Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Hội An: Bãi tắm Cửa Đại đã biến mất

Biển đang “nuốt” di sản Hội An
TP - Những đợt triều cường khoét sâu xuống đáy kèm theo từng con sóng đánh tan tành bờ biển Cửa Đại (Hội An) khiến nguy cơ biển nuốt di sản văn hóa thế giới Hội An đã rất cận kề. “8 năm qua, biển đã ăn sâu vào đất liền 150m, riêng tháng vừa rồi biển lấn thêm 30m, mất luôn bãi tắm Cửa Đại” – Phó Chủ tịch phường Cửa Đại, ông Lê Công Sỹ ngao ngán. Không thể tin nổi chỉ trong một tháng, thậm chí mấy ngày mà biển lại đánh mất cả bãi tắm như thế. Đó là phần đẹp nhất của biển Hội An

Sạt lở nghiêm trọng mất cả bãi tắm. Ảnh: Nam Cường
Mất bãi tắm, sập resort
Hội An những ngày này mưa tầm tã, song chỉ cần tạnh một chút, ngay lập tức đơn vị thi công hối hả đưa xe, nâng bao cát thi công kè mềm. “Nếu chậm trễ, mưa giông, bão đến thì nguy to” – một kỹ sư phụ trách thi công nói vội.

Bãi tắm Cửa Đại - địa chỉ nổi tiếng với hàng triệu lượt du khách xưa nay, giờ đã không còn. Thay vào đó là từng đợt sóng hung hãn chồm húc vào bờ muốn đánh văng từng gốc dừa, dương liễu.

Chị Dương Thị Hương – chủ quán nhậu bên bãi biển, kể: Không thể tin nổi chỉ trong một tháng, thậm chí mấy ngày mà biển lại đánh mất cả bãi tắm như thế. Đó là phần đẹp nhất của biển Hội An. Có những đêm ngủ dậy, sáng ra đã thấy biển ăn thêm mấy mét. Kinh khủng”.

Theo quan sát của chúng tôi, nếu trời mưa và sóng lớn, ở những chỗ chưa kịp làm kè tạm thời, biển tiếp tục xói từng mảng. Cách bãi tắm chừng 1,5km là 2 resort đã xây xong, sắp đưa vào sử dụng nhưng đành ngưng lại.

Một ngôi nhà phía trước resort Fuison Alya đã đổ sập xuống do biển xâm thực quá sâu. Mặc dù bờ kè phía trên còn nguyên nhưng kỳ thực, sóng biển đã đánh hẫng phần dưới, rút toàn bộ cát trôi ra biển khiến móng của ngôi nhà này bị sập xuống.


Có tới 6 khu resort ven biển Cửa Đại đang đứng trước nguy cơ sập hoặc trôi ra biển trong ngày một ngày hai. Theo Phó Chủ tịch phường Cửa Đại Lê Công Sỹ, vấn đề ở đây là sự bất thường, “Chưa lúc nào chúng tôi thấy kinh hoàng như hiện nay” ông Sỹ nói.


Tấm “giáp sắt” và bao cát là phương pháp tạm thời chống biển xâm thực

Mặc “giáp sắt”, đầu tư nhỏ giọt

Bờ biển Cửa Đại thơ mộng những ngày này đang phải mặc “giáp sắt” với chiều dài khoảng 300m (kinh phí 3,5 tỷ) ngay phía trước, tức là đóng cừ, làm tấm chắn sóng tạm thời để thi công kè mềm.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch thành phố Hội An, cho biết: Tình trạng biển xâm thực gây sạt lở Hội An đã vô cùng nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh cũng như thành phố đang khẩn trương đánh giá tình hình để sớm có giải pháp căn cơ.

“Phải đóng cừ sắt phía ngoài để ngăn sóng lớn, nếu không thì tan hết cả”, ông Dũng cho biết. Theo ông Dũng, 8 năm trở lại đây, biển lấn vào Hội An 150m. Gần đây trung bình mỗi ngày biển “móc” chiều sâu 1–2m. Chính bởi biển “nuốt” cả chiều sâu gần bờ nên tốc độ xâm thực gây sạt lở là rất nhanh và nghiêm trọng. Nếu đường vành đai ĐT 603 mất, hiểm họa cho phố cổ là khó lường.

Được biết, năm 2012 – 2013, Quảng Nam bỏ ra 54 tỷ đồng hoàn thành 1,5km bờ kè Cửa Đại. Tuy nhiên vẫn còn 715m đoạn giữa resort Victoria và resort Fuison hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, tỉnh khẩn trương đầu tư 10 tỷ, Hội An bỏ ra gần 5 tỷ để làm kè tạm.

Ông Dũng cho hay tất cả chỉ là những giải pháp tạm thời bởi đoạn bãi tắm không thể nào thi công kè cứng và với sự đầu tư nhỏ giọt như vậy, sẽ không có giải pháp căn cơ để dứt điểm nạn xâm thực.

“Năm 2008 có dự án 800 tỷ để làm kè sông, kè biển Hội An, nhưng đó là dự toán kinh phí trên giấy. Hiện không chỉ riêng bờ biển mà đoạn kè phố cổ từ cầu Cẩm Nam đến chùa Cầu cũng bị sạt lở, ảnh hưởng nhiều. Cứ đến mùa mưa lụt là Hội An khổ. Nếu không dứt điểm, đầu tư một lần, để biển lấn vào sông gây sạt lở, lụt mỗi năm hai bận. Di sản Hội An nguy mất”, ông Dũng nói.

“Bất thường là do hiện tượng tự nhiên” (?)

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phú – GĐ Sở Xây dựng Quảng Nam cho hay, ngay sau khi xảy ra hiện tượng sạt lở bất thường, tỉnh cùng Hội An đã mời các chuyên gia đầu ngành (lãnh đạo Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam cùng 2 chuyên gia phản biện là giảng viên trường ĐH Bách khoa TPHCM).

“Các chuyên gia kết luận bất thường là do hiện tượng tự nhiên thay đổi dòng hải lưu chứ không phải do việc xây dựng kè mỏ hàn của resort Golden Sand (dài 55m ra biển, 93m song song khách sạn trong khi các resort khác xây kè cứng hoặc kè mềm - PV) như nhiều người nghĩ.

Golden Sand xây kè mỏ hàn đúng thời điểm sạt lở nên gây nhầm tưởng. Chúng tôi đình chỉ, yêu cầu giải trình, khắc phục là do họ xây dựng kè trái phép chứ không phải do sạt lở”.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bien-dang-nuot-di-san-hoi-an-777171.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét