Đọc bài “Nhân chuyện buồn quê tôi”… nghĩ chuyện “vượt Trung”
Trần Quí Cao - Sau khi các kết quả đầu tiên của chiến dịch chống tham nhũng này được công bố, một số người trong dân chúng Trung Hoa nhìn ông Tập như một anh hùng. Qua các phương tiện truyền thông, ta lại thấy ở đây thấp thoáng hình bóng nhà cầm lái vĩ đại Mao Trạch Đông!
Không chỉ công khai áp đặt lại “tư tưởng Mao Trạch Đông” lên xã hội Trung Hoa hiện nay, ông Tập còn yêu cầu đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc từ bỏ quyền phát biểu ý kiến độc lập; siết chặt các quyền con người căn bản, tấn công xã hội dân sự, xóa bỏ quyền ứng và bầu cử tại HồngKông; thẳng tay đàn áp phong trào các sắc tộc đã bị sáp nhập vào Trung Hoa; thi hành chính sách hiếu chiến rõ rệt với lân bang (Nhật, Việt Nam, Phi Luật Tân, Ấn Độ…) (2)… Dân chúng Việt Nam có nên mong chờ một nhân vật như vậy xuất hiện trên đất nước mình?
Anh Trung có đề nghị Việt Nam nên học tập cách cương quyết trừ tham nhũng của Trung Hoa, nơi chủ tịch Tập Cận Bình đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng rất lớn, với phạm vi bao trùm, vừa “diệt ruồi” vừa “đả hổ”. Bài này xin thảo luận về tính “Độc tài-Toàn trị” hay “Dân chủ-Tự do” trong việc làm của ông Tập, dân chúng có thể trông chờ chiến dịch ông Tập mang đến các hiệu quả tích cực cho xã hội một cách lâu dài, bền vững hay không? Ta có nên mong xuất hiện một nhà lãnh đạo với một chiến dịch lớn như vậy ở Việt Nam hay không?
“Nhân chuyện buồn quê tôi” là tựa bài viết ngày 09/10/2014 về ông chánh án Hội An tham nhũng của tác giả Trần Kỳ Trung. Cám ơn anh Trần Kỳ Trung về bài viết mà tôi nghĩ có rất nhiều người cùng tâm tư. Có người bình thường và quan tâm tới thời cuộc nào, trên đất nước này, mà không có những chuyện buồn như vậy của “quê mình”? (1)
Tự do-Dân chủ và Độc tài-Toàn trị - Quan điểm của thời đại hiện nay là không tập quyền vào cá nhân hay đảng phái.
Thời đại xa xưa, khi phương tiện truyền bá thông tin và tiếp xúc thông tin ít ỏi, ai có các phương tiện này thì người đó có tầm hiểu biết vượt xa các người không có. Do đó mà xuất hiện những anh hùng lỗi lạc, kiến thức hơn hẳn người khác, “một tay thay đổi sơn hà”. Những người này có thể dựng nên một triều đại với vương quyền cai trị thần dân.
Khoa học kỹ thuật hiện nay khiến thông tin toàn thế giới lan truyền rất nhanh chóng, và phương tiện tiếp xúc thông tin cũng dồi dào, cùng khắp. Trình độ hiểu biết của các vùng khác nhau ngang bằng nhau. Thế giới trở thành phẳng. Do đó, xã hội văn minh hiện nay được tổ chức Tự do, Dân chủ, phi Chuyên chính - Độc tài, để tận dụng tâm lực, trí lực, tài lực trong các tầng lớp dân chúng mà xây dựng, điểm tô xã hội ngày càng mạnh giàu tươi đẹp. Được khởi xướng ở các quốc gia châu Âu vào thế kỉ Ánh Sáng cách nay khoảng 300 năm, cho tới nay, cách tổ chức văn minh này ngày càng được khẳng định bởi nó mang lại tinh thần khai phóng cho toàn xã hội, và do đó đóng vai trò quyết định trong việc phát triển năng lực từng cá nhân làm đất nước giàu mạnh, tri thức và quyền lợi được phân bố đồng đều hơn cho các thành viên của xã hội. Cứ xem cách tổ chức đất nước của 10 nước có GDP/đầu người cao nhất thế giới là người ta thấy ngay xã hội Tự do-Dân chủ mang tới cho dân chúng lợi ích to lớn dường nào!
Chế độ Độc tài và Toàn trị chính là chế độ phản tiến hóa, giam hãm con người trong vòng ngu dốt và nghèo đói
Quyền hành làm tha hóa con người là bài học kinh nghiệm được đúc kết bởi nhân loại. Nguyên tắc tổ chức chính quyền với sự độc lập của các quyền Lập pháp, quyền Hành pháp, quyền Tư pháp chính là để chính quyền không thể lạm quyền, chuyên quyền. Nguyên tắc này đồng thời bảo đảm quyền làm chủ của dân chúng, bảo đảm các quyền Tự do căn bản của dân chúng không bị xâm phạm. Cho nên một số nhà chính trị học cho rằng một thuộc tính quan trọng của chính thể Dân Chủ là Tam quyền phân lập!
Chế độ Độc tài và Toàn trị, nghĩa là chế độ cấm đoán Tam Quyền Phân Lập, chính là chế độ phản tiến hóa, giành cho nhà cầm quyền quyền uy cực lớn trên đa số còn lại của dân chúng. Nó phân hóa xã hội thành thiểu số cai trị và đa số bị trị như thời Trung Cổ.
Hơn nữa, nền văn minh hiện đại cho rằng mọi người trong xã hội đều bình đẳng. Bình đẳng là một giá trị cốt lõi của nhiều quốc gia văn minh tiến bộ như Hoa Kì, Anh, Pháp, Đức, Úc… Xã hội do nhiều cá nhân tạo thành, cá nhân nào cũng phải bình đẳng so với cá nhân khác. Không một cá nhân hay một đảng phái nào được cho phép tự giành quyền thống trị mãi mãi vì cho rằng các cá nhân, các đảng phái khác là lạc hậu. Chính quan điểm đòi thống trị độc tài, toàn diện và lâu dài mới là quan điểm lạc hậu. Cách thức tổ chức không bình đẳng này tạo nên sự bất bình đẳng ghê gớm về cơ hột tiếp cận Quyền lực của dân chúng, và sự mất Tự do của một đa số rất lớn dân chúng không thuộc hệ thống cầm quyền. Cách tổ chức xã hội như vậy nuôi dưỡng tham nhũng và hàm chứa nguy cơ xung đột, lật đổ, thảm sát, nội chiến… khiến đất nước luẩn quẩn trong cái vòng xoáy hận thù và bạo lực theo chu kì, không còn sức lực đâu mà phát triển.
Chế độ Độc tài và Toàn trị, chính là chế độ phản tiến hóa, tạo nên biết bao bất bình đẳng trong xã hội, tạo nên tham nhũng có tổ chức và rộng khắp, cho phép thiểu số cai trị vơ vét sạch túi của đa số bị trị. Khi thấy sự thống trị của chính mình bị đe dọa, chế độ này có thể tàn sát hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân tay không.
Ông Tập Cận Bình và chiến dịch chống tham nhũng “Diệt ruồi đả hổ”
Qua các phân tích như trên, ta thấy:
Chế độ Độc tài và Toàn trị chính là chế độ cấm đoán Tam quyền phân lập, tước bỏ các quyền Tự do căn bản của người dân, đẩy người dân từ vị trí là người chủ đích thực của xã hội trở thành người bị cai trị, từ đó người dân bị giam hãm trong vòng ngu dốt, nghèo đói và bị bốc lột cùng cực.
Trong chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình, con hổ lớn nhất cho tới nay nay là ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu nhân vật số 1 Trung Hoa trong lãnh vực Công an và Kiểm tra.
Theo các ước đoán ban đầu, mức độ tham nhũng của ông Chu Vĩnh Khang và các người có liên quan có thể lên tới vài trăm tỉ đô la. Ở Trung Hoa không chỉ có một trung tâm là ông Chu. Còn những nhân vật trung tâm khác với quyền lực và vây cánh không kém. Mỗi nhân vật trung tâm lớn như vậy lại có những nhân vật trung tâm phụ bao quanh. Dân chúng hầu như ai cũng tin rằng một trung tâm quyền lực như vậy cũng là một trung tâm tham nhũng. Sau ông Chu, dư luận đồn đoán sẽ tới ông Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí Thư, Chủ tịch nước, đồng thời Bí thư quân ủy Trung ương, người đã cất nhắc ông Chu. Tất nhiên, trung tâm quyền lực, và do đó trung tâm tham nhũng, của ông Giang chắc sẽ lớn hơn của ông Chu nhiều.
Sau khi các kết quả đầu tiên của chiến dịch chống tham nhũng này được công bố, một số người trong dân chúng Trung Hoa nhìn ông Tập như một anh hùng. Qua các phương tiện truyền thông, ta lại thấy ở đây thấp thoáng hình bóng nhà cầm lái vĩ đại Mao Trạch Đông! Không chỉ công khai áp đặt lại “tư tưởng Mao Trạch Đông” lên xã hội Trung Hoa hiện nay, ông Tập còn yêu cầu đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc từ bỏ quyền phát biểu ý kiến độc lập; siết chặt các quyền con người căn bản, tấn công xã hội dân sự, xóa bỏ quyền ứng và bầu cử tại HồngKông; thẳng tay đàn áp phong trào các sắc tộc đã bị sáp nhập vào Trung Hoa; thi hành chính sách hiếu chiến rõ rệt với lân bang (Nhật, Việt Nam, Phi Luật Tân, Ấn Độ…) (2)…
Dân chúng Việt Nam có nên mong chờ một nhân vật như vậy xuất hiện trên đất nước mình?
Chúng ta nên nhớ rằng mức độ “vĩ đại” của tính Độc tài và Toàn trị chính là nguyên nhân, là “bà đỡ” của mức độ tham nhũng “vĩ đại”. Ngày nào chế độ Độc tài và Toàn trị còn ngự trị, ngày đó sự tham nhũng còn được nâng đỡ và thúc đẩy. Khi chế độ như vậy còn, thì người dân không thể trông mong bất kì tương lai tươi đẹp lâu dài nào, cho dù thời cuộc có xuất hiện một con hổ mới đủ lớn mạnh diệt trừ con hổ đương quyền mà người dân quá chán ghét. Con hổ mới sẽ hung hăng hơn, mạnh mẽ hơn, do đó sẽ gây ra các mối họa lớn hơn cho dân chúng so với con hổ đã bị trừ khử.
Người dân chỉ có thể đặt hi vọng vào một nhân vật, một chiến dịch, một phong trào khi nhận thấy từ đó xuất hiện các dấu hiệu tiến về hướng Tự do, Dân chủ hay tiến theo hướng giảm bớt mức độ Độc tài, Toàn trị.
Người dân cũng không muốn bất kì sự đấu đá nào theo kiểu “tranh bá, đồ vương”. Mục đích của dân chúng là một chế độ Tự do Dân chủ với tất cả các đặc tính của nó, chớ không muốn bất kì một con rồng, con hổ mạnh nào tiếp tục lãnh đạo hệ thống Độc tài Toàn trị.
Với định hướng chính trị như vậy của ông Tập, chắc hẳn trong thời gian sắp tới ông sẽ đưa nước Trung Hoa tới các rắc rối nội bộ: Hồng Kông, Thượng Hải, Bắc Kinh… Tân Cương, Tây Tạng… Và các rắc rối ngoại giao cũng cũng tiềm ẩn nguy cơ cao cho sự phát triển của Trung Hoa. Cho dù có thể vượt qua những khó khăn trước mắt, thì đất nước Trung Hoa cũng sẽ không yên ổn lâu dài. Các tiến bộ về kinh tế, quân sự trước mắt không thể che lấp được lỗ hổng quá lớn của sự suy thoái các giá trị sống cốt lõi của xã hội. Càng đắm mình trong thể chế và tinh thần Độc tài-Toàn trị, một nước to lớn như Trung Hoa sẽ càng khó tìm được lối ra hội nhập với thế giới văn minh để thúc đẩy phát triển bền vững.
Do đó, chúng ta không nên chấp nhận một “Tập Cận Bình” xuất hiện tại Việt Nam. Trái lại, trong khi ông Tập đang là thiên tử của nền chính trị Trung Hoa, nước Việt Nam nên tận dụng thời cơ trang bị cho mình vũ khí Dân chủ Tự do để đứng vững một cách hòa bình trước chính sách bành trướng của Trung Hoa Cộng sản triều đại Tận Cận Bình. Tôi tin rằng dân chúng Việt Nam đang mong muốn và sẵn sàng cho sự thay đổi dứt khoát và có lộ trình thực tế. Nếu áp lực thay đổi của dân chúng và của các đảng viên tiến bộ đủ mạnh thì nhà cầm quyền sẽ phải hợp tác với dân chúng trong công cuộc canh tân to lớn này. Một bước thành công trên con đường canh tân là vận hội của đất nước ta vững vàng thêm một bước. Hai lần 5 năm, ba lần năm năm, ta sẽ thấy Việt Nam thực sự hóa rồng. Thực sự chứ không là ảo tưởng.
Dân Việt Nam chúng ta không giới hạn ước mong của mình trong hai chữ “thoát Trung”, mà sẽ là “vượt Trung”. Lịch sử đã chứng minh, khi dân chúng có cùng Tầm Nhìn và Sứ Mạng, cộng hưởng với thời cơ khu vực và quốc tế thuận lợi, Việt Nam dư sức “vượt Trung”, ít nhất ở mức độ trên đầu người.
Và không chỉ là GDP/đầu người!
T.Q.C
Tác giả gửi BVN
THAM KHẢO:
(1) Trần Kỳ Trung. Nhân chuyện buồn quê tôi. Quê Choa, Oct 9, 2014
(2) Robert Marquand – Trần Ngọc Cư dịch. Tập Cận Bình, Nhân Vật Số Một Đang Viết Lại Luật Chơi Quyền Lực Của Trung Quốc. Pro&contra, tháng 10 13, 2014
(Bauxitevn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét