Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Rất nên hạn chế bia rượu, nhưng phải làm thế nào?

Rất nên hạn chế bia rượu, nhưng phải làm như thế nào?
Dự luật của Bộ Y tế, cấm bán bia rượu sau 22 giờ đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong dư luận. Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi thì đây là một trong những dự luật hiếm hoi có giá trị tích cực và tính nhân văn. Bia rượu là nguyên nhân gián tiếp gây ra bao nhiêu là bất hạnh cho người dân Việt Nam mà có lẽ nổi bật nhất là vấn đề sức khỏe của người dân, tai nạn giao thông, nạn bạo hành trong gia đình và các tệ nạn xã hội khác...
Loài người đã biết uống rượu từ thời cổ đại và dân tộc nào cũng biết uống rượu. Uống khi vui, uống khi buồn và uống cả khi không có lý do gì. Rượu là người bạn tri kỷ của nhiều người, nhất là đối với giới văn nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm để đời của các thi sĩ cũng là nhờ… rượu. Rượu cũng là công cụ giao tiếp và làm cho con người xích lại gần nhau. 
“Bạn rượu” là một tình bạn khá thủy chung và chỉ đứng sau “bạn đời”.


Nhờ rượu mà con người dễ tâm tình và bộc lộ những tình cảm sâu kín hay khó nói. Rượu cũng làm cho con người có dũng khí và mạnh mẽ hơn “nam vô tửu như kỳ vô phong”. Có những người khi không có rượu thì rất nhút nhát nhưng khi rượu vào rồi thì mặc sức ba hoa, cho nên mới có câu “rượu vào lời ra”…

Cũng như bao thứ khác trên đời, rượu cũng có tính hai mặt. Tích cực và tiêu cực. Ngoài những tích cực của rượu đã nêu trên thì rượu cũng là một chất gây kích thích, nếu uống đủ liều lượng thì rượu có tác dụng an thần, giảm lo âu và mệt mỏi, tăng hưng phấn và kích thích thần kinh làm việc tốt hơn… Nhưng nếu uống quá độ thì rượu sẽ gây rối loạn tâm thần, khiến cho người uống mất tự chủ và không điều khiển được bản thân và đây chính là cội nguồn gây ra đau khổ và bất hạnh cho những người xung quanh và cho chính bản thân người uống.

Đàn ông thì hầu như ai cũng biết uống rượu nhưng uống như thế nào lại là cả một câu chuyện dài và không có hồi kết. Người Việt Nam có lẽ là vô địch thế giới về uống rượu và sở hữu các loại rượu. Ngoài những loại rượu thông thường mà cả thế giới thường uống như rượu trắng (vốt-ca), rượu cô-nhắc, uýt-ky, rượu màu (vang), rượu mùi (hoa quả)… thì người Việt còn có hàng trăm loại rượu khác và chủ yếu là rượu ngâm các loại cây thuốc và động thực vật. Từ những loại cây cỏ chữa bệnh cho đến các loại động vật, từ bò cạp cho đến chúa sơn lâm, từ mật mèo đến cao hổ cốt… tất tật đều được cho vào rượu ngâm để uống. Người ta tin rằng những loại thuốc đó có tác dụng bồi bổ sức khỏe và giúp đàn ông mạnh mẽ hơn trong chuyện chăn gối dù rằng chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể và nghiêm túc nào. Tất cả chỉ là truyền thuyết và đồn thổi.

Xuất phát từ những niềm tin mơ hồ, người Việt Nam rất chịu khó sưu tầm các loại rượu “đặc biệt” và xem đó là cách tốt nhất để nâng cao sức khỏe, thay vì chịu khó vận động và tham gia các môn thể thao. Người Việt lạm dụng rượu một cách đáng báo động. Người người uống rượu, nhà nhà uống rượu. Uống rượu mọi lúc mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Người ta có thể uống rượu ngay từ buổi sáng sớm, buổi trưa và nhất là buổi tối. Sau giờ làm việc thì hầu hết đàn ông ở các thành phố lớn đều có mặt ở quán nhậu. Tùy theo thu nhập và túi tiền để ngồi ở những chỗ khác nhau, từ những nhà hàng sang trọng cho đến quán cóc bên đường với mấy cốc bia cỏ hay xị rượu đế với gói lạc rang hay quả me quả cóc.

Rượu bia thật sự đang hủy hoại nòi giống Việt, đã có quá nhiều hệ lụy do việc lạm dụng bia rượu gây ra và chúng ta nên lấy làm lo ngại khi người Việt Nam chiếm ngôi vô địch Đông Nam Á về tiêu thụ bia rượu với hơn 3 tỉ lít bia và hàng triệu lít rượu các loại mỗi năm.

Vì sao người Việt lại uống rượu bia nhiều như vậy? 

Đây là một chủ đề khá rộng lớn mà chúng tôi chỉ có thể trình bày tới độc giả trên cái nhìn và đánh giá của những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp.

Lý do đầu tiên khiến người Việt uống nhiều bia rượu xuất phát từ sự mất niềm tin vào tương lai. Một người có niềm tin vào cuộc sống và có những kế hoạch rõ ràng cho tương lai sẽ không bao giờ lạm dụng bia rượu vì họ cần tỉnh táo để suy tính và làm việc nhằm đạt được mục đích của mình, kế hoạch của mình.

Lý do thứ hai là người Việt luôn bất an trong cuộc sống, họ lo lắng cho công việc và cuộc sống hiện tại lẫn cả tương lai, họ không hiểu ngày mai sẽ ra sao và vì thế họ tìm đến rượu để quên đi hiện thực hoặc để tự trấn an mình.

Lý do thứ ba đó là do người Việt bế tắc trong cuộc sống, do sống trong một môi trường căng thẳng và một cuộc sống khó khăn cho nên họ phải tìm đến với rượu để giải sầu và quên đi những nhọc nhằn hàng ngày.

Lý do thứ tư: Người Việt không có không gian để chia sẻ và giao lưu với nhau. Ngoài giờ đi làm về họ không tham gia vào một tổ chức dân sự nào (do xã hội dân sự vẫn bị nhà nước cấm đoán). Quán rượu là nơi để họ gặp gỡ bạn bè, người quen, đồng nghiệp để trút bầu tâm sự, bàn chuyện nhân tình thế thái hay giản dị hơn là để chửi bới mấy ông sếp khó tính và khó chịu của họ.

Lý do cuối cùng là thói quen. Khi việc ăn nhậu đã trở thành “chuyện thường ngày ở Huyện” và đã ngấm vào máu của mỗi người thì chuyện bia rượu đôi khi chỉ vì thói quen, ở nhà thấy buồn và bứt rứt, không khí của quán xá đã trở thành thân quen và gần gũi…

Ngoài những tác hại mà rượu bia gây ra như chúng ta đã biết thì còn một tác hại vô cùng lớn nữa là nó làm suy kiệt tinh thần và thể chất của người Việt. Thử hỏi một dân tộc suốt ngày ăn nhậu và say xỉn như vậy thì còn làm được cái gì cho bản thân mình, cho đất nước mình? Chưa kể mỗi năm mất một lượng tiền khổng lồ lên đến hàng tỉ đô-la cho bia rượu. 

Làm thế nào để hạn chế việc uống bia rượu và nên bắt đầu từ đâu?

Thật lòng là chúng tôi nghi ngờ rằng dự luật này sẽ không được thông qua. Dù rất nhân văn nhưng khó thực thi và quan trọng là nó đi ngược lại với lợi ích của chính quyền Việt Nam và các nhóm lợi ích liên quan đến việc sản xuất và nhập khẩu bia rượu. Với chính quyền Việt Nam thì khi một đám đông dân chúng suốt ngày lê la ở quán nhậu hò hét và chém gió mà không hề quan tâm đến chính trị và tình hình đất nước thì đó là điều rất tuyệt vời. Mọi việc đã có đảng và nhà nước lo, cuộc đời cứ đến đâu hay đến đó, sống hôm nay không cần biết đến ngày mai. 

Nếu đã vì tương lai và tiền đồ của nòi giống thì không có chuyện chính quyền thả cửa cho nhập khẩu bia rượu vô tội vạ vào Việt Nam đến như vậy. Giấy phép nhập khẩu bia rượu phải mua với giá rất cao vì vậy các vị cấp giấy phép này sẽ phản đối Bộ Y tế để dự luật này không được thông qua và đồng tiền sẽ chiến thắng.

Chính vì sự thiếu thống nhất, lợi ích phe nhóm và sự bất lực của chính quyền nên dự luật này sẽ chết yểu như bao điều tốt lành khác. 

Nếu chúng tôi là đảng cầm quyền thì chúng tôi sẽ làm như sau:

1) Kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng của tất cả các loại đồ uống có cồn trước khi được lưu thông ra thị trường. Một cơ quan kiểm định độc lập của nhà nước sẽ làm việc này với tất cả các nhãn hiệu đăng ký kể cả các loại rượu thuốc. Nhà nước khuyến khích và bảo hộ cho các loại rượu có đăng ký nhãn mác và chất lượng. Nhà nước không khuyến khích và không chịu trách nhiệm với các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ và đăng ký. Một lộ trình (khoảng 5 năm) sẽ được đặt ra để chấm dứt việc sản xuất và lưu hành các loại rượu không đăng ký nhãn mác và chất lượng.

2) Thay vì cấm đoán người dân, nhà nước sẽ làm gương trước bằng cách cấm cán bộ và công chức của nhà nước uống rượu bia trong giờ hành chính. Nếu người dân phát hiện ra một công chức nhà nước uống rượu bia trong lúc làm việc thì có thể gọi điện cho cơ quan chức năng đến giải quyết. Các cơ quan nhà nước sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng bia rượu kể cả trong các ngày lễ.

3) Tăng thuế trên các mặt hàng như bia rượu và thuốc lá để hạn chế sử dụng. Với người dân nhà nước sẽ qui định giới hạn tuổi tối thiểu để có thể mua và tiêu thụ bia rượu. Các địa điểm bán rượu phải có giấy phép và có qui định về giờ giấc.

4) Sẽ có những hình phạt cụ thể đối với những người say rượu đánh nhau và gây gổ, kể cả tại nhà riêng nếu có người tố cáo. Nghiêm cấm tuyệt đối việc người dân tham gia giao thông uống rượu với phương châm “đã uống bia rượu là không được lái xe”.

5) Mở rộng tối đa không gian cho xã hội dân sự và các khu tập thể dục thể thao. Chính quyền cần hướng dẫn và tạo mọi điều kiện để người dân tìm đến những thú vui lành mạnh khác để nâng cao trí tuệ, tinh thần và sức khỏe thay vì uống bia rượu…

Một con người hoàn thiện là phải khỏe mạnh về thể lực và minh mẫn về tinh thần. Một gia đình và một quốc gia cũng vậy. Dân tộc Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh và phát triển khi mỗi công dân Việt nam khỏe mạnh và minh mẫn. Tất nhiên từ bỏ thói quen lạm dụng bia rượu là không dễ. Cần có sự hợp tác và cảm thông giữa người dân và chính quyền. Một dự luật dù có đúng đắn đến đâu đi nữa nhưng nếu không được người dân hợp tác thì cũng sẽ thất bại. Và muốn có sự hợp tác của người dân thì trước hết chính quyền phải minh bạch và có uy tín.

Việt Hoàng
(Thông luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét