Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Nghẹn lòng thăm cánh đồng chết ở Campuchia

Nghẹn lòng khi đến thăm cánh đồng chết ở Campuchia
Có lẽ không nơi nào trên thế giới có thể khiến khách du lịch vừa đau lòng, vừa thương cảm lại rùng mình sợ hãi như ở cánh đồng chết chóc Choeung Ek. Nằm cách thủ đô Phnompenh 14,5 km và chỉ mất 30 phút đi xe, cánh đồng chết Choeung Ek là điểm đến thu hút khách du lịch đông nhất tại Campuchia. Đây là nơi mang đến cho du khách cái nhìn chân thực và xót xa nhất về những điều kinh hoàng xảy ra trên đất nước Campuchia khi nằm dưới sự cai trị của Polpot.

Cánh đồng chết với những hố chôn tập thể. 
Cánh đồng chết Choeung Ek ban đầu chỉ là một vườn cây ăn trái, nhưng sau đó, nó được Pol Pot dùng làm nơi thảm sát tập thể người Campuchia. Dù đã được đưa vào làm du lịch nhưng bất cứ ai đi sâu vào cánh đồng chết đều có cảm giác nghẹt thở, rùng mình khi được chứng kiến tận mắt vô số hố chôn tập thể, có cái vô danh nhưng cũng nhiều mộ mang tên đầy tử khí.


Tội ác diệt chủng của Pol Pot.

Theo tài liệu thống kê, chỉ riêng ở Choeung Ek đã có trên 20.000 người bị Khmer Đỏ sát hại. Từ ngày Campuchia giải phóng (1979) đến nay, mới có 8.985 xác chết được tìm thấy. Chắc chắn khi đọc đến những cái tên như như “Mộ 100 trẻ sơ sinh và mẹ”, “Mộ nhiều xác nhất với 450 xác”, “Mộ 166 người không đầu”, “Mộ 87 người mất tay, chân” ai cũng cảm thấy một nối xót xa vô hạn.

Bên cạnh đó cũng những vật dụng dùng để tra tấn, bản nhạc mà Pol Pot hay bật để át đi tiếng khóc, tiếng la hét của các nạn nhân vẫn vang lên, được tái hiện lại ở khu di tích này giúp du khách có cái nhìn thực tế hơn về tội ác diệt chủng.


Chiếc giường dùng để tra tấn các nạn nhân.


Những chiếc răng của các nạn nhân sót lại nằm rải rác trên nền đất .

Chỉ nằm trên diện tích một sân bóng, nhưng có rất nhiều hố chôn tập thể được tìm thấy ở Choeng Ek. Khách du lịch đến thăm cánh đồng thường bước đi thật nhẹ nhàng, vì bên dưới lớp đất đó có thể vẫn còn thi hài của những nạn nhân xấu số. Theo lời hướng dẫn viên du lịch, vào mùa mưa, những mảnh xương trắng vẫn bị lớp đất rửa trôi và lộ ra bên ngoài. 


Đài tưởng niệm các nạn nhân xấu số.


Cây chuyên dùng để giết trẻ em được quân đội Pol Pot sử dụng.

Ở trung tâm cánh đồng chết, có một đài tưởng niệm các nạn nhân xấu số, bên trong chất khoảng 8.000 hộp sọ, rất nhiều trong số đó còn lưu giữ những vết tra tấn độc ác bằng dao, bằng rìu, bằng khúc cây. Đây là phương pháp giết người tàn độc mà Pol Pot áp dụng chỉ để tiết kiệm đạn, không muốn phí quá nhiều và việc tàn sát nhân dân. Đối với trẻ em, cách giết hại vô cùng dã man là đập người của các em vào thân cây cho đến chết.


Nhiều hình thức tra tấn dã man đã được Khmer đỏ sử dụng.

Trong hành trình khám phá tội ác của Khmer đỏ, du khách không thể bỏ qua nhà giam nhà giam Tuol Sleng. Trước khi chế độ Pol Pot bắt đầu, Tuol Sleng từng là một trường trung học, sau đó đã trở thành một trại tra tấn, nhà tù và trung tâm hành quyết. Nhìn từ bên ngoài, Tuol Sleng cũng giống như bất cứ trường học nào trên thế giới. Nhưng bên trong lại chất đầy những thứ vũ khí tra tấn, đầu lâu, vết máu và hình ảnh của hàng ngàn người đã bị giết chết.



Nhà tù Tuol Sleng.

Ngày nay, Tuol Sleng đã trở thành bảo tàng tham quan, trưng bày về tội ác của Khmer đỏ. Ngay lối ra vào, bảo tàng có treo biển “No Smile” - “Cấm cười" để yêu cầu du khách giữ sự xót thương tuyệt đối trước những nạn nhân xấu số và nỗi đau mà người dân Campuchia đã phải hứng chịu.



Trong biên niên sử của những điều kinh hoàng nhất thế kỷ 20, Campuchia được xếp ở thứ hạng cao. Việc lưu giữ những hình ảnh về một quá khứ đau thương là cách người dân nước này nhắc nhở các thệ sau về một thời kỳ đen tối của dân tộc. Đồng thời những dấu tích của những nỗi đau cũng là cách để Campuchia phát triển các loại hình du lịch tham quan, lịch sử mà hiếm du khách nào có thể chối từ.

Theo Hyo/ MASK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét