Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Người Việt “lạc quan”

Người Việt “lạc quan”
Người Việt thường “lạc quan” về sự khởi đầu hơn là thủy chung đi tới cuối nẻo đường. Suy nghĩ “Khởi đầu tốt đẹp là thành công được một nửa” dễ đưa đến chỗ giải quyết vấn đề chỉ bằng lòng nhiệt tình và bầu nhiệt huyết. Nhiều người cứ hồn nhiên, vô tư nhận lãnh trọng trách, hào phóng lời hứa... với niềm tin cùng thái độ lạc quan (nhất thời).
Thực tế cho thấy thành công chưa bao giờ đến chỉ với niềm tin ở điểm khởi phát. Bởi vậy, khởi đầu thuộc về số đông, còn kết thúc tốt đẹp luôn thuộc về thiểu số. Sự khập khiễng giữa niềm tin về điểm khởi đầu mang ý nghĩa tốt đẹp và sự kết thúc dở dang đã làm nền cho những sản phẩm kém chất lượng, vô trách nhiệm ra đời: những con đường tu sửa quanh năm, những cây cầu mới đưa vào sử dụng đã bị lún, những công trình nghiên cứu khoa học nghiệm thu trong bí mật, những cuốn sách mắc lỗi đầm đìa...

Tất cả đều đã được khởi đầu khá tốt đẹp, nhưng đi đến giữa chặng đường thì lòng nhiệt huyết của người tham gia bắt đầu nguội dần, đến cuối chặng thì người ta tỏ ra chán nản và cuối cùng là làm ăn cẩu thả, “trả nợ quỷ thần”... Thực trạng này đã nhân rộng tới mức phổ biến, thậm chí trở thành đặc điểm văn hóa, xã hội của người Việt hiện nay.

Cũng bởi lạc quan quá sớm với lợi thế “rừng vàng biển bạc”, nên chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên đến mức tàn phá cạn kiệt, để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường, đặc biệt là ăn thâm vào vốn di sản dành cho đời sau. Khuynh hướng bòn rút những gì có sẵn đã làm hạn chế cơ hội phát triển nguồn tài nguyên chất xám của con người. Năng lực cạnh tranh của người Việt Nam càng ngày càng bộc lộ yếu kém, lao động giản đơn, giá rẻ không còn đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Do quá chú trọng, lạc quan với nguồn tài nguyên có sẵn, mà không ưu tư nuôi dưỡng nguồn tài nguyên chưa được khai thác của quốc dân.

Con cái học hành giỏi giang thường trở thành điểm tựa tinh thần, niềm tự hào của cha mẹ. Ít có bậc phụ huynh tự hào về việc con cái say mê nghiên cứu, phát minh, sáng chế... Học tập là quá trình tiếp thu, như điểm khởi đầu của một tiến trình nhằm mục đích kiến tạo giá trị mới. 

Theo tổng kết trên nhiều phương tiện truyền thông, cả nước có khoảng 24.000 tiến sĩ, 8.000 giáo sư, trong số đó có đến 80% không thèm hoặc không có khả năng nghiên cứu. Tấm bằng tiến sĩ khởi đầu con đường dấn thân vào địa hạt nghiên cứu, nhưng nhiều người đã kết thúc sự nghiệp ở điểm vừa mới bắt đầu. Bởi vậy, phát triển xã hội học tập dừng lại ở câu khẩu hiệu, thiếu nội hàm, mang tính chất tiếp thị cho lối học khoa bảng truyền thống, chưa trở thành nhu cầu của mọi cá nhân. Tư duy học để thi, thi để cử phổ biến từ quá khứ tới hiện tại. Sĩ tử cả nước học tập trong không khí sục sôi nhằm thi vào trường tốt, có công ăn việc làm ổn định, thăng quan tiến chức, lương bổng hậu hĩnh...


Chẳng mấy người nỗ lực tạo ra thay đổi, tạo ra giá trị đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho nhân loại. Cán bộ, công chức xuất sắc được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng, quản lý đơn vị, xí nghiệp... mở ra triển vọng thay đổi tổ chức, song nhiều người cứ ngỡ được bổ nhiệm là đã đạt được mục tiêu, tổ chức ăn mừng. Người trong cuộc thường bị lóa mắt trước sức hấp dẫn và ánh hào quang phát ra từ chiếc ghế quyền lực hơn ưu tư về trọng trách trên con đường nhọc nhằn mà bản thân với tư cách là người phải lo trước và vui sau (chứ không phải ngược lại).

Nhận nhiệm vụ ở vị trí quan trọng thực chất chỉ mới mở ra cơ hội, triển vọng cho việc thực hiện ước mơ, hoài bão làm thay đổi thực tế, tạo ra những giá trị có tầm ảnh hưởng, đóng góp về lâu dài, chứ không nhằm mục đích đoạt được chức vụ, vị trí “ở trên kẻ khác”. Điều này vô hình trung dẫn tới thói lạm quyền, tham chức, hám lợi... cố thủ sống chết với chiếc ghế. Căn bệnh này để lại hậu quả mãn tính cho phong hóa đất nước, nếu không muốn nói là thứ dị hình của nền văn hóa.

“Lạc quan” quá sớm đã dẫn người Việt đến sự thờ ơ trước những giá trị nền tảng, cốt lõi trong cuộc sống. Mặc dù đất nước đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, có vị trí trong nhiều “câu lạc bộ” khu vực, thế nhưng việc có mặt giữa ngôi làng toàn cầu mới chỉ là điểm khởi đầu, quan trọng hơn là ta sẽ đóng góp gì vào chuỗi giá trị của nhân loại.

Lê Hải Đăng
(Kinh Tế Sài Gòn)
http://www.thesaigontimes.vn/127478/Nguoi-Viet-lac-quan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét