Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Ở Việt Nam, “Sự Thật” Là Một Xa Xỉ Phẩm

Từ những năm 90, nhiều người đã khuyến nghị ở Việt Nam nên có một ngày "nói thật" để trong ngày đó ai cũng được nói thật mà không bị quy chụp phản động, nói xấu chế độ... và chịu vòng lao lý.
Ở Việt Nam, “Sự Thật” Là Một Xa Xỉ Phẩm
Alan Phan - Doanh nhân trong nền kinh tế chỉ huy thường dựa vào quan hệ với chính quyền để kiếm đặc quyền và tô phí. Bài Phỏng Vấn TS Alan Phan = BizLive – Kim Yến thực hiện – 6 Jan 2015
1. Sau hơn hai thập niên kể từ khi đất nước mở cửa, Việt Nam đã xuất hiện nhiều thế hệ doanh nhân. Diện mạo của các thế hệ ấy như thế nào, có gì giống và khác nhau?
AP: Giới doanh nhân thường chia sẻ nhiều cá tính tương tự khắp thế giới. Họ năng động trong việc nắm bắt cơ hội; sẵn sàng chấp nhận rủi ro; mang nhiều tham vọng, nhiều khi là tham lam; độc lập, tự quyết, có tầm nhìn xa và biết tổ chức. Những cá tính này phát huy theo từng môi trường kinh doanh khác nhau: doanh nhân trong kinh tế thị trường có tư duy và hành xử theo luật lệ và nhu cầu khách hàng để tạo lợi thế cạnh tranh; doanh nhân trong nền kinh tế chỉ huy thường dựa vào quan hệ với chính quyền để kiếm đặc quyền và tô phí.

Trong vài thế hệ vừa rồi, doanh nghiệp Việt cho thấy bản năng sinh tồn cộng với thủ đoạn và cơ hội chụp giựt rất nhậy bén. Tuỳ theo nhịp độ mở cửa của nhà cầm quyền và đòi hỏi từ đối tác hội nhập, doanh nhân Việt điều chỉnh những cá tính trên để thành công. Nói chung, họ đối mặt với nhiều khó khăn và yếu kém nhưng đã vượt qua thử thách khá ấn tượng.

2. Người xưa nói cha mẹ sinh con trời sinh tính. Cái phần “trời sinh” ấy có thực sự quyết định tính cách của doanh nhân? Nếu không thì điều gì ảnh hưởng mạnh nhất đến tính cách các thế hệ doanh nhân hình thành từ sau đổi mới?

Như đã tổng lược ở câu hỏi trên, không phải Trời mà cơ chế vận hành cùng hoàn cảnh đặc biệt đã tạo nên các cá tính này. Trong một nền kinh tế chưa có định hướng và định hình, và trong khi các doanh nghiệp nhà nước chiếm lĩnh những nguồn lực thiết yếu, doanh nghiệp tư nhân phải bươn chải để “sống còn” nên khó tạo ra những sáng tạo đột phá hay chăm chú vào việc xây dựng kỹ năng và thương hiệu về lâu dài.

Ngoài ra, đa số doanh nhân thường theo khuôn và bầy đàn theo cách quản lý của những bậc gọi là “đàn anh” (thành công). Vì kinh tế Việt Nam gần như là sân chơi của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong cả 80 năm, nên ngay cả những công ty tư nhân khi phát triển thường dựa vào công thức thành công của DNNN.Đó là đầu tư dàn trải, dựa vào quan hệ để tìm đặc quyền đặc lợi, sử dụng 100% vốn OPM và tài trợ của ngân sách, tầm nhìn nhiệm kỳ, thủ tục hành chánh quan liêu, bè phái, gia đình…Họ hay bỏ quên khách hàng và thị trường cũng như công nghệ sản phẩm hay xây thương hiệu, quên đặt kỹ cương đạo đức vào chiến lược kinh doanh…

3. Liệu có điểm khác biệt nào về tính cách giữa doanh nhân Việt so với doanh nhân thế giới?

Sự khác biệt chính yếu là mức độ phát triển và hội nhập. Vì sinh sau đẻ muộn trong một môi trường méo mó, nên tư duy và kỹ năng của doanh nhân Việt bị giới hạn, khó cạnh tranh trực tiếp với doanh nhân nước ngoài. Sự yếu kém về vốn, về công nghệ, về tiếp thị, về khả năng quản lý rủi ro của doanh nghiệp Việt thể hiện trên nhiều ngành nghề mà đáng lẽ chúng ta có lợi thế như nông nghiệp, IT, khoáng sản, du lịch…Việc các doanh nghiệp FDI đang chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu là một hệ quả tất nhiên. Gánh nặng thuế phí cao từ chính phủ cũng là một rào cản lớn.

Điều đáng lo ngại là khoảng cách này không thâu ngắn mà càng ngày càng xa hơn. Hy vọng bắt kịp sự phát triển kinh tế của Thái Lan, Indonesia, Philippines …đã rất khó khăn, nói gì đến những nền kinh tế vượt trội như Singapore, Hàn Quốc…

4. Có sự khác biệt nào đáng kể về tính cách doanh nhân giữa hai miền Nam – Bắc?

Môi trường sinh hoạt giữa hai miền tạo nên nhiều khác biệt; nhưng khuynh hướng hoà nhập nhờ giao thông và công nghệ đang thu ngắn khoảng cách này. Nói chung thì dân miền Nam trước 1975 đã quen sống trong nền kinh tế thị trường và có một mức sống ngang hàng với các nước quanh châu Á. Họ có điều kiện để phát triển kỹ năng và cách làm kinh tế sáng tạo hơn. Trong khi đó, miền Bắc vừa trải qua thời kỳ bao cấp toàn diện với một mức sống nghèo khổ hơn nên người Bắc cần cù và năng động hơn trong việc nắm bắt cơ hội mới. Thêm vào đó, vì là bên thắng cuộc, nên doanh nhân miền Bắc nhận nhiều ưu đãi hơn từ nguồn lực chánh phủ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ trong 20 năm nữa, những khác biệt này sẽ bị đồng hoá. Vấn đề Nam-Bắc thực sự không nằm trong bản đồ hay văn hoá kinh doanh Việt Nam. Nó lớn hơn nhiều; như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật (phía Bắc) hay Singapore, Indonesia, Mã Lai (phía Nam).

5. Để thành công trên thương trường, doanh nhân có phải “dọn mình”?

Không phải chỉ doanh nhân Việt mà mọi doanh nhân trên thế giới bị bắt buộc phải cải tiến thường trực kỹ năng quản lý, sản phẩm, công nghệ và tổ chức. Kinh tế thị trường của thế giới đã liên thông nên sự cạnh tranh phải toàn cầu và rất khốc liệt. Tương lai sẽ thuộc về những doanh nghiệp biết “dọn mình” trên sân chơi quốc tế. Không có chỗ cho những doanh nghiệp còn tuỳ thuộc vào sự ban phát bổng lộc từ nhà nước.

Theo nhận xét của nhiều nhà phân tích kinh tế trên thế giới, doanh nhân nội địa Việt đang chìm sâu trong trì trệ suy thoái của tư duy và năng động. Doanh nghiệp FDI sẽ nhanh chóng lợi dụng lợi thế yếu kém này để thống lĩnh thị trường, nhất là khi các hiệp định về free trade như TPP, Euro, China-Asean…có hiệu lực. Đây là một dấu hiệu khá buồn cho kinh tế Việt Nam.

6. Theo anh, thế nào là một doanh nhân thành đạt? Cách làm giàu nào mà anh cho là chánh đạo? Và làm giàu bất chánh hiện nay có nhiều không? Nó ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đới sống nhân văn?

Mỗi cá nhân, mỗi xã hội đều có những định nghĩa khác nhau về chữ “thành đạt”, dù là doanh nhân, trí thức hay công nông nhân. Với cá nhân tôi, thành đạt gần như không thể hoàn toàn 100% mà phải có một thoả hiệp đổi chác nào đó trong các mục tiêu của đời sống. 

Tôi vẫn nói về 6 yếu tố nội tại cần phát triển: sức khoẻ, tinh thần, tâm linh, trí tuệ, xã hội và tiền bạc. Trên hết là một con người “tự do” sống theo ý thích và chuẩn mực đạo đức của mình. Tuy nhiên, khó ai có thể đạt cả 6 mục tiêu đó trong cùng một thời điểm. Sự đóng góp chân thành của mình cho xã hội trong bất cứ 6 lĩnh vực nào nói trên đều là một “thành công”.

Chuyện làm giàu chánh đạo và bất chánh thì tôi xin miễn bàn. Đây là một đề tài nhậy cảm có thể gây nhiều rắc rối cho mọi người liên quan nếu thực sự phân tích sâu rộng. Ở một môi trường sống như Việt Nam, “sự thật” là một xa xí phẩm.

———–

PS: Niềm tự tin không đến từ nơi vô định. Nó là hệ quả của sự thể…ngày và giờ và tuần và năm cặm cụi làm và tập trung kỹ năng – Confidence doesn’t come out of nowhere. It’s a result of something…hours and days and weeks of constant work and dedication – Roger Staubach .

————

http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/o-viet-nam-su-la-mot-xa-xi-pham.html
https://kimdunghn.wordpress.com/2015/03/10/o-viet-nam-su-that-la-mot-xa-xi-pham/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét