Formosa và tư duy của giáo dục Việt Nam
(PetroTimes) - Trong khi siêu dự án Formosa đang chuẩn bị "nhập khẩu" 10.000 công nhân Trung Quốc thì ngành giáo dục vẫn đang loay hoay với mấy đề án nghìn tỉ và nỗ lực không ngừng để đào tạo 2 vạn tiến sĩ trong tương lai gần.Dư luận xôn xao khi mà BQL Dự án Formosa đề nghị tạo điều kiện cho việc tiếp nhận hơn 8 nghìn công nhân, chủ yếu là người Trung Quốc. Dự án này do các nhà thầu Trung Quốc thi công nên họ thích dùng người của họ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng họ lại đưa ra lý do là: nhân lực Việt Nam không đủ trình độ và kinh nghiệm để lắp ráp các thiết bị kia.
Người Việt Nam có làm được ở Formosa không? Câu trả lời là dư sức!
Hãy nhìn vào công trình thuỷ điện Sơn La vẫn đang đưa điện lên lưới. Nhà máy này do những người Việt Nam xây dựng. Hãy nhìn giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch - Mộc Tinh khổng lồ được đóng hoàn toàn bởi tay người thợ cơ khí Việt Nam; Hãy nhìn vào những tấm huy chương được các công nhân, kỹ sư Việt Nam mang về trong các cuộc thi tay nghề quốc tế. Tuy lao động của chúng ta còn nhiều hạn chế: tinh thần lao động, tác phong và kỷ luật lao động còn chưa cao nhưng tay nghề kỹ thuật đã được chứng minh thậm chí còn tốt hơn nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Vấn đề nằm ở công tác đào tạo: thay vì xây dựng chương trình để chuyển hoá những bàn tay khối óc kia thành một lực lượng đông đảo, đủ kĩ năng và kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức thì những người làm giáo dục, lại loay hoay "đổi mới", thay đổi đủ thứ để hy vọng đào tạo ra những người có bậc học càng cao càng tốt. Đã nhiều cảnh báo, nhiều bài học thực tiễn rõ từ quá khứ vẫn còn nguyên giá trị, vậy mà chưa có một sự thay đổi nào, từ hành động cho tới tư duy của các nhà "cải cách" giáo dục
Chưa có cuộc nghiên cứu nào chỉ ra đóng góp cho GDP của nhưng người công nhân, kỹ sư đang ngày đêm trên công trường và mấy nghìn tiến sĩ đã được đào tạo nhưng cũng lờ mờ thấy ra một sự chênh lệch đáng kể. Lực lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cao chưa từng có; tiến sĩ nhiều nhất Đông Nam Á - nhưng cũng "vô dụng" bậc nhất trong khi một nơi đầy nhạy cảm như Vũng Áng - Hà Tĩnh thì sắp phải dang tay đón mấy nghìn người láng giềng sang làm nốt cái dự án còn dang dở.
Bài toán "thừa thầy thiếu thợ" lại được nêu lên.
Nhưng người ta có giải quyết nó không khi vẫn bận tư duy đề án đổi mới sách giáo khoa và sắm máy tính bảng cho học sinh vỡ lòng?
Bảo Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét