Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Du lịch Sài Gòn gian dối và chặt chém

Du lịch Sài Gòn gian dối và chặt chém
Tất cả các hãng du lịch TPHCM đang chạy đà cho mùa du lịch lớn nhất trong năm - dịp Tết dương lịch năm 2015. Nhưng phía sau sự sôi động, náo nhiệt là những gian dối, chụp giật và chặt chém.
Khách hàng đang đăng ký tour.
Đủ chiêu “rút ruột” khách
Một công ty lữ hành trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Gò Vấp gửi thư mời tham gia tour dịp Tết dương lịch 2015 với mức khuyến mại, siêu giảm giá chưa từng thấy - đến 60%... Tò mò với mức giá hấp dẫn này, chúng tôi quyết định lựa chọn chuyến ra Phú Quốc 3 ngày 4 đêm. Khi được hỏi, tại sao lại 4 đêm? Một nhân viên công ty cho biết, xe đi đêm cho mát, vừa tiết kiệm thời gian xe chạy trên đường, ban ngày đi thăm quan nhiều nơi hơn…

Nghe vậy, một người bạn của chúng tôi làm ở Vietravel cảnh báo: Xe tuyến ngồi cả đêm mệt rũ, đến Rạch Giá, Kiên Giang đợi phà thêm mấy tiếng, sau đó chắc chắn các anh sẽ bị “lùa” đi thăm mấy di tích, dạo qua mấy khu chợ rồi trưa mới về nhận phòng. Đấy là cách để giảm chi phí cho phù hợp với tour giá rẻ, chưa kể nếu xe mà ọc ạch thì lưng… đau ê ẩm. Rồi đến ngày cuối cùng, sau khi đưa du khách tắm biển, đi qua vài nơi gọi là làng nghề, xóm chài ven biển để biết thế nào là nước mắm và… chó Phú Quốc, du khách sẽ trả phòng và có nửa ngày tự… khám phá.

Như vậy, chương trình tour chỉ gói gọn trong 2 ngày, các anh “chạy sô” kiểu ấy, đi nghỉ hóa ra về phát ốm. Nếu chọn đi máy bay, các công ty du lịch “bụi” này cũng có những “bẫy” cực hấp dẫn! Giá chỉ bằng 40% so với chương trình tour của Saigontourist, Hòa Bình, Redtour…, nhưng trớ trêu, 3h sáng du khách đã phải có mặt sân bay, bị “hành” từ rạng sáng tới quá nửa đêm với lịch đi kín mít và đi nhằm cắt giảm các chi phí trong “chương trình” hoặc đẩy khách sử dụng dịch vụ chất lượng thấp hơn...

Ông Lê Tấn Lợi (ở đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú) kể: “Cuối tháng 5 vừa rồi, tôi bị phen hú hồn khi đi du lịch sông nước miền Tây, giá tour 1,7 triệu đồng/người. Thấy rẻ, cả nhà 5 người lên đường tận hưởng không khí Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ… Tuy nhiên, chuyến du lịch ở nhà dân, tham quan miệt vườn ăn quả, xem rừng ngập mặn Đồng Tháp Mười, đi bến Ninh Kiều, xem chợ Nổi… biến thành cuộc hành xác khi các bữa ăn không thể nuốt nổi đành ăn thêm ngoài, lại bị các quán ăn “rút ruột”.

Các cửa hàng mua sắm, điểm vui chơi giải trí ít ỏi cũng tha hồ bắt chẹt khách, trong khi các hướng dẫn viên (HDV) thì ngó lơ, cười trừ, cứ như họ chỉ có nhiệm vụ dắt trẻ đi chơi, mặc cho đám kinh doanh “cưỡi lên đầu” khách. Chị April Trân - một Việt kiều Mỹ lần đầu về thăm quê hương cũng có kỷ niệm buồn. Từ TPHCM, Trân đặt vé thăm quan Hạ Long, máy bay lúc 23h đêm và khi ra đến Hà Nội, cô phải “vật vã” ở sân bay đến 6h sáng mới có xe đón đi Quảng Ninh.

Một chuyến đi không kịp nghỉ, không kịp tận hưởng không gian Di sản thế giới. Đến 9h sáng ngày thứ tư, Trân đã phải lên xe về, mất nửa ngày so với chương trình. Đáng lưu ý, các bữa ăn đều rất đạm bạc, không như giới thiệu của công ty, 3 ngày ở khách sạn 3 sao chỉ có 1 ngày, còn 1 đêm lênh đênh sóng biển Hạ Long trên con thuyền cũ nghiêng ngả, không ai dám ngủ, chỉ mong trời sáng để vào bờ cho… an toàn.

Ông Nguyễn Toàn Thắng (ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh) cho biết: Vừa rồi, thấy Công ty V.T gần nhà tổ chức tour 4 ngày chỉ có 300 USD nên chúng tôi đi Thái Lan. Đến ngày cuối, chủ khách sạn chúng tôi ở tìm mọi cách ép buộc chúng tôi ở lại vì công ty tổ chức tour chưa… chuyển tiền thanh toán. Bức xúc vì chuyện không đáng có, chúng tôi chất vấn HDV, người này cho biết, anh ta làm thuê cho một đối tác Thái Lan và chỉ có công việc đưa khách đi tham quan, nếu chuyện thanh toán không giải quyết ổn thỏa, giờ lên máy bay về Việt Nam lỡ chuyến, anh ta không chịu trách nhiệm.

Giữa xứ người, ngoài ngày tour bị rút ngắn, người già và trẻ em trong đoàn ốm hết vì kiệt sức, chúng tôi còn có thể mất thêm tiền khách sạn hoặc tiền vé máy bay. Mãi sau, chúng tôi mới tìm cách liên lạc được với sứ quán để họ bảo lãnh… Ông Thắng cho biết thêm, sự cạnh tranh quyết liệt để giành khách buộc các hãng lữ hành nhỏ giảm giá, đi kèm đó là tiết kiệm chi phí, cắt xén tour, ăn bớt nhiều khoản của khách, nhiều hãng lỗ nhưng vẫn cố làm tour dẫn đến tài khoản “treo” không thanh toán nổi với đối tác, gây phiền hà, thiệt hại đến du khách.

Vì thế, khi đã chọn các công ty không danh tiếng, đừng kêu ca, phàn nàn rầm rĩ, trước khi quyết định mua tour nhớ đọc thật kỹ chương trình, yêu cầu lữ hành tư vấn chi tiết, giờ xuất phát, ngủ khách sạn nào, loại phòng gì, ăn bữa chính bao nhiêu tiền... tránh mập mờ thông tin như hiện nay.

Khu du lịch sinh thái Vàm Sát. 

Góc khuất
Các công ty du lịch lớn ở TPHCM chỉ quan tâm đến du khách nước ngoài và nhiều tour nội địa, các hãng nhỏ có muốn chen chân vào cũng không được vì sẽ bị một vài nơi nào đó trong các cơ quan quản lý “tuýt còi”. Đây là lý do khiến nhiều công ty hạng 3 quyết chơi lại, họ tiếp thị trực tiếp với các hãng du lịch quốc tế như Vũng Tàu Intourco, Tracodi, Captour… làm đại lý, chi nhánh, đôi khi bán luôn cả khách cho một công ty nào đó để “ghép” tour và “hớt” một phần khách của các hãng lớn. Để hấp dẫn khách, các hãng nhỏ không ngại sao chép tour, ăn cắp các chương trình tour, một số còn ngang nhiên sử dụng logo của công ty lớn, nhái thương hiệu, gây sự hiểu nhầm.

Ông Trần Thế Dũng - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ Trẻ (quận Tân Bình, TPHCM) - cho biết: Chương trình tour nội địa vòng cung Tây Bắc của chúng tôi vừa triển khai được 1 năm, du khách rất thích thì đột nhiên lượng khách giảm rõ rệt. Sau thời gian điều tra, chúng tôi phát hiện có tới 2-3 công ty sao chép lại tất cả chương trình tour của chúng tôi, chỉ thay đổi một số câu chữ trong chương trình. Sự việc này, chúng tôi đã “kêu cứu” đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM và Hiệp hội Du lịch thành phố nhưng họ bảo, mới quá, chưa có chế tài để xử phạt!

Bà Nguyễn Thị Hoa Lê - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho biết: Việc nhái thương hiệu đã làm cho công ty tổn thất lớn về uy tín, gây bức xúc và hiểu nhầm đối với người tiêu dùng du lịch. Những công ty kinh doanh du lịch không tên tuổi, hoặc mới thành lập cứ thản nhiên đặt tên kiểu mập mờ: Du lịch Hòa Bình TPHCM, Hành trình du lịch Hòa Bình hay Hòa Bình Tour và sử dụng các trang web, các hình thức tiếp thị trên các trang xã hội để lôi kéo du khách. Họ còn dùng cả logo của Du lịch Hòa Bình Việt Nam để gửi email đến hàng trăm, hàng nghìn người.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (57 tuổi, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh) kể: Tôi vừa mua phải tour rởm của Công ty Hòa Bình có địa chỉ tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Tour đi Phan Thiết, Mũi Né 3 ngày 2 đêm, khách sạn 3 sao, nhưng đến Phan Thiết, HDV thông báo khách sạn hết phòng, gia đình tôi phải chuyển sang khách sạn 2 sao. Tuy nhiên, chương trình tour chằng có gì, không giống với nội dung quảng cáo… Vì thế, khi về Sài Gòn, tôi lên trụ sở chính của công ty trên đường Võ Văn Tần, quận 3 để phản ánh, thì mới té ngửa, công ty du lịch đó đã núp bóng Du lịch Hòa Bình.

Ông Nguyễn Hồ - một cán bộ của Vinatour - tâm sự: Cứ vào mùa du lịch, tại các điểm Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…, các hãng nhỏ đặt phòng trước song khi đông khách, các chủ khách sạn thường nuốt lời và nhường lại phòng cho các công ty lớn. Khá nhiều công ty tư nhân ê mặt với khách vì không có phòng, bị tăng giá gấp 2-3 lần hoặc bị lỗ vốn khi chủ doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn vùng du lịch đua nhau chặt chém. Chính sự chèn ép, đôi khi trịnh thượng của các hãng lớn đã khiến các công ty nhỏ hay giở “trò bẩn”, tour thường không trọn gói, bị cắt xén chương trình, còn tiền thì rơi vào các hãng nhái thương hiệu. Muốn kiện cáo, khiếu nại thì đến “công ty mẹ” mà tìm…

Bà Nguyễn Thị Khánh - Phó chủ tịch Hiệp Hội Du lịch TPHCM - cho rằng: Tình trạng nhái và cướp thương hiệu một cách trắng trợn đã và đang gây ra những thiệt hại về nhiều mặt cho doanh nghiệp, bức xúc của người dân TPHCM. Hiện tượng các chủ doanh nghiệp du lịch đăng ký trùng tên thường là những người trước đây từng là nhân viên của công ty đã đăng ký kinh doanh, hoặc người thân của những người đang là nhân viên của một công ty có thương hiệu nổi tiếng, là người từng làm trong ngành du lịch cố tình lấy một thương hiệu uy tín nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Ông Phạm Đình Huê - Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt - cho biết: Ngành du lịch TPHCM đang đối mặt với tình trạng khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt mà không có sự tôn tạo, bên cạnh đó là tình trạng kinh doanh chụp giật, không lành mạnh, một số doanh nghiệp bị cả chục công ty sao chép tour, nhái thương hiệu tràn lan, lộn xộn mà không có biện pháp tháo gỡ... Nếu ngành du lịch không có những giải pháp triệt để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, không bảo vệ quyền lợi du khách, e rằng ngay người dân trong nước sẽ ngoảnh mặt với các chương trình tour chứ đừng mong du khách quốc tế quay trở lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét