Làm sao khiến thế giới 'phải lòng' VN
"Chúng ta đang loay hoay trên một kho nguyên liệu khổng lồ và đầy số phận mà chưa làm được gì xứng đáng. Trong khi có dân tộc, họ đứng trên sa mạc, để kiếm một giọt nước cũng khó. Nhưng chỉ cần một giọt nước hiện thực đó thôi, họ đã tạo nên những tác phẩm kỳ vĩ", nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều |
Mạc Ngôn và sự chạnh lòng của nhà văn Việt
Khi mà Mạc Ngôn giành được giải Nobel văn học, có người nói đó là hiển nhiên, vì đất nước Trung Quốc rộng lớn hơn ta, nền văn hoá của họ rực rỡ hơn ta, dân họ cũng đông hơn dân ta. Liệu việc chúng ta có thể lấy lý do đó để giải thích cho việc chúng ta vẫn là những người thua kém? Mạc Ngôn không phải người đầu tiên đem lại sự chạnh lòng cho dân tộc chúng ta.
Có những dân tộc bé hơn dân tộc chúng ta, lịch sử có vẻ "mờ nhạt" hơn chúng ta, dân số của họ cũng ít hơn chúng ta, số lượng nhà in và số lượng cửa hàng sách ít hơn chúng ta...thế mà họ đã mang đến cho thế giới những giá trị thật lớn lao. Như Ireland chẳng hạn: một dân tộc đơn giản với ba, bốn triệu người chủ yếu bằng nông nghiệp, nhưng họ vẫn có những cái tên vĩ đại như James Joyce, Samual Becket, Seamus Heaney... Chỉ có 4 triệu dân, nhưng họ đã có 4 giải Nobel văn học.
Hay Na Uy, nơi sinh ra những nhà văn nghệ sỹ vĩ đại như Edvard Grieg, Henrik Ibsen... Các nhà văn Na-uy nói với tôi : 5 năm phát xít Đức chiếm đóng Na Uy - 5 năm đó đã khắc vào sông núi, khắc vào con người Na Uy một lịch sử đau đớn không thể quên được. Đó là nguồn chất liệu vô giá của họ, là kho vàng mà họ vẫn khai thác.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ của chúng ta dài và tàn khốc nhất thế kỷ 20. Chúng ta phải tiếp tục viết về tư cách của một dân tộc và số phận của con người trong lịch sử khốc liệt ấy. Chúng ta có tất cả. Nhưng chúng ta đang loay hoay trên một kho nguyên liệu khổng lồ và đầy số phận mà chưa làm được gì xứng đáng. Trong khi có dân tộc, họ đứng trên sa mạc, để kiếm một giọt nước cũng khó. Nhưng chỉ cần một giọt nước hiện thực đó thôi, họ đã tạo nên những tác phẩm kỳ vĩ. Chúng ta có cả một hồ nước đầy, nhưng nước vẫn chỉ là nước mà thôi.
Dân tộc Colombia, một dân tộc đau khổ với chiến tranh, với nghèo đói, với ma tuý, với bạo lực... nhưng dân tộc đó vẫn vươn lên, với những ngày thơ mà ở đó, tôi thực sự bàng hoàng vì tình yêu thi ca, yêu cái đẹp của họ. Colombia có một Marquez khiến họ tự hào. Rất nhiều nhà văn của VN ngày ngày thở dài mong có một cái làng Macondo: nghĩa là có một hiện thực để làm nên một tác phẩm như Trăm Năm Cô Đơn.
Và tôi đã phải nói với họ, trong sự buồn bã, giận dữ và bất lực rằng : tất cả các làng quê VN đều có thể là một làng Macondo với hiện thực đầy kỳ kiệu, lớn lao, đầy nhân tính, đầy số phận... nhưng chúng ta chỉ thiếu duy nhất một thứ: chúng ta không có một Marquez cho làng mình.
Hơn nữa, phải thẳng thắn rằng các quốc gia mà chúng ta vừa nói ở trên hơn hẳn chúng ta về khả năng định hướng và sự đầu tư đúng đắn cho nền văn học của đất nước họ. James Joyce viết ra tác phẩm Ulysses, một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của loài người. Đó là một tác phẩm khó vô cùng để có thể dịch. Thế nhưng tôi đã gặp một nhà văn TQ và tôi đã giật mình khi ông ta nói ông ta chuẩn bị sang Ai Len sống, học tập và nghiên cứu nhà văn James Joyce và Ulysses. Ông được phân công và đầu tư 10 năm để làm sao trong 10 năm phải chuyển được tác phẩm kia một cách hay nhất cho người TQ đọc.
Đầu tiên, tác phẩm đó vào, không phải những người công nhân, nông dân, mà phải tầng lớp rất cao của xã hội mới có thể đọc được nó, hiểu được nó. Và dần dần, họ khai mở cho những tầng lớp khác. Truyện Kiều của Việt Nam cũng như thế. Đừng nghĩ rằng ngay từ đầu, truyện Kiều sinh ra đã dành cho những người bình dân. Những người đầu tiên có thể đọc được Kiều là những bậc trí giả.
Cách đây hơn 20 năm, Fidel Castro đã thành lập ra trường điện ảnh Mỹ - La Tinh. Ông đã mời một số những người vĩ đại nhất của Châu Mỹ - La Tinh để giảng dạy, trong đó có Garcia Marquez. Quan điểm của Nhà nước Cu Ba là hãy mời những vĩ nhân đến đó, để những tri thức Cu Ba được khai mở, được giao lưu. Và từ đó, sự khai mở đó lan dần, lan dần ra cả xã hội Cu Ba.
Nếu không có một nền văn học nghệ thuật uyên bác, nghệ thuật cao, tư tưởng lớn thì chúng ta không thể tạo ra được những nhà văn có đủ phẩm chất để tạo nên những tác phẩm lớn.
Nhà văn không có quyền mặc định người đọc
Tôi có thể hiểu ý ông là chúng ta chưa có một nền văn học nghệ thuật uyên bác? Và đó là một chướng ngại vật cản trở sự phát triển của văn học?
Có lần, tôi đã nói với các nhà quản lý lĩnh vực văn học nghệ thuật: một trong những điều mà tôi cho là quan trọng nhất đối với sự phát triển của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung là lâu nay chúng ta đã nghiêng về một nền văn học nghệ thuật phong trào chứ không phải một nền văn học nghệ thuật chuyên nghiệp.
Chúng ta phải thật bình tĩnh nhìn nhận vấn đề này. Chúng ta đã làm phong trào quá lâu và quá nhiều: làm phong trào về điện ảnh, về sân khấu, về văn chương. Cái "phong trào" tác động từ nhiều phía vào cảm hứng và tư duy về nghệ thuật của con người. Một đứa bé bắt đầu có nhận thức thì cái nó tiếp nhận hầu như chỉ là nghệ thuật phong trào chứ không phải những giá trị kinh viện, uyên bác, học thuật.
Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chính mỗi công dân Việt Nam lớn lên, trong đó có những người sẽ cầm bút và tiếp tục viết một loại văn chương phong trào như thế. Đó là điều mà tất cả những ai liên quan và quan tâm đến văn học nghệ thuật nước nhà phải suy ngẫm một cách thấu đáo. Nếu chúng ta chỉ làm phong trào, chúng ta sẽ chỉ có một kết quả phong trào.
Nhà văn không được phép nghĩ rằng vì những người nào đó không biết chữ thì ta sẽ đem đến cho họ loại văn chương của những người không biết chữ. Chúng ta chỉ được phép mang đến cho tất cả họ, dù họ là bất cứ ai, bất cứ tầng lớp nào, một thứ văn chương duy nhất: đó là thứ văn chương lộng lẫy và cao cả nhất.
Những người nông dân dù mù chữ vẫn khao khát được hướng đến văn chương đích thực. Họ như những cánh đồng sẵn sàng đón nhận những mầm cây đẹp nhất cho tâm hồn họ. Và sứ mệnh của các nhà văn là người mang hạt giống tốt nhất đến cho cánh đồng đó. Chúng ta không được quyền mặc định cánh đồng đó chỉ được gieo loại giống thứ cấp như văn học loại 2. Nghĩ như vậy là một sai lầm trầm trọng, và chúng ta đang mắc sai lầm đó.
Vậy những người lãnh đạo Hội nhà văn như ông đã làm gì để thay đổi?
Không chỉ mấy ông bà trong Ban chấp hành HNV làm được điều đó mà phải là tất cả các nhà văn phải tìm cách để chống lại xu hướng phong trào hóa nền văn học nghệ thuật này. Và nếu chỉ có một mình HNV, thì HNV sẽ trở thành một ốc đảo trước tất cả những phong trào cuồn cuộn quanh họ. HNV thực hiện trao giải thưởng hàng năm, tiến hành hội thảo, trao đổi văn hóa, tạo ra diễn đàn như tạp chí VH nước ngoài, tạp chí Nhà văn mà bây giờ là tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, tạp chí thơ, báo Văn Nghệ, Văn nghệ Trẻ.
Đó là cách để từng bước chuyên nghiệp hoá văn chương VN. Nhưng với cách thức mà chúng ta vẫn tư duy lâu nay, tính phong trào vẫn lan tràn trong nhiều hoạt động văn học nghệ thuật. HNV không hoàn toàn chống lại được cái chủ nghĩa phong trào đó. Nói cách khác, chủ nghĩa phong trào đang trở thành một cái gì đó không thể cưỡng nổi trong xã hội.
Thế giới biết đến VN với những cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng đã đến lúc, chúng ta phải giới thiệu với thế giới về một Việt Nam với những góc nhìn khác. Mà sức ảnh hưởng của văn học trong việc này là vô cùng to lớn. Giống như ta có thể yêu một đội bóng và rồi yêu một quốc gia nào đó.
Qua một tác phẩm văn học, ta cũng có thể khiến một người nào đó "phải lòng" Việt Nam. Colombia đã từng vận động đăng cai WC rất nhiều lần. Nhưng sau khi Marquez đạt giải Nobel văn học với "Trăm năm cô đơn", Tổng thống Colombia đã nói: "Chúng ta không cần phải đăng cai WC nữa. Chúng ta đã có một Marquez. Thế là đủ để thế giới biết về Colombia". Tôi cũng mơ, một ngày chúng ta có thể làm được điều đó, để bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể tự hào về một nhà văn Việt Nam nào đó như người Colombia tự hào về Marquez!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét