Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Giảm phát: Đừng để quan niệm sai lầm xui khiến

Giảm phát: Đừng để quan niệm sai lầm xui khiến
TS Phan Minh Ngọc: Một diễn biến đáng chú ý của nền kinh tế trong tháng 2.2015 là lần đầu tiên sau nhiều năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 – tháng có Tết Nguyên đán – giảm so với tháng trước. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp chứng kiến CPI giảm. Như thường lệ, dư luận lại tiếp tục lo ngại đây là dấu hiệu giảm phát của nền kinh tế. 
Và theo lẽ thông thường, một khi nền kinh tế bị rơi vào tình trạng giảm phát thì người ta thường tự động nghĩ ngay đến các biện pháp kích thích kinh tế, gồm kích thích chi tiêu của dân chúng và Chính phủ, thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để CPI tăng trưởng ở mức dương trở lại.


Lý do để người ta hay gắn chuyện giảm phát với kích thích chi tiêu vì người ta tin rằng giảm phát là hậu quả của việc tổng cầu yếu, mà đến lượt nó lại một phần do chi tiêu suy yếu của dân chúng và Chính phủ yếu hoặc suy giảm tạo nên. Tổng cầu yếu hoặc suy giảm thì đương nhiên sẽ đồng nghĩa với tăng trưởng GDP yếu hoặc suy giảm. Bởi thế, giảm phát thường được coi là một điều có hại, cần phải tích cực phòng chống mỗi khi nền kinh tế có triệu chứng giảm phát, và biện pháp phòng chống chủ yếu vẫn là thông qua kích thích chi tiêu nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Cũng cần lưu ý rằng, hiện vẫn có quan chức định nghĩa giảm phát là do tình trạng cung vượt cầu. Đây là cách hiểu sai lầm về giảm phát. Theo cách hiểu chính thống, giảm phát là hiện tượng giá cả giảm đi, hay nói cách khác, lạm phát tăng trưởng ở mức âm.

Lý thuyết là như vậy, và đúng là nếu muốn tiếp tục có tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập và việc làm thì phải nuôi dưỡng tổng cầu, không được để tổng cầu suy yếu kéo theo giảm phát xảy ra. Nhưng trên thực tế, cái gọi là giảm phát ở Việt Nam hiện nay có bản chất hoàn toàn khác với lý thuyết nói ở trên.

Hãy khoan nói đến tổng cầu có yếu hay không ở Việt Nam. Cần phải nhấn mạnh ngay rằng sẽ là một thiếu sót, sai lầm lớn nếu chỉ quy hiện tượng CPI giảm là do duy nhất tổng cầu yếu. CPI tổng thể (của cả một rổ hàng hóa và dịch vụ trong cả nền kinh tế) giảm còn có thể là vì CPI của một, hay một số hàng hóa và dịch vụ trong cả rổ hàng hóa và dịch vụ được dùng để tính CPI tổng thể suy giảm mạnh hơn sự gia tăng CPI của những hàng hóa và dịch vụ còn lại.

Cụ thể hơn, trong trường hợp của Việt Nam thời gian qua, trong rổ hàng hóa và dịch vụ dùng để tính CPI tổng thể, hầu như chỉ có nhóm vận tải, nhà ở và vật liệu xây dựng có CPI giảm, song hành với sự sụt giảm của giá dầu thô thế giới. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại hầu như đều tăng so với các tháng cùng kỳ của năm 2014. Nếu chỉ căn cứ vào CPI để suy ra tình trạng tổng cầu thì rõ ràng không thể nói tổng cầu ở Việt Nam yếu vì giá cả của hầu hết hàng hóa và dịch vụ, trừ nhóm vận tải, nhà ở, vật liệu xây dựng, đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngay cả với nhóm vận tải, nhà ở, vật liệu xây dựng, giá cả giảm cũng không đồng nghĩa là nhu cầu tiêu dùng về nhóm này yếu đi, đơn giản vì giá xăng dầu – một trong những yếu tố chi phối mạnh nhất đến sự biến động giá cả của nhóm này – đã sụt giảm mạnh, tới 40 - 50% kể từ tháng 6.2014.

Trở lại với câu chuyện tổng cầu có yếu hay không. Như đã dẫn chứng bởi Tổng cục Thống kê, có một số chỉ số, trong đó có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 2 tháng đầu năm nay tăng tới 10,7% so với cùng kỳ các năm trước (2 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 6,2%; còn 2 tháng đầu năm 2013 tăng 3,6%), cho thấy không những không có chuyện tổng cầu yếu mà ngược lại, tổng cầu còn tăng mạnh.

Điều đáng nói hơn là nguy cơ đến từ quan niệm sai lầm nói trên về giảm phát ở Việt Nam. Với niềm tin sai lầm rằng nền kinh tế đang phải trải qua giai đoạn giảm phát mà hậu quả để lại sẽ là suy giảm tăng trưởng GDP và thu nhập của dân, cũng như tình trạng công ăn việc làm, đã và đang có nhiều người và nhiều tổ chức lên tiếng kêu gọi, vận động Chính phủ có những hành động nhằm cứu nền kinh tế ra khỏi tình trạng lạm phát đang ám ảnh trong đầu họ.

Nếu Chính phủ nghe theo lời kêu gọi này và tung ra những gói kích thích, những biện pháp thúc đẩy tổng cầu tăng hơn nữa thì nền kinh tế chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng nóng (tăng trưởng thực tế vượt mức tăng trưởng tiềm năng), biểu hiện ở việc lạm phát quay lại, thâm hụt thương mại và ngân sách nới rộng, áp lực lên tỷ giá gia tăng. Nói cách khác, nền kinh tế sẽ lại rơi vào trạng thái bất ổn vĩ mô như suốt cả một thời gian dài tăng trưởng nóng trước đây.

Hiện tại, dường như Chính phủ đang nhận thức đúng và do đó đã mạnh mẽ phủ nhận chuyện tổng cầu yếu và giảm phát hiện nay. Nhưng ta vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm vì đây dường như chỉ là sự chuyển biến về nhận thức mới diễn ra gần đây. Cần nhớ lại, cho đến tận trước đây không lâu đã không ít lần vài quan chức hữu trách của Chính phủ còn để cập đến tình trạng tổng cầu yếu để lý giải cho nguyên nhân CPI tăng trưởng thấp. Chính phủ cần phải duy trì được lập trường đúng đắn và thống nhất về giảm phát như hiện nay để không bị lung lạc trước áp lực bắt nguồn từ quan niệm sai lầm về giảm phát của nhiều người đòi hỏi có những chính sách có nguy cơ gây bất ổn vĩ mô trong tương lai.


(Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân, ngày 7/3/2015)
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=342869

http://phan-minh-ngoc.blogspot.com/2015/03/giam-phat-ung-e-quan-niem-sai-lam-xui.html?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+blogspot%2FpMpUg+%28Phan+Minh+Ngoc%29

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét