong nền kinh tế.
Để đối thoại với một trong những nhà tư vấn chính sách hàng đầu thế giới, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã mời những nhà kinh tế hàng đầu trong nước, những người đã lăn lộn với tiến trình cổ phần hóa DNNN từ những ngày đầu và đến nay vẫn đang chung tay tìm giải pháp cho chủ trương này: Lê Đăng Doanh, Trần Đình Thiên, Trần Du Lịch, Phạm Chi Lan, Nguyễn Đình Cung..., cũng như lãnh đạo của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn.

Hội thảo là kết quả bước đầu sau 10 tháng nghiên cứu của Văn phòng Tony Blair (Tony Blair Associates) với 3 chủ đề do Bộ KH-ĐT đặt hàng: cải cách DNNN, hợp tác công tư (PPP) và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cùng ông Tony Blair chủ trì hội thảo

5% đã cổ phần hóa xong?

Nói về DNNN, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề dẫn: Từ con số 12.000 những năm 1990, nay VN đã giảm còn 5.600 DNNN, trong đó 800 là 100% vốn nhà nước, còn lại đã cổ phần hóa ở nhiều mức độ khác nhau. Các DN này đang được giao quản lý một khối tài sản khổng lồ - 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 1,1 triệu tỷ đồng.

"DNNN đang chi phối nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, chỉ chiếm 1% tổng số DN nhưng đóng góp 85% sản lượng điện, 90% dịch vụ viễn thông, 56% tài chính tín dụng, 70% đầu mối xuất khẩu gạo... Nhưng hiệu quả và vai trò trong nền kinh tế quốc dân của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, vẫn còn tranh cãi", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Ông Vinh cũng thẳng thắn chỉ ra: Sau 20 năm cổ phần hóa DNNN, xem ra thì thành công, nhìn số lượng thì thấy tốc độ tốt, nhưng đi vào cụ thể còn nhiều vấn đề. Tỉ trọng cổ phần hóa trong các DN này rất thấp, nhất là các tập đoàn lớn, thậm chí có nơi bán cổ phần không quá 5%, nhà nước vẫn nắm 95%.

"Nếu chỉ như thế đã coi là cổ phần hóa xong, thì những tập đoàn, tổng công ty này đâu có gì thay đổi, nhất là không thay đổi về bộ máy tổ chức, nhân sự, quy trình xét duyệt, nhà nước vẫn tham gia 'từ đầu đến chân', quản trị doanh nghiệp mà ta mong là có thể thay đổi theo hướng hiện đại, dân chủ, có kiểm soát, cũng không đạt được. Chưa kể, mới 5-10% đã được coi là cổ phần hóa xong, được hoạt động như mô hình doanh nghiệp cổ phần, sẽ tạo kẽ hở trong quản lý, quyền cao lên mà kiểm soát thấp đi, rất nguy hiểm cho nền kinh tế, ta đã có nhiều bài học, phải trả giá", Bộ trưởng KH-ĐT nhận định.

"Vì vậy phải làm thực chất, để có nhiều cổ đông tham gia và có vai trò trong quản trị, nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Đảng và Chính phủ đã khẳng định DNNN vẫn là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, vậy tới đây vai trò của DNNN sẽ đến đâu, ở những lĩnh vực nào, mức độ, liều lượng...", ông Bùi Quang Vinh nêu vấn đề.


Ông Tony Blair: VN chắc không muốn quay lại cái thời 12.000 DNNN

Nhà nước không giỏi đổi mới, sáng tạo

Tiếp lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ông Tony Blair chia sẻ: Sau 10 năm làm Thủ tướng, tôi học được hai điều về Chính phủ: khó nhất là biến ý tưởng tốt thành hiện thực tốt; và mọi thay đổi, cải cách đều khó khăn vì luôn có sự phản đối.

"Nhưng tôi cũng học được là để đất nước tiến bộ thì cần có cải cách", ông Tony Blair nói. "Chuyện DNNN đặt ra câu hỏi lớn hơn về nền kinh tế: làm thế nào để người dân tiếp cận được các cơ hội và nguồn lực, làm thế nào khu vực tư nhân ở VN phát triển và thành công".

Theo cựu Thủ tướng Anh, VN có lợi thế là trên thế giới có nhiều ví dụ, cả thành công và thất bại, ở cả những nước đang phát triển và phát triển, để rút kinh nghiệm và học tập: Nhà nước có tầm quan trọng chiến lược trong một số lĩnh vực, cần có để đảm bảo phúc lợi xã hội, lợi ích quốc gia, đặt ra khuôn khổ cho nền kinh tế. Nhưng nhà nước không giỏi điều hành các tổ chức kinh doanh, và không giỏi trong đổi mới, sáng tạo.



"Thị trường thì ngược lại. Nó có những vấn đề, có thể bị khủng hoảng, nhưng thị trường lại giỏi trong vận hành và quản lý DN, và trong đổi mới, sáng tạo", ông Tony Blair nói. "Điều đó rất quan trọng hiện này vì thế giới đang thay đổi rất nhanh, công nghệ đang chi phối toàn thế giới. Trong số 50 công ty hàng đầu thế giới hôm nay, có những cái tên mà cách đây 20 năm còn chưa tồn tại. DN thay đổi nhanh như vậy thì quản trị cũng phải bám sát theo".

Từ đó, cựu Thủ tướng Anh nhận định: Cải cách DNNN không phải lúc nào cũng thành công, chẳng ai có thể nói đó là cách tốt nhất, nhưng nếu làm kiên trì và hiệu quả, nó sẽ tác động tích cực đến tổng thể nền kinh tế. Câu hỏi là làm như thế nào chứ không phải là có làm hay không.

"Chắc chắn ở VN bây giờ cũng không ai muốn quay trở lại cái thời 12.000 DNNN đâu", ông Tony Blair nói.

Đó cũng là những khuyến nghị mà nghiên cứu của Văn phòng Tony Blair đưa ra cho VN: làm rõ mục tiêu của sở hữu nhà nước và cố phần hóa, xây dựng lộ trình thực hiện với các công cụ và cơ chế phù hợp.


TS Nguyễn Đình Cung: Ứng xử thế nào với những
 chống đối cải cách ngay trong đảng cầm quyền?

Con người trong DN phải thay đổi

Cựu Thủ tướng Anh nhận được nhiều câu hỏi từ các nhà kinh tế Lê Đăng Doanh, Trần Đình Thiên, Trần Du Lịch... cũng như đại diện các DNNN tham gia hội thảo, xung quanh các vấn đề nhân lực, bộ máy, vai trò điều tiết nền kinh tế, sở hữu, phân phối...

Đặc biệt, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, băn khoăn về kinh nghiệm của ông Tony Blair trong ứng xử với sự phản đối trước những đổi mới, cải cách.

Cựu Thủ tướng Anh chia sẻ: Khi tiến hành tư nhân hóa các DNNN, ở Anh hay bất cứ đâu, ban đầu luôn có sự phản đối, nhưng sau một thời gian thực hiện, sự phản đối đã không còn. Vì khi thay đổi cách quan trị, DN có nhiều quyền tự quyết hơn, tự chủ hơn.

"Nhưng chính những con người trong DN cũng phải thay đổi, thế giới và công nghệ thay đổi rất nhanh, ai không theo kịp sẽ bị tụt lại phía sau", ông Tony Blair nói.

Cựu Thủ tướng Anh cho rằng khi đó, phương thức cải cách là rất quan trọng: "Khi Chính phủ của tôi đưa ra chương trình cải cách giáo dục, chúng tôi cẩn thận lựa chọn bắt đầu từ những ngôi trường yếu kém nhất, nơi mà tất cả đều đồng tình là không thể giữ cách làm cũ, từ đó mở rộng ra, và đến nay, Chính phủ kế nhiệm tuy là đảng khác vẫn tiếp tục chương trình cải cách này".

"Vì vậy, hãy lựa chọn cẩn thận điểm xuất phát của cải cách, và để hiệu quả lên tiếng", ông Tony Blair nói.

Cựu Thủ tướng Anh tổng kết kinh nghiệm: Nếu không có ai phản đối, chứng tỏ đó là một cải cách tồi. Nếu cải cách mà lặng lẽ, yên ả thì có nghĩa là chưa thực sự cải cách, mới nói miệng về cải cách thôi.



Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh hoàn toàn đồng tình: Cải cách mà không ai phản đối tức là không động chạm đến ai, vẫn như cũ. Cải cách không thể tránh được sự chưa đồng thuận, đừng ngại khi đưa ra những quan điểm mới mà có nhiều bình luận trái chiều, kể cả từ cấp cao, thế mới là có đổi mới. Đưa ra mà suôn sẻ, ai cũng gật thì chắc là không có gì đổi mới cả, không có tác dụng gì cho xã hội, đất nước, dân tộc.

Chung Hoàng - Ảnh: Phạm Hải
(VNN)
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/223930/ong-blair--cai-cach-khong-ai-phan-doi-la-cai-cach-toi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét