Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Gián điệp hay trộm cắp?

Gián điệp hay trộm cắp?
Trần Lý Lê - Chuyên viên Hoa Lục đã gieo tai tiếng khắp nơi về việc âm thầm thu nhặt rồi bỏ túi mang về Tàu theo đúng chủ trương “năng nhặt chặt bị”. Đi tới đâu cũng thu góp những bí mật của quốc gia chủ nhà, từ các bí mật quốc phòng qua mấy tay gián điệp đến những kỹ thuật mới mẻ tân tiến trong các lãnh vực thương mại, kỹ nghệ khác như những hạt giống lai tạo đắt giá mà dân Tàu không chịu bỏ tiền ra mua, chỉ len lén bỏ túi đem về để bắt chước chế biến.

Huê Kỳ cáo buộc 5 binh sĩ Hoa Lục (Chines People’s Liberation Army) tội đạo tặc, đã xâm nhập các hệ thống điện toán của một số công ty Huê Kỳ - NGUỒN COLLAPSECHINA.BLOGSPOT.COM

Gần đây tòa án liên bang Huê Kỳ đã cáo buộc 5 binh sĩ Hoa Lục (Chines People’s Liberation Army) tội đạo tặc, đã xâm nhập các hệ thống điện toán của một số công ty Huê Kỳ để dòm dỏ và đánh cắp các tài liệu quý báu về kỹ thuật, về cung cách làm ăn buôn bán. 

Tất nhiên là phía Trung Cộng lắc đầu quầy quậy, bĩu môi chê Huê Kỳ đặt điều vu khống để che giấu tội gián điệp dòm dỏ người khác.
Qua vụ rò rỉ NSA từ Edward Snowden, dù chỉ dòm dỏ, rình mò bá tánh (có thể với mục đích quốc phòng, nội an?) nhưng Huê Kỳ chưa hề bị cáo buộc tội ăn cắp kỹ thuật [để làm giàu] như Hoa Lục.

Trong thời buổi cạnh tranh thương mại ráo riết, hầu như công ty nào cũng dòm dỏ, nhìn quanh để thẩm định sức tranh đua của chính họ so với các công ty trong “nghề”; hầu như quốc gia nào cũng có ít nhiều “gián điệp” thu góp dữ kiện kỹ thuật, tài chánh (industrial espisonage) từ những nơi khác nhưng con cháu ông Mao xem ra hung hăng, lộ liễu và ngang ngạnh nhất.

Vì đói khát kỹ thuật, ít sáng tạo nhưng giỏi bắt chước nên chuyên viên Hoa Lục được gửi ra ngoại quốc “tu nghiệp” thường mang theo sứ mạng dòm dỏ rồi… xốc [đồ của kẻ khác] vác [về nhà]! Hoa Lục chưa xây dựng được hạ tầng cơ sở của ngành nghiên cứu, chưa chịu đầu tư lâu dài [vài chục năm] trong việc tìm kiếm và sáng tạo như những quốc gia tân tiến và giàu có khác nên họ ăn xổi qua cách ăn cắp kỹ thuật để chế tạo và chế biến. Vì không phải tài trợ các chương trình nghiên cứu tốn kém nên sản phẩm chế biến từ Hoa Lục giữ được giá rẻ rề chưa kể phí tổn rất thấp về nhân công.

Điển hình là câu chuyện [năm ngoái nhưng] còn nóng hổi trong các buổi thảo luận của ngành kỹ nghệ canh nông. Sáu chuyên viên canh nông Tàu bị cáo buộc tội ăn cắp các hạt giống bắp ngô lai tạo; giống bắp ngô có thể sống trong vùng khí hậu ít mưa và ít bị nhiễm sâu bọ. Để có các hạt giống này, những công ty canh nông như Dupont Pioneer, Monsanto và LG Seeds đã tiêu xài cả mấy chục triệu Mỹ kim để nghiên cứu rồi thử nghiệm trước khi bán ra thị trường nông nghiệp.

Chuyên viên Tàu qua Mỹ chỉ việc lẻn ra các cánh đồng bắp ngô tại Iowa đào xới rồi lẳng lặng giấu giếm đem về, gây giống trong phòng thí nghiệm của họ rồi cấy trồng rầm rộ, khỏi tốn tiền tốn của mua tác quyền hay mua hạt giống của công ty chủ nhân từ Huê Kỳ. Từa tựa như việc họ quăng ít tiền chẵn mua gọn đám đầu nậu rồi cướp trọn gói lãnh thổ Việt, tha hồ khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và đổ rác. Gọn bân!

Việc trộm cắp xảy ra vào năm 2011 khi người gác cổng của công ty Pioneer Hi-Bred, chuyên chế biến hạt giống, bắt gặp một anh chàng lom khom đào xới trên cánh đồng [thí nghiệm] của công ty. Một hình ảnh rất khác thường khiến người gác cổng lấy làm lạ và “hỏi thăm”. Kẻ cắp xưng tên Mo Hailong, nhận [vờ] là nhân viên của trường đại học Iowa, nhân dịp đi dự cuộc hội thảo gần đó nên… tiện tay mượn cây để thí nghiệm, ra cái điều lấy cây về nghiên cứu cho trường đại học. Kể lể xong kẻ cắp vội vàng lên xe rồ máy bỏ chạy!

Nội vụ được chính phủ liên bang âm thầm điều tra và tìm ra 5 đồng bọn trộm cắp khác. Ông Mo và đồng bọn bị kết tội ăn cắp hạt giống bắp ngô để mang về Tàu. Đồng bọn thứ bảy, bà Mo Yun, bị kết tội ăn cắp tài liệu thương mại để cung cấp cho công ty hạt giống của ông chồng, the Beijing Dabeinong Technology Group Company.

Bản cáo trạng cho thấy rằng suốt sáu năm ròng rã, nhóm trộm cắp này đã lang thang qua khắp các cánh đồng từ Iowa đến Illinois để ăn cắp các hạt giống lai tạo của công ty Pioneer, Monsanto và LG Seeds. Nhóm trộm cắp thuê các kho dự trữ cất giữ của ăn cắp, mua đất để trồng thử và chế tạo các câu chuyện hầu che giấu và phi tang. Trong các mẩu đối thoại (thu âm được bởi chính phủ Huê Kỳ), các phạm nhân biết rõ việc làm phi pháp của mình. Họ bảo nhau rằng cái tội [ăn cắp] này lớn lắm, ta có thể bị kết tội ‘gián điệp’… Năm 2012, ba người trong nhóm lén lút mang các hạt giống ra khỏi Huê Kỳ, cả trăm hạt giống được ngụy trang trong vỏ hộp bắp ngô Orville Redenbacher và gói trong các mẩu khăn ăn của cửa hàng Subway. Tang vật bị tịch thu là những hạt giống lai tạo quý giá, các hạt giống “gốc” dùng để gây giống lai tạo và bán ra thị trường cho nông gia.

Cách lai tạo hạt giống là một tài sản quý giá của công ty chế tạo; các công ty này đã tiêu xài mấy chục triệu Mỹ kim qua nhiều năm để tìm kiếm các di thể giúp bắp ngô chịu được hạn hán và miễn nhiễm (chống lại bệnh tật từ vi sinh). Nông gia trồng cấy với các loại hạt giống này sẽ tiết giảm được sự rủi ro mất mùa, lỗ lã.

Tạm hiểu là các tay ăn cắp bài bản kia ý thức được việc làm của họ và hiệu quả cũng như hậu quả nhưng vẫn cố tình phạm pháp; họ không phải là những kẻ cắp đường chợ, kết bè kẻ đá cá người lăn dưa độ nhật.

Từ khi Quốc Hội Huê Kỳ thông qua đạo luật the Economic Espionage Act in 2006. Bộ Tư Pháp liên bang đã đưa ra tòa một số nghi can, cáo buộc họ tội “gián điệp” (espisonage) qua các hành động giúp đỡ Tàu Cộng.

Ca gián điệp nổi tiếng nhất là câu chuyện về ông Dongfan “Greg” Chung, một công dân Huê Kỳ làm việc trong chương trình thám hiểm không gian của trung tâm không gian Huê Kỳ, NASA. Năm 2009, ông Chung bị kết tội gián điệp sau khi nhà chức trách tìm ra cả ngàn trang tài liệu mật về quân đội và các kỹ thuật không gian tại nhà riêng. Ông Chung, nguyên là nhân viên của Boeing, bị xử phạt 15 năm tù ở.

Một thân hữu của ông Chung, Chi Mak, bị kết án 24 năm tù ở về tội trao tài liệu về chiến hạm và tiềm thủy đĩnh Huê Kỳ cho Tàu Cộng!

Zhang Weiqiang (MoHailong) bị cáo buộc ăn cắp hạt giống 
của công ty Pioneer Hi-Bred - NGUỒN VOCATIV.COM

Năm đó, Công Tố Viên Greg Staples đã kết luận rằng trao tài liệu mới nhất về kỹ thuật phóng hỏa tiễn cho Tàu Cộng không phải là một hành động ‘thân thiện’ với quốc phòng Hoa Kỳ. Nói giản dị là “phản quốc”!


Những năm gần đây, Hoa Lục trở thành nơi nhập cảng bắp ngô lớn nhất, việc trộm cắp kể trên có thể là để gia tăng mức sản xuất địa phương (hầu tiết giảm việc nhập cảng). Nôm na là anh nhà giàu chỉ thích tìm cách vơ về, cần hàng hóa nên phải đi mua nhưng vẫn tìm cách gây dựng qua việc tự sản xuất để có sản phẩm rẻ hơn và không cần lệ thuộc vào người bán. Quốc gia nào cũng muốn gầy dựng căn bản kinh tế theo mô hình ấy nhưng không mấy ai xông pha trộm cắp một cách rầm rộ và lộ liễu như Tàu Cộng.

Các chi tiết của ca trộm cắp kể trên cho thấy rằng việc duy trì, bảo mật các tài sản trí tuệ của các công ty Huê Kỳ là một điều khá khó khăn nhất là khi công ty cạnh tranh cố tình thu góp tài liệu qua các hoạt động trộm cắp phi pháp.

Tất nhiên việc trộm cắp hạt giống bắp ngô của Tàu Cộng chỉ là một trong nhiều thí dụ khác. Chuyên viên Hoa Lục đã từng bị cáo buộc tội trộm cắp kỹ thuật gây giống lúa gạo và cả kỹ thuật hàng không. Việc trộm cắp tài sản trí tuệ (intellectual property) dàn trải qua nhiều ngành kỹ nghệ khác nhau cho thấy rằng đây là quốc sách của Tàu Cộng. Gửi chuyên viên đi du học, tu nghiệp để xâm nhập vào các đại học và công ty nổi tiếng về kỹ thuật như canh nông, hàng không và điện toán hầu thu góp tài liệu cũng như vật thể quý giá khuân về nhà!

Để thu góp kỹ thuật mới mẻ, về quốc phòng cũng như dân sự, chính phủ Tàu Cộng không chỉ dùng gián điệp thứ thiệt, những người được huấn luyện kỹ lưỡng để dò la dòm dỏ, họ dùng cả sinh viên, chuyên gia để làm việc trộm cắp. Những người này vì tinh thần “quốc gia” hay vì thân nhân còn ở lại (con tin) nên đã ra tay trộm cắp từ đất nước, công ty hay đại học dang tay cưu mang họ!

Trộm cắp bí mật quốc phòng là chuyện thường nhật của gián điệp khắp nơi nhưng dùng gián điệp để ganh đua thương mại thì Bắc Kinh dẫn đầu; có thể vì quốc gia này đang cố gắng hiện đại hóa đất nước họ hầu bám gót các quốc gia tiên tiến khác. Hành vi trộm cắp giúp Hoa Lục “chạy” nhanh hơn, không tốn khoảng thời gian nhiều năm tìm kiếm, thử nghiệm.

Yan Wengui

Gần đây các hoạt động của chuyên viên Hoa Lục đã nhắm đến các kỹ nghệ khác như năng lượng mặt trời, nhôm & thép và cả năng lượng nguyên tử!


Ca mới nhất là quân đội Tàu gửi đạo tặc xâm nhập hệ thống điện toán của Hoa Kỳ.

Ông Thomas Metz, thám tử của FBI, trình bày trước quốc hội Hoa Kỳ rằng việc nhận diện, truy tầm và xử phạt các hoạt động trộm cắp tài sản trí tuệ và tài liệu thương mại bí mật cũng như tài liệu quốc phòng là công việc quan trọng, chỉ xếp hàng nhì sau việc theo dõi khủng bố, của cơ quan này.

Quan trọng như thế nên Tòa Bạch Ốc cũng quan tâm, Tổng Thống Obama đã lên tiếng than phiền với người đồng sự Tập Cận Bình về việc trộm cắp của đạo tặc Tàu Cộng. Và dĩ nhiên ông Tập phe lờ rồi xoay qua rỉa rói Huê Kỳ việc NSA theo dõi bá tánh. Chẳng bao giờ hai cái sai lại trở thành một cái đúng nhưng nội các Obama đang thử vạch một đường ranh rõ ràng giữa hai hành vi “gián điệp quốc phòng” (military espisonage) và “trộm cắp tài sản thương mại” (economic theft). Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney khẳng định rằng gián điệp Huê Kỳ không hề trao các dữ kiện liên quan đến thương mại cho công ty buôn bán nếu họ thu góp được tin tức quý giá.

Hiện nay, kỹ nghệ quốc phòng và thương mại xem ra ít liên hệ với nhau nên đường ranh kia có vẻ rõ ràng, hành động dòm dỏ có lợi cho kỹ nghệ nào, quốc phòng hay thương mại; nhưng trong tương lai liệu đường ranh kia còn rõ ràng nữa hay không thì Dế Mèn chịu thua, nhất là khi SpaceX, công ty thám hiểm không gian, là của tư nhân (ông Elon Musk). Khi nào thì tài liệu của SpaceX không phải là bí mật quốc phòng liên quan đến không quân Hoa Kỳ? 

http://baotreonline.com/ky-su/Tap-ghi/gian-ip-hay-trm-cp.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét