Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Bức tranh đáng sợ về nền kinh tế Trung Quốc ?

Những con số vẽ nên một bức tranh đáng sợ về nền kinh tế Trung Quốc
Một nghiên cứu độc lập chốt mức tăng trưởng GDP quý 4 của Trung Quốc tại mức 1,7 %, một con số rất nhỏ so với mức tăng trưởng chính thức 7,3% được Trung Quốc công bố vào tháng trước. Mức tăng trưởng GDP thực tế quý 4 ước tính chỉ là một con số nhỏ so với con số chính thức

Một con tàu chở hàng của China Shipping Group cập bến Hamburg, Đức, vào ngày 13 tháng 1 (Joern Pollex/Getty Images)



Một nghiên cứu độc lập chốt mức tăng trưởng GDP quý 4 của Trung Quốc tại mức 1,7 %, một con số rất nhỏ so với mức tăng trưởng chính thức 7,3% được Trung Quốc công bố vào tháng trước. Ước tính đó kết hợp với các dữ liệu kinh tế giảm khác, cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Á đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ước tính của Công ty Nghiên Cứu Lombard Street Research trụ sở tại London—là công ty phân tích độc lập các số liệu kinh tế Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua, mức tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc giảm mạnh xuống 1,7% trong quý 4. Mức tăng trưởng GDP cả năm ước tính đạt khoảng 4,4%, thấp hơn 3% so với số liệu chính thức mà chính phủ công bố vào tháng trước.

Ngay cả những số liệu về mức tăng trưởng GDP mà Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố chính thức vẫn thấp nhất kể từ năm 1990, và thấp hơn mức 8% mà Chính Phủ đề ra trong năm 2010 và được Thủ tướng Lý Khắc Cường sửa đổi trong năm 2013 là 7,3%. Các số liệu trên thực sự đáng báo động bởi vì chính Phủ Trung Quốc cho rằng bất cứ điều gì mà thấp sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội và đe dọa quyền lực của Đảng.

Theo một nghiên cứu dành cho khách hàng, Bà Diana Choyleva thuộc công ty Lombard Street cho hay “Trung Quốc đang bị bủa vây bởi dòng rút vốn cao kỷ lục, khiến các điều kiện tiền tệ trong nước bị thắt chặt, trong khi đó lợi nhuận công nghiệp đã giảm 3 năm liên tục, đó là điều chưa từng xảy ra”. “Rõ ràng Bắc Kinh sẽ cần hỗ trợ nền kinh tế nếu muốn tránh nguy cơ sụp đổ.”

Rõ ràng Bắc Kinh sẽ cần hỗ trợ nền kinh tế nếu muốn tránh nguy cơ sụp đổ — Diana Choyleva

Trong năm 2008, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã khởi động chương trình kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước. Các chính sách như phát triển cơ sở hạ tầng và khuyến khích các ngân hàng cho vay ngắn hạn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng điều này cũng tạo ra giá ảo và bong bóng bất động sản hầu như ở khắp mọi nơi.

Công ty Lombard Street đã nhận ra điều này, và đưa ra một quan điểm trái ngược về Trung Quốc ngay cả khi phần lớn phố Wall (Wall Street) đã bị mê hoặc bởi sự mở rộng kinh tế của quốc gia này.
Gánh Nợ

Phần lớn sự phát triển gần đây của Trung Quốc được hỗ trợ vốn từ các khoản nợ và các khu vực ngân hàng ngầm. Trong một báo cáo của công ty Tư vấn tài chính McKinsey & Co. về nợ toàn cầu đã công bố trong tháng này, ước tính tổng nợ của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2007, từ 7 nghìn tỷ USD trong năm 2007 lên 28 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2014.

Nợ của Trung Quốc tương đương 282% GDP chính thức, cao hơn Hoa Kỳ và Đức. Trung Quốc cũng đang tăng cường sử dụng đòn bẩy tại thời điểm mà hầu hết các quốc gia phát triển đang cố gắng giảm nợ.
Nợ có thể kiểm soát được dưới hầu hết các loại hình thái nếu các hoạt động kinh tế cơ bản là đúng đắn. Tuy nhiên nợ của Trung Quốc lại là một vấn đề đặc thù do việc tập trung quá mức vào lĩnh vực bất động sản trong nước và giao dịch ngoại bảng bởi chính quyền địa phương.

McKinsey viết “Trong năm qua đã bắt đầu một sự hiệu chỉnh (về bất động sản)”. “Lượng giao dịch giảm khoảng 10 phần trăm trên khắp Trung Quốc và hàng tồn kho đang tích tụ dần”.

Vấn đề này có tính hai mặt. Do việc lạm dụng đòn bẩy, chỉ cần giảm giá một chút là có thể làm hỏng các định giá khoản nợ và phá hủy bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Kịch bản này đã diễn ra chính xác vào năm 2007 trong cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ.

Khu vực xây dựng của Trung Quốc cũng đóng góp khoảng 15% vào GDP và tạo ra nhiều việc làm cho nước này. Một cuộc suy thoái đang trên đà diễn ra, sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp nhỏ phá sản và số lượng việc làm bị giảm sút.
Xuất khẩu và tiền lương

Lệ thường trong khu vực sản xuất của Trung Quốc là mức lương thấp, điều kiện làm việc nghèo nàn, và môi trường ô nhiễm kỷ lục, đã tạo ra các sản phẩm giá rẻ nhưng đe dọa sự ổn định xã hội.

Một trong những mục tiêu kích thích kinh tế của Trung Quốc trong năm 2008 là hiện đại hóa khu vực sản xuất và thúc đẩy hơn nữa đối với sản phẩm công nghệ cao. Sự thay đổi này sẽ làm tăng mức lương cơ bản của quốc gia và thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm nội địa.

Đó là một ý tưởng hay trên lý thuyết. Nhưng thực tế có chút phức tạp hơn.

Động thái này đã làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất, và Trung Quốc đã thất bại trước các cơ sở sản xuất với chi phí thấp hơn như Việt Nam, Campuchia và Malaysia đối với dòng sản phẩm cấp thấp. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á— đại diện cho mười quốc gia Nam Á, đưa ra báo cáo rằng năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các nước thành viên của hiệp hội đã vượt mặt Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong ngành sản xuất công nghệ cao đã không bù đắp được những tổn thất đó, do các cường quốc về công nghệ như Nam Hàn và Nhật Bản đã cắm rễ sâu hơn, trong đó Nhật Bản đã nới lỏng tiền tệ của nước này trong suốt 2 năm vừa qua để khuyến khích tăng trưởng xuất khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 3,3%. Giá trị thực tế có thể còn thấp hơn sau khi điều chỉnh các hoá đơn bị mất.

Trước gánh nặng năng suất nhà máy dư thừa và nhu cầu nội địa yếu, các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc cả trong và ngoài nước, sẽ xem xét cắt giảm chi phí trong năm 2015.

Điều này có nghĩa là số người thất nghiệp gia tăng có thể gây bất ổn xã hội trong năm 2015. Trong khi con số thất nghiệp thực tế rất khó tính toán được do Trung Quốc có một số lượng lớn lao động di cư, các nhà phân tích đều có nhận định tiêu cực về triển vọng lao động tại Trung Quốc.


Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất về nguyên liệu thô bao gồm dầu, kim loại, và các mặt hàng khác. Công nghiệp sản xuất và chế biến chậm lại ở Trung Quốc sẽ giữ cho giá cả hàng hóa giảm trong tương lai gần, điều này gây thiệt hại cho các quốc gia chuyên xuất khẩu nguyên liệu thô bao gồm Nga, Australia, và Brazil.

Ở trong nước, di chuyển vốn có xu hướng tăng nhanh. Theo một báo cáo của công ty Lombard Street vào hôm 21 tháng 1 “Sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc và luồng vốn rút ra tiếp tục tăng trong quý cuối cùng của năm 2014″.

Các nhà phân tích đầu tư chứng khoán nhìn nhận việc những người trong nội bộ công ty hay giám đốc ào ạt bán cổ phần là một dấu hiệu cảnh báo rằng có điều gì đó không ổn ở một công ty niêm yết công khai. Một kịch bản tương tự đã xảy ra ở nền kinh tế Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Những người giàu có và quyền lực ở Trung Quốc, chủ yếu là các chính trị gia và ban lãnh đạo của các tập đoàn nhà nước, đang tích cực thanh lý tài sản trong nước và gửi tiền ra nước ngoài. Chiến dịch “chống tham nhũng” gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ càng làm cho luồng tháo vốn này chảy mạnh hơn nữa.

Mới đây, PBOC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 50 điểm cơ bản (tương đương 0.5%) cho các ngân hàng thương mại. Động thái này làm tăng các khoản cho vay và đáo hạn (trả hết khoản nợ hiện tại bằng cách làm thủ tục cho vay mới, đây là chất xúc tác cho các hoạt động kinh tế) có khả năng đã có sẵn trong kế hoạch.

Lựa chọn khả thi duy nhất của Trung Quốc là kích thích thêm, như vậy sẽ tiếp tục miễn cưỡng thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Điều này cũng chắc chắn rằng lỗ hổng tồn tại trong nền kinh tế của Trung Quốc sẽ sâu hơn và bong bóng về giá cả ngày càng phình to ra.

Giống với việc con nghiện ngày càng phụ thuộc vào các chất gây nghiện, khi ngày phán xét nền kinh tế đến, sự sụp đổ sẽ còn đau đớn hơn nhiều.

http://vietdaikynguyen.com/v3/36729-nhung-con-ve-nen-mot-buc-tranh-dang-ve-nen-kinh-te-trung-quoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét