Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

(1) Xót xa vợ con lính lê dương từng tham chiến ở VN

Đọc bài này mình hơi buồn. Việc tìm lại bố mẹ là hợp lý nhưng nhất thiết phải tìm để được sang sống ở châu Phi sao ? Sống ở Việt Nam khổ và tủi nhục quá sao ? Đành rằng cái nhà nước, cái thể chế Việt Nam hiện nay đã quá thối nát không thể chấp nhận được nhưng thôi makeno, hãy nghĩ đến bên cạnh chúng ta còn có nhân dân tuyệt đại bộ phận là tốt bụng với nhau, còn có cộng đồng, làng xã và anh em bà con ruột thịt. Sang châu Phi sống để làm gì ?
Lời khẩn cầu của vợ con lính lê dương từng tham chiến tại Việt Nam
Đỗ Doãn Hoàng/ Lao động - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập Nông trường Việt-Phi để tiếp nhận hơn 300 hàng binh người châu Âu, châu Phi (…). Những người này đã khai hoang, chăn nuôi hàng ngàn bò sữa, trồng lúa, trồng sắn, trồng mía, cung cấp được cho các nhà máy đường Tam Hiệp, Vạn Điểm. Nhiều người trong số họ đã cưới phụ nữ Việt Nam”.
Chị Xuân với chiếc răng mang sang Morocco để 
xét nghiệm ADN tìm gia đình của bố đẻ mình
Cuộc chiến chống thực dân Pháp của chúng ta đã chính thức kết thúc vào năm 1954. Nhưng, cuộc tìm về quê cha của những đứa con lai da đen, da trắng, da màu sinh ra trên đất Việt thì hơn nửa thế kỷ qua, chưa một ngày thôi đẫm nước mắt. Nhiều đứa con da đen, da màu, da trắng đã được sinh ra bằng các cuộc hôn nhân chính thức, nhưng bao năm qua họ vẫn tuyệt đường về quê cha, họ bị vứt ra vỉa hè, nhiều người đã đổ đời vào ma túy, tù tội thảm thương.
Giai đoạn lịch sử “độc nhất vô nhị” đã sản sinh ra những phận người ấy

Sau giải phóng Điện Biên, nhiều hàng binh (lính lê dương) là người gốc châu Âu, châu Phi đã được Chính phủ đưa về lao động tại Nông trường Việt-Phi (Ba Vì, Hà Nội ngày nay). Lúc cao điểm có tới hơn 300 người lao động xã hội chủ nghĩa rất khí thế tại đây. Người Việt, người Morocco, Tunisia, Algieria, Pháp, Italia, Hà Lan, Romania…, nhiều màu da quốc tịch cùng “chung tay xây dựng quê hương mới”.

Họ trồng mít, dứa, càphê, sản xuất lúa khoai rất vui vầy. Có đội sản xuất, có các khu nhà Mít, nhà Dứa, nhà Khoai với nhiều cặp vợ chồng “hôn nhân xuyên biên giới”. Đàn bà con gái Việt Nam làm vợ các hàng binh Âu, Phi rất nhiều. Việc kết hôn của họ do tổ chức giúp đỡ, họ được chia đất làm ăn, có đăng ký, đẻ con ra có khai sinh đàng hoàng.

Bà Mùi, vợ lính lê dương đang sống ở Đoan Hùng, Phú Thọ. 

Sau này, khoảng giữa những năm 60, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nông trường Việt-Phi đã được di dời lên Yên Bái. Nhờ quá trình chiến đấu, sản xuất tốt, nhiều lính Âu Phi đã được nhà nước ta tặng nhiều phần thưởng cao quý. Lần lượt, nhiều người đã đưa vợ Việt và các đứa con lai về nước. Có nước chấp nhận đưa “hàng binh” về sớm, có nước cho về rất muộn.

Có rất nhiều gia đình, cả bà vợ Việt và đàn con lai không thể “hồi hương” theo cha, bởi vị hàng binh xấu số kia đã chết trước khi có “lệnh” về cố quốc. Có người chết xong vài hôm thì có lệnh được trở về. Người ta bảo rằng: “Người bảo lãnh” đã chết, thử hỏi gia quyến của họ (vợ Việt và con lai) sẽ về châu Âu, về châu Phi để sống với ai?

Gia đình của hàng binh đã bỏ mạng ở miền đất nhiệt đới xa xôi Á châu này, cũng chả mặn mà gì với việc đón “con rơi vợ lạc” của họ, dẫu những “đứa bé đi tìm cha” đã sang tận trời Âu, trời Phi để liên lạc. Dẫu các đại sứ quán đã rất nỗ lực, báo chí, truyền hình bên nước họ đã lên tiếng nhiều lần; dẫu việc tìm tung tích vị lính lê dương với tên tuổi, địa chỉ, phiên hiệu, với ảnh chụp còn nguyên kia không có gì là khó khăn cả…


Chị Xuân và những người bạn Morocco gặp trên hành trình tìm cha.

Thế là, những người làm báo như chúng tôi liên tục nhận được những lá đơn kêu cứu, kiến nghị của vợ hàng binh cùng đàn con, cháu “lai tây” của họ. Chúng tôi khảo sát, riêng ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, đã có khoảng 50 người con lai, hầu hết là Morocco, Italia. Họ vẫn hằng ngày hằng giờ hái chè, nuôi bò, chạy xe ôm, rồi ước ao được “hồi hương”.

Trên cả miền Bắc, chúng tôi gặp những người da đen nhánh hoặc trắng bóc, “tây hơn cả người tây”, họ xuất hiện ở đâu là tất cả đều ngỡ ngàng thảng thốt. Họ là kết quả của tình yêu hoặc các cuộc hãm hiếp đau lòng do lính lê dương gây ra; nhưng họ chưa bao giờ căm thù bố mình. Họ luôn muốn được biết về cha, thăm quê cha. Nhiều người trong số họ đã bước vào tuổi năm sáu chục, cái khát vọng đời người ấy lại càng da diết, đau đáu hơn bao giờ hết.

Trước khi chết vẫn vươn dậy hỏi “mình sắp được về Morocco chưa anh?”

Cuộc đời của các bà Nguyễn Thị Tuệ, Lê Thị Mùi (hiện đang sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ) đã ám ảnh tôi. Người ta đã gom đủ các hạng người cặn bã của xã hội, từ trộm cắp, đĩ điếm, kẻ lang thang vườn hoa công viên vào… “lao động cải tạo” ở “trung tâm” đó; nên bà con xung quanh gọi đó là “làng độc”. 

Bức ảnh bà đẻ ra bố chị Xuân.

Đầu những năm 1970 của thế kỷ trước, vợ và con của những lính Âu, Phi không được hồi hương cũng được người ta gom cả lại vào “làng độc”. Hai bà Tuệ, bà Mùi gắn bó với “làng độc” đã mấy chục năm, nay họ đều đã ngoài 80 tuổi, cuộc sống kẽo kẹt tủi hổ vô cùng. Xung quanh họ là tiếng gào thét của những người điên trong trung tâm bảo trợ xã hội.

Bà Mùi nguyên là… “gái” trong thời thuộc Pháp. Bà kể, địa chủ từng ép bà ăn phân người, hắn cắt cả tai của bà để trừng trị đứa “con ở” để trâu ăn lúa. Một “ông chủ” khác hãm hiếp cô bé Mùi. Rồi đời bà lưu lạc đủ nghề, từng xây dựng cầu Việt Trì, vào Thanh Hóa làm đường tàu thời xã hội chủ nghĩa. Đến lúc chán nản, về thành phố lê la bệ rạc, nhìn cảnh gái tơ hơ hớ, ai đó xót xa giới thiệu bà “đi mà lấy tây cho gọn”.

Tại Nông trường Việt-Phi ở Ba Vì, bà đã cưới ông Mohamet Mizit, người Morocco, đẻ được một đàn con trai. Tất cả các con bà đều làm nông nghiệp, trồng chè ở ven “làng độc”. Có anh Mohamet Ali Lê Văn Bình (bà con gọi là “Bình tây”), đã nhiều năm theo đuổi việc kiến nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ để được về quê cha. Ông Bình cho biết, mới đây, sau gần 40 năm kêu cầu tha thiết, đã có tin vui, rằng phía Morocco đã công nhận cộng đồng con lai, cháu lai ở Đoan Hùng là “con em Morocco ở Việt Nam”.
Quả vậy, ông Mohamet Mizit cưới bà Mùi được tổ chức linh đình, có đăng ký kết hôn “cả nông trường chứng kiến” hẳn hoi. Ông Bình nhớ lại, ông Mizit đã dạy các con đối nhân xử thế, giúp đỡ người gặp hoạn nạn, dạy có làm thì mới có ăn, lao động là vinh quang. Ông Mizit chết năm 1968, tại Nông trường Việt-Phi trên Yên Bái, sau một cơn bạo bệnh. Mộ ông giờ vẫn lưu lạc ở Việt Nam. 

Anh Bình và bia mộ của bố mình - một hàng binh người Morocco.

Viên đá khắc tên ông, dự định đặt làm bia mộ, do gia đình và đồng đội ông Mizit tạo tác, giờ vẫn trang trọng đặt trên bàn thờ nhà ông Bình. Riêng ông Lê Văn Đường, cách đây vài năm, ông mắc bệnh hiểm nghèo và chết. Trước giờ nhắm mắt, nghe tin có thư từ phía cơ quan chức năng Morocco công nhận “công dân” cho anh em mình, Lê Văn Đường vẫn ngóc đầu dậy hỏi Bình “tây”: “Bọn mình sắp được về Morocco chưa anh?”. Ông Bình lắc đầu.

Em trai ông Bình là Lê Văn Chiến cũng khóc. Ông Bình trăn trở: “Hôm ấy tôi bảo, vẫn chưa được công nhận em ạ. Em tôi khóc, úp mặt vào tường và chết... Giá mà tôi biết nói dối em một câu cho chú ấy đi thanh thản. Chỉ 18 ngày sau, phía Morocco có văn bản công nhận chúng tôi là con em người Morocco sống tại Việt Nam”. Con gái ông Bình giờ làm việc ở Hà Nội, vẫn thường tìm tư liệu về đất nước Morocco, vẫn hằng ao ước được cùng gia đình về thăm miền Bắc Phi ấy. Cô bé cũng thường đi lễ ở nhà thờ Hồi giáo, để nhớ về miền đất, thứ đạo đã sinh ra và nuôi dưỡng ông nội mình…

Tuy nhiên, hành trình về quê cha của họ vẫn còn thăm thẳm lắm.
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét