Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Việt Nam thua Lào, CPC: Đừng hoảng hốt thái quá!


Đúng là không nên hoảng hốt quá thái. Và cũng đừng nên so sánh với nước ngoài quá nhiều để hốt hoảng. Hãy tập trung suy nghĩ, nghiền ngẫm về đất nước mình, tìm cách phát triển đất nước mình; đừng quan tâm tới quốc tế; đó là điều hợp lý nhất. Nếu chỉ dùng chỉ tiêu GDP đầu người để so sánh quốc tế thì cũng không thật hợp lý. Tuy nhiên, dễ thấy Lào có tài nguyên lớn, dân số ít nên GDP và thu nhập đầu người sẽ sớm vượt qua Việt Nam mặc dù mặt bằng kinh tế xã hội, trình độ phát triển của Lào vẫn thấp hơn Việt Nam rất nhiều. Mặt khác cũng phải thấy các nước này vay nợ nước ngoài ít nên tiềm năng của họ vẫn còn lớn, trong khi Việt Nam đã trở thành con nợ khổng lồ, đang có nguy cơ vỡ nợ. Thêm nữa, Việt Nam nợ khổng lồ nhưng những công trình làm ra từ tiền vay nợ nào có ra hồn, vài năm, 1-2 chục năm sẽ bị phá bỏ, làm lại... Cứ thế thì sự giầu có của đất nước đâu có tăng lên nhiều. Tôi đồng tình với nhận định của Bùi Trinh trong bài này.
Việt Nam thua Lào, Campuchia: Đừng hoảng hốt thái quá! 
Trước mắt Lào, Campucchia chưa thể phát triển như Việt Nam nhưng nếu chúng ta vẫn lãng phí mọi thứ thì nguy cơ thua có thể nghĩ tới. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã chia sẻ như vậy với Đất Việt trước số liệu khảo sát mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra về GDP bình quân đầu người năm 2013 của VN là 1.910 USD/người chỉ cao hơn Lào hơn 300USD/người và 900USD so với Campuchia.
Công nghiệp ô tô được cho là đi sau hơn Việt Nam rất lâu nhưng Campuchia đã sản xuất được xe điện Angkor EV 2013 có thể chạy được 300km/lần sạc với giá 5.000 USD.

Lào, Campuchia đang khuyến khích sự sáng tạo hơn
 – Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra khảo sát GDP bình quân đầu người năm 2013 của VN là 1.910 USD/người chỉ cao hơn Lào hơn 300USD/người và 900USD so với Campuchia. Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phải thừa nhận “Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt mình”. Ông có bất ngờ về nhận định trên không và tại sao? Theo ông, vì sao thông tin kinh tế Việt Nam thua kém những nước như Lào và Campuchia luôn gây sự băn khoăn lớn trong dư luận đến vậy?
 - Tôi nghĩ rằng từ một chỉ số GDP bình quân đầu người mà nói đến chuyện thua Lào hoặc Campuchia là sự hoảng hốt thái quá. Tuy nhiên nếu phát triển như hiện nay phải thấy thực sự là một nguy cơ.
Trên bình diện chung nếu chỉ lấy GDP làm thước đo duy nhất rồi bình luận rằng nền kinh tế chạm đáy hay chưa, hoặc nền kinh tế đi theo hình chữ V, chữ U hoặc hình SIN phần nào là võ đoán. Có thể thấy GDP nhìn từ góc độ thu nhập thì GDP bao gồm thu nhập của người lao động, thặng dư sản xuất gộp (bao gồm khấu hao tài sản cố định), thuế sản xuất (bao gồm thuế nhập khẩu) – trợ giá sản phẩm. Nên GDP bình quân đầu người không phải thu nhập bình quân đầu người.
Việc GDP bình quân đầu người quy ra USD càng phù phiếm vì cái này còn phụ thuộc vào tỷ giá và lạm phát.
Chẳng hạn một nước có lạm phát nhưng tỷ giá được neo lại thì tự nhiên cái GDP bình quân đầu người tính theo USD sẽ có con số lớn, như vậy GDP to hay nhỏ chỉ để cho vui mà chẳng phản ánh được gì. Chưa nói đến phương pháp tính toán GDP, hầu như 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia tính GDP đều không trừ đi trợ giá sản phẩm.
Chẳng hạn chỉ số tổng sản phẩm (GRDP) địa phương có trợ giá trong các chương trình bình ổn giá nhẽ ra phải trừ các khoản này ra khỏi GDP.
Tôi đã qua lại Campuchia và Lào nhiều lần kể cả mới đây thì có thể thấy trước mắt họ chưa thể phát triển như Việt Nam được về cả con người cũng như cơ sở vật chất. Nhưng nếu Việt Nam vẫn lãng phí mọi thứ, nhất là cách sử dụng nguồn nhân lực như hiện nay thì nguy cơ thua cũng có thể nghĩ tới.
 – Cùng với GDP được cho là sắp thấp hơn Lào và Campuchia, Việt Nam đang bị đánh giá thấp về năng lực sáng tạo của nền kinh tế thua Lào, tăng trưởng nền kinh tế, thu hút FDI, công nghiệp ô tô, thậm chí nông nghiệp như lúa gạo… đang thua kém Campuchia. Có thể nói dự báo VN thua Lào và Campuchia đã dần thành hiện thực được chưa, thưa ông, đặc biệt trong bối cảnh, nhiều chuyên gia đã khẳng định, Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình?
- Về trí tuệ, tôi cho rằng con người Việt Nam chẳng thua kém người nào trên thế giới này, vấn đề là cơ chế chính sách có tạo cho họ động cơ để sáng tạo không?
Cần phải nhìn nhận cách thức dạy và học ở Việt Nam có nuôi dưỡng được mầm sáng tạo hay không. Chúng ta từng thấy không ít trường hợp sáng tạo để rồi phải trả giá thì thực sự không ai còn muốn sáng tạo làm gì? Học sinh sáng tạo thì bị điểm kém, người lớn sáng tạo thì bị trù dập hoặc có thể nhận được những cái bĩu môi. Vì vậy sẽ rất khó.
Thực sự những người có tài, trí rất khó sáng tạo và thậm chí không được sử dụng. Điều này chúng ta đã thấy và nghe nhiều từ trước tới nay. Và cũng từ đây chúng ta mới có khái niệm “chảy máu chất xám” và những người không may không có chỗ nào để “chảy máu” do nhiều lý do họ có thể đói thực sự theo nghĩa đen trong khi những kẻ kém cỏi lại có nhiều cơ hội phởn phơ và có quyền dạy dỗ….
Cho nên tôi muốn nói rằng vấn đề cốt lõi là giáo dục. Quan trọng là tư duy giáo dục, người dạy phải biết rõ cần ra sản phẩm gì và người học biết được học để làm gì chứ hoàn toàn học để đi thi thì vô nghĩa.
Hiện Lào, Campuchia về kinh tế chưa vượt được Việt Nam nhưng thực tế họ đang khuyến khích người dân sáng tạo hơn.
Doanh nghiệp không ‘sống’, nền kinh tế khó vững
 – Xem xét cụ thể hơn, thưa ông, cách thức phát triển của Lào và Campuchia hiện nay giống và khác con đường Việt Nam đã đi qua như thế nào? Nếu như vậy, Lào và Campuchia có cơ hội nhìn vào bài học Việt Nam mà tránh được “bẫy thu nhập trung bình” mà Việt Nam đang vướng vào hay không? Đã có dấu hiệu gì chứng tỏ điều đó ở hai nền kinh tế này?
 Điều có thể thấy rõ nhất là nền kinh tế của 2 nước này chính sách ít can thiệp hơn.
Tôi nghĩ rằng về mặt chính sách tốt nhất đừng cố đạt tăng trưởng. Ví dụ như chủ trương gia tăng tổng cầu là hoàn toàn sai.
Phía Bộ KHĐT cho rằng, phải duy trì tăng trưởng ở mức 6-7% mới giúp tránh được tương lai gần trên nhưng theo nhiều chuyên gia đã nhận định, cách thức tăng trưởng không dựa vào phát triển sản xuất, tăng nội lực của nền kinh tế như ở VN hiện nay không đưa kinh tế Việt Nam ra khỏi vòng luẩn quẩn. Ông bình luận như thế nào về hai ý kiến trên? Theo quan điểm cá nhân ông, Việt Nam có cách nào để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” đang vướng phải, để nền kinh tế có thể đứng vững được trước những thách thức WTO sắp tới?
 – Tôi không thích cụm từ “bẫy thu nhập trung bình” và càng không thích sự mê cuồng cái tăng trưởng GDP.
Từ khi chuyển từ hệ thống hạch toán sản xuất vật chất (MPS) sang hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), nhiều chỉ tiêu của Việt Nam ngày càng tương đồng với thế giới. Đồng thời cũng phát sinh một số ngộ nhận về con số GDP như chỉ tiêu “tuyệt đối” tính toán thành tích phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.
Đồng thời một số người đã nhầm lẫn coi GDP gần như là chỉ tiêu thu nhập (lẽ ra chỉ tương quan cùng chiều), nên gây nên hiểu nhầm đáng tiếc.
Một số người đã mặc nhiên xem GDP bình quân đầu người như là thu nhập bình quân đầu người, khi nói đến GDP bình quân đầu người nhiều người lập tức so sánh đến thu nhập của dân cư.
Một số nghiên cứu cho rằng cơ cấu nền kinh tế đang có chiều hướng thay đổi chuyển từ trường phái Keynes (đường cung nằm ngang – tăng cầu làm tăng cung mà không tăng giá) sang gần hơn với trường phái classical (đường cung thẳng đứng – tăng cầu chỉ làm tăng giá).
Lý thuyết của J.M.Keynes không còn phù hợp với trường hợp kinh tế Việt Nam và như vậy chỉ tiêu GDP cũng không còn nhiều ý nghĩa. Lấy một chỉ tiêu không nhiều ý nghĩa như là chỉ tiêu duy nhất để phấn đấu trong các nghị quyết của các cấp là một điều không nên làm. Nó cũng phù hợp với xu hướng lạm phát trong những năm qua.
Một khả năng để lý giải điều này là những phát triển về số lượng trong nước (tăng lao động, tăng khai thác tài nguyên) sắp bão hòa. Ý nghĩa chính sách của điều này là những chính sách khuyến khích cần tập trung vào công nghệ và hiệu quả (efficiency) chứ không thể tập trung vào mở rộng sản xuất từ các yếu tố vốn và các ngành sử dụng nguyên liệu và lao động thô như trước.
Không còn cách nào khác để nền kinh tế thực sự ‘làm chủ’cuộc chơi thì các chính sách phải tạo được môi trường bằng phẳng cho các doanh nghiệp. Chỉ khi nào các doanh nghiệp ‘sống’ thì khi đó nền kinh tế mới có thể nói vững được.
————-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét