Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

(3) Ba tư tưởng về kinh tế chính trị

Ba tư tưởng về kinh tế chính trị
Đánh giá ba quan điểm
Như chúng ta đã thấy, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Mác có những giả định khác nhau và đi đến những kết luận mâu thuẫn nhau về bản chất và hậu quả của nền kinh tế thị trường thế giới, hay như theo cách Mác vẫn ưa dùng là nền kinh tế tư bản thế giới. Quan điểm của cuốn sách này là những quan điểm hay học thuyết trái ngược này là những cam kết về mặt học thuật và được xây dựng dựa trên những niềm tin khác nhau.
Mặc dù một số ý tưởng hay lý thuyết gắn liền với một lập trường nào đó có thể tỏ ra là không đúng hoặc đáng ngờ, những quan điểm này không thể được chứng minh đúng hay sai bằng các lập luận logic hay các bằng chứng dựa trên thực tế trái ngược. Có nhiều lý do lý giải cho sự tồn tại lâu bền của ba quan điểm trên cũng như khả năng miễn nhiễm của chúng trước các kiểm chứng mang tính khoa học.

Thứ nhất, chúng được dựa trên những giả định về con người và xã hội do đó không phải là đối tượng của kiểm tra thực chứng. Ví dụ, khái niệm về con người lý trí của chủ nghĩa tự do không thể chứng minh là đúng hoặc sai; các cá nhân có vẻ hành động trái với các lợi ích của mình thực ra có thể hành động dựa trên các thông tin sai lệch hoặc đang tìm cách để tối đa hóa một mục đích mà người quan sát không biết và do đó thõa mãn giả định cơ bản của chủ nghĩa tự do. Hơn nữa, các nhà tự do sẽ lập luận rằng mặc dù một cá nhân cụ thể trong một trường hợp cụ thể có thể xem như là hành động một cách không lý trí, nhưng nhìn tổng thể giả định về tính lý trí là đúng.

Thứ hai, khả năng tiên đoán kém của một quan điểm luôn luôn được che lấp bằng cách đưa vào phân tích các giả thuyết tạm thời. Chủ nghĩa Mác đầy rẫy những nỗ lực nhằm giải thích những thất bại về khả năng dự đoán của lý thuyết của Mác. Ví dụ, Lenin phát triển khái niệm “nhận thức giả” để giải thích cho thực tế công nhân trở thành các thành viên nghiệp đoàn chứ không phải là thành viên của giai cấp vô sản cách mạng. Lý thuyết của Lenin về chủ nghĩa đế quốc tư bản có thể được xem như là một nỗ lực nhằm giải thích việc Mác tiên đoán sai về sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản. Gần đây, như sẽ được thảo luận phần sau, những người theo chủ nghĩa Mác thấy cần phải hình thành một lý thuyết tinh tế hơn về nhà nước để giải thích sự xuất hiện của nhà nước phúc lợi và sự chấp nhận nhà nước này của các nhà tư bản, một điều mà Lenin cho rằng không thể xảy ra.

Thứ ba và quan trọng nhất, ba quan điểm trên có những mục tiêu khác nhau ở một mức độ nào đó chúng tồn tại dưới các cấp độ phân tích khác nhau. Ví dụ, chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa dân tộc có thể chấp nhận hầu hết các quan điểm kinh tế học tự do như là những công cụ phân tích nhưng lại bác bỏ rất nhiều những giả định và các nền tảng quy phạm của nó. Dẫu vậy, Mác vận dụng kinh tế học cổ điển một cách tuyệt vời, nhưng mục đích của ông là dùng nó để phục vụ cho một lý thuyết lớn về nguồn gốc, sự vận động, và sự chấm dứt của chủ nghĩa tư bản. Thực ra, sự khác biệt chủ yếu giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa Mác liên quan đến câu hỏi đặt ra và những giả định xã hội hơn là những phương pháp kinh tế mà hai chủ nghĩa này áp dụng.

Chủ nghĩa Mác sau khi được Lenin điều chỉnh đã trở nên gần như khó phân biệt với quan điểm của chủ nghĩa hiện thực về chính trị (Keohane, 1984). Chủ nghĩa hiện thực chính trị, cũng giống như chủ nghĩa dân tộc kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia và an ninh. Mặc dù hai lý thuyết này rất gần nhau, chủ nghĩa hiện thực là một cách nhìn về chính trị trong khi chủ nghĩa dân tộc kinh tế lại về kinh tế. Hay nói một cách khác, chủ nghĩa dân tộc kinh tế dựa trên học thuyết hiện thực về quan hệ quốc tế.

Cả trong lý thuyết của Lenin và trong chủ nghĩa hiện thực chính trị, các quốc gia tranh giành của cải và quyền lực, và mức độ gia tăng quyền lực khác nhau là nguyên nhân của xung đột quốc tế và các thay đổi về chính trị (Gilpin,1981). Tuy nhiên, những giả định của hai lý thuyết này về nền tảng của những động cơ của con người, những quan điểm về nhà nước và bản chất của hệ thống quan hệ quốc tế là cơ bản khác nhau. Những người theo chủ nghĩa Mác xem con người là xấu xa, dễ dàng bị chủ nghĩa tư bản làm tha hóa và có thể được cải tạo bởi chủ nghĩa xã hội; còn những nhà hiện thực tin rằng các xung đột chính trị xuất phát từ bản chất không thể thay đổi của con người.

Trong khi những người theo chủ nghĩa Mác tin rằng nhà nước là đầy tớ của giai cấp thống trị về kinh tế, các nhà hiện thực coi nhà nước như một thực thể khá tự chủ theo đuổi những lợi ích quốc gia mà không thể bị quy về lợi ích nhất định của một tầng lớp nào. Với các nhà Mác xít, hệ thống quốc tế và chính sách ngoại giao bị chi phối bởi cấu trúc của nền kinh tế trong nước; đối với những nhà hiện thực bản chất của hệ thống quốc tế là yếu tố chí phối chính sách đối ngoại. Tóm lại, những người theo chủ nghĩa Mác xem chiến tranh, chủ nghĩa đế quốc, và nhà nước là những biểu hiện xấu xa của chủ nghĩa tư bản và sẽ biến mất với cách mạng vô sản; còn những nhà hiện thực xem những vấn đề trên là đặc điểm không thể tránh khỏi của hệ thống chính trị quốc tế.

Do đó, sự khác biệt giữa hai quan điểm là rất đáng kể. Đối với những người Mác xít, mặc dù nhà nước và cuộc đấu tranh giữa các nhà nước là hệ quả của hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tương lai sẽ mang lại sự hòa hợp và một nền hòa bình thật sự sau cuộc cách mạng không thể tránh khỏi mà hình thức sản xuất tư bản xấu xa đã phôi thai. Mặc khác, các nhà hiện thực tin rằng sẽ không có cõi niết bàn vì bản chất ích kỷ của con người và tình trạng vô chính phủ của hệ thống quốc tế. Sự đấu tranh giữa các nhóm và các nhà nước là không bao giờ chấm dứt, mặc dù thi thoảng có những thời gian tạm ngừng. Dường như không một quan điểm dự đoán nào có thể được minh chứng một cách khoa học.

Mỗi một quan điểm có những điểm mạnh và điểm yếu và sẽ được xem xét kỹ hơn ở phần dưới. Mặc dù không quan điểm nào cung cấp một cách hiểu đầy đủ và thỏa mãn về bản chất và sự vận động của kinh tế chính trị quốc tế, nhưng cả ba quan điểm cùng với nhau lại mang lại những cách nhìn hữu ích. Ba lý thuyết này cũng đặt ra những vấn đề quan trọng sẽ được xem xét trong những chương tiếp theo.

Đánh giá chủ nghĩa tự do kinh tế

Chủ nghĩa tự do là hiện thân của một bộ những công cụ phân tích và những định hướng chính sách tạo điều kiện cho xã hội tối đa hóa kết quả thu được từ những nguồn lực khan hiếm; cam kết đối với tính hiệu quả kinh tế và sự tối đa hóa sự thịnh vượng tạo nên sức mạnh cho lý thuyết này. Thị trường chứa đựng những phương pháp hiệu quả nhất nhằm tổ chức các mối quan hệ kinh tế, và cơ chế giá cả vận hành nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả hai bên và qua đó đảm bảo tổng lợi ích xã hội xuất phát từ các trao đổi kinh tế. Thực ra, kinh tế học tự do nói với xã hội, không kể trong nước hay quốc tế, “nếu bạn muốn trở nên giàu có, đây là những điều bạn phải làm.”

Từ thời Adam Smith đến bây giờ, các nhà tự do đã cố gắng phát hiện ra các quy luật điều chỉnh sự giàu có của các quốc gia. Mặc dù hầu hết các nhà tự do xem các quy luật kinh tế là các quy luật tự nhiên không thể bị xâm phạm, các quy luật này tốt hơn hết có thể được xem là những định hướng dành cho những người đưa ra các quyết định. Nếu các quy luật này bị xâm phạm, họ sẽ phải trả giá; việc theo đuổi các mục tiêu ngoài hiệu quả kinh tế nhất thiết sẽ dẫn tới các chi phí cơ hội và hiệu quả kinh tế bị mất mát. Chủ nghĩa tự do nhấn mạnh thực tế sự đánh đổi luôn luôn tồn tại trong chính sách quốc gia. Ví dụ, việc nhấn mạnh công bằng và tái phân phối của cải sẽ bị thất bại nếu như về lâu dài chính sách quốc gia lơ là hiệu quả kinh tế. Để một xã hội hiệu quả, như các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã cho thấy, nó không thể hoàn toàn bỏ qua các quy luật kinh tế có liên quan.

Lập luận quan trọng nhất bảo vệ chủ nghĩa tự do có lẽ là một lập luận không khả quan lắm. Mặc dù có thể đúng như những nhà Mác xít và những nhà dân tộc chủ nghĩa lập luận, lựa chọn thay thế cho hệ thống tự do là một hệ thống mà trong đó tất cả đều thu lợi bằng nhau, nhưng cũng hoàn toàn có thể là một hệ thống mà trong đó tất cả đều mất hết tất cả. Có thể còn phải nói nhiều về quan điểm về sự hài hòa lợi ích của chủ nghĩa tự do, dẫu vậy, như E.H. Carr đã chỉ ta, những chứng cứ được sử dụng để bảo vệ quan điểm này thường được lấy ra từ các giai đoạn lịch sử diễn ra “sự mở rộng sản xuất, dân số và thịnh vượng một cách vô tiền khoáng hậu” (Carr, 1951). Khi điều kiện duy trì hệ thống tự do bị đổ vỡ (như trong những năm 1930 và có nguy cơ xảy ra một lần nữa trong những thập niên cuối của thế kỷ 20), sự bất hòa sẽ thay thế cho sự hòa hợp, và tôi cho rằng, sự đổ vỡ diễn ra sau đó của hệ thống tự do thường dẫn tới các cuộc xung đột kinh tế mà khi đó tất cả sẽ đều bị thiệt hại.

Chỉ trích chủ yếu chống lại chủ nghĩa tự do kinh tế cho rằng những giả định cơ bản của nó, như sự tồn tại của các chủ thế kinh tế lý trí, một thị trường cạnh tranh, và những điều tương tự là phi thực tế. Một phần, sự chỉ trích này là không công bằng khi mà những nhà tự do rõ ràng đã làm đơn giản hóa những giả định này nhằm tạo điều kiện cho các nghiên cứu khoa học, không thể có khoa học nếu không có những sự đơn giản hóa đó. Điều quan trọng hơn, như những người bảo vệ chủ nghĩa tự do đã chỉ ra, là quan điểm này nên được đánh giá bởi kết quả và khả năng tiên đoán của nó, chứ không phải bởi những sự thật được dẫn ra (Posner, 1977). Với quan điểm như vậy và trong lĩnh vực của mình, kinh tế học đã tỏ ra là một công cụ phân tích mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo cách tương tự, kinh tế học tự do cũng có thể bị chỉ trích về nhiều mặt quan trọng. Nếu là một công cụ để thấu hiểu xã hội và đặc biệt là sự vận động của nó, kinh tế học có hạn chế, nó không thể là một cách tiếp cận toàn diện đối với kinh tế chính trị. Dẫu vậy, các nhà kinh tế học tự do thường quên sự giới hạn nội tại này, và xem kinh tế học như một khoa học xã hội thông thái, mang tính thống trị. Khi điều này xảy ra, bản chất và những giả định cơ bản của kinh tế học có thể dẫn dắt những nhà kinh tế lạc đường và hạn chế tính hữu ích của nó với tư cách là một lý thuyểt về kinh tế chính trị.

Hạn chế đầu tiên là kinh tế học cố tình tách kinh tế ra khỏi những mặc khác của xã hội một cách nhân tạo và chấp nhận các khung chính trị xã hội sẵn có, kể cả sự phân chia quyền lực và quyền sỡ hữu; tài nguyên và những nguồn lực khác của con người, cá nhân và xã hội; cũng như khuôn khổ các thể chế về chính trị, xã hội và văn hóa. Thế giới tự do do đó được xem là một thế giới hài hòa, lý trí, và các cá nhân bình đẳng sống trong một thế giới không có biên giới về chính trị và các cản trở xã hội. Các quy luật của chủ nghĩa tự do đưa ra các nguyên tắc tối đa hóa lợi ích cho các chủ thể kinh tế mà không tính đến việc họ sẽ xuất phát từ đâu và với những điều kiện gì, mặc dù trong cuộc sống thực, điểm xuất phát đầu tiên của một người thường quyết định điểm mà người đó kết thúc (Dahrendorf, 1979).

Một hạn chế khác của kinh tế học tự do với tư cách là một lý thuyết là nó thường bỏ qua công lý hoặc sự công bằng trong kết quả của các hoạt động kinh tế. Mặc dù nỗ lực mạnh mẽ nhằm tạo ra một ngành kinh tế học phúc lợi “khách quan”, sự phân chia của cải trong xã hội nằm ngoài sự quan tâm của kinh tế học tự do. Có một sự thật trong những chỉ trích của những nhà Mác xít là kinh tế học tự do là công cụ để quản lý một nền kinh tế tư bản hay nền kinh tế thị trường. Kinh tế học tư sản, theo quan điểm của những người Mác xít, là một nghành kỹ thuật hơn là một khoa học về xã hội. Nó chỉ người ta cách làm thế nào để đạt được một số mục tiêu nhất định với cái giá ít nhất trong một số giới hạn nhất định; nó không nhằm trả lời những câu hỏi liên quan đến tương lai và số phận của con người, vốn là những câu hỏi nằm ở trong tim của những người Mác xít và các nhà theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế.

Chủ nghĩa tự do cũng bị hạn chế bởi giả định cho rằng sự trao đổi luôn luôn là tự do và diễn ra trong một thị trường cạnh tranh giữa những người bình đẳng với nhau, có đầy đủ thông tin và có thể cùng nhau đạt được lợi ích nếu như họ chấp nhận trao đổi các đồ vật có giá trị với nhau. Không may, như Charles Lindblom đã lập luận, trao đổi ít khi là tự do và bình đẳng (Lindblom, 1977). Thay vào đó, điều kiện trao đổi có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự ép buộc, sự khác nhau trong khả năng mặc cả (độc quyền bán hay độc quyền mua), và những yếu tố kinh tế quan trọng khác nữa. Thực ra, do bỏ qua cả những tác động của các nhân tố phi kinh tế đối với sự trao đổi và những tác động của việc trao đổi đối với chính trị, chủ nghĩa tự do thiếu một khía cạnh “kinh tế chính trị” thực sự.

Một sự giới hạn khác nữa của kinh tế học tự do là những phân tích của nó thường ở trạng thái đứng im. Ít nhất là trong ngắn hạn, các nhu cầu tiêu dùng, khung thể chế, và môi trường công nghệ được giả định là không thay đổi. Chúng được xem như là những giới hạn và những cơ hội mà trong đó các quyết định kinh tế và các sự đánh đổi được thực hiện. Các câu hỏi về nguồn gốc, hay các phương hướng, của các thể chế kinh tế và bộ máy công nghệ là những vấn đề thứ yếu đối với những nhà tự do. Các nhà kinh tế học tự do là những người tiệm tiến, tin rằng những cấu trúc xã hội thường thay đổi một cách chậm chạp khi phản ứng lại những thay đổi giá cả. Mặc dù những nhà kinh tế tự do cố gắng phát triển lý thuyết về sự thay đổi kinh tế và công nghệ, các biến số quan trọng về xã hội, chính trị, và công nghệ ảnh hưởng tới sự thay đổi thường được coi là đến từ bên ngoài và nằm ngoài biên giới của các phân tích kinh tế. Như những nhà Mác xít đã chỉ ra chủ nghĩa tự do thiếu một lý thuyết về sự vận động của kinh tế chính trị thế giới và thường đưa ra các giả định về sự ổn định và tính chất của hiện trạng kinh tế.

Kinh tế học tự do, với quy luật tối đa hóa lợi ích, được dựa trên những giả định khá hạn chế. Không xã hội nào đã từng hoặc có thể chỉ bao gồm những “con người kinh tế” thực sự của lý thuyết tự do. Một xã hội vận hành đòi hỏi các mối quan hệ tác động qua lại và sự nhún nhường các lợi ích cá nhân vì lợi ích xã hội lớn hơn; nếu không thì xã hội sẽ sụp đổ (Polanyi, 1957). Dẫu vậy, xã hội Tây Âu đã tiến xa trong việc kìm hãm xu hướng cơ bản của con người là hành động quá đáng vì lợi ích bản thân để có một nền kinh tế và xã hội tốt hơn (Baechler, 1971). Thông qua việc giải phóng cơ chế thị trường thoát khỏi các hạn chế xã hội và chính trị, văn minh phương Tây đã đạt được đến một mức độ giàu có chưa từng có và đã đặt ra một hình mẫu cho những nền văn minh khác muốn cạnh tranh với nó. Tuy nhiên, nó đã đạt được điều đó với cái giá phải trả là đánh mất những giá trị khác. Như kinh tế học tự do đã chỉ rõ, không có gì đạt được mà không phải trả giá.

Đánh giá chủ nghĩa dân tộc kinh tế

Sức mạnh quan trọng nhất của Chủ nghĩa dân tộc kinh tế là việc coi nhà nước như là chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế và là một công cụ phát triển kinh tế. Mặc dù nhiều người cho rằng sự phát triển kinh tế và công nghệ hiện đại đã làm cho quốc gia-dân tộc trở nên lỗi thời, nhưng vào cuối thế kỷ 20 hệ thống quốc gia-dân tộc thực sự đang mở rộng; các xã hội trên thế giới đang tìm cách để tạo ra các nhà nước mạnh có đủ khả năng tổ chức và quản lý nền kinh tế quốc gia, và số quốc gia trên thế giới đang gia tăng. Thậm chí ở các quốc gia ra đời sớm hơn, tinh thần dân tộc chủ nghĩa có thể dễ dàng được thổi bùng lên, như đã xảy ra trong cuộc chiến tranh Falkland năm 1982. Mặc dù những chủ thể khác như các tổ chức quốc tế và liên quốc gia tồn tại và có ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế, hiệu quả kinh tế và quân sự của quốc gia làm cho nó vượt trội hơn các chủ thể khác.

Sức mạnh thứ hai của chủ nghĩa dân tộc nằm ở sự nhấn mạnh của nó đối với tầm quan trọng của các lợi ích chính trị và an ninh trong việc tổ chức và tiến hành các quan hệ kinh tế quốc tế. Không cần chấp nhận sự nhấn mạnh của chủ nghĩa dân tộc đối với tầm quan trọng của an ninh thì người ta cũng phải thừa nhận rằng an ninh quốc gia là điều kiện cần đầu tiên để có được sức mạnh chính trị và kinh tế trong một hệ thống các quốc gia cạnh tranh và vô chính phủ. Một quốc gia mà không thể đảm bảo được an ninh cho mình thì không thể giữ được độc lập. Mặc cho mục tiêu của xã hội là gì đi chăng nữa, tác động của các hoạt động kinh tế đối với sự độc lập chính trị và phúc lợi trong nước luôn luôn đứng đầu trong các mối quan tâm của các quốc gia (Strange, 1985).

Thế mạnh thứ ba của chủ nghĩa dân tộc là sự đề cao khuôn khổ chính trị của các hoạt động kinh tế, việc công nhận thị trường phải vận hành trong một thế giới của các quốc gia và các nhóm cạnh tranh lẫn nhau. Mối quan hệ chính trị giữa các chủ thể chính trị ảnh hưởng tới sự vận hành của thị trường cũng giống như thị trường ảnh hưởng các mối quan hệ chính trị. Thực ra, hệ thống chính trị quốc tế tạo thành một trong những cản trở quan trọng nhất và là nhân tố quyết định thị trường. Bởi vì các nhà nước tìm cách tác động tới thị trường theo hướng có lợi nhất cho mình, vai trò của quyền lực là hết sức quan trọng trong việc tạo ra và duy trì các quan hệ thị trường; thậm chí ví dụ cổ điển của Ricardo về sự trao đổi len của Anh lấy rượu Bồ Đào Nha không thoát khỏi ảnh hưởng quyền lực của nhà nước (Choucri, 1980). Như Carr đã lập luận, thực sự mỗi hệ thống kinh tế phải dựa vào một cơ sở chính trị vững chắc (Carr, 1951).

Một điểm yếu của chủ nghĩa dân tộc là khuynh hướng tin rằng quan hệ kinh tế quốc tế luôn luôn là một trò chơi có tổng bằng không, có nghĩa là một quốc gia được lợi thì nhất thiết quốc gia kia phải thua thiệt. Thương mại, đầu tư, và các quan hệ kinh tế khác được các nhà dân tộc chủ nghĩa chủ yếu coi là mang tính đối kháng và bên được bên thua. Dẫu vậy, nếu hợp tác xảy ra, thị trường có thể mang lại những lợi ích cho tất cả các bên (mặc dù không nhất thiết phải bằng nhau), như những nhà tự do đã khẳng định. Khả năng có được lợi nhuận cho tất cả mọi người là nền tảng của nền kinh tế thị trường thế giới. Một điểm yếu khác của chủ nghĩa dân tộc bắt nguồn từ thực tế rằng sự theo đuổi quyền lực và theo đuổi sự giàu có thường mâu thuẫn lẫn nhau, ít nhất là trong ngắn hạn. Phát triển và thực thi sức mạnh quân sự cũng như những dạng quyền lực khác dẫn đến những phí tổn đối với xã hội, làm giảm hiệu quả kinh tế. Do đó, Adam Smith lập luận rằng các chính sách trọng thương của các quốc gia thế kỷ 18 coi tiền đồng nghĩa với sự giàu có đã làm tổn hại sự gia tăng thịnh vượng thực sự thông qua tăng năng suất lao động; ông chỉ ra rằng tốt hơn các quốc gia nên đạt được sự giàu có thông qua các chính sách thương mại tự do. Tương tự, khuynh hướng ngày nay đồng nhất hóa công nghiệp với quyền lực có thể làm nền kinh tế của một quốc gia bị suy yếu. Sự phát triển các ngành công nghiệp mà không để ý đến thị trường hoặc các lợi thế so sánh có thể làm cho xã hội yếu đi về mặt kinh tế. Mặc dù các quốc gia khi gặp xung đột thỉnh thoảng cần phải theo đuổi các mục tiêu và chính sách trọng thương, nhưng về dài hạn, việc theo đuổi những chính sách như vậy có thể gây hại cho chính quốc gia đó.

Thêm nữa, chủ nghĩa dân tộc thiếu một lý thuyết thỏa đáng về xã hội trong nước, nhà nước, và chính sách đối ngoại. Nó thường giả định rằng xã hội và nhà nước tạo thành một thực thể thống nhất và do đó chính sách đối ngoại thường được quyết định bởi các lợi ích quốc gia khách quan. Dẫu vậy, như các nhà tự do đã nhấn mạnh một cách đúng đắn, xã hội là đa nguyên, bao gồm các cá nhân và các nhóm (liên minh giữa các cá nhân) cố gắng giành quyền quyết định chức năng nhà nước và buộc nhà nước phục vụ mục đích chinh trị và kinh tế của mình. Mặc dù các quốc gia sở hữu các mức độ tự chủ xã hội và độc lập khác nhau trong việc hoạch định chính sách, chính sách đối ngoại (bao gồm chính sách kinh tế đối ngoại) phần lớn là kết quả của cuộc tranh giành giữa các nhóm áp đảo trong xã hội. Bảo hộ thương mại và phần lớn những chính sách khác của những nhà dân tộc thường là kết quả của các nỗ lực của một nhân tố sản xuất nào đó (vốn, lao động, hay đất đai) để giành vị thế độc quyền và thông qua đó gia tăng tỉ lệ lợi nhuận kinh tế của mình. Các chính sách của những nhà dân tộc chủ nghĩa thường được thiết kế để tái phân phối thu nhập từ người tiêu dùng và xã hội nói chung vì lợi ích của các nhà sản xuất.

Chủ nghĩa dân tộc do đó có thể được hiểu như là một lý thuyết về xây dựng nhà nước hay là một lá chắn cho lợi ích của một nhóm các nhà sản xuất có khả năng ảnh hưởng đến chính sách quốc gia. Không thừa nhận đầy đủ hoặc không chịu phân biệt hai ý nghĩa của chủ nghĩa dân tộc kinh tế như trên, các nhà dân tộc chủ nghĩa có thể sai lầm khi không áp dụng, cả ở cấp độ trong nước lẫn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại, giả định của họ cho rằng khuôn khổ chính trị ảnh hưởng đến kết quả kinh tế. Họ đã không tính tới một cách đầy đủ thực tế là các nhóm chính trị trong nước thường sử dụng lập luận của chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là lý do an ninh quốc gia, nhằm thúc đẩy các lợi ích riêng của họ.

Trong khi trong quá khứ, đất đai và tư bản là những thứ khơi dậy tình cảm chủ nghĩa dân tộc, thì trong các nền kinh tế tiến tiến lao động đã trở thành yếu tố mang tính dân tộc chủ nghĩa và có xu hướng bảo hộ cao nhất trong ba nhân tố của sản xuất. Trong một thế giới mà các nguồn lực sản xuất mang tính lưu chuyển cao, lao động tìm cách sử dụng nhà nước để thúc đẩy các lợi ích bị đe đọa của mình. Sức mạnh gia tăng của lao động trong một nhà nước phúc lợi đương đại, như tôi lập luận dưới đây, đã trở thành một lực lượng chủ yếu của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế.

Tính đúng đắn của việc nhấn mạnh bảo hộ và công nghiệp hóa của chủ nghĩa dân tộc là khó có thể khẳng định hơn. Đúng là tất cả các tập đoàn công nghiệp lớn phải được hậu thuẫn bởi các quốc gia mạnh vốn bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong các giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa và nếu không có sự bảo vệ như vậy, các ngành công nghiệp non trẻ của các nước đang phát triển có thể sẽ không sóng sót được trước sự cạnh tranh của các tập đoàn mạnh của các nước phát triển hơn. Dẫu vậy, cũng có trường hợp sự bảo hộ cao ở nhiều nước đã dẫn đến việc ra đời các ngành công nghiệp kém hiệu quả và thậm chí làm đình trệ sự phát triển kinh tế (Kindleberger, 1978). Trong một phần tư cuối của thế kỷ 20, các nền kinh tế như Đài Loan và Hàn Quốc vốn hạn chế chủ nghĩa bảo hộ và ưu ái các ngành xuất khẩu cạnh tranh đã hoạt động tốt hơn những nền kinh tế các nước kém phát triển, những nước cố gắng công nghiệp hóa phía sau bức tường thuế quan và theo đuổi chiến lược thay thế nhập khẩu.

Sự thiên vị sai lầm của những nhà dân tộc chủ nghĩa dành cho công nghiệp so với nông nghiệp cũng cần phải được xem xét lại. Đúng là công nghiệp có một số lợi thế nhất định so với nông nghiệp và việc áp dụng các công nghệ công nghiệp vào xã hội sẽ có những tác động lan tỏa và thường có xu hướng làm chuyển đổi và hiện đại hóa tất cả các mặt của nền kinh tế vì nó giúp nâng cấp chất lượng lao động và nâng cao khả năng sinh lợi của đồng vốn. Dẫu vậy chúng ta phải nhớ rằng rất ít xã hội phát triển mà không có một cuộc cách mạng nông nghiệp trước đó và một nền nông nghiệp có năng suất cao (Lewis, 1978). Thực ra, một số các nền kinh tế thịnh vượng của thế giới, ví dụ như Đan Mạch, vành đai nông nghiệp của Mỹ, và miền Tây Cananda, đều dựa vào những nền nông nghiệp hiệu quả (Vincer, 1952). Hơn nữa, trong tất cả các xã hội này, nhà nước đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Một số người có thể kết luận rằng các nhà dân tộc chủ nghĩa đã đúng khi tin rằng nhà nước phải đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Một nhà nước mạnh là cần thiết để thúc đẩy, và trong một số trường hợp, là để bảo vệ các ngành công nghiệp và tạo ra một nền nông nghiệp hiệu quả. Dẫu vậy, vai trò tích cực này của nhà nước, mặc dù là một điều kiện cần, chưa phải là một điều kiện đủ. Một nhà nước mạnh và có chính sách can thiệp không bảo đảm phát triển kinh tế; thực ra, nó có thể kìm hãm phát triển kinh tế. Điều kiện đủ cho phát triển kinh tế là tổ chức hiệu quả công nghiệp và nông nghiệp, và trong hầu hết các trường hợp điều này đạt được thông qua sự vận hành của thị trường. Những điều kiện cả về kinh tế và chính trị này đã tạo nên những nền công nghiệp phát triển và các quốc gia công nghiệp hóa nhanh trong hệ thống quốc tế đương đại.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, cho dù điểm mạnh và điểm yếu của chủ nghĩa dân tộc kinh tế là gì đi chăng nữa, thì chủ nghĩa dân tộc kinh tế vẫn có những sức hút mạnh mẽ. Trong suốt lịch sử hiện đại, vị trí quốc tế của các hoạt động kinh tế đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Từ thế kỷ 17 trở đi các quốc gia đã theo đuổi các chính sách phát triển công nghiệp và kỹ thuật một cách có chủ đích. Nhằm đạt được sức mạnh quân sự ổn định và xuất phát từ niềm tin cho rằng công nghiệp cung cấp những giá trị gia tăng lớn hơn nông nghiệp, quốc gia-dân tộc hiện đại đã có mục tiêu chủ yếu là thành lập và bảo vệ sức mạnh công nghiệp. Đến khi nào hệ thống quốc tế đầy xung đột vẫn còn tồn tại, chủ nghĩa dân tộc kinh tế vẫn có những sức hút mạnh mẽ của riêng mình.

Đánh giá chủ nghĩa Mác

……

Ba thách thức đối với nền kinh tế thị trường thế giới

Chủ nghĩa tư bản phúc lợi trong một thế giới tư bản quốc tế không phúc lợi

Nguồn: Gilpin, Robert. “Three Ideologies of Political Economy” (Chapter 2), in R. Gilpin, The Political Economy of International Relations (Princeton University Press, 1987), pp. 25-64.

Biên dịch: Hoàng Thanh Hằng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét