Miền Trung nở rộ dịch vụ mai táng
Thời gian gần đây, khắp các tỉnh miền Trung nở rộ dịch vụ mai táng, đặc biệt, ở các thành phố như Quy Nhơn, Tuy Hòa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Huế, Đông Hà, Đồng Hới… Các dịch vụ này rất được ưa chuộng và chủ dịch vụ ăn nên làm ra đáng kể.
Dịch vụ mai táng trọn gói, RFA photo
Thậm chí, ở các huyện nhỏ miền Trung, loại dịch vụ này cũng phát triển khá mạnh. Trong khi đó, các loại hình tang ma đoàn thể, xóm giềng vẫn đang hoạt động dưới sự bảo trợ của nhà nước, nhưng nghe ra, có một vấn đề gì đó rất khó nói.
Giềng mối xóm làng bị xói mòn?
Một ông chủ dịch vụ mai táng ở Quảng Nam tên Hùng, chia sẻ: “Bây giờ thì nghèo có đám 5 triệu – 7 triệu cũng có, giàu thì vài chục triệu cũng có, trung trung thì cỡ 10 – 15 triệu. Bây giờ nhìn thế chứ không bằng hồi xưa, nhà nào có tiền nhiều thì đông người, nhà nào mà họ không uống được ly rượu không hút được điếu thuốc thì họ ít tới, tình làng nghĩa xóm bây giờ không bằng hồi xưa ông bà mình. Thì họ sống vì tiền chứ gì nữa, ngày xưa ông bà mình sống thì tình làng nghĩa xóm khác nghe họ mất là tới chứ không phải như giờ, giờ họ sống sao a!”
Theo ông Hùng, hiện nay, nếu tính cả khu vực miền Trung, số lượng dịch vụ mai táng có thể lên đến vài ngàn dịch vụ. Và cụ thể, dịch vụ mai táng làm những gì? Đó là họ đảm nhận, thay thế tất cả những thủ tục, nghi lễ đối với người vừa qua đời, từ khâu cung cấp quan tài, bàn thờ vong linh, trang trí bàn thờ, lều trại đám tang cho đến ban nhạc lễ tang, thầy cúng, khâm liệm, xe đưa tang xuống huyệt, thậm chí cả xây huyệt mộ, dịch vụ mai táng cũng đảm nhận luôn.
Một khi mọi nghi lễ và thủ tục đối với người qua đời được dịch vụ hóa như vậy, sẽ có một câu hỏi về tình làng nghĩa xóm cũng như sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm trong các nghi lễ, thủ tục tang ma. Liệu dịch vụ mai táng có làm cho đám tang trở nên đơn lạnh vì thiếu bàn tay chia sẻ của làng xóm? Tự đưa ra câu hỏi và tự giải thích, ông Hùng nói rằng điều này hoàn toàn không phương hại đến sự ấm áp của đám tang cũng như tình làng nghĩa xóm.
Vì hiện tại, vấn đề tang ma cũng như tình làng nghĩa xóm đang bị xói mòn một cách khó tả. Nghĩa là tuy sống ở quê, tuy cùng vào ra sinh hoạt và gặp mặt hằng ngày nhưng tình cảm của con người đối đãi với nhau đã hoàn toàn khác xưa. Sự ấm áp, lòng lân mẫn giữa những người cùng chung xóm đã mất dần. Bên cạnh đó, những kiểu sinh hoạt ban bệ như trưởng thôn, trưởng xóm, tổ trưởng vô hình trung làm cho những giềng mối xóm làng trở thành một thứ thủ tục hành chính. Sự thiên vị từ gói quà cứu trợ lũ lụt cho đến miếng thịt cúng xóm hay két bia cho nhóm đứng đầu xóm nhậu nhẹt với nhau đã đẩy cộng đồng xóm làng thành hai thái cực: kẻ quản lý và người chịu quản lý.
Mà một khi giềng mối xóm làng bị biến tướng thành thứ cơ cấu hành chính dựa trên quyền lực nhóm và nhen nhóm sự tiêu cực thì mọi mối dây, trách nhiệm tương thân tương ái bị bào mòn, người ta không còn quan tâm đến sự khốn khổ hoặc cái chết của đồng loại bằng quan tâm đến sự giàu có, đến đồng tiền mà đồng loại kiếm được. Chính vì sự tan vỡ giềng mối xóm làng này mà trong thời gian vài năm trở lại đây, đã có rất nhiều đám tang nhà nghèo phải quạnh hiu, không người khiêng, thậm chí có nhiều đám tang nhà giàu vẫn không có làng xóm khiên bởi con cái của họ không đi lại, nhậu nhẹt với xóm làng. Điều này làm tổn thương nặng nề đến tình cảm của những người thân gia đình quá cố.
Sự ra đời và nở rộ dịch vụ mai táng ở khắp các tỉnh miền Trung và sự ăn nên làm ra của họ là câu trả lời chính xác nhất của tình trạng đáng buồn này. Ông Hùng nói thêm là trước đây ông chỉ lo phần cung cấp quan tài, khâm liệm, nhà tang lễ và xây mộ thì hiện tại, cung cấp lực lượng khiêng đám tang cũng là loại hình hái ra tiền. Điều này cũng chứng minh thêm rằng những đội khiêng đám tang chuyên nghiệp do các dịch vụ cung cấp luôn tạo cảm giác ổn định và yên tâm, không tùy hứng và được chăng hay chớ như các đội trợ tang xóm làng. Trong khi đó, mức chi phí trả cho đội trợ tang chuyên nghiệp cũng cao tương đương với tiền lại quả, tiền giặt áo quần, tiền phong bì cảm tạ đối với đội trợ tang của xóm.
Dịch vụ giảm đi sự nhập nhằng
Một người chủ dịch vụ mai táng khác tên Phong, ở Đại Lộc, Quảng Nam, chia sẻ thêm: “Làm sao bằng được, xã hội bây giờ thoái hóa nhiều rồi, như mười người chỉ còn 3 người, 7 người kia ở đâu đâu a, xu hướng bây giờ, xã hội bây giờ thế thôi, cả nền giáo dục dở dở ương ương nữa. Thì bị ảnh hưởng thế này, người thế này người thế kia.”
Theo ông Phong, sự ra đời của dịch vụ mai táng cũng như sự ăn nên làm ra của các dịch vụ này vừa đáng mừng lại vừa đáng buồn. Đáng mừng vì sự chuyên nghiệp hóa mọi thứ cũng như sự tư vấn từ nhà cung cấp dịch vụ đối với tang chủ giúp cho họ bớt lúng túng và tránh được những sơ xuất trong quá trình tang lễ. Hơn nữa, nhà cung cấp dịch vụ có thể cung cấp toàn bộ những gì cần có trong đám tang nhưng không cần thu tiền ngay, vấn đề chi phí sẽ giải quyết sau khi đã chôn cất người qua đời tử tế.
Nếu như không có dịch vụ mai táng, trong một số trường hợp chủ tang có điều kiện kinh tế khốn khó, ít quan hệ với xóm làng, e rằng tang ma khó có thể diễn ra ấm áp và không tránh khỏi lúng túng một khi phải chạy đôn chạy đáo để vay mượn tiền mua quan tài, mua khăn tang cũng như các thủ tục tang ma. Và tất cả những bối rối, đơn chiếc trong tang sự, dù sao chăng nữa, dịch vụ mai táng cũng phần nào chia sẻ, gánh vác và giải quyết nhanh gọn.
Cũng theo ông Phong, dịch vụ mai táng có miền Trung có một đặc trưng, đó là tính chia sẻ, trong một số trường hợp, chủ tang sự có điều kiện kinh tế quá eo hẹp, lại thuộc diện gia đình đơn chiếc, dịch vụ của ông sẽ phục vụ miễn phí, chỉ lấy đúng số tiền quan tài và một số tang cụ đã mang đến phục vụ. Chỉ cần chủ nhà nấu cơm để ban dịch vụ có thời gian làm việc, khỏi phải đi ăn bên ngoài là đủ rồi. Không riêng gì dịch vụ của ông Phong, hầu như các dịch vụ mai táng ở khắp miền Trung đều có cách hành xử giống ông Phong, vì nghĩa tử là nghĩa tận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét