Đừng "làm giàu trước, dọn dẹp thiệt hại sau"
Quan điểm "làm giầu trước hết, dọn dẹp thiệt hại sau" được thực hiện ở nhiều quốc gia trong mấy thập kỷ qua đã gây hại khôn lường. Không cần đâu xa, chỉ cần nhìn vào chất lượng sống xuống cấp ở các thành phố Trung Quốc và làn sóng di cư của những người khá giả ra khỏi nước này để thấy rõ là tiền không mua được hạnh phúc. Khi quan hệ giữa người và người và giữa người với thiên nhiên đã trở nên cằn cỗi thì có ngồi trong Lexus người ta cũng chỉ là một kẻ bất hạnh.Việt Nam có mức độ phát triển như thế nào, khi so với quốc gia Châu Á khác, ví như Hàn Quốc chẳng hạn? Với câu hỏi này, phản xạ đầu tiên của chúng ta là đi tìm thu nhập bình quân đầu người để so sánh. GDP trên đầu người của Hàn Quốc hiện nay là 26000 USD, gấp 14 lần Việt Nam.
Thật là một phép tính nhanh gọn và tiện lợi, và đó cũng là lý do vì sao một con số thống kê khô khan như GDP lại nổi tiếng rộng rãi hơn bất cứ một ngôi sao màn bạc nào.
Được giới thiệu năm 1932 bởi nhà kinh tế học Simon Kuznets, nó nhanh chóng có một sự nghiệp ngoạn mục. Năm 1944, nó trở thành chuẩn mực quốc tế để đo lường một nền kinh tế. Năm 1978, bảng thống kê quốc tế đầu tiên, với số liệu từ hơn 100 nước, cho phép người ta so sánh các quốc gia với nhau, như chúng ta vừa làm giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Năm 1999, Bộ Công thương Hoa kỳ tuyên bố GDP là một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Tới nay, nó là vẫn là chỉ số đầu tiên và quan trọng nhất được dùng để đánh giá xem chính phủ một đất nước làm ăn thế nào.
Và đấy cũng là nguồn căn của vấn đề. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 tăng hơn gấp rưỡi so với 2009. Nhưng bạn có thấy cuộc sống của mình tốt đẹp lên nhiều như vậy hay không? Tôi cá là không. Trong 5 năm qua bạn có thể đổi được cái xe máy, thay bộ sa lông cũ, mua một cái iPad, và cho gia đình đi chơi Singapore. Thế nhưng, so với 5 năm trước, hàng ngày bạn bị hít khói lâu hơn trong cái biển xe tắc đường lúc tan tầm, cây xanh và hồ nước trong thành phố ngày một ít đi, mở báo ra thì toàn rác và kền kền rỉa xác, phong bì tết cho sếp ngày càng phải dầy lên, đi nộp thuế cũng bị hành lên hành xuống.
Như ta đã thấy, GDP không phản ánh được đầy đủ chất lượng cuộc sống, hay "mức độ phát triển".
Những vấn đề như bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, bạo lực xã hội, bất công v.v... không xuất hiện trong đó. Người ta tính rằng, nếu tính đến những huỷ hoại môi trường ở Trung Quốc thì hàng năm phải đánh tụt GDP của nước này tới 3%. Luật pháp Brunei, nước giầu thứ 5 trên thế giới theo thu nhập bình quân, cho phép ném đá tới chết những người đồng tính và những người ngoại tình. Ở Saudi Arabia, một quốc gia giàu có tương đương với Ý và New Zealand, phụ nữ không được phép lái ô tô, không được xuất cảnh mà không có nam giới đi kèm, và sẽ chỉ được bầu cử lần đầu vào năm 2015 tới. Bạn có muốn sống ở những quốc gia "thịnh vượng" đó không?
Một cuộc sống hạnh phúc, tóm lại, không phải chỉ có cơm no, áo ấm, mà là khi con người tin tưởng nhau, hàng xóm láng giềng chan hoà, thân ái, và người dân được chính quyền tôn trọng thông qua những thể chế dân chủ.
Quan điểm "làm giầu trước hết, dọn dẹp thiệt hại sau" được thực hiện ở nhiều quốc gia trong mấy thập kỷ qua đã gây hại khôn lường. Không cần đâu xa, chỉ cần nhìn vào chất lượng sống xuống cấp ở các thành phố Trung Quốc và làn sóng di cư của những người khá giả ra khỏi nước này để thấy rõ là tiền không mua được hạnh phúc. Khi quan hệ giữa người và người và giữa người với thiên nhiên đã trở nên cằn cỗi thì có ngồi trong Lexus người ta cũng chỉ là một kẻ bất hạnh.
Đặng Hoàng Giang
Phó GĐ CECODES (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng )
( Tuần Việt Nam )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét