Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Đừng thảng thốt với ảnh nude, xã hội đi xa lắm rồi!

Đừng thảng thốt với ảnh nude, xã hội đi xa lắm rồi!

Nghệ sỹ cần sự ủng hộ trực tiếp - ví dụ như người đọc sách sẵn lòng mua sách, ko cần phải tác động thông qua nhà quản lý - vốn đã “vô duyên” khi ở đấy từ đầu. Khổ lắm, chúng ta lâu nay coi xã hội như đứa trẻ con. Cái gì cũng phải mớm, phải kiểm, phải đánh giá mới cho nó ăn. Trao giải là một hình thức "mớm" cho ăn đấy. Nó ăn tạp và nó có ý thức của nó mà. Cái nó cần là sự tự do lựa chọn, rồi nó khắc biết chọn cái hay cái đẹp.
Đỗ Hữu Chí (nghệ danh Bút Chì) theo học chuyên ngành Nghệ thuật tiếp diễn (Sequential Art) tại Đại học Savannah (Mỹ) theo học bổng Fulbright và quay trở về Việt Nam sáng lập một tổ hợp học tập sáng tạo đang gây tiếng vang. Anh trao đổi với Lao Động về ảnh khỏa thân, và sự vô nghĩa của những đánh giá trong nghệ thuật.

* Anh đã xem bộ ảnh của nghệ sỹ nhiếp ảnh Thái Phiên nhận giải thưởng của Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh chưa? Cảm giác của anh, một người có căn bản mỹ thuật, là gì?
- Anh nói tôi mới xem. Không có gì đặc biệt, tôi chẳng thấy tí xúc động nào.
* Thế với tư cách một người trẻ, một người trưởng thành trong một xã hội nhiều định kiến kiểu Á đông, anh có nghĩ rằng việc trao giải cho bộ ảnh ấy biểu hiện của một bước tiến nào đó trong nhận thức?
- Chuyển biến trong tiếp nhận và trao giải của Hội đồng xét giải thì chắc là có? Vì thấy trước đây chưa được bao giờ. Nhưng nhận thức của xã hội nói chung hay của thanh niên nói riêng thì tôi thấy họ chỉ đang lẽo đẽo theo sau.
* Về vấn đề "nhận thức" này, tôi nêu ra bởi sắp tới đài truyền hình Việt Nam sẽ chiếu một bộ phim về đề tài tính dục, và tôi lại phải hỏi anh một câu kinh điển: Giữa nghệ thuật khỏa thân và khiêu dâm thì điểm khác biệt lớn nhất là gì?
- Không ai dạy tôi về thứ này. Nhưng tôi nghĩ khiêu dâm tức là khiêu khích sự dâm dục, kích động bản năng tình dục. Còn ảnh nude nghệ thuật, là để tôn vinh vẻ đẹp cơ thể. Mục đích khác nhau. Chụp ảnh cũng là kể chuyện, nếu ông muốn kể chuyện kích dục thì ngay từ đầu ông đã dàn dựng để làm như thế.
Tôi không chuyên chụp ảnh, nhưng gần đây được nói chuyện với một anh bạn là dân nhiếp ảnh kể chuyện (storytelling photography), anh ấy nói nhiếp ảnh cần 3 thứ là vision (tầm nhìn), thiết bị và hậu kỳ. Cái vision là quan trọng nhất, vì chụp cùng 1 thứ nhưng góc nhìn/tầm nhìn khác nhau thì khác hẳn nhau. Vậy cái phân biệt khiêu dâm/ nghệ thuật ở việc chụp một đôi vú phụ nữ, chắc hẳn là cái tầm nhìn ấy.
* Cái gọi là "tầm nhìn" đấy chắc là điều không thể diễn tả chính xác bằng các lề luật?
- Hẳn là thế. Chưa kể lại đến ông xem ảnh. Ông ấy mà đang bí, thì lộ chút nào trở thành khiêu dâm chút đó. Ông ấy mà là người có tâm hồn, thì góc nào cũng đẹp, cũng thanh thoát được cả.
* Tức là chỉ có thể trông vào khả năng tự nhận thức của xã hội, không có lề luật nào, thế có rủi ro không?
- An toàn cho cái gì mà có rủi ro? Tại sao phải quản lý? Đấy mới là câu hỏi của tôi. Chứ ko phải cởi hay đóng.
* Xã hội nào chẳng cần phân biệt khiêu dâm và nghệ thuật, cho dù đấy là Mỹ, người ta cũng phải đóng mác lên bìa đĩa, hạn chế độ tuổi.
- Cái đó không cần thiết. Ông cho trẻ con xem ảnh cởi truồng không có nghĩa là làm hỏng nó. Ngược lại ông cấm đoán thì đằng nào nó cũng xem, vì tò mò, vì đến tuổi, vì bị kìm nén. Ông có đóng mác thế chứ đóng nữa cũng ko ăn thua. Tôi nhớ có một ý của Osho thế này, mà tôi cho là rất hay: Trẻ con nên được học làm quen với cơ thể của mình và của người khác giới từ nhỏ.
* Tôi có thể diễn đạt lại như thế này không: Trong khi các nhà quản lý và các nghệ sỹ "kiểu cũ" loay hoay với việc cái gì là đẹp, cái gì là khiêu dâm thì xã hội tự nó đã tiến lên bằng động lực tự thân và bỏ xa các vị rồi?
- Xã hội không quan tâm đến việc đánh giá của các vị. Với Internet, tôi sẽ xem được điều tôi muốn xem, và tôi sẽ chia sẻ được điều tôi muốn chia sẻ đến bạn bè thôi, và nhận thức/ thẩm mỹ của chúng tôi hoàn toàn độc lập.
* Hãy quay trở lại với Thái Phiên đi: rốt cục thì người nghệ sỹ cũng cố gắng tiến lên trên con đường đó; và như cách anh đang nói thì vì giới trẻ đã xem đủ ảnh khỏa thân nghệ thuật nước ngoài nên chúng ta không cần ủng hộ các bước tiến trong nước nữa? Thế có công bằng không?
- Không hẳn. Nhưng chúng ta ủng hộ bằng cách nào? Ông cứ chụp đi, nếu ông triển lãm thì tôi xem, tôi có tiền tôi mua, ko thì thôi tôi xem/mua cái khác. Tôi ủng hộ tự do xuất bản, tự do sáng tác. Khiêu dâm hay nghệ thuật, đẹp hay xấu là việc của tác giả và công chúng tự định đoạt lấy. Còn ông được cái hội của ông đánh giá thế nào, không ai cần bận tâm cả.
* Những lời khen, những sự thừa nhận, cũng có thể tác động đến các nhà quản lý và tiếp sức cho các nghệ sỹ chứ?
- Nghệ sỹ cần sự ủng hộ trực tiếp - ví dụ như người đọc sách sẵn lòng mua sách, ko cần phải tác động thông qua nhà quản lý - vốn đã “vô duyên” khi ở đấy từ đầu. Khổ lắm, chúng ta lâu nay coi xã hội như đứa trẻ con. Cái gì cũng phải mớm, phải kiểm, phải đánh giá mới cho nó ăn. Trao giải là một hình thức "mớm" cho ăn đấy. Nó ăn tạp và nó có ý thức của nó mà. Cái nó cần là sự tự do lựa chọn, rồi nó khắc biết chọn cái hay cái đẹp.
*Thế anh có mua sách của Thái Phiên không, để ông ấy và những người như ông ấy tiếp tục sáng tác? Hay là anh chỉ ghi nhận tinh thần chứ sản phẩm theo anh chưa tốt thì anh cương quyết không ủng hộ?
- Nếu chụp như những cái tôi đang xem đây, thì không. Nhưng tôi ko đại diện cho ai cả. Biết đâu lại có người thích mua, nếu sách ảnh được xuất bản.
Đức Hoàng (thực hiện), Theo báo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét