Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Đưa tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu pháp lệnh ?

"Thường trú" hay "nơi diễn ra hoạt động sản xuất kinh doanh" là nguyên tắc cơ bản, nền tảng của thống kê GDP và được áp dụng rất rõ trong thống kế GDP quốc gia; tuy nhiên không hiểu sao khi tính GDP cho các địa phương thì Tổng cục Thống kê (TCTK) lại bỏ nguyên tắc này mà dùng trụ sở của công ty mẹ hay điểm cuối cùng thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh để tính, dẫn đến vừa tính thiếu, vừa tính thừa (do trùng lắp), tức là vừa tính theo thường trú, vừa không tính theo thường trú. Để sửa chữa, tôi cho rằng TCTK không thể ôm thêm trách nhiệm tính GDP cho 62 tỉnh thành như kế hoạch hiện nay, vì vừa không có nhân lực, vừa không thể nào phân tách rõ hoạt động của từng địa phương để tính vào GDP. GDP địa phương do TCTK tính cũng sẽ là con số ảo, không phản ánh đúng thực tế, do đó sẽ không có giá trị. Chỉ có một cách là làm theo thế giới, bỏ GDP địa phương, tập trung hoàn thiện, tính chính xác GDP quốc gia.
Về phương pháp tính GDP, nước nào cũng tính và họ tự kiểm tra độ chính xác thông qua kết quả khớp nhau giữa 3 cách tính (theo sản xuất, theo thu nhập và theo sử dụng). Quá trình tính toán, điều chỉnh lại GDP quá khứ cũng là bình thường, nhất là với các nước đang phát triển, do có thêm những thông tin, phát hiện mới. Vì đã là chỉ tiêu pháp lệnh thì phải thực hiện bằng mọi giá, có khen thưởng hay trừng phạt, nên dứt khoát không thể coi GDP là chỉ tiêu pháp lệnh, GDP chỉ là một chỉ tiêu định hướng, dự báo và là căn cứ để cân đối các chỉ tiêu khác. Chỉ có các chỉ tiêu tài chính, ngân sách mới nên coi là chỉ tiêu pháp lệnh. Lưu ý chỉ có Quốc hội mới có quyền đặt ra chỉ tiêu pháp lệnh và cũng có quyền điều chỉnh chỉ tiêu pháp lệnh khi tình hình thay đổi. Chính phủ chỉ có quyền tổ chức thực hiện (các chỉ tiêu pháp lệnh); nếu thực hiện không tốt thì hoàn toàn có thể bị Quốc hội bãi nhiệm nếu thấy đó là lỗi của chính phủ. GDP vẫn là một chỉ tiêu quan trọng, nhưng khi phân tích, đánh giá kết quả hoạt động kinh tế xã hội, dứt khoát không thể chỉ dựa vào GDP mà cần xem xét cả một hệ thống các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Có khoảng 20-30 chỉ tiêu cơ bản cần đưa vào hệ thống đánh giá như vậy.
Có nên đưa tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu pháp lệnh hay không? 
TS Phan Minh Ngọc trả lời phỏng vấn báo Đại biểu Nhân dân, 16/8/2014: Những hoài nghi về tính chính xác của chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm trong nước) một lần nữa dấy lên sau hội nghị của ngành kế hoạch và đầu tư hôm 7.8. Trong bối cảnh này, chúng tôi trao đổi với TS PHAN MINH NGỌC, hiện đang làm việc tại Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore về việc: có nên đưa tăng trưởng GDP trở thành chỉ tiêu pháp lệnh hay không?
Nhiều biến số kinh tế không thuộc phạm vi kiểm soát được của Chính phủ
- Ông bình luận như thế nào về nghịch lý tồn tại lâu nay: tất cả các địa phương đều báo cáo tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước; từ đó mà đóng góp vào tăng trưởng GDP của 20% số tỉnh đã lớn hơn của cả nước.

- Số liệu GDP của các địa phương cộng lại không giống với số liệu GDP của cả nước là điều hiển nhiên vì Tổng cục Thống kê cho biết các địa phương thu thập thông tin, biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chứ không phải là chỉ tiêu GDP như áp dụng trên phạm vi cho cả nước. Theo giải thích mới đây của Tổng cục Thống kê, điểm tạo nên khác biệt giữa 2 chỉ số này là nguyên tắc thường trú, vốn khó được áp dụng để thu thập thông tin tính GRDP. Ngoài ra, cũng theo Tổng cục Thống kê, áp lực chạy theo mục tiêu KT - XH buộc các địa phương phải biến báo GRDP cũng là một trong những lý do cho sự sai khác trên.
 
Nếu đã hiểu bản chất rồi thì sẽ không thấy vấn đề trên là nghịch lý nữa. Nhưng lại cần phải nói thêm rằng 2 chỉ tiêu này do không có tính tương thích - tổng GRDP các địa phương không bằng GDP cả nước, cũng như xu hướng biến báo GRDP của các địa phương đã đặt ra vấn đề: có cần thiết phải duy trì việc thu thập và biên soạn chỉ tiêu GRDP nữa hay không?

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, do bệnh thành tích đã quá nặng mà không có cơ chế và năng lực phát hiện, xử lý nên tốt nhất là bỏ chỉ tiêu GRDP, hoặc để cho Tổng cục Thống kê tiến hành một cách thống nhất, trung lập, khách quan cho các địa phương.
 
- Vậy còn trong cách tính GDP cả nước hiện có vấn đề gì không, thưa Ông?

- Tổng cục Thống kê luôn khẳng định phương pháp tính GDP của họ là theo chuẩn mực quốc tế, kết quả tính toán đã được các tổ chức quốc tế công nhận để lấy đó làm lý do thuyết phục rằng số liệu GDP của cả nước do đơn vị này công bố là chính xác, chuẩn mực. Nhưng có điều không ai có thể kiểm tra chéo được chất lượng tiến hành thu thập thông tin và xử lý số liệu để biết được chất lượng thống kê ra sao. Người ta vẫn nghe đây đó việc các cán bộ thống kê điều tra mà ngồi ở nhà, giao các phiếu điều tra cho ai đó tự điền vào.
 
Hơn nữa, mặc dù cứ cho là Tổng cục Thống kê có quy trình và làm đúng quy trình, nhưng họ sẽ giải thích ra sao khi từ năm ngoái họ lại điều chỉnh tăng quy mô giá trị tăng thêm của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà ở tự có của dân cư trên vào đầu năm 2013 đồng thời với việc áp dụng tính toán theo năm gốc 2010 và tính chuyển từ ngành kinh tế (VSIC) 1993 sang VSIC 2007? Tổng cục Thống kê nói rằng đã áp dụng thống nhất khái niệm, nội dung, phương pháp tính hệ thống tài khoản quốc gia 1993 của Liên Hiệp Quốc để biên soạn số liệu GDP nhưng vẫn phải thừa nhận rằng trong quá trình điều tra thu thập thông tin, xử lý, biên soạn và phân tích số liệu GDP từ phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng, họ nhận thấy hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP. Điều này có nghĩa là mặc dù đã làm đúng quy trình, nhưng từ trước đến năm 2012, có thể thấy, hóa ra Tổng cục Thống kê vẫn tính sai GDP!
 
- Tại các Kỳ họp cuối năm, Quốc hội cân nhắc và biểu quyết chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho năm tới, hoặc cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Theo Ông, có nên đưa tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu pháp lệnh như vậy hay không?

- Câu trả lời phụ thuộc vào việc chỉ tiêu GDP có thực sự là pháp lệnh không, Chính phủ có bị trừng phạt khi không thực hiện được chỉ tiêu này hay không?
 
Nếu câu trả lời là có thì theo tôi không nên coi chỉ tiêu GDP là chỉ tiêu pháp lệnh. Có nhiều biến số kinh tế không thuộc phạm vi kiểm soát, điều chỉnh được bởi Chính phủ. Bản thân việc lập ra mục tiêu tăng trưởng GDP của Quốc hội cũng đa phần là định tính nên sẽ là không công bằng lắm khi bắt buộc Chính phủ phải thực hiện được chỉ tiêu này bằng mọi giá, chưa kể những hậu quả xấu lên môi trường, lên bất ổn vĩ mô và xã hội một khi Chính phủ phải hoàn thành kế hoạch này.
 
Còn nếu câu trả lời là không thì tính pháp lệnh của chỉ tiêu này không còn quan trọng nữa. Và thực tế thường là khả năng này, khi Chính phủ luôn có lý do để giải trình, trình bày với Quốc hội để xin giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP mỗi khi có khả năng không hoàn thành, và Quốc hội thường sau một hồi nâng lên đặt xuống thì cũng nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ cho giảm chỉ tiêu tăng trưởng. 
 
GDP không phản ánh được mặt trái của tăng trưởng

- GDP ở nước ta được coi là chỉ số đo lường kết quả kinh tế quan trọng nhất của địa phương cũng như cả nước. Các nước khác có quan niệm như vậy không, thưa Ông?

- Theo Tổng cục Thống kê, có một số nước cũng áp dụng tính GDP cho địa phương. Trong số các nước đó thì tôi biết Trung Quốc vẫn đang duy trì từ lâu việc tính GDP cho các địa phương, và có lẽ chỉ duy nhất Trung Quốc và Việt Nam coi trọng chỉ tiêu GDP địa phương, thậm chí lấy đó làm thước đo chính đánh giá mức độ thành công của các địa phương này, cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ và là cơ sở để đề bạt, thăng chức cho cán bộ lãnh đạo các địa phương đó.
 
Các nước khác, chỉ có một chỉ tiêu GDP cho cả nền kinh tế, cũng vẫn có xu hướng coi trọng tốc độ tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP chậm lại, hoặc nghiêm trọng hơn, tăng trưởng âm trong quý nào đó thì lập tức chính quyền phải đau đầu họp bàn, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Thậm chí GDP trồi sụt sẽ là cơ sở để một đảng nào đó lên cầm quyền hoặc ra đi, và các thị trường tiền tệ tài chính chao đảo. Điều này chứng tỏ rằng hiện nay và trong thời gian sắp tới, chỉ tiêu GDP vẫn có sức chi phối rất lớn đến hoạch định chính sách của nhà cầm quyền và sự chú ý của xã hội.
 
- Có nghĩa GDP vẫn là một chỉ tiêu quan trọng, thưa Ông?

- Theo tôi, trong bối cảnh các nước chưa thống nhất, chưa tìm được một chỉ tiêu thay thế cho GDP để đánh giá hiệu quả mức độ thịnh vượng, sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế thì GDP vẫn sẽ tồn tại và là một chỉ tiêu quan trọng hàng đầu cần xem xét trong hoạch định chính sách của Chính phủ. Nhưng tôi nhắc lại rằng chỉ tiêu GRDP như ở Việt Nam và Trung Quốc là không cần thiết, cần loại bỏ, ít nhất chừng nào chưa khắc phục được những lý do chính làm cho nó không chính xác như nói ở trên.
 
- Như vậy, việc có một thước đo GDP chính xác có ý nghĩa như thế nào?

- Nếu GDP được tính chính xác thì đương nhiên nó sẽ là thước đo tốt nhất (tính đến hiện tại) sự thịnh vượng và phát triển của một quốc gia theo thời gian. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng hiện nay có một số nước, một số tổ chức lên tiếng kêu gọi thế giới tìm kiếm và xây dựng một vài chỉ tiêu thay thế GDP, với những lý do như GDP không phản ánh được những mặt trái của câu chuyện tăng trưởng kinh tế như giãn cách giàu nghèo tăng lên, hủy hoại môi trường để chạy theo con số tăng trưởng GDP, sự không hài lòng, bất hạnh của người dân trong một xã hội chạy theo chủ nghĩa vật chất v.v...
 
Ngay ở Trung Quốc, gần đây đã có một số địa phương, đặc biệt những nơi có tỷ lệ người nghèo khổ lớn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chuyển sang dùng những chỉ tiêu thay thế cho GDP địa phương, như chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, lấy đó làm cơ sở đánh giá cán bộ lãnh đạo địa phương. Kinh nghiệm của Trung Quốc cũng là điều nên tham khảo cho một số địa phương của Việt Nam.
 
- Xin cảm ơn Ông!
Hồng Loan thực hiện

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=324343
http://phan-minh-ngoc.blogspot.ch/2014/08/co-nen-ua-tang-truong-gdp-thanh-chi.html?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed:+blogspot/pMpUg+(Phan+Minh+Ngoc)

6 comments:

  1. Câu hỏi: "Có nên đưa tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu pháp lệnh như vậy hay không?". Câu trả lời của bác dường như chỉ là một thuật ngụy biện với phương án trung dung, an toàn, hoàn toàn không phải là một nhận định có chính kiến. Bác hỏi: "Chính phủ có bị trừng phạt khi không thực hiện được chỉ tiêu này hay không?", rồi tự trả lời có và không. Có cũng vậy mà không cũng vậy. Nều quốc hội xem đây là một trong những KPI để đánh giá CP, kèm theo những điều kiện khác (KPI nào cũng có điều kiện cả, không KPI nào được thực hiện bằng mọi giá, mọi cách!) thì đâu thể nói là vì sợ ảnh hưởng đến môi trường hay bất ổn kinh tế vĩ mô. Phần trả lời này của bác hơi lạ, khg biết có bị "mớm" lời chăng mà không thấy bóng dáng Phan Minh Ngọc trog đó! Buồn!
    Reply
    Replies
    1. Tớ không hiểu rõ ý của đồng chí lắm, nhưng tớ khoái kiểu chê này! Thanks đồng chí cái đã.

      Khi viết cái này, tớ đương nhiên là chẳng bị ai mớm lời cả, chỉ trả lời sao cho thấy hợp nhất thôi. Có thể tớ chỉ muốn nói rằng ở VN thì kiểu gì cũng không thành vấn đề, chuyện đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu pháp lệnh hay không ấy. Nên suy ra câu trả lời này là chả cần bàn đến chuyện pháp lệnh hay không này làm gì cho thừa, đại loại vậy.
  2. Vậy theo bác thì lấy cái gì làm thước đo để đánh giá một CP? Tôi thì tin rằng dù có nhiều thước đo (KPI) chăng nữa thì GDP vẫn là cái "key" nhất trong những cái "key" kia, và đương nhiên cũng chiếm tỉ trọng cao nhất.
    Reply
    Replies
    1. Vấn đề là tớ chưa thấy ở đâu tăng trưởng là pháp lệnh cả, hình như cả ở TQ (hiện nay), trừ Bắc Hàn và Cu Ba thì tớ không rõ. Đúng là đặt ra và hoàn thành kế hoạch tăng trưởng vẫn là điều đặc biệt quan trọng, nhưng vì có nhiều yếu tố không thuộc kiểm soát của chính phủ (chẳng hạn tác động từ bên ngoài, như vụ giàn khoan TQ, hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới) nên rõ ràng không thể ép và trừng phạt chính phủ do đã không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng, dù kế hoạch này có thể đã được đặt thành pháp lệnh. Những hoàn cảnh này thì chính phủ rõ ràng sẽ nhận được sự thông cảm của dân chúng và các đảng đối lập (nếu có).
    2. Chính xác, những trường hợp bất thường, bất khả kháng như chiến tranh, đe dọa chiến tranh, thiên tai, bạo động... thì sẽ phải xem xét lại GDP. Nhưng nếu bình thường mà chỉ số GDP quá kém thì cũng cần phải đặt câu hỏi, chất vấn, yêu cầu giải trình... (chứ không phải trừng phạt), xem đó là KPI để đánh giá (chứ không xem là pháp lệnh). Cách dùng từ pháp lệnh có lẽ không bao hàm ý nghĩa là buộc chính phủ phải đạt chỉ tiêu này bằng mọi giá, nhưng bao hàm ý nghĩa là CP sẽ được quốc hội đánh giá performance thông qua chỉ tiêu này (và một số chỉ tiêu khác nữa). Như vậy sẽ tốt cho cả quốc hội lẫn chính phủ vì có cơ sở để hai bên cùng theo dõi và cùng đánh giá về sau (hơn là đánh giá định tính chung chung). Và khi CP vượt chỉ tiêu GDP (trong khi vẫn thỏa mãn những yêu cầu khác, chỉ tiêu khác) thì phải được khen chứ bác (đâu chỉ có chê thôi)!
    3. Tớ thì nghĩ đơn giản rằng chính phủ nào dù có hay không bị sức ép của Quốc hội hay của đảng đối lập đều muốn ghi dấu ấn thành tích của mình qua tăng trưởng, thịnh vượng. Nên tự nhiên thì chính phủ cũng đã và sẽ cố gắng hết sức mình (kể cả VN). Và khi không đạt được mục tiêu, trong bối cảnh không có những biến động đặc biệt, thì nó chỉ để lại sự mất điểm trong mắt cử tri và chính phủ có thể sẽ phải ra đi (trừ khi đảng cử). Nên chuyện đánh giá performance theo kiểu như đồng chí nghĩ có lẽ là không cần thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét