Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

(5) Chính trị dành cho người lao động

Xem các phần cũ ở đây: (2) Chính trị dành cho người lao động / (1) Chính trị dành cho người lao động / (4) Chính trị dành cho người lao động / (3) Chính trị dành cho người lao động
Chính trị dành cho người lao động
- Hổm rày mày giảng cho tao nghe về chính trị, nhân quyền, dân chủ, độc lập nghe đã cái lỗ tai. Bữa nay tới món gì đây con?
- Chú có thắc mắc gì không?

Ảnh minh họa
- Gần đây tao hay nghe cái cụm từ "ăn mày quá khứ" mà không hiểu lắm, báo đài thì hay ca ngợi hai cuộc kháng chiến thần thánh, cứ đến những ngày lễ lớn là kỷ niệm bắn pháo hoa ì xèo. Nào là cách mạng tháng tám, quốc khánh, giải phóng thủ đô, giải phóng miền Nam. Chưa kể là còn kỷ niệm ngày mất của các anh hùng liệt sĩ nữa chứ... Riết rồi tao thấy tiền bạc đổ ra để lo ba cái lễ lượt quá tốn kém, trong khi tụi nhỏ không có trường để học, cầu để đi...

- Cái này gọi là tuyên truyền chú ạ. Chế độ độc tài sống được là nhờ vào tuyên truyền. Vì vậy họ rất coi trọng, tốn kém mấy cũng phải làm. Chú không thấy là quân đội NDVN khi mới ra đời đã có tên là "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân" à.

- Ừ, thời bao cấp tao quá rành ba cái chuyện này. Nhưng tao thấy lạ là tại sao chế độ miền Nam trước đây không sử dụng cái chiêu này hả mậy? Nếu họ cũng có thơ Tố Hữu, cũng có những bài ca cách mạng hùng tráng thay vì nhạc vàng thì chắc gì họ đã thua.

- Thể chế dân chủ chỉ sử dụng truyền thông như một phương tiện để truyền đi thông tin thôi chú ạ. Vì lý do nhân bản họ không sử dụng để tuyên truyền. Con lấy ví dụ như bọn IS hồi giáo cực đoan hiện nay giết người rất dã man bắng cách chặt đầu rồi làm bóng đá chơi. Nhưng người Mỹ chỉ đưa hình ảnh hoặc video chứng tỏ chuyện đó là có thực, chứ không thể kêu gọi những người biết làm thơ viết nên những bài thơ thật xúc động để kêu gọi tuổi trẻ nước Mỹ đăng lính, thề căm thù giết hết bọn bất nhân.

- Tại sao vậy mày?

- Lợi dụng sự thiếu thông tin hoặc khả năng nhận thức không cao của người dân để nhồi vào đầu họ cảm xúc, biến họ thành công cụ để thực hiện các mục đích chính trị của mình đó là việc làm vô nhân đạo. Chỉ các chế độ độc tài mới làm. Chế độ miền Nam lúc trước có đủ khả năng để làm điều này nhưng họ vẫn chủ yếu giáo dục học sinh tính nhân văn, các đạo lý làm người, chứ không kêu gọi lớp trẻ thề chết thề sống tiêu diệt bọn xâm lược miền Bắc. Đó là lối giáo dục nghiêng về lý trí và cũng là nền giáo dục của muôn đời.

- Thế hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nước mình có chính nghĩa không mày?

- Chú nghĩ sao?

- Tao nghe khẩu hiệu của họ là: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi". Nghe riết thành quen mày ơi!

- Đó là chủ trương bạo lực cách mạng đó chú à. Gần đây đang có phong trào "xét lại lịch sử". Nó cũng giống như "chủ nghĩa xét lại" đối với chủ nghĩa Mac Lênin khi xưa.

- Ủa sao gọi là "chủ nghĩa xét lại" mày?

- Thì giả sử chú thấy cái gì của ông bà ta nói sai, chú nghi ngờ thì chú đưa ra ý kiến coi lại. Nhiều người đòi coi lại quá thì hình thành nên cái gọi là "chủ nghĩa". Với sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu hai mươi năm trước thì người ta đã chứng minh rằng những nghi ngờ của "chủ nghĩa xét lại" là đúng.

- Thế tại sao phải "xét lại lịch sử"?

- Nhiều ý kiến cho rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam đã mạo nhận công lao trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt nhất là việc dùng bạo lực cách mạng gây ra cái chết của hàng triệu người.

- Thì cướp đến nhà phải đánh chứ mậy? Mà đã đánh thì phải có hy sinh chứ?

- Khổ là không phải đơn giản đánh cướp như ông cha ta "Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập" chú à. Chú có biết cái gì gọi là lý luận Mác-xít không?

- Thì đó là lý luận của ông Mác ở bên Đức đó mà.

- Chính đó mới là cái quan trọng nhất. Con lấy ví dụ thời Pháp thuộc, chính sách cai trị hà khắc của chủ nghĩa thực dân đã khiến nhân dân ta vô cùng khổ cực, không những Việt Minh đánh Pháp mà nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân khác cũng đánh Pháp. Nhưng khi chủ nghĩa thực dân đã tàn lụi từ sau thế chiến thứ hai thì người Pháp đã có ý định trao trả độc lập cho ta. Khổ là lúc đó Việt minh cướp chính quyền để đưa cái chủ thuyết của ông Mác- Lê vào Việt nam. Sau đó còn vay mượn của Trung Quốc để đánh Pháp đánh Mỹ nên mới gây ra chiến tranh liên miên không dứt.

- Vậy là theo con thì không cần đánh nhau cũng có thể giành độc lập à?

- Đúng đó chú. Chú thấy các nước xung quanh mình đâu cần đánh nhau mà vẫn được người Anh, người Mỹ trao trả độc lập hết đó. Vấn đề là ta đuổi ông Pháp đi nhưng lại rước ông Trung Quốc vào nhà. Năm 1955 lại nghe lời ông này để Cải Cách Ruộng Đất giết chết hàng trăm ngàn người trong đó có chính cha mẹ, thân nhân của những người lính đang đánh Pháp.

- Thế chống Mỹ thì sao mày?

- Mỹ không hề cướp nước ta chú à. Mỹ nhảy vào Việt Nam khi miền Nam và miền Bắc đã đánh nhau rồi. Và nhiệm vụ của Mỹ là ngăn cái ông Mac Lê nin lại thôi. Và cái mà họ gọi là chiến tranh chống Mỹ và tay sai đó thật ra chỉ là nội chiến giữa anh em trong nhà. Giữa một bên theo cái kiềng ba chân và ống thổi lửa như hôm trước con nói và một bên theo cái ông cộng sản muốn ngồi trên đầu dân.

- Sao mà nhận biết được ông nào là của dân mậy?

- Dễ lắm chú. Ông nào mà cho chú cái quyền đi biểu tình, đi lại, tín ngưỡng, báo chí... là của dân. Ông nào mà cái gì cũng cấm tức là không phải của dân.


- Như vậy theo mày nói nếu xét lại lịch sử thì Đảng Cộng sản Việt nam chẳng có công lao gì ráo trọi?

- Họ không những chẳng có công mà còn có tội rất lớn trước lịch sử đó chú. Nếu không có Đảng Cộng Sản thì nước mình đã phát triển mạnh mẽ vượt bậc rồi chứ không như vầy.

- Ừ hén. Thôi kể tội cái Đảng này ra làm gì mất công, bởi ai cũng biết rõ như ban ngày. À mà hình như đến lượt tao bắt khách rồi. Có gì tối qua nhà, hai chú cháu làm lai rai vài xị chơi nghe mậy.

- Được rồi. Chào chú.

Dương Hoài Linh
(Dân Luận)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét