Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Nghề "xuống sữa", buồn nhiều hơn vui!

Nghề "xuống sữa", buồn nhiều hơn vui!
Người xuống sữa sẽ dùng hai nắm xôi nếp nóng hổi mới đơm trong nồi ra, gói vào bao nilon, sau đó cho một ít hành lá phi dầu vào và gói lại, đợi mùi hành phi thấm vào vị nếp xôi. Thời gian để mùi hương thấm vào kéo dài chừng 5 phút. Sau đó người xuống sữa sẽ nắm hai gói xôi xoa mạnh, tròn đều lên hai bầu vú của người mẹ, xoa đến bao giờ sữa màu nước trong của người mẹ chuyển thành sữa màu trắng đục là xem như thành công. 
Nuôi con bằng sữa mẹ, AFP photo
Nghề xuống sữa, có lẽ tên của nghề này nghe cũng xa lạ đối với một số nơi, nhưng với các tỉnh miền Trung, có thể nói đây là một nghề gia truyền đã lâu năm và tất cả mọi bà mẹ sinh con đều có một lần đụng đến nghề xuống sữa. Người ta nói rằng nghề nghiệp xuất phát từ thổ nhưỡng, địa trạch và khi nó phát triển, nó sẽ bổ sung cho những gì mà vùng miền sinh ra nó thiếu hụt. Nghề xuống sữa là một minh chứng.

Những nhà cách mạng thiếu sữa

Bà Tụy, 55 tuổi, người có thâm niên làm nghề xuống sữa hơn 30 năm ở Quảng Nam, chia sẻ: “Mình nấu 3 lon để xuống sữa cho 6 người. Mình nấu một lần từ đêm tới sáng, mình đi tới chiều, mình bật nút nấu của nồi cơm xuống lại để giữ nóng. Giờ thì thế chứ ngày xưa phải nấu bằng củi.”

Bà Tụy nói rằng nghề xuống sữa chỉ có thể phát triển một cách tốt nhất ở miền Trung, vào Sài Gòn hay ra Hà Nội, nghề này không ai quan tâm và có hành nghề cũng chẳng ra gì. Chính vì vậy, chỉ có ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, ngược ra Bắc thì có Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An là có nghề xuống sữa. Ở những tỉnh khác hầu như tìm không ra những người làm nghề xuống sữa.

Người làm nghề xuống sữa không có đất sống ở những vùng miền khác ngoài miền Trung, theo bà Tụy là vì chỉ có miền Trung mới có thiên nhiên khắc nghiệt, con người cằn cỗi, sống cực khổ, thiếu thốn mới có chuyện cần đến người xuống sữa. Nghĩa là phần đông các bà mẹ miền Trung khi mang thai thường ăn uống thiếu thốn so với các bà mẹ xứ khác, chính vì kham khổ, thanh bần, ăn uống thiếu chất nên tuyến sữa phát triển rất chậm và không hoàn thiện. Điều này một phần khác cũng do thời tiết khắc nghiệt khiến cho bầu sữa bà mẹ miền Trung ít khi nào có cơ hội tạo sữa một cách tốt nhất. Chính vì nguồn sữa không được ổn định nên thường không đục trắng mà ra màu sữa nhợt nhạt, sống sít.

Và, khi sinh em bé xong, các bà mẹ miền Trung phải xuống sữa, kĩ thuật này phải nhờ đến người làm nghề xuống sữa. Cũng theo bà Tụy, việc xuống sữa diễn ra cũng khá đơn giản, đó là người xuống sữa sẽ dùng hai nắm xôi nếp nóng hổi mới đơm trong nồi ra, gói vào bao nilon, sau đó cho một ít hành lá phi dầu vào và gói lại, đợi mùi hành phi thấm vào vị nếp xôi. Thời gian để mùi hương thấm vào kéo dài chừng 5 phút.

Sau đó người xuống sữa sẽ nắm hai gói xôi xoa mạnh, tròn đều lên hai bầu vú của người mẹ, xoa đến bao giờ sữa màu nước trong của người mẹ chuyển thành sữa màu trắng đục là xem như thành công. Việc này tuy đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự chú tâm trong từng nhịp thở của người xuống sữa, tập trung càng cao độ thì năng lượng trong gói xôi càng trải đều trong bầu sữa người mẹ, làm cho sữa chín thơm, giúp em bé bú vào sẽ thấy ngon miệng, không bị đau bụng và chóng lớn.

Và với thời tiết miền Trung nắng mưa thất thường, khí hậu oi ả, ngột ngạt, việc đảm bảo cho bầu sữa của người mẹ lâu bị ôi thiu cũng như không bị chua, bị đóng khối là hết sức khó khăn. Chính vì thế nhiều người mẹ đã xuống sữa, chất lượng sữa rất tuyệt vời nhưng chỉ cần vài mươi ngày, sau lễ đầy tháng cho em bé thì đột nhiên sữa bị loãng, bé bú vào đau bụng. Đó là vì khi ra tháng, người mẹ lại làm việc vất vả, vọc nước sớm dẫn đến bầu sữa bị lạnh, sữa đóng thành khối trong bầu vú mà chỉ ra những giọt nước trong. Điều này dẫn đến em bé có nguy cơ bị còi xương và người mẹ lại có nguy cơ ung thư vú hoặc viêm tuyến sữa về lâu về dài.

Đó là chưa nói đến sau khi ra tháng, người mẹ trở lại tình trạng ăn uống thiếu thốn, lao động vất vả dẫn đến sữa bị chua, thậm chí tuyến sữa lười biếng làm việc. Trong trường hợp này, cần phải xuống sữa trở lại để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho em bé. Và với người làm nghề xuống sữa có lương tri, gặp những trường hợp như thế, họ sẽ khuyên bà mẹ nên xuống sữa, thậm chí xuống sữa miễn phí.

Bà Tụy nói rằng sau ba mươi năm làm nghề xuống sữa, mỗi khi gặp những người mẹ phải xuống sữa nhiều lần vì thiếu ăn, bà cảm thấy buồn mà cũng thấy mừng. Buồn vì thấy hoàn cảnh của các bà mẹ quá tội nghiệp nhừng vì theo kinh nghiệm từ thân mẫu của bà, cũng có thâm niên 60 năm xuống sữa, tất cả những đứa bé xuống sữa nhiều lần, còi cọc và chai sần nắng gió khi lớn lên đều trở thành những nhà cách mạng cừ khôi. Dẫn chứng, bà Tụy nói rằng đa số cán bộ lãnh đạo Cộng sản khét tiếng ở Quảng Nam đều do mẹ của bà xuống sữa lúc họ mới đẻ. Điều này không lý giải được.

Buồn nhiều hơn vui


Bà Thương, người làm nghề xuống sữa ở Thừa Thiên Huế chia sẻ thêm: “Lâu rồi, làm từ thời bà mẹ đến giờ. Nói chung là nghề này buồn nhiều hơn vui. Có nhiều người ham công việc nên không quan trọng sữa, họ không biết sữa tốt hay sữa xấu, nhưng họ miễn công việc nên làm nhiều người bị sữa xấu, rất nguy hiểm. Làm công việc thì phải có lương tâm. Ngày trước mẹ của tôi, không những mẹ của tôi mà bà ngoại cố của tôi cũng làm nghề xuống sữa, toàn làm những người nghèo nhưng giờ toàn giàu có, trở thành quan chức, công chức…!”

Theo bà Thương, làm nghề xuống sữa buồn nhiều hơn vui. Buồn vì nhiều nguyên nhân, lý do, nhưng trong đó, nguyên nhân chính vẫn là thu nhập, vì hiện tại, người thất nghiệp quá nhiều nên người ta đổ xô vào các bệnh viện để nuôi bệnh thuê, xuống sữa thuê. Nghiệt nỗi là nhiều người không có kinh nghiệm, thậm chí không hiểu được ý nghĩa của việc xuống sữa, chỉ vì thất nghiệp nên làm càng. Điều này dẫn đến tình trạng sẽ có nhiều em bé bị nguy hại sau này.

Vừa nói vừa đùa, bà Thương nói rằng theo kinh nghiệm xuống sữa của mình, bà tin rằng nhà nước Cộng sản xã hội chủ nghĩa sẽ còn tồn tại rất lâu nhờ vào những đứa bé nhà nghèo miền Trung. Chính vì nguồn sữa bất thường và dinh dưỡng không đảm bảo, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, con người sinh ra và lớn lên sẽ có chiều hướng quái dị so với bình thường. Và bằng chứng của điều này là mặc dù miền Bắc là miền Cộng sản nhưng miền Trung lại có người phụng sự cho chế độ Cộng sản nhiều nhất, có số lượng liệt sĩ Cộng sản cũng nhiều nhất. Điều này do đâu mà có nếu không nhờ vào nguồn sữa cách mạng của người mẹ cùng thời gian, năm tháng?!

Nói đến đây, bà Thương cười buồn và cho biết thêm là bà sẽ làm nghề xuống sữa cho đến lúc nhắm mắt. Vì đó là sứ mệnh của bà, dù có đói bà cũng sẽ thực hiện trọn vẹn sứ mệnh này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét