Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Thư gửi ĐBQH: Bao giờ mới có trách nhiệm cá nhân?

Thư gửi các ĐBQH dự Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII: 
Bao giờ mới có trách nhiệm cá nhân?
Tranh minh họa
Thưa quý vị đại biểu!
Kỷ cương phép nước gắn liền với trách nhiệm cá nhân. Tại Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 tháng 10-2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo cáo về lãng phí trong đầu tư công ở các bộ, ngành và các địa phương. Bộ trưởng cho biết nơi nào cũng có kiểm điểm trách nhiệm nhưng chỉ nhận chung chung là của tập thể, rất hiếm người nhận trách nhiệm cá nhân. Nghe báo cáo lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên: "Bao nhiêu công trình lãng phí lộ ra đấy mà chẳng thấy ai bị xử lý, nhìn thấy đấy mà không ai chịu trách nhiệm”.

Ngày 1-10-2014, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. Ba năm tái cơ cấu đã đạt một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nên mục tiêu bảo đảm hoàn thành cơ bản tái cơ cấu nền kinh tế vào năm 2015 là không thể thực hiện được. Trong tình hình nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, bản Báo cáo giám sát lại thiếu hẳn phần quan trọng nhất như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền phát hiện: "Tôi thấy thiếu một nội dung rất quan trọng, đó là việc chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng bức xúc khi đọc cả bản báo cáo giám sát, ông đã nói "không thấy dòng nào nói về trách nhiệm”. Ông đề nghị phải phân tích thật cụ thể, ví dụ Công ty Mua bán nợ xấu (VAMC) hoạt động thế nào, thiếu cơ chế gì, tại sao mua 50.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng mới bán được có 1.000 tỷ. Đề cập đến doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu vẫn còn chậm so với yêu cầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đề nghị phải "nhấn mạnh đến trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty”. Ông nói: "Tâm lý của họ là ngại làm, đặc biệt là vừa qua trong tình trạng sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên họ lại càng ngại dù Thủ tướng rất quyết liệt trong chỉ đạo tái cơ cấu”. Ngay cả với số liệu dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm chênh nhau rất lớn, hàng ngàn tỷ đồng và đáng hết sức quan tâm cũng không có ai phải giải trình trách nhiệm trong việc vượt dự toán ngân sách”.

Đặc điểm nổi bật của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp là bộ máy nhà nước không có trách nhiệm cá nhân. Nhân dân sáng tạo ra cách làm ăn mới, năng suất, sản lượng lương thực, hàng tiêu dùng cao hơn hẳn cách làm ăn do trên áp đặt nhưng trên lại cấm nghiêm ngặt, cho là theo chủ nghĩa tư bản. Dân lại phải theo cách làm ăn cũ, tiếp tục chịu thiếu thốn đủ mọi thứ. Một số năm sau trên mới công nhận cách làm ăn của dân là đúng, không còn cấm nữa, dân không còn phải làm "chui”, no đủ ngay. Bệnh quan liêu và mê tín kinh nghiệm nước ngoài thiếu chọn lọc làm cho trên không còn học dân, tin dân và đã xa cơ sở, không còn trực tiếp được nghe dân thì thoát cái cũ làm sao được. Sai lầm lớn như vậy nhưng không có lãnh đạo nào chịu trách nhiệm cá nhân. Không có trách nhiệm cá nhân thành nếp quen: "Công của tôi, tội của chúng ta”. Mới nghe tưởng chỉ là nói giỡn, nói đùa, sao lại có thể mất đạo đức đến như thế, nhưng "công của tôi, tội của chúng ta” đã là sự thật trăm phần trăm suốt mấy chục năm qua. Tại buổi tiếp xúc với cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở quận Tây Hồ, Ba Đình, cử tri Nguyễn Phúc Nho đã nói: "Cử tri rất đau xót với lãng phí. Nói đến lãng phí toàn nói "chúng ta”, còn ít nói đến "tôi”. Phải truy trách nhiệm cá nhân những người đứng đầu”.

Thưa quý vị đại biểu

Thời gian qua, tình trạng buông lỏng trách nhiệm cá nhân càng trở nên phổ biến. Để bộ, ngành và địa phương mình lãnh đạo xảy ra tiêu cực lớn, những người lãnh đạo, đứng đầu coi như không có trách nhiệm. Có lãnh đạo tự nhận là quan liêu và coi như thiếu sót nhẹ, cấp trên của họ cũng "vô tâm” như vậy nên họ đều vô can. Bác Hồ không chỉ coi quan liêu là "nội xâm”, mà là nội xâm nguy hiểm nhất vì có quan liêu mới có tham nhũng, lãng phí. Một số nước giàu hơn ta, đã bỏ ta rất xa. Các quan chức lãng phí ngân sách nhà nước phải tự xử, từ chức hoặc bị cách chức. Người tài của ta không kém họ nhưng dùng người tài trong bộ máy nhà nước theo hướng dân giàu nước mạnh thì ta kém xa họ. Cơ chế thị trường gắn liền với trách nhiệm cá nhân, đã không có trách nhiệm cá nhân không thể có cơ chế thị trường đích thực. Trách nhiệm cá nhân của mọi quan chức ở trung ương và địa phương đều phải tách bạch, rõ ràng, bất cứ tiêu cực nào xảy ra cũng xác định ngay trách nhiệm cá nhân thuộc về ai. Nhân dân và công luận được công khai, đường hoàng nhận xét, đánh giá ưu điểm và khuyết điểm của lãnh đạo, dù cao đến đâu. Không có trách nhiệm cá nhân với các quan chức là suy thoái về đạo đức cụ thể nhất và còn phạm tội vì đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao lại còn đùn đẩy trách nhiệm cho những người khác để bản thân dù đã biến chất vẫn an toàn tại chức. Từ xa xưa, trong nhà nước phong kiến ta, nhiều quan chức rất tôn trọng trách nhiệm cá nhân, coi đó là thiêng liêng. Tổng đốc Hoàng Diệu không giữ được thành Hà Nội, để Hà Nội thất thủ vào tay giặc Pháp, ông đã thắt cổ tự tử vì chỉ có chết mới đền tội với Tổ quốc. Nhiều năm sau, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương cũng được giao giữ thành Hà Nội, nhưng không giữ nổi nên Thành thất thủ vào tay giặc Pháp. Con trai ông hy sinh tại trận còn ông bị địch bắt. Ông đã nhịn ăn đến chết để đền nợ nước.

Trong Phiên họp gần đây nhất, ngày 9-10-2014, Báo cáo thu, chi ngân sách 2014 – 2015 cho biết, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt cấm không được xây dựng công trình mới nhưng nhiều tỉnh, thành phố vẫn xin xây dựng trụ sở mới và một số công trình khác với tổng cộng 299 dự án. Nhiều lãnh đạo thừa biết trái lệnh Chính phủ, trái lệnh Thủ tướng nhưng không có trách nhiệm cá nhân để họ phải sợ. Mối họa đã được cảnh báo từ mấy chục năm trước nhưng không được lắng nghe, đến nay mối họa đã quá lớn, không ít người lãnh đạo, người đứng đầu tài và đức thấp kém chỉ làm hại đất nước nhưng vẫn tại chức nhờ chưa có trách nhiệm cá nhân. Phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy mối họa không thể lớn hơn được nữa, phải báo động hết sức cấp thiết, không thể chậm trễ mãi vì ta vay rất nhiều, phải vay nợ mới trả được nợ cũ. Trả xong nợ cũ thì nợ mới còn cao hơn, gánh nợ vay lại càng nặng thêm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp ngày 1-10-2014 để nghe kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói: "Tôi thấy còn nhiều vấn đề lắm. An ninh tài chính bị đe dọa, bội chi vẫn lớn, trả nợ là vấn đề vì chúng ta phải vay để đảo nợ rồi”.

Thưa quý vị đại biểu

Không có trách nhiệm cá nhân là nguyên nhân hàng đầu của mọi tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Thực hiện nghiêm chỉnh, đến nơi đến chốn trách nhiệm cá nhân là vấn đề sống còn của đất nước ta hiện nay. Vấn đề cốt tử này dù vô cùng khó khăn vì đã để tồn tại quá lâu nhưng không phải là không giải quyết được vì vẫn trong tầm tay của chúng ta nếu Quốc hội có thực quyền, được thực sự phát huy quyền lực nhân dân đã giao phó. Mỗi lãnh đạo trong bộ máy nhà nước dù chức vụ cao đến đâu, nếu không thực hiện trọn vẹn trách nhiệm cá nhân, Quốc hội có quyền nhận xét, đánh giá, nếu cần bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc góp ý kiến với Nhà nước, với Chính phủ để kỷ cương, phép nước lúc nào cũng được tôn trọng triệt để từ bên trên. Không có trách nhiệm cá nhân không thể là đặc quyền, đặc lợi của bất cứ ai, ngược lại lãnh đạo càng cao càng phải nêu gương hoàn thành xuất sắc trọng trách để xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Rất mong quý vị đại biểu hết sức quan tâm đến tình trạng "không có trách nhiệm cá nhân”, đặc biệt trong lãnh đạo, trải qua bao nhiêu năm không thấy có lãnh đạo nào chịu trách nhiệm về những tổn thất lớn phải từ chức hoặc bị cách chức.

Xin gửi quý vị lời chào trân trọng.

Thái Duy
(Đại Đoàn Kết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét