Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Nơi gửi gắm 'đặc quyền' của những nhà có điều kiện?

Nơi gửi gắm 'đặc quyền' của những nhà có điều kiện?

Ngày ngày chúng ta chứng kiến việc các em học sinh bị nhồi sọ từ tấm bé để đua tranh vào các cái gọi là trường chuyên lớp chọn như thể đó là cách duy nhất để bọn trẻ có được tương lai.
Ngôi trường chuyên nổi tiếng của Hà Nội hàng năm chứng kiến
 cuộc ganh đua của hàng ngàn phụ huynh, học sinh.
Không phù hợp?
Theo lịch sử phát triển, trường chuyên của Việt Nam xuất phát từ mô hình đào tạo học sinh giỏi của các nước XHCN mà tiêu biểu là Liên Xô. Trong nhiều thứ chúng ta nhập khẩu từ Liên Xô và Trung Quốc thì đây là thứ ra đời, tồn tại và phát triển mạnh mẽ nhất. 

Phải thừa nhận trường chuyên đã chứng minh được nhiều điểm ưu việt: môi trường giáo dục chất lượng cao; đào tạo ra nhiều nhân tài; môi trường lành mạnh. Nhưng từ đó, vô hình trung cũng đã dẫn tới suy nghĩ chủ quan về các trường không chuyên: thầy và trò kém; môi trường không tốt.
Tức là về mặt mô hình giáo dục và chính sách phát triển đã tạo ra sự bất bình đẳng và phá bỏ đi một trong những nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục: mang lại những điều tốt đẹp qua giáo dục tới cho tất cả mọi người, bất kể hoàn cảnh hay khả năng.  
Song trên thực tế trường chuyên chỉ mang tới những thứ tốt đẹp nhất về giáo dục cho một thiểu số rất nhỏ. 
Đào tạo nhân tài là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nền giáo dục, nhưng đào tạo nhân tài không có nghĩa là chỉ đào tạo về kiến thức.Nó phải bao gồm hai thứ quan trọng hơn: tư duy và kĩ năng.
Ngay cả quá trình đào tạo kiến thức này cũng diễn ra không tự nhiên: đó là những cuộc chạy đua nhồi nhét kiến thức phục vụ cho 2 mục tiêu căn bản của cha mẹ và thầy cô (chưa chắc đã là của học sinh)
1. Thi đỗ vào trường chuyên.
2. Đoạt giải trong các kì thi HSG. 
Khi chưa vào được trường chuyên thì chạy đua luyện thi để vào bằng được. Khi vào được rồi thì học và chỉ biết học để vào được đội tuyển rồi lại tiếp tục luyện thi HSG. Hai quá trình này chỉ là luyện gà chọi theo kiểu rèn kĩ thuật làm bài. Nếu có kiến thức thu được thì đây là thứ kiến thức khiến cho người học bị đóng khung. Họ bị tưới kiến thức theo kiểu áp đặt và học vẹt, không biết đặt câu hỏi nghi ngờ và khó có thể sáng tạo ra cái mới thông qua suy nghĩ và tìm tòi. 
Ngày ngày chúng ta chứng kiến việc các HS bị nhồi nhét từ tấm bé để đua tranh vào  cái gọi là trường chuyên lớp chọn như thể đó là cách duy nhất để bọn trẻ có tương lai. Đây là hệ quả trực tiếp của kiểu đào tạo gà nòi và gà chuyên đi chọi nhau ở các kì thi. Vậy chả lẽ phần đông các em HS không thể vào được trường chuyên lớp chọn sẽ không thể có được những cơ hội và cuộc sống tốt đẹp mà giáo dục có thể mang lại cho chúng sao? 
Ở đây chúng ta thấy nhiệm vụ trên tất cả của nền giáo dục là nâng đỡ người bình thường và thậm chí người yếu kém đã bị lãng quên.
Hầu như tất cả các HS cuối cấp 1 đều được nhắm vào luyện thi chuyên Toán hoặc chuyên Anh. Vậy các môn khác thì sao? Ví dụ như Vật lý là môn khoa học tuyệt vời nhất gắn bó với cuộc sống hàng ngày của HSvà cả những môn xã hội và nghệ thuật nữa. Biết bao nhiêu tài năng đã bị bỏ qua và lãng phí vì chính các bé đã không được phát triển đúng với thiên hướng, tiềm năng cũng như khả năng của chính mình.  
Những thứ sau đây bị xem nhẹ: phát triển con người toàn diện; bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm và sống chung; phát triển nhân cách và sự hòa đồng với thiên nhiên, con người
Những thứ sau đây bị bỏ qua: các loại tư duy sáng tạo và phản biện,kiến thức xã hội và cuộc sống thực tế; hoạt động thể thao và vận động; niềm hạnh phúc tuổi thơ; giá trị sống qua các hoạt động cống hiến cho cộng đồng. 
Ngay cả khi chúng ta đào tạo được nhiều nhân tài theo mô hình trường chuyên thì một thực tế không thể phủ nhận là HSG của chúng ta không dễ trở thành các nhà khoa học sau này.  Các em dù học rất giỏi nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với HS nước ngoài (không nói tới IMO). HStốt nghiệp ra trường kể cả người học giỏi vẫn không thích nghi được với công việc dễ dàng. 
Với các cá nhân xuất sắc thì họ xuất sắc theo kiểu chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân. Kiểu học giỏi nhiều khi trở nên hoàn toàn vô dụng và không có đóng góp gì cho xã hội cả.
Càng học càng... kém phát triển 
Sản phẩm và quy cách của trường chuyên vì thế đã đi ngược lại với nguyên lý giáo dục là dạy cho người ta cách làm việc và sáng tạo. Sâu xa hơn là nó đi ngược với sự nhân văn, đặc biệt ở khía cạnh cơ hội
Chúng ta đều biết tiềm năng ở một con người là vô tận.  Các tiềm năng đó phải gặp  hoàn cảnh và thời điểm nhất định mới được phát lộ. Ở Mỹ học trò còn trải qua một gap year (năm tạm nghỉ sau khi học xong phổ thông trung học) lúc các em 18 tuổi để trải nghiệm, với mục đích phát hiện ra đam mê của mình. 
Ngày nay trường chuyên vô tình là điểm đến của các gia đình có điều kiện tham gia luyện thi. Nó cũng là nơi "gửi gắm" của một số người, và trở thành một thứ đặc quyền (exclusive education - giáo dục độc quyền)chứ không còn là elite education (giáo dục tinh túy)như nó cần phải nữa. 
Tôi cho rằng cách thức phát hiện và bồi dưỡng nhân tài là phải được thực hiện theo các nguyên tắc: 
1. Ở tất cả các ngôi trường dù là bình thường nhất.
2. Ở mọi thời điểm trong cuộc đời HS của một đứa trẻ. 
Dư luận cũng đang quan ngại rằng, một số vị trí công việc tốt ‘đặc quyền đặc lợi’ trong nhiều cơ quan nhà nước đang rơi vào một nhóm đối tượng nhất định.  Sự bất bình đẳng về cơ hội  khiến tài năng thực sự phải chật vật tìm đất sống.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, nhiều phụ huynh đều nhận thức được các bất cập trên nhưng họ vẫn cho con theo đuổi trường chuyên bởiquán tính tư duy chỉ CHUYÊN mới đồng nghĩa với TỐT.
Người tài luôn có cơ hội
Hiện nay với những tài năng chưa được phát hiện hay nảy nở, các em không có cơ hội vào trường chuyên và đã bị bỏ qua rất đáng tiếc. Chúng ta phải tìm cách giữ lấy và phát hiện ra các tài năng chưa có cơ hội phát lộ này. Mọi nơi mọi lúc ở tất cả các môi trường và ngôi trường. Đề xuất của tôi: 
1.Trước tiên việc tuyển chọn và phân bố giáo viên giỏi rộng khắp phải là một chính sách quốc gia. 
2. Phân luồng lại HSG. Học sinh giỏi cần được phát hiện và bồi dưỡng ở mọi lúc (khắp các năm học ví dụ như lớp 10; 11; 12 chứ không phải chỉ thi ở lớp 9 lên 10) và mọi nơi (ở tất cả các trường). 
Tại các trường đều cung cấp chương trình học nâng cao. Chúng ta cần cả giáo viên tốt và học sinh tốt để thực hiện chương trình này. 
Như vậy:  
Việc phát hiện HSG được diễn ra suốt các cấp các lớp học cũng như mọi cơ sở giáo dục và trường học. Như thế mới thực sự mang cơ hội học tập chuyên sâu và nâng cao tới mọi HS có đam mê và tiềm năng cũng như khả năng. 
Vì sau tất cả, giáo dục trước tiên phải là nhân bản và phải là thứ dành cho tất cả mọi người. 
Nguyễn Tuấn Hải
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/224680/noi-gui-gam--dac-quyen--cua-nhung-nha-co-dieu-kien-.html

Con tôi cả 2 cháu đều học trường Am mà gia đình tôi chẳng phải có điều kiện gì. Trong lớp các cháu đa phần cũng là những học sinh xuất thân từ các gia đình cán bộ bình thường không phải từ các gia đình " có điều kiện". Việc thi đầu vào rất khó và số trường chuyên rất ít nên tôi thấy con giáo viên trường Am hầu hết không thi vào được . Việc giữ lại một số rất ít trường chuyên như hiện nay là đúng và có sự tính toán cân nhắc rất cẩn thận của ngành giáo dục. Tác giả bài viết không tìm hiểu kỹ . Các cháu nhà tôi cũng vào đội tuyển thi quốc gia song tôi nhận thất ngoài việc luyện thi các cháu vẫn phải học và làm đủ bài tập của chưởng trình bình thường. Trường chuyên khác tôi không biết nhưng với trường Am tôi thấy việc dạy , giáo dục đạo đức rất tốt , toàn diện và đầy đủ để các cháu vào đời. Các con tôi tuy nhà nghèo nhưng cả hai cháu được đi du học tại Anh và Mỹ với 100% học bổng là nhờ những năm tháng học ở trường Am. 
Trần Thị Trường19 giờ trước
Mỗi người đều có quyền lựa chọn của riêng mình. Bạn đừng chọn cho con mình học trường chuyên, nhưng tôi đã biết về trường chuyên có ích cho con tôi thế nào thì cháu tôi, tôi cũng đưa vào đấy. Tuy nhiên, cháu của em tôi thì lại học trường khác vì năng khiếu của cháu và khả năng tài chính của em tôi cũng khác tôi. Tôi coi cháu tôi, cháu em tôi như nhau, dù mỗi đứa mỗi nghề và tương lai của chúng sau khi ra trường. Chúng ta đừng lẫn lộn và đừng thiển cận rồi khuyên người khác nghe mình... 
ĐỖ THẾ VINH22 giờ trước
Không biết là tác giả đã tính tỉ lệ đỗ đại học chính quy và tỉ lệ thành công hay có một bài nghiên cứu về chấp hành pháp luật tốt, ý thức giữa nhóm trường chuyên hay trường thường hay chưa mà viết về bài này nữa . Mong tác giả bài viết nhớ rằng con người ảnh hưởng lớn từ môi trường và giáo dục . Khi học trường chuyên thì sẽ được học tập cùng những học sinh siêng năng, khi học sinh giỏi thì bắt buộc giáo viên cần nghiên cứu tài liệu nhiều hơn để giảng dạy cho tốt hơn . Tuy nhiên, không có môi trường nào hoàn hảo cả thế nhưng vẫn thấy ở Việt Nam thì trường chuyên vẫn là một môi trường giáo dục tốt nhât 
Nguyễn Thanh Huyền22 giờ trước
Sao Vnn lại có những bài như thế này được chứ. Thiển cận và quá tự ti về các trường không chuyên. Thực tế trường chuyên số lượng rất ít tập trung đào tạo mũi nhọn, bên cạnh đó có hàng nghìn trường không chuyên chất lượng tốt. Hơn nữa còn không hiểu gì về trường chuyên.
Toan Van22 giờ trước
Tên bài này VNN hơi bị chủ quan, vì mình chứng kiến tại lớp học cùng con mình cũng rất nhiều bạn cha mẹ bình thường làm viên chức thường, công nhân, xe ôm, nhiều cháu bố mẹ ốm yếu, bố mất hay mẹ mất rồi, kinh tế khó khăn lắm. Nếu đặt tít như vậy thì quả là tội cho nhiều cháu nhà nghèo mà bị qui là "Nhà Có điều kiện". Thực tế nhiều cháu thi đỗ vào AMS cũng qua ôn luyện thầy cô "nổi danh thủ đô" nào! 
Nguyễn Thanh Huyền21 giờ trước
Bạn nguyen van luc là thánh thuế r :3 sao không bình luận là "Thuế ai cũng đóng như ai, sao còn tôi không đỗ ĐH mà con anh đỗ" đi?
mai nguyen21 giờ trước
Nhà có điều kiện cũng không giúp con bạn vào học trường chuyên được nếu con bạn không có năng lực. Và nếu có gửi gắm được, thì con bạn cũng bị đào thải nếu không học được vì ở trong môi trường chuyên học sinh không phân biệt giàu nghèo mà chúng chỉ phân biệt bạn học được hay không!
Vũ Mạnh Hùng09:09 Thứ sáu
Trường chuyên luyện gà nòi, những con gà này sẽ mang huy chương về cho các cấp quản lý giáo dục bằng một số bài thi, kỳ thi- Rồi khẳng định mình lãnh đạo giỏi, chỉ đạo giỏi...
Tùng10:58 Thứ sáu
Học được trường chuyên lớp chọn sau này ra đời bạn bè tiếp cận chỉ toàn người thành đạt hoặc chí ít cũng không bị nghèo khó trong cuộc sống vì nói chung HS trường chuyên, lớp chọn là những học sinh con nhà có đk và trí tuệ thuộc hàng khá trở lên. Học trường, lớp tốp cuối toàn tiếp xúc với bạn bè xấu tỉnh, kém cỏi và tất nhiên lớn lên sẽ khó mà thành công được và cũng tất nhiên nữa là học các trường lớp này thì khó, nếu không muốn nói rằng không làm sao tiếp cận được với HS trường chuyên lớp chọn trước đây sau khi trưởng thành và vào đời. và như vậy thì cũng khó mà tiến lên thoát khỏi nghèo khó được. Do vậy nhiều phụ huynh vẫn muốn con mình được vào trường chuyên đấy. 
Tran Minh23 giờ trước
"đó là những cuộc chạy đua nhồi nhét kiến thức phục vụ cho 2 mục tiêu căn bản của cha mẹ và thầy cô (chưa chắc đã là của học sinh)." Tôi thấy câu này đúng. Nhiều phụ huynh muốn con mình học trường chuyên/lớp chọn chỉ để nở mày nở ...
nguyễn ngọc hải23 giờ trước
Lý thuyết này ai cũng biết mấy chục na8nm rồi, chỉ có điều không ai thực hiện thôi, trách nhiệm của nhà nước và nghành GD chứ dân ko ai muốn phải chạy trường hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét