Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Cô dâu Việt ở làng nghèo Trung Quốc

Cô dâu Việt ở làng nghèo Trung Quốc
(Dân trí) - Đám cưới của họ được sắp đặt vì tiền, nhưng một số cô dâu Việt Nam, dù không tìm thấy “chàng hoàng tử” của mình khi sống ở những ngôi làng nghèo xa xôi của Trung Quốc, vẫn hài lòng với những gì họ đang có.
Nguyen Thi Hang tại cửa hàng bán đồ tạp hóa ở Linqi.
“Về mặt kinh tế, cuộc sống ở đây,Trung Quốc, khấm khá hơn”, Nguyen Thi Hang, một trong hơn hai chục phụ nữ Việt kết hôn với những người đàn ông ở Linqi cho biết. Thị trấn này là mảng chắp lại của những ngôi làng, xem giữa những cánh đồng ngô, nằm sâu trong những dãy núi của Hà Nam, một trong những tỉnh nghèo hơn của Trung Quốc. Nó cũng cách Việt Nam tới tận 1.700km. Nhưng đây là thị trường mới cho ngành mai mối hôn nhân đang nở rộ ở châu Á.

Ngành này đang được “tiếp liệu” nhờ nhu cầu của đàn ông nông thôn Trung Quốc, những người khó có thể tìm được vợ khi tình trạng bất cân bằng giới tính trong nước ngày một lớn.

Hang, 30 tuổi, đến Linqi vào tháng 11 năm ngoái. Cô đang phải nỗ lực giao tiếp với khách hàng tại cửa hàng bụi bặm của mình, nơi cô bán mỳ, cô-ca, và thuốc lá.

Cô cho biết điều kiện sống cơ bản của cô, một phòng ngủ bé xíu với những bức tường bê tông, và một nhà vệ sinh ở xa, ngoài trời, cạnh chuồng gà, còn khá hơn so với ngôi nhà trước của cô.

“Chúng tôi đã sống trong ngôi nhà gạch kém chất lượng ở Việt Nam và chúng tôi làm nông, làm việc quần quật trên cánh đồng lúa”, cô nói.

Cô cũng cho biết hôn nhân của cô với người đàn ông 22 tuổi địa phương do gia đình cô sắp đặt, với lễ cưới nho nhỏ được tổ chức ở cả quê cô và Trung Quốc.

“Tôi biết họ cho gia đình tôi ít tiền, nhưng tôi đã không dám hỏi cha mẹ về điều đó”, cô nói. “Người thân của tôi nói tôi cưới một người đàn ông Trung Quốc. Họ nói họ sẽ chăm sóc cho vợ họ và tôi sẽ không phải làm việc nặng nhọc, chỉ việc tận hưởng cuộc sống”, cô nói và mỉm cười với những đứa trẻ đang mua kẹo.

Chồng cô, công nhân xây dựng, đi xa suốt năm và đã không có nhà khi phóng viên AFP tới thăm. Nhưng người bố chồng tóc đã điểm bạc của cô dường như tự hào về thành viên mới của gia đình.

“Phụ nữ Việt giống như chúng tôi. Họ làm mọi việc và chăm chỉ”, Liu Shuanggen nói. “Không dễ gì tìm vợ ở nơi này. Phụ nữ khan hiếm.”

Trai ế

Vu Thi Hong Thuy khoe ảnh người chồng Trung Quốc.

Tỉ lệ sinh 118 bé trai/100 bé gái theo thống kê của chính phủ đã trở thành điệp khúc của ở Trung Quốc. Suốt nhiều thế kỷ, ở Trung Quốc, nhiều gia đình đã chọn sinh con theo giới tính, chọn bé trai thay vì bé gái.

Bất cân bằng giới tính đã dẫn đến sự bùng nổ trong “giá cô dâu”, khiến những người đàn ông ở vùng quê nghèo cảm thấy nặng nề nhất.

“Để kết hôn, gia đình cô dâu thường đòi xe, nhà. Vì vậy chỉ dễ kết hôn khi bạn có nhiều tiền”, người bán hàng có tên Wang Yangfang cho hay. “Ở Việt Nam, họ đòi với giá thấp hơn.”

Người dân ở Linqi cũng hé lộ giá chung để cưới một phụ nữ Việt là 20.000 Tệ (3.200USD), bằng ¼ giá của một cô dâu nội địa. Chính vì vậy mà hơn 20 phụ nữ Việt đã có gia đình mới ở khu vực này trong những năm gần đây.

Nhưng thương mại hôn nhân cũng không tránh khỏi những lạm dụng.


Ở một nhà bảo trợ tại Việt Nam, phóng viên AFP đã nói chuyện với hơn chục cô gái cho biết đã bị gia đình, bạn bè, thậm chí bạn trai lừa bán làm vợ cho đàn ông Truung Quốc.

Chính phủ Myanmar cho biết một báo cáo năm 2011 cho thấy hầu hết các vụ buôn người ở nước này là “ép buộc các cô gái và phụ nữ kết hôn với đàn ông Trung Quốc”.

Theo tờ China Daily, chỉ riêng năm 2012, cảnh sát Trung Quốc đã “giải cứu và trao trả” 1.281 phụ nữ nước ngoài bị bắt cóc và hầu hết là tới từ Đông Nam Á.

Các chuyên gia cũng cho rằng tình trạng luật pháp lỏng lẻo ở các vùng nông thôn khiến hàng ngàn vụ việc khác không bị phát hiện.

Ở Linqi, nhiều gia đình từ chối nói về các thành viên tới từ Việt Nam của họ.

Cô dâu chạy trốn

Khó có thể nói có bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người. “Không có con số chính xác”, giáo sư xã hội học Feng Gang, Đại học Chiết Giang cho biết. “Dường như tỷ lệ kết hôn ép buộc không lớn”.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc thường xuyên đưa tin về các vụ “cô dâu chạy trốn” ít lâu sau khi kết hôn.

Song cũng có một số trường hợp kết hôn tự nguyện. Đàn ông ở Linqi đã đến làm việc ở Việt Nam. Vu Thi Hong Thuy, 21 tuổi, đã gặp chồng mình như vậy. “Chúng tôi quen biết nhau, yêu nhau, rồi kết hôn”, cô nói.

“Ở Việt Nam… chúng tôi làm việc quần quật, nhưng có thể không đủ sống. Tôi nghĩ cuộc sống của tôi khá hơn, với chỉ một mình chồng làm việc.”

Bất chấp căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam-Trung Quốc, các trang web “hẹn hò Việt Nam” vẫn nhộn nhịp, với nhiều hình của phụ nữ Việt được miêu tả là “tốt bụng”, “ngoan”.

“Chúng tôi lấy 3.000 Tệ để sắp xếp các cuộc hẹn ở thành phố Hồ Chí Minh. Nếu hai bên đồng ý cưới, thêm 36.000 Tệ nữa để sắp xếp lễ cưới, gồm cả chụp ảnh”, một nhân viên của trang web cho hay.

Và cũng có điều kiện trong trường hợp cô dâu chạy trốn. “Nếu người phụ nữ ly hôn hoặc chạy trốn trong vòng 2 tháng đầu, chúng tôi sẽ có trách nhiệm tìm người khác”, cô cho biết thêm.

Vũ Quý
Theo AFP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét